Sunday, 30 August 2015

Dầu xuống đáy dưới 40 USD : Khi Obama, Putin chung một mối đe dọa (V. Minh)





V. Minh  -   VietNamNet
28/08/2015 01:00 GMT+7

Giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng và chưa có tín hiệu phục hồi khiến nhiều quốc gia từ nước Nga của ông Vladimir Putin, Mỹ của Barrack Obama có chung nỗi lo từ một đối thủ OPEC. Hai đối thủ từng so kè nhau bằng sức mạnh dầu thô giờ đang có chung một nỗi lo lắng và chung một một mối đe dọa từ OPEC.

Thời dầu ế

Chỉ vài năm trước đây, một trong các nỗi lo lớn của thế giới vẫn là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, Hội đồng Năng lượng Thế giới cho rằng, trữ lượng dầu mỏ có thể chỉ đủ cho khoảng hơn nửa thập kỷ nữa. Năng lượng thay thế không thể bù đắp cho dầu khí tự nhiên.

Tuy nhiên, trong khoảng một năm qua, không còn mấy ai nói tới điều này. Điều mà nhiều người nói tới bây giờ là : dữ trữ dầu cao kỷ lục, nguồn cung tăng, dầu khí đá phiến Mỹ, giới đầu cơ tháo chạy khỏi thị trường dầu, và giá dầu liên tục lao dốc, thấp nhất 10 năm…

Trong vòng khoảng 2 tuần qua, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm13%, có lúc xuống sát 38 USD/thùng. Từ đầu năm tới nay, giá đã giảm hơn 30%. Còn trong một năm qua, giá mặt hàng này đã giảm 64% và giảm hơn 70% so với đỉnh cao hồi giữa 2008.

Hồi đầu tháng 8, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Abdalla Salem el-Badri cho rằng, thế giới sẽ bước vào năm 2016 với một lượng dầu dự trữ ở mức cao kỷ lục. Mỗi ngày thế giới dư thừa khoảng 1,5 triệu thùng dầu.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này hiện vẫn cao hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm. Trung bình mỗi ngày, Mỹ cung ra thị trường gần 10 triệu thùng, mức cao nhất trong 8 năm. Số giàn khoan tăng mạnh là nguyên nhân khiến cung dầu ở nước này gia tăng. OPEC trong khi đó vẫn đang suy trì sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục, 30 triệu thùng/ngày.

Cũng hồi đầu tháng 8, chính phủ Venezuela đã thông qua thỏa thuận cho phép Trung Quốc tiếp cận 1.000 giếng dầu đóng cửa tại nước này. Đổi lại có lẽ chính là các gói tài trợ 5 tỷ USD cho nền kinh tế ốm yếu, thâm thủng ngân sách và lạm phát phi mã này.

Nhưng giờ đây, diễn biến tiếp theo của thỏa thuận nói trên là khó lường bởi kinh tế Trung Quốc đang gặp rất nhiều vấn đề, tăng trưởng chậm lại đáng lo ngại. Nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc có thể giảm mạnh sau khi đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô trong năm trước.

Nguồn cung được dự báo sẽ còn lớn hơn khi mà nước Nga vốn có ngân sách phụ thuộc chính vào dầu khí chưa có dấu hiệu giảm khai thác dầu khi, trong khi Iran có thể tham gia vào xuất khẩu trong năm 2016 sau nhiều năm tích lũy và được mở cửa nhờ thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với nước lớn.

OPEC quyết dìm đối thủ xuống đáy bể

Gần đây, nhiều dự báo cho thấy, giá dầu có thể giảm xuống ngưỡng 30 USD/thùng, thậm chí 15 USD/thùng với một lý do rất đơn giản : giá dầu chưa chạm đáy khi mà nguồn cung chưa giảm.

Theo đó, không có gì là ngạc nhiên nếu giá dầu giảm tiếp cho dù đã mất tới 100 USD/thùng so với đỉnh cao. Nguồn cung dầu không hề giảm và cuộc chiến giữa OPEC và Mỹ, giữa Mỹ và Nga cùng với sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng như Châu Âu là cơ sở cho các nhận định này.

Trên thực tế, cuộc chiến dầu khí bắt đầu nổ ra từ khoảng cùng thời điểm này năm ngoái khi giá dầu ở mức khoảng 110 USD/thùng. Nguồn cung liên tục tăng ở Mỹ và cao kỷ lục ở OPEC đã khiến giá liên tục đi xuống.

Với giá dầu dưới 40 USD, thiệt hại đối với nhiều nước là rất lớn. Theo Bloomberg, Venezuela có thể sắp phải in tiền mới để chống lạm phát phi mã. Gần đây, hình ảnh người dân Venezuela dùng tiền làm giấy ăn đã phần nào phản ánh được sự khó khăn của nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ này.

Không chỉ Venezuela, hàng loạt các nước OPEC khác cũng gặp khó khăn vì dầu giá rẻ. Thậm chí, ông lớn Saudi Arabia cũng phải chứng kiến dự trữ ngoại tệ sụt giảm đều đặn tháng này qua tháng khác và ông hoàng Trung Đông đã bắt đầu phải đi vay nợ.

Nga được cho là nước thiệt hại nhiều nhất. Nhiều dự báo cho thấy, nhiều khả năng chính phủ Nga có thể phải áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn giống Hy Lạp nếu dầu đứng ở mức thấp dưới 40 USD trong một thời gian dài. Cùng với ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu giảm đã khiến kinh tế Nga quý II giảm 4,6%, mạnh hơn nhiều so với dự báo.

Việt Nam cũng gặp khó khăn. Sản lượng dầu thô trong 8 tháng tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Trước đó, chính phủ cho biết, dầu giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1 ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của Bloomberg, với mức giá dưới 40 USD như hiện tại, ngành công nghiệp dầu khí cần khoảng 500 tỷ USD để có thể sống sót. Tổng nợ dưới dạng trái phiếu đến hạn trong 5 năm tới của ngành lên tới 550 tỷ USD. Trong đó, đứng đầu là doanh nghiệp Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc và Anh. Lợi tức trái phiếu đã lên tới hơn 10%, tăng gấp 3 lần so với trong năm trước.

Mỗi nước một toan tính. OPEC chấp nhận giá thấp, lợi nhuận ít, thậm chí thua lỗ ở một số nước để giữ thị phần. Mỹ muốn giảm sự thống trị của OPEC trên thị trường dầu mỏ và làm suy yếu đối thủ truyền kiếp Nga…

Nhiều nước hưởng lợi từ giá dầu rẻ. Nhưng không ít quốc gia trong đó có OPEC, Nga, Mỹ… đang chịu hậu quả khá nặng nề từ cuộc chiến dầu khí. Tuy nhiên, điều tồi tệ có thể còn ở phía trước bởi giá dầu chưa biết giảm đến đâu.

V. Minh






No comments:

Post a Comment

View My Stats