Monday, 31 August 2015

Đối sách của Trung quốc đối với Các Tổ chức không thuộc chính quyền (Trần Bình Nam dịch từ The Economist)





Trần Bình Nam dịch từ The Economist
12:09:pm 30/08/15

Lời giới thiệu: Tài liệu này viết theo bài báo: NGO- Non-governmental Organizations- : Uncivil society. A new draft law spooks foreign not-for-profits groups working in China – The Economist số ngày 22-28/8/2015.

Tuy là chuyện của Trung quốc, nhưng như một thông lệ Việt Nam cũng sẽ rập theo khuôn mẫu này với những sáng kiến tinh vi hơn để kiểm soát hoạt động của các NGO tại Việt Nam. Bài học của Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of Development Studies – IDS) do 16 học giả và kinh tế gia lỗi lạc của Việt Nam mà Tiến Sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng thành lập năm 2007 và được đảng Cộng sản Việt Nam cho phép hoạt động (TBN: trong “môi trường xám” – grey area) là một trường hợp điển hình để nghiên cứu chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam đối với các NGO. Trong 2 năm hoạt động Viện IDS đã viết được nhiều dự án nghiên cứu có giá trị cho sự phát triển quốc gia, nhưng không hợp nhĩ với đảng. Ngày 24/7/2009, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành một văn kiện hành chánh liệt kê 267 lĩnh vực các cơ sở khoa học và kỹ thuật tư nhân có quyền nghiên cứu và cấm các NGO này (trong đó đương nhiên có IDS) không được phổ biến các bản nghiên cứu về các chính sách của Nhà nước. Viện IDS phản ứng bằng cách đóng cửa Viện mấy giờ đồng hồ trước khi văn kiện của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hiệu lực .

————————————————


Đầu tháng 7, 2015 đảng Cộng sản Trung quốc cho ban hành một bộ luật bảo vệ “An ninh Quốc gia”, quy định Nhà nước có quyền và có bổn phận thi hành “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ quốc gia chống lại mọi thế lực thù nghịch. Trong bối cảnh đó trong vài tuần lễ nữa đảng Cộng sản Trung quốc sẽ cho ban hành luật điều hành các Các Tổ chức không thuộc chính quyền (NGO) để các tổ chức bất vụ lợi này không gây ra những bất lợi cho an ninh quốc gia.

Dưới chế độ của Mao, tại Trung quốc NGO không được phép hoạt động. Nhưng trong mấy thập niên qua đảng Cộng sản Trung quốc mặc nhiên để cho các tổ chức này hoạt động để lấp những khoảng trống trong xã hội. Đảng Cộng sản Trung quốc nói rằng luật sắp ban hành có mục đích hợp thức hóa các NGO – điều này đúng – nhưng đồng thời cũng để hạn chế hoạt động của các NGO do nước ngoài thành lập hay yểm trợ tài chánh. Theo luật này bất cứ sự trợ cấp nào của nước ngoài cũng bị cấm chỉ và các NGO đều phải được một cơ quan Nhà nước đỡ đầu và đăng ký hoạt động với bộ Công an.

Những người có kinh nghiệm làm việc với các NGO nước ngoài nghĩ rằng đảng muốn thay đổi định nghĩa của các tổ chức NGO để có lý do không cho các NGO họ không thích hay nghi ngờ được hoạt động. Nếu luật được ban hành như đang dự thảo thì NGO không còn là NGO nữa (TBN: mà trở thành những ngoại vi của đảng). Các nhà ngoại giao, các doanh nhân và các nhóm NGO nước ngoài đang vận động và cho biết đảng Cộng sản Trung quốc có thể giảm bớt mức độ kiểm soát cho bớt khắt khe.

Hiện nay có chừng 1.000 NGO nước ngoài họat động tại Trung quốc, chưa kể hàng ngàn NGO khác yểm trợ tài chánh cho các NGO của người Trung quốc. Nhiều NGO lớn như “Save the Children” (Cứu Trẻ Em) đã có mặt tại Trung quốc mấy chục năm qua và chính quyền không thấy gì phiền lòng, nhưng những NGO hoạt động bảo vệ quyền công nhân và nhân quyền đều bị ngăn cản.

Thực tế là sự yểm trợ tài chánh của nước ngoài rất cần thiết mặc dù không ai biết là bao nhiêu. Riêng đối với các NGO làm việc trong lĩnh vực thúc đẩy tính trong sáng và tinh thần cai trị bằng luật và chống kỳ thị (TBN: tôn giáo sắc tộc, lý lịch …) nguồn tài chánh duy nhất là tài trợ của nước ngoài. Luật sắp ban hành sẽ cấm chỉ những sự tài trợ này.

Cho đến lúc này các NGO nước ngoài hay bản xứ đều hoạt động trong “môi trường xám” không chính thức cũng không bị cấm đoán. Không có thủ tục đăng ký hoặc nếu có thì đăng ký như một cơ sở thương mãi. Nhà nước để cho các NGO này làm việc vì chúng giúp người nghèo khó, tật nguyền và góp phần cho sự ổn định xã hội. Nhưng “xám” cũng rất nguy hiểm cho chính quyền. Và do đó suy tính hơn thiệt đảng Cộng sản Trung quốc sẽ dùng luật để dẹp khu tranh tối tranh sáng này.

Khi cho phép các NGO đăng ký, đảng Cộng sản Trung quốc sẽ cho họ quyền mở chương mục ngân hàng và tham gia các hoạt động chính thức. Nhưng đồng thời chính quyền cũng có thể theo dõi sinh họat nội bộ và bắt buộc các NGO đăng ký phải thuê mướn nhân sự qua đường chính thức (TBN: để đảng gài người vào). Đảng sẽ chận không cho phép cơ sở chính phủ đỡ đầu một NGO làm việc trong một lĩnh vực nhạy cảm và bằng cách đó buộc các NGO này phải đóng cửa.

Theo nhận xét của ông Shawn Shieth viết trong Bản tin thường lệ về tình trạng Lao động ở Trung quốc của Hồng Kông (China Labour Bulletin) thì luật điều hành NGO chỉ làm thiệt hại cho quốc gia vì nhiều hoạt động nhân đạo hữu ích cho xã hội sẽ phải đóng cửa chỉ vì một lý do đơn giản là công an không đủ nhân lực để giải quyết các thủ tục hành chánh. Nhưng đó có thể chính là ý của đảng Cộng sản Trung quốc, chẳng thà đóng cửa nhầm hơn là bỏ sót.

Luật sắp ban hành sẽ có ảnh hưởng đối với các tổ chức NGO nước ngoài muốn nới rộng phạm vi hoạt động tại Trung quốc. Nếu các tổ chức này chưa có một văn phòng tại Trung quốc thì trước hết phải xin một giấy phép hoạt động và phải được một cơ quan chính phủ nhận đỡ đầu. Một chương trình trao đổi để các sinh viên đại học hai nước có thể tiếp cận nhau hay gởi một ban nhạc sang trình diễn cũng có thể bị từ chối nếu trong quá trình đại học này hay ban nhạc kia đã có lời nói hay việc làm bất thân thiện với Trung quốc. Mục đích của đảng Cộng sản Trung quốc là làm im các tiếng nói chống Trung quốc ở nước ngoài. Thông điệp của Trung quốc là: Nếu quý vị có tự do phê bình chỉ trích chúng tôi, thì chúng tôi cũng có quyền “chơi hay không chơi” với quý vị. Hiểu dụng ý này, hơn 40 Hiệp hội Thương Mãi và các nhóm vận động trong đó có Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ (American Chamber of Commerce) đã ngỏ ý cảnh giác Trung quốc và chính quyền Trung quốc đã tìm cách trấn an.

Nhưng theo nhận xét của một nhà ngoại giao làm việc lâu năm ở Bắc Kinh thì Trung quốc không giấu diếm quyết tâm buộc các NGO phải làm việc theo luật lệ của mình. Nhiều viên chức chính quyền Trung quốc tin rằng các NGO do nước ngoài trợ giúp tài chánh là những con ngựa Thành Troy lén lút truyền bá tư tưởng Tây phương. Các biến cố “Mùa Xuân A Rập” (2011), cuộc nổi dậy hòa bình tại Ukraine (Feb. 2014) lật đổ chính quyền thân Liên bang Nga của tổng thống Viktor Yanukovych và cuộc biểu tình của sinh viên tại Hồng Kông mùa hè năm 2014 càng làm cho giới chức Trung quốc thêm lo ngại.

Ông Tập Cận Bình đã cho bắt giữ những nhân vật truyền bá tư tưởng tự do Tây phương qua các chương trình do Tổ chức “Open Society Foundations” (Xã hội Mở) của nhà tỷ phú George Soros tài trợ. Tháng 10/2014 ông cho bắt viên giám đốc Viện Nghiên cứu về cải cách chính trị và kinh tế ở Bắc kinh. Tháng 6 vừa qua ông cho bắt 2 nhà chủ trương “xã hội pháp quyền” và hằng trăm luật sư tham gia phong trào đấu tranh cho dân quyền.

Trong khi thắt chặt các hoạt động NGO do nước ngoài tài trợ, đảng Cộng sản Trung quốc nới tay đối với các NGO trong nước hoạt động trong các lĩnh vực không chính trị để cho các NGO này giúp trám những lỗ hổng trong đời sống quần chúng mà đảng lo không nổi. Trong 5 năm qua ngân sách chính quyền tài trợ cho các tổ chức NGO làm việc nhân đạo tăng gấp 10 lần lên đến con số 15.2 tỉ mỹ kim. Luật dự liệu rằng các nhóm NGO làm việc trong lĩnh vực xã hội và môi trường có thể đăng ký hoạt động mà không cần có một cơ quan nhà nước đỡ đầu. Các tổ chức này nếu xin có thể được chính quyền tài trợ.

Trung quốc sẽ giới hạn số cơ quan nhà nước có quyền đỡ đầu các NGO nước ngoài hay do nước ngoài tài trợ. Riêng các NGO nào trong loại này được đánh giá không nguy hiểm (như trao đổi qua lại thăm viếng, du lịch và hợp tác có thiện chí ) thì sẽ được hoạt động không cần cơ quan đỡ đầu.

Luật điều hành NGO này được thảo luận và chuẩn bị qua một hội nghị Trung ương đảng năm 2014 và được bộ máy tuyên truyền của Nhà nước miêu tả là một biểu hiện Trung quốc đang áp dụng nguyên tắc cai trị theo pháp chế (fazhi 法制 = rule of law). Nhưng fazhi ở đây không có nghĩa như Tây phương hiểu mà phải hiểu là “sự cai trị đặt căn bản trên luật lệ” (law-based governance), nghĩa là “luật” (đo đảng nặn ra) là vũ khí đảng dùng để duy trì trật tự xã hội.

Một điều cần biết là đảng Cộng sản Trung quốc sẽ thi hành luật này một cách tùy tiện. Cũng như đối với internet đảng nói đảng khuyến khích nhưng trên thực tế chỉ khuyến khích chỗ nào lợi cho đảng. Ít nhất đảng Cộng sản Trung quốc cũng muốn chứng tỏ cho thế giới biết Trung quốc dưới chính quyền Cộng sản là một đất nước văn minh biết tôn trọng các giá trị chung. Nhưng đừng quên mọi hoạt động quá tự do sẽ không được chấp nhận. Không thể giết (Internet, NGO) thì phải để cho nó sống, nhưng mọi sự phải nằm dưới sự kiểm soát của đảng./.

August 30, 2015
Trần Bình Nam (phóng dịch)
© Đàn Chim Việt







No comments:

Post a Comment

View My Stats