Sunday 30 August 2015

Việt Nam dưới ‘thời đại Hồ Chí Minh’ (TS. Đoàn Xuân Lộc)





TS. Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ Anh quốc
29 tháng 8 2015

Phát biểu dịp Việt Nam kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch cách đây hơn ba tháng, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng ‘thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội’.

Dù Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không nêu cụ thể, có thể nói ‘thời đại’ ấy được bắt đầu từ ‘cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà’ cách đây 70 năm. Vì theo ông, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS), ‘cách mạng’ Việt Nam đã ‘đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác’ và ‘thắng lợi’ đầu tiên được ông nhắc đến là thắng lợi của hai sự kiện này.

‘Rực rỡ, sáng ngời’?

Trong số những hoạt động ‘kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh’ ở Việt Nam năm nay cũng có một chương nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh”, diễn ra vào tối 2/9 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Chương trình nghệ thuật ấy cũng như diễn văn của lãnh đạo Việt Nam tại lễ kỷ niệm hai biến cố đó vào ngày 2/9 tới hay các bài viết, phát biểu khác của quan chức Việt Nam vào dịp này chắc chắn cũng nhắc lại những ‘mốc son chói lọi’, ‘thắng lợi vĩ đại’, ‘chiến thắng lừng lẫy’, ‘kỳ tích vẻ vang’ hay những ‘thành tựu to lớn’ của Việt Nam dưới ‘thời đại Hồ Chí Minh’ trong 70 năm qua.

Trong những ‘thắng lợi’, ‘thành tựu’ ấy – như ông Nguyễn Phú Trọng nêu trong diễn văn của mình vào ngày 19/05/2015 – còn có ‘thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp’, ‘thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước’ và ‘thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới’.

Theo ông Trọng, ‘với những thắng lợi đó, Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do’; ‘nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu […] trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới’.

Đó cũng là lý do ông cho rằng ‘dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển rất tươi sáng’ và coi ‘thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam’.

Thực sự rất khó dựa vào những tiêu chí, sự kiện, ‘thắng lợi’ trên để nói rằng Việt Nam ‘thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ’ hơn những thời đại trước của Việt Nam vì các giai đoạn, thời đại lịch sử rất khác nhau.

Hơn nữa, với xu hướng phát triển chung của nhân loại, một thời đại sau phát triển hơn một thời đại trước cũng không có gì là quá lạ, đáng khen.

Nhưng nếu nhìn lại Việt Nam trong 70 năm qua và đặc biệt khi so sánh Việt Nam với các nước khu vực khác cùng thời gian ấy, có thể thấy rằng mọi chuyện ở Việt Nam kể từ ‘Cách mạng tháng Tám’ năm 1945 – khi Việt Minh hay những người Cộng sản lên nắm quyền – không phải lúc nào cũng ‘tươi sáng’, ‘rực rỡ’ hay ‘kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội’ mà Việt Nam đã và đang trải qua không hoàn toàn tốt đẹp như lãnh đạo, quan chức Việt Nam ca ngợi, tuyên truyền.

Chiến tranh, xung đột?

Không lâu sau khi ‘Cách mạng tháng Tám thành công’ và ‘nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời’, Việt Nam đã phải đương đầu với ‘cuộc chiến chống Pháp’, rồi cảnh Bắc-Nam chia cắt và sau đó là ‘cuộc chiến chống Mỹ’.

Riêng ‘cuộc chiến chống Mỹ cứu nước’ cũng là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cướp đi mấy triệu người Việt và đến giờ những chia rẽ, hận thù, vết thương cuộc chiến đó gây nên vẫn chưa được hoàn toàn hàn gắn, hòa giải, chữa lành.

Là người Việt Nam, không ai lại muốn hay chấp nhận bất cứ sự can thiệp, xâm chiếm, đô hộ của bất cứ một ngoại bang nào, dù với bất cứ lý do hay trên danh nghĩa gì. Là người Việt, chắc ai cũng tự hào về truyền thống chống ngoại xâm, dựng và giữ nước của dân tộc mình.
Nhưng khi có cơ hội tiếp cận với nhiều sử liệu mới, xác đáng hay có một cái nhìn tổng quan, đa chiều hơn về lịch sử của đất nước, của các nước khu vực và của thế giới, chắc cũng có không ít người tự hỏi tại sao cùng bị thực dân phương Tây đô hộ và Nhật chiếm đóng, không một quốc gia nào ở Đông Nam Á lại rơi vào một giai đoạn xung đột, chia cắt, tang thương như Việt Nam sau năm 1945?

Vẫn biết rằng bối cảnh của Việt Nam ít hay nhiều khác bối cảnh của các nước Đông Nam Á như Indonesia hay Malaysia trước và sau năm 1945, chắc cũng có người thắc mắc tại sao những quốc gia phi cộng sản này có thể giành và giữ độc lập của mình mà không phải trải qua những xung đột, cuộc chiến đẫm máu như Việt Nam?

Ngoài hai cuộc chiến trên, Việt Nam cũng có chiến tranh biên giới 1979 và hải chiến Trường sa 1988 với Trung Quốc. Có điều, khác với cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện tại hai cuộc chiến với quốc gia Cộng sản này không được giới lãnh đạo Việt Nam nhắc đến hay chính thức cho tưởng nhớ.

Trước đó, vào năm 1958 – khi Hà Nội có quan hệ mật thiết ‘môi hở răng lạnh’ với Bắc Kinh – ông Phạm Văn Đồng, Thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó, đã ký một công hàm ngoại giao ‘ghi nhận và tán thành’ bản tuyên bố của Trung Quốc về hải phận 12 hải lý của quốc gia này. Dù mục đích, nội dung, giá trị của nó là gì, công hàm ấy đang được Trung Quốc tận dụng triệt để trong tranh chấp biển đảo hiện tại với Việt Nam.

Cũng chính quốc gia Cộng sản này đã tiến hành hải chiến Hoàng sa năm 1974 và từ đó đến giờ có vô số hành động khiêu khích, hung hăng, mạnh bạo nhằm lấn chiếm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhắc lại những sự kiện trên để thấy, dù nguyên nhân sâu xa là gì, kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều cuộc chiến, xung đột và độc lập, chủ quyền của mình không phải lúc nào cũng được tôn trọng, toàn vẹn.

Đáng nói và trớ trêu hơn, quốc gia đe dọa, xâm hại độc lập, chủ quyền của Việt Nam trong hơn 40 năm qua và hiện tại không ai khác là Trung Quốc – quốc gia cùng chung ý thức hệ ‘cộng sản’ và là ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’ của Việt Nam.

Khủng hoảng, sai lầm?

Khi nhìn lại lịch sử Việt Nam kể từ 1945, giới lãnh đạo ĐCS Việt Nam thường chỉ nhắc đến hay nhấn mạnh hoặc ca ngợi ‘thắng lợi’ của ‘Cách mạng tháng Tám’, của cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và ‘công cuộc đổi mới’ từ năm 1986. Nhưng họ thường né tránh, phủ nhận những khó khăn, khủng hoảng, thất bại do những đường lối sai lầm của họ gây nên.

Chủ trương, chương trình cải tạo và xây dựng ‘xã hội chủ nghĩa’ mà Đảng Cộng sản tiến hành ở miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau 1975 đã thất bại, dẫn đến những hậu quả vô cùng tệ hại cho đất nước và người dân, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội, đạo đức.

Chẳng hạn chương trình ‘Cải cách ruộng đất’ ở miền Bắc hay chủ trương ‘đấu tranh giai cấp’ đã gây nên chia rẽ, hận thù, phân biệt đối xử, làm đảo lộn trật tự gia đình, xã hội.

Cũng vì học thuyết, chủ trương sai lầm đó, giớ trí thức, nhân sĩ yêu nước bị khinh rẻ, đàn áp – như trong vụ ‘Nhân văn Giai phẩm’ hay vụ án ‘Xét lại chống Đảng’.

Rồi khi - và nhiều năm sau khi - ‘miền Nam được hoàn toàn giải phóng’ và đất nước được thống nhất cũng là thời điểm mấy triệu người Việt lần lượt liệu mạng bỏ nước ra đi.

Họ chấp nhận đánh đổi tất cả – ngay cả mạng sống của mình, người thân của mình – vì trong những năm tháng ấy họ cảm thấy không được tự do, không đủ ăn, đủ mặc, không có tương lai, không có hy vọng khi sống trên quê hương, đất nước của mình.

Trong lịch sử Việt Nam – và thậm chí hiếm khi trong lịch sử thế giới – lại có làn sóng người vượt biển, vượt biên để tị nạn nước ngoài đông và thê thảm như vậy.

Vì những sai lầm về đường lối làm đất nước rơi vào khủng hoảng, cô lập, kinh tế kiệt quệ, người dân cơ cực, năm 1986, Đảng Cộng sản buộc phải đổi mới về kinh tế và đối ngoại.

Chính sự đổi mới đó đã làm thay đổi hình ảnh của Việt Nam và cải thiện đời sống của người dân. Việt Nam đã thoát cảnh đói nghèo; từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (thấp).

Vì thế, không có gì là ngạc nhiên khi nói về những ‘thành tựu to lớn’ dưới ‘thời đại Hồ Chí Minh’ hay những ‘thắng lợi’ trong ‘kỷ nguyên’ mới ở Việt Nam, giới lãnh đạo, quan chức của Việt Nam luôn nhấn mạnh, ca ngợi ‘công cuộc đổi mới’ này.

Không ai phủ nhận rằng nhờ chương trình đổi mới đó, vị thế, kinh tế của Việt Nam, đời sống của người dân Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều so với trước năm 1986.

Nhưng những gì mà ĐCS gọi là ‘đổi mới’ thực ra chẳng có gì mới đối với nhiều nước trong khu vực khác. Chẳng hạn, mô hình kinh tế thị trường đã được Singapore, Malaysia hay Hàn Quốc tiến hành từ 20 hay thậm chí 30 năm trước. Vì vậy, những quốc gia này đã vượt xa Việt Nam.

Đất nước tụt hậu?

Hơn nữa, dù thoát cảnh đói nghèo, Việt Nam hiện giờ cũng chỉ là một nước có thu nhập trung bình thấp và sau 30 năm ‘đổi mới’, Việt Nam vẫn không thể bắt kịp nhiều nước trong khối ASEAN.

Điều đáng nói là nếu so sánh với nhiều nước trong khối ASEAN, mức độ phát triển về kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn ‘đổi mới’ không ấn tượng như giới lãnh đạo, quan chức Việt Nam thường ca ngợi.

Chẳng hạn, theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ tăng khoảng bốn lần (từ 556 USD lên 2,234 USD).

Trong khi đó, cùng khoảng thời gian ấy, con số đó ở Singapore tăng hơn tám lần (từ 6,864 USD lên 57,442 USD), Malaysia tăng hơn bảy lần (từ 1,711 USD lên 12,418 USD), Thái Lan tăng bảy lần (từ 813 USD lên 5,704 USD), Indonesia tăng gần sáu lần (từ 611 USD lên 3,529 USD) và Philippines tăng hơn năm lần (từ 590 USD lên 3,279 USD).

Việt Nam tụt hậu so với những quốc gia trong vùng phần lớn vì trong giai đoạn được coi là ‘đổi mới’, giới lãnh đạo Việt Nam đã không có những cải cách thích hợp, thiết thực, toàn diện. Thực ra, Việt Nam chỉ cải cách nửa vời – theo ‘kinh tế thị trường’ nhưng lại ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’.

Vì cải cách kinh tế không triệt để và đặc biệt không có những thay đổi đáng kể về chính trị, thể chế Việt Nam hiện đang thua nhiều nước ASEAN về nhiều mặt khác.

Các chỉ số quốc tế – như chỉ số cạnh tranh quốc gia, dân chủ, minh bạch – đều xếp Việt Nam sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Cách đây mấy tháng, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam đứng chót trong nhóm ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore), ‘thậm chí có lĩnh vực còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar’ – ba nước được coi là kém phát triển nhất trong khối.

Một trong những lĩnh vực mà Việt Nam xếp sau ba quốc gia đó là tự do báo chí.

Nói thế để thấy so với các nước khu vực khác, Việt Nam ‘dưới thời đại Hồ Chí Minh’ hay trong ‘kỷ nguyên độc lập tự do và xã hội chủ nghĩa’, không thực sự giàu mạnh, minh bạch, dân chủ và tự do.

Chẳng hạn, những quyền bình đẳng, quyền tự do được nhấn mạnh trong Tuyên ngôn độc lập Hồ Chủ tịch đọc ngày 2/9/1945 hay những quyền căn bản khác như quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội được nêu tại ‘Quốc dân Đại hội’ diễn ra tại Tân Trào trong hai ngày 16-17/8/1945 nay vẫn chưa được hoàn toàn biến thành hiện thực.

Đến giờ người dân vẫn bị bỏ ngoài cuộc, không có tiếng nói gì trong các vấn đề hệ trọng của đất nước – như bầu chọn lãnh đạo hay hoạch định, thực hiện đường lối, chính sách. Tất cả mọi chuyện đều do ĐCS – hay nói đúng hơn những nhân vật cao cấp, Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương của ĐCS – quyết định.

Nói cách khác, nhân dân Việt Nam chưa thực sự ‘trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội’ như ông Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo, quan chức khác của Việt Nam biện bạch.

Sự tụt hậu, thua kém của Việt Nam so với các nước trong vùng càng ngày càng khiến nhiều người cho rằng Việt Nam cần phải có một ‘đổi mới’ khác – hay ‘đổi mới lần hai’ – và thời điểm thuận lợi cho một thay đổi như vậy là Đại hội XII của ĐCS Việt Nam vào năm tới.

Nhưng một cuộc đổi mới như thế chỉ có thể xẩy ra nếu giới lãnh đạo Việt Nam dám can đảm thừa nhận những yếu kém, trì trệ của đất nước mình cũng như những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ đó và có quyết tâm đưa Việt Nam theo kịp các nước phát triển trong khu vực.

Còn nếu cứ đinh ninh rằng – hay tệ hơn, huênh hoang cho rằng – Việt Nam đang sống dưới ‘một thời đại rực rỡ nhất’ – hoặc cứ mãi ‘gặm nhấm quá khứ’, ru ngủ chính mình bằng những ‘thắng lợi’, ‘kỳ tích’, ‘thành tựu’ trong quá khứ – 10, 20 hay 30 năm nữa đất nước vẫn cứ tụt hậu, thua kém so với các nước trong vùng.

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả đang sống tại Anh. Bài được gửi cho chuyên mục Diễn đàn của BBC Việt ngữ trong dịp đánh dấu tròn 70 năm cuộc Cách mạng Tháng 8 của Việt Nam và chấm dứt Thế chiến II.







No comments:

Post a Comment

View My Stats