Sunday 30 August 2015

Kinh tế Trung Quốc gặp nguy cơ: Điều tế nhị với Mỹ (Thành Luân - Báo Đất Việt)





Thành Luân  -   Báo Đất Việt 
Thứ Sáu, 28/08/2015 14:12

Đối với kinh tế toàn cầu, nếu Trung Quốc và Mỹ bắt tay, sẽ có được sự giảm sốc ở mức cao nhất để ổn định để tăng trưởng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) chia sẻ quan điểm về sự bắt tay của Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết những nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

PV : Tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, đặc biệt là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã gây ra sự hoảng loạn bao trùm lên thị trường toàn cầu. Có chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc bị cảm sốt, Mỹ có thể chỉ bị hắt hơi nhưng mới có thông tin, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ sắp tới Trung Quốc để thảo luận về vấn đề tài chính.
Nhìn những diễn biến trên, theo ông đánh giá, biến động của kinh tế Trung Quốc liệu có chỉ khiến Mỹ hắt hơi hay có tác động lớn hơn ? Xin ông phân tích cụ thể.

Đinh Trọng Thịnh : Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ là quan hệ tương đối lớn của thế giới, tuy nhiên chiều tác động của kinh tế Trung Quốc đến nước Mỹ thực ra không nhiều. Hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ chủ yếu là hàng dệt may và một số hàng hoá mang tính bình dân. Trong quan hệ thương mại này, Trung Quốc thường thặng dư so với Mỹ và ở một mặt nào đó, Trung Quốc rất mong muốn nhập máy móc và công nghệ hiện đại của Mỹ vào nước mình. Về quan hệ đầu tư, Trung Quốc cũng muốn đầu tư nhiều vào Mỹ. Tuy nhiên, việc nền kinh tế Trung Quốc có những dấu hiệu trầm trọng, điều người ta lo nhất là Trung Quốc đang nắm giữ rất nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, nếu Trung Quốc thanh lý các trái phiếu này sẽ gây xáo trộn về thu nhập của nước Mỹ.

Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với nhiều nước trên thế giới rất bền chặt, mạnh mẽ. Nếu kinh tế Trung Quốc sa sút, thậm chí khủng hoảng sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng của nền kinh tế thế giới và đương nhiên có tác động đến Mỹ bởi Mỹ là nền kinh tế mở cửa, lớn nhất thế giới và quan hệ của Mỹ với kinh tế các quốc gia khác rất lớn. Tuy nhiên, giới lãnh đạo các tập đoàn của Mỹ không quá bấn loạn về những biến động tài chính ở Trung Quốc hiện nay bởi mức độ ảnh hưởng trực tiếp không nhiều, còn về lâu dài nó sẽ tác động một cách gián tiếp và như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn. Mỹ có nền kinh tế phát triển tương đối vững nhưng vừa trải qua cuộc khủng hoảng và sự phục hồi của nó chưa phải là chắc chắn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự định nâng lãi suất lên từ lâu nhưng rồi cứ dền dứ mãi vì các chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn mong manh, nếu kinh tế thế giới gặp sự cố lớn thì dứt khoát kinh tế Mỹ lại xuống dốc. Trong lúc kinh tế Mỹ phát triển chưa bền vững, nó cũng là một cơ hội để quan hệ kinh tế Mỹ-Trung có những thay đổi để từ đó kinh tế thế giới ổn định hơn, tạo ra nền tảng để Trung Quốc nhìn nhận mình đang ở mức độ nào và với phía đối tác cần phải làm gì.

Vào thời điểm này, kinh tế Trung Quốc chưa thể gọi là khủng hoảng mà mới là có vấn đề và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Thị trường chứng khoán, đặc biệt là tăng trưởng sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian qua đã chậm lại, thậm chí giảm sút so với thời kỳ trước. Trung Quốc lấy định hướng xuất khẩu để làm mục tiêu tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, nên khi tăng trưởng chậm lại nó có nhiều khả năng dẫn đến khủng hoảng.

Với các động thái như hạ giá đồng nhân dân tệ, bơm tiền ổn định thị trường..., chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của đất nước nhưng vẫn giữ được độ ổn định và sự tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài để họ không rút vốn. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, Trung Quốc đón nhận những thông tin không vui về việc các nhà đầu tư nước ngoài không yên tâm với nền kinh tế Trung Quốc nên rút vốn, thị trường chứng khoán sụt giảm lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của các nước Châu Á, Châu Âu và cả Mỹ. Đây cũng là điều Mỹ đang lo ngại vì nó có thể dẫn đến khủng hoảng. 

*
PV : Bản thân Mỹ có mong muốn nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, tiếp tục là đối thủ cạnh tranh lớn mạnh với Mỹ hay không ? Nếu không, ông có thể dự đoán, cách ứng xử của Mỹ với nền kinh tế đang có vấn đề của Trung Quốc như thế nào ?

Đinh Trọng Thịnh : Đây là vấn đề rất tế nhị. Ở góc độ nào đó, Mỹ phải thừa nhận một thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc đang lớn lên một cách nhanh chóng và sự lớn lên của bất kỳ một nền kinh tế nào cũng có thể trở thành người cạnh tranh với Mỹ. Do đó, Mỹ cũng muốn kiềm chế các nước để giữ lấy vị thế là một nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng rất khó bởi nếu không khéo, nó sẽ trở thành vấn đề mang tính đạo đức, chính trị. Bình thường, Mỹ vẫn hợp tác với Trung Quốc vì khi các nền kinh tế mạnh lên, trở thành đối tác hợp tác với nhau, nó sẽ tạo ra năng suất, hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế Mỹ. Nếu Trung Quốc tăng trưởng, phát triển theo khuynh hướng của họ, trở thành bạn hàng, chấp nhận cuộc chơi mà Mỹ sắp đặt thì Mỹ sẵn sàng, nhưng nếu vượt ra thì họ muốn kiềm chế. Vì thế, có rất nhiều vấn đề đằng sau đó.

Phải khẳng định rằng, về sức mạnh kinh tế hay sức mạnh khác, còn lâu Trung Quốc mới bằng Mỹ, đặc biệt về thu nhập bình quân đầu người, đầu tư... Nhưng nền kinh tế mang tính chất tập trung, chỉ huy vẫn là đặc trưng của Trung Quốc nên họ có thể tập trung những lực lượng mạnh vào 1 thời điểm, 1 mục tiêu nào đó và Trung Quốc làm việc này rất giỏi. Mỹ sẽ phải vừa hợp tác, quan hệ tốt với Trung Quốc, vừa kiềm chế ở mức độ nhất định để Trung Quốc đi theo một đường hướng mà thế giới nói chung và Mỹ mong muốn.

Còn vào thời điểm này, đối với nền kinh tế đang có vấn đề của Trung Quốc, Mỹ sẽ cố gắng để cùng với Trung Quốc giữ cho những tác động tiêu cực từ biến động tài chính của Bắc Kinh bị chậm lại, nếu có sự cố cũng không xảy ra khủng hoảng trầm trọng. 

*
PV : Về phần mình, Trung Quốc có trông chờ sự giúp đỡ từ Mỹ hay không, thưa ông ? Cơ hội của Trung Quốc từ sự giúp đỡ của Mỹ là gì ?

Đinh Trọng Thịnh : Trung Quốc hiện nay có nhiều vấn đề trong việc phát triển kinh tế và tăng trưởng Một phần Trung Quốc mong muốn có được những công nghệ, thiết bị hiện đại và có được chính sách cởi mở của Mỹ và các nước khác như EU, Nhật Bản... để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá vào các quốc gia này. Nhưng Mỹ, EU, Nhật Bản ở mức độ nào đó vẫn dè chừng Trung Quốc, một phần là bởi khi Trung Quốc mạnh lên thì họ có thể tập trung được lực lượng, sức mạnh khoa học công nghệ cũng như kinh tế để đuổi kịp và phát triển hàng hoá, sản phẩm mà các nước Mỹ, EU, Nhật đã có thông qua nhiều hình thức, trở thành người cạnh tranh trên trường quốc tế, kể cả về công nghệ.

Trung Quốc biết các nước hiện nay giữ gìn bí mật công nghệ và Trung Quốc bằng mọi cách, từ mua đến đánh cắp để có được chúng. Nhưng điều Trung Quốc cần nhất là thị trường các nước này vẫn tiếp tục mở cửa, giảm các điều kiện tiếp cận thị trường. Đây là bài toàn Trung Quốc suy tính nhiều, một phần họ cần máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, công nghệ hiện đại của các nước phát triển, mặt khác họ mở rộng phát triển theo chiều rộng bằng những nguyên liệu thô, công nghệ trung bình, thấp, dần dần họ thống trị một mảng rất lớn của thế giới. Trung Quốc đang muốn là người cung cấp các thiết bị, máy móc, hàng hoá ở phân tầng thấp để kiếm được những công nghệ ở tầng cao của các nước khác.

Trung Quốc rất khôn khéo trong việc tận dụng các thế mạnh của mình và lợi dụng điểm yếu của đối tác để đem lại lợi ích kinh tế cho mình. Điều đó góp phần làm cho Trung Quốc mạnh lên và liên tục tăng trưởng trong mấy chục năm qua. 

Trở lại với những biến động kinh tế tại Trung Quốc, nếu các nhà đầu tư yên tâm không rút vốn một cách ồ ạt thì khó xảy ra khủng hoảng đối với kinh tế Trung Quốc. Mặt khác, nếu chính phủ Mỹ và các chính phủ khác cũng ủng hộ, có tiếng nói trên cơ sở tin tưởng vào đương lối của Trung Quốc thì nó cũng góp phần làm cho kinh tế Trung Quốc thoát được cơn nguy khốn.

Đương nhiên, kinh tế Trung Quốc sẽ chẳng thể sụp đổ và họ có nhiều cách để xử lý các vấn đề trên thị trường chứng khoán cũng như toàn bộ nền kinh tế bởi họ có dự trữ ngoại hối đến hơn 3.000 tỷ USD. Trung Quốc cũng có thể bán các trái phiếu họ đang nắm giữ của Mỹ, các nước phát triển khác dù khi đó sẽ tác động đến hàng loạt thị trường và việc cân đối ngân sách của chính phủ các nước bị ảnh hưởng. Xử lý thế nào cũng là vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc suy tính để vừa hợp tác với nhau vừa kiềm chế nhau.

*
PV : Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng Trung-Mỹ bắt tay nhau vì kinh tế bất chấp những va chạm liên tục giữa hai nước và lòng tin chiến lược còn mơ hồ ? Cái bắt tay ấy có tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu ?

Đinh Trọng Thịnh : Ngay cả Trung Quốc và Mỹ đều biết sẽ đến lúc trật tự thế giới không phải như bây giờ vì nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn lên, từ đó, khả năng tập trung kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề trên thế giới cũng thay đổi. Còn hiện nay, hai cường quốc vẫn phải hợp tác với nhau để cùng tồn tại, phát triển, cùng trở thành những quốc gia được hưởng lợi từ phát triển kinh tế, tránh các xung đột và va chạm, một mặt nào đó họ phải kiềm chế nhau. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là người cầm đầu trên thế giới này, đồng tiền của họ vẫn được cả thế giới sử dụng thì đương nhiên họ vẫn là người được lợi nhiều nhất. Đến lúc nào đó có thể dần dần Mỹ sẽ buông ra cho Trung Quốc hoặc một số nước khác nhưng tương lai đó còn xa lắm.

Đối với kinh tế toàn cầu, nếu Trung Quốc và Mỹ bắt tay về kinh tế, sẽ có được sự giảm sốc ở mức cao nhất, tạo ra mặt bằng tương đối bình ổn để ổn định tăng trưởng. Nếu Trung Quốc không có những cú sốc lớn về kinh tế, giảm sút tăng trưởng một cách trầm trọng thì nền kinh tế thế giới sẽ ổn định và tất cả các quốc gia cũng yên tâm phát triển.

Thành Luân  thực hiện





No comments:

Post a Comment

View My Stats