Saturday, 29 August 2015

Jorge Ramos: nhà báo hay nhà tranh đấu? (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Thursday, August 27, 2015 6:41:25 PM 

Nên gọi Jorge Ramos là gì? Gọi ông là một nhà báo nổi tiếng cũng đúng, gọi ông là một nhà tranh đấu cũng chẳng sai. Gọi ông là một nhà báo thần tượng của những nhà báo trẻ tuổi gốc thiểu số đang hành nghề ở Hoa Kỳ cũng đúng, gọi ông là một nhà báo mà hầu hết các chính trị gia Mỹ đều “nửa gờm, nửa muốn tiếp xúc” cũng chẳng sai.

Với cộng đồng thiểu số Hispanic, Jorge Ramos là một tên tuổi rất lớn. Năm nay 57 tuổi, ông giữ vai trò điều khiển chương trình tin tức buổi chiều cho đài truyền hình Univision từ năm 1986, mỗi sáng Chủ Nhật lại điều hợp chương trình hội luận chuyên về chính trị của nước Mỹ và thế giới. Qua chương trình này và trong phần tin tức buổi chiều, ông là người đưa cả chủ tịch Hạ Viện lẫn Trưởng Khối Ða Số Thượng Viện cùng với rất nhiều ứng cử viên tổng thống lên bàn mổ, đặt những câu hỏi thật hóc búa, chẳng ngần ngại đẩy họ tới chỗ phải trả lời thẳng vào câu hỏi ông đặt ra. Uy thế nhà báo của ông lớn tới mức không ít khán giả trong cộng đồng Hispanic ví ông như nhà báo Walter Cronkite của nước Mỹ, nhưng các nhà phân tích chính trị Hoa Kỳ lại thầm bảo với nhau “anh này y như Bill O'Reilly của đài FOXNews,” khác biệt ở chỗ nhà bình luận O'Reilly nghiêng về cánh hữu, Jorge Ramos đi theo cánh tả.

Trong thời gian gần 30 năm trời đóng vai trò biểu tượng truyền thông cho cộng đồng Hispanic, nhà báo Jorge Ramos chủ trương dùng uy thế của ông để làm tất cả những gì có lợi cho cộng đồng, bất kể chuyện ông thường hay bị chỉ trích là một nhà báo thiên vị. Bằng chứng rõ rệt nhất là những câu hỏi ông đặt ra với bà Hillary Clinton về kế hoạch giải quyết tình trạng của 11 triệu người không có giấy tờ di trú đang sinh sống ở Mỹ khác hẳn với những câu hỏi cho cùng một để tài ông đặt ra với các ứng viên Cộng Hòa chủ trương bảo thủ như ông Donald Trump, người dè bỉu thành phần di dân bất hợp pháp là những kẻ đầu trộm đuôi cướp, hay các ông Rick Santorum và Scott Walker, những chính trị gia cho rằng có thêm nhiều di dân - hợp pháp hay bất hợp pháp - đều gây trở ngại cho người dân Mỹ, vì thành phần này sẽ cướp công ăn việc làm của dân chúng Hoa Kỳ, đẩy công nhân Mỹ tới chỗ khó tìm việc hơn, hoặc phải chấp nhận làm công việc với mức lương rẻ hơn.

Chuyện nhà báo Jorge Ramos “nhẹ tay với người này, nặng tay với người khác là điều rất dễ hiểu,” ông Jose Garcia, một thành viên của Ban Vận Ðộng Al Gore 2000 và cũng là người quen “khá thân” với ông nhà báo nổi tiếng nhất cộng đồng. “Ông Jorge chủ trương phải giải quyết tình trạng di trú cho những người đang cư ngụ bất hợp pháp, không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào ngoại trừ giải pháp của bà Clinton là phải tìm cách giúp họ ở lại, không chấp nhận chuyện một số ứng cử viên đang sử dụng cộng đồng di dân thiểu số làm để tài để kiếm phiếu của nhóm đa số.” Ông Garcia nhìn nhận “quả có nhiều người cho rằng ông Jorge không công bằng” nhưng “không thể cản ông ta được đâu vì theo tôi nghĩ, ông ta biết cả 2 đảng đều muốn chơi đòn chính trị với ông ta, và ông ta sẵn sàng chơi đòn chính trị với họ.”

Ðòn chính trị của ông Jorge Ramos về trường hợp của người cư trú bất hợp pháp “là ngón đòn rất lợi hại,” bà Rebecca de Mayo của đảng Dân Chủ tiểu bang New York nhận xét. “Hồi 2008, chính ông ta là người đẩy ứng cử viên Barack Obama đến chỗ phải hứa giải quyết chuyện này ngay trong năm đầu làm tổng thống, khi ông Obama không thực hiện được lời hứa đó, chính Jorge Ramos là người liên tục nêu câu hỏi tại sao hứa mà không làm, không chấp nhận chuyện thất hứa với cử tri, thất hứa với tập thể Hispanic đã dồn phiếu đưa ông Obama vào Tòa Bạch Ốc.” Bà kể thêm “cũng chính vì áp lực của ông Ramos và những khán giả xem ông trên TV hàng ngày” mà cuối cùng Tổng Thống Obama “ký sắc lệnh cho phép những người có con là công dân Mỹ được phép ở lại, không bị trục xuất về nước.”

Nhưng cũng chính vì đóng vai trò vừa nhà báo vừa nhà hoạt động, thứ ba vừa rồi ông Jorge Ramos trở thành để tài cho cả 2 phe ủng hộ và chống đối ông lên tiếng, sau khi ông tìm cách chất vấn ông Donald Trump về chính sách đối với những người cư trú bất hợp pháp và ông Trump từ chối trả lời, lấy lý do ông Ramos chưa được gọi để nên câu hỏi. Những người ủng hộ ông cho rằng thái độ coi thường một nhà báo gốc thiểu số chứng tỏ ông Trump là người kỳ thị, phe bênh vực ông Trump thì nói chính ông Ramos đã đi sai nguyên tắc nghề nghiệp, lộ rõ hình ảnh của một người khiếm nhã, và ông tỷ phú đang dẫn đầu cuộc vận động của đảng Cộng Hòa không còn cách nào hơn là phải đuổi ông ký giả khó ưa ra khỏi phòng họp báo, sau đó tỏ lòng hào hiệp, cho ông ta trở lại để đặt câu hỏi và sẵn sàng trả lời.

Chuyện xảy ra ở Iowa bắt đầu khi ông Ramos tự ý đứng dậy nêu câu hỏi, ông Trump bảo “anh ngồi xuống,” và sau đó còn nói câu “cút xéo về đài Univision đi,” trước khi một nhân viên an ninh đưa ông Ramos ra khỏi cửa. Ít phút sau, nhà báo Ramos trở lại, và cuộc tranh cãi tay đôi diễn ra, ông Ramos chê bai ông Trump là người “đưa ra những lời hứa rỗng tuếch,” nói rằng ông không có quyền để sửa đổi quyền có quốc tịch của những người sinh trên mất Mỹ (cho dù cha mẹ của họ không có giấy tờ cư trú), đặt thêm câu hỏi ông Trump làm sao để có thể dựng được bức tường dài 1,900 miles ngăn chia biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ. Ông Trump trả lời “dễ lắm” bảo thêm là một người hoạt động trong ngành xây cất, “xây những tòa nhà cao 95 tầng khó hơn xây tường bảo vệ biên giới rất nhiều,” và hai người tiếp tục tranh cãi với nhau, lời qua tiếng lại, không còn ý nghĩa của cuộc họp báo.

Ông Daniel Garcia, giám đốc điều hành tổ chức bảo thủ The Libre Initiative chuyên vận động cử tri Hispanic tham gia bầu cử, nhận xét “cuộc cãi vã tay đôi (giữa ông Trump và nhà báo Ramos) đúng là kỳ quái, chẳng giống ai.” 

Ông Garcia nói tiếp “Jorge không đợi đến phiên mình được gọi để đặt câu hỏi, ngay từ lúc đầu đã cò thái độ hung hăng, ông Trump cũng thế nên chẳng ai chịu nhường ai cả” và kết quả “cả 2 chẳng được gì hết, e rằng có khi còn bị chê cười.”

Trên đài truyền hình CNN, ông Ramos cho biết sẵn sàng phỏng vấn ông Trump, nhưng bực mình vì “vài tuần trước đây tôi có viết xuống số điện thoại cầm tay đưa cho ông ta, thay vì trả lời, ông ta lại đem phổ biến số điện thoại của tôi trên trang mạng xã hội cho mọi người biết.” Về phần ông tỷ phú Trump, câu trả lời ông đưa ra trên đài NBC mang nội dung như sau: “tôi đang trả lời một nhà báo khác khi anh ta nhảy xổ vào, tự dưng đứng dậy nói năng như một thằng điên. Rõ ràng anh ta đã đi quá đà, và hầu hết mọi người, phần đông các bản tin đăng tải trên báo chí đều nói tôi đã làm đúng.”





No comments:

Post a Comment

View My Stats