Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, August 19, 2015 3:06:55 PM
Một
chiều hướng đáng ngại của kinh tế toàn cầu
Kinh
tế thế giới đang gặp một lúc ba hiện tượng song hành mà có hiệu ứng tương hằng,
là tác động vào nhau. Ðó là nạn thương phẩm sụt giá, rủi ro giảm phát và hàng
loạt biện pháp phá giá so với Mỹ kim của Hoa Kỳ. Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu
riêng về hiện tượng thứ nhất, một chiều hướng đáng ngại mà cũng là chỉ dấu tiên
báo nhiều chuyện đáng ngại hơn.
Trước khi đi vào chủ đề, xin có vài hàng về định
nghĩa.
Một
vài định nghĩa
“Thương phẩm” hay commodities, là các mặt hàng đệ nhất
đẳng dùng trong tiến trình chế biến ra sản phẩm hoàn tất. (Hồ sơ Người Việt xin
dùng từ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, xuất hiện trong Nam trước
1975, không dùng chữ “hàng hóa” thiếu chính xác). Ðấy là các loại nguyên liệu
thô rời; là nhiên liệu (nhiên là đốt) như dầu thô, khí đốt, than đá; là vật liệu
chế biến và xây cất; là kim loại cho kỹ nghệ như đồng thau, sắt thép và cả
vàng, bạc, bạch kim; là nông sản và lương thực như gạo, mì, ngô bắp đậu nành và
cả nước cam hay dầu ăn gốc thực vật, v.v...
Trong tiến trình sản xuất, thương phẩm là một nhập
lượng (input) không thể thiếu và số lượng được tiêu thụ có thể cho chúng ta biết
triển vọng sau này về xuất lượng (output) hay sản lượng. Vì là nguyên nhiên vật
liệu cần thiết cho sản xuất, thị trường thương phẩm được giới đầu tư chú ý. Họ
giữ vị trí trung gian là mua vào và bán ra không để sản xuất mà để kiếm lời -
hoặc bị lỗ - ở giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp tiêu thụ. Thị trường
thương phẩm giao dịch rất phức tạp và chuyên biệt, với đặc tính là lời to mà lỗ
nặng, nhưng cũng là chỉ dấu tiên báo về tình hình sản xuất hay ế ẩm. Vì đa số
thương phẩm ngày nay được yết giá bằng Mỹ kim, là trao đổi và thanh toán bằng
đô la Mỹ, nên hối suất Mỹ kim cũng ảnh hưởng đến giá thương phẩm lên hay xuống.
“Giảm phát” hay deflation là hiện tượng ngược với lạm
phát, inflation. Ðó là khi vật giá không gia tăng mà còn giảm - nhưng vẫn bán
không được. Hiểu nôm na là hàng họ ế ẩm chẳng ai mua vì ít nhu cầu sử dụng cho
sản xuất. Kinh tế bị giảm phát có nghĩa là mức sản xuất suy sụp và thất nghiệp
tăng. Căn cứ trên lịch sử, giới nghiên cứu về kinh tế thường sợ giảm phát hơn lạm
phát vì khó trị và hay dẫn tới khủng hoảng lan rộng. Trong hoàn cảnh hiện nay,
người ta nói đến nguy cơ giảm phát từ Trung Quốc, hoặc “Trung Quốc đang xuất cảng
giảm phát ra ngoài.” Ta sẽ tìm hiểu vì sao.
Phá giá đồng bạc hay devaluation là việc một quốc
gia chủ động làm đồng nội tệ của mình hạ giá so với một hay nhiều ngoại tệ
khác. Khi đồng bạc được trao đổi tự do điều ấy có nghĩa là nhà nước không định
ra hối suất chính thức và bắt buộc. Nếu không có chế độ hối đoái tự do, là dân
chúng và doanh nghiệp không được tự do mua bán ngoại tệ, thì nhà nước có thể
phá giá bằng cách điều chỉnh hối suất chính thức, điều Bắc Kinh vừa làm nhưng
phủ nhận.
Trường hợp phổ biến hơn trong luồng giao dịch tương
đối tự do giữa các nước, khi kinh tế bị suy trầm thì chính quyền một quốc gia
có thể chủ động bơm tiền để kích thích sản xuất. Các biện pháp kích thích như hạ
lãi suất, giảm mức dự trữ pháp định của ngân hàng thương mại, hoặc mua vào trái
phiếu và trả ra bằng đồng nội tệ, v.v... đều làm cho tiền nhiều và rẻ hơn. Với
hậu quả trực tiếp là làm giảm giá trị của đồng bạc và gián tiếp là làm hạ hối
suất đồng nội tệ so với các ngoại tệ khác. Vì hậu quả gián tiếp này mà biện
pháp bơm tiền, chứ chưa đụng vào hối suất, cũng có tác dụng “phá giá.”
Thương
phẩm bị thương
Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Tám, các thị trường thế giới đều
chấn động vì việc giá của chất đồng trên thị trường thương phẩm đã lần đầu tiên
sụt dưới năm ngàn đô la một tấn (một metric ton). Ðấy là chỉ dấu cảnh báo vì từ
hơn 10 ngàn một tấn vào đầu năm 2011 giá đồng liên tục sút giảm và mất phân nửa.
Mà đồng là loại thương phẩm tiêu biểu vì cần thiết cho mọi ngành chế biến và
giá cả lên xuống do tình hình cung cầu thực tế chứ không do các nước sản xuất
hay tiêu thụ cố tình làm giá như trường hợp dầu thô, một thương phẩm tiêu biểu
khác.
Việc một kim loại cần thiết như đồng lại mất giá nặng
cho thấy chiều hướng chung của nhiều loại thương phẩm. Ðồng là sản phẩm tiên
phong và tiên báo sự suy sụp của thị trường thương phẩm, tức là tình hình sản
xuất trong tương lai: số cung đang vượt số cầu. Ðiều ấy có nghĩa là các nhà sản
xuất, hay các quốc gia sản xuất, đều bị thua thiệt với tồn kho ế ẩm. Mà các
doanh nghiệp hay quốc gia tiêu thụ lại chẳng được lợi gì nhiều nhờ giá rẻ vì dù
giá có rẻ mà mua vào để sản xuất thì sẽ bán cho ai?
Từ giá đồng mà nhìn qua các loại thương phẩm khác,
người ta thấy ra chiều hướng tương tự.
Nổi bật nhất là giá dầu thô, đã giảm mạnh từ mùa Hè
năm ngoái, lên được một chút thì tiếp tục giảm vào mùa Hè này. Giá dầu thô bị ảnh
hưởng của các “cartels,” liên minh làm giá, nhưng các liên minh này, như Tổ chức
các Quốc gia Xuất cảng Dầu thô OPEC, đều không thể cùng phối hợp để điều tiết số
cung cho giá khỏi hạ, trong khi số cầu vẫn giảm. Một yếu tố đặc thù khác là kỹ
nghệ sản xuất của Hoa Kỳ với phương pháp “fracking” đã thường xuyên cải tiến để
chiết đá phiến ra dầu với giá thành rẻ hơn: một thùng dầu bơm thêm (gọi là biên
tế) mà còn tốn ít hơn gia thị trường thì họ còn bơm. Giá biên tế tại nhiều mỏ
“fracking” của Mỹ đã xuống tới 40 đồng một thùng và sẽ còn xuống nữa. Vì vậy, số
cung vẫn tăng.
Ngoài đồng (và các kim loại cho kỹ nghệ như kẽm,
thau, thiếc, chì, thép, v.v...) và nhiên liệu như dầu thô, khí đốt, thì các loại
nông sản như ngũ cốc, hay lương thực là đường sữa, cũng bị mất giá. Thời tiết bất
lợi ba năm về trước khiến ngũ cốc lên giá và kích thích nông gia trồng trọt
thêm. Khi mùa màng tốt đẹp đi cùng sản lượng gia tăng thì giá sụt mạnh, và sẽ
còn sụt nữa. Giá gạo cũng vậy, và đấy là mối nguy cho nông dân Việt Nam.
Trường hợp đường mía cũng đáng ngại không kém cho
các nước nhiệt đới Nam Mỹ, như Brazil. Khi Hoa Kỳ bơm tiền kích thích kinh tế từ
năm năm trước, tiền nhiều và rẻ đã chảy về đây và lập tức nâng cao sản lượng
mía đường, loại sản phẩm thu hoạch nhanh, rồi làm giá sụp đổ từ năm ngoái và
làm các nước sản xuất bị nguy khốn, đồng bạc mất giá. Một thí dụ là vì đường
trên thị trường thương phẩm được tính bằng đô la, Brazil đứng đầu về sản lượng
bị khốn đốn và đồng Real của họ mất giá 1/3 so với đô la Mỹ.
Tổng kết lại, chỉ số tổng hợp các loại thương phẩm
(CBR) đã sụt 57% so với đỉnh cao vào Tháng Bảy năm 2008. So với đà sa sút đầu
tiên vào Tháng Hai năm 2011 thì đã sụt mất 45%. Nếu so với tình hình của 15 năm
trước, khi Trung Quốc mới gia nhập WTO, thì giá thương phẩm còn sụt thêm hơn
30% mới rơi đúng chỗ!
Nguyên
nhân hay thủ phạm
Chúng ta có vài ngoại lệ là khi các nước sản xuất
thương phẩm thuộc về khối công nghiệp hóa, như Hoa Kỳ, Canada, New Zealand là đại
gia về nông sản và lương thực. Hoặc khi nước Úc là nguồn cung cấp quặng sắt hay
kim loại. Cón lại, đa số thương phẩm đều xuất phát từ các quốc gia đang phát
triển, từ Brazil tới Malaysia, hay Indonesia,...
Thế giới đã có sự chuyển dịch lớn từ khi Trung Quốc
cải cách vào đầu năm 1979 và gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới từ năm 2002.
Với đà tăng trưởng cao của một nước đi sau, Trung Quốc lại là một nước nghèo rất
thiếu nguyên nhiên vật liệu nên phải nhập cảng mạnh. Thị trường xứ này là nơi
cuốn hút thương phẩm của thế giới và khiến các quốc gia khác ráo riết vay tiền
để đầu tư và cung cấp thương phẩm cho Trung Quốc.
Nhưng sau hơn 30 năm tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc
đang bước vào khúc quanh nguy hiểm, như nhiều nước Ðông Á đi trước. Nguy hiểm
vì đà tăng trưởng thấp hơn, và phải chuyển hướng từ đầu tư qua tiêu thụ để có nền
móng lành mạnh bền vững hơn. Ba năm sau khi đề ra nhu cầu chuyển hướng, lãnh đạo
xứ này không thực hiện được, trong khi tình hình sản xuất tiếp tục sa sút. Ðấy
là lý do căn bản của nạn thương phẩm ế ẩm và sụt giá. Bên trong Trung Quốc, hiện
tượng hàng hóa ế ẩm và sụt giá cũng dẫn tới nạn giảm phát. Khi Bắc Kinh hạ giá
đồng Nguyên, người ta vẫn chưa xác định được là vì đồng bạc này được định giá
quá cao, hay vì kinh tế sa sút hơn những gì được thông báo. Cách giải thích phổ
biến nhất vẫn là để xuất cảng cho rẻ hơn. Ðấy là hiện tượng xuất cảng nạn giảm
phát qua nước khác.
Nhưng người ta không loại bỏ một nguyên nhân khác.
Là việc Mỹ kim lên giá. Tiền Mỹ tăng giá so với các ngoại tệ khác dẫn tới hậu
quả là các thương phẩm yết giá bằng đô la cũng lên giá.
Khi ấy, một nghịch lý bất thường xảy ra. Các nước sản
xuất và xuất cảng thương phẩm đều bị kẹt vì cần bán nhiều thương phẩm hơn, với
giá cao hơn dù thị trường ế ẩm vì phải thu về đô la cao giá để trang trải các
khoản nợ vay bằng đô la. Mà họ càng sản xuất và bán thương phẩm lại càng làm
thương phẩm sụt giá. Vòng luẩn quẩn ấy dẫn các nước bán thương phẩm vào bế tắc.
Ðã vậy, thị trường thương phẩm còn có một thủ phạm
khác. Giới đầu tư vào thương phẩm cố bán tháo lấy tiền về để đầu tư vào việc
khác có lời hơn, kể cả đầu tư vào đô la. Vì vậy, nạn bán tháo thương phẩm càng
dễ xảy ra và đô la càng lên giá. Hai chiều hướng ấy càng làm thương phẩm bị
thương. Và nếu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ nâng lãi suất, dù rất nhẹ (chừng 25 điểm
hay 0.25% vào tháng tới) thì cũng sẽ gây chấn động. Nỗi lo ấy khiến thị trường
chứng khoán Hoa Kỳ sụt giá mạnh vào ngày 19 Tháng Tám.
Kết
luận ở đây là gì?
Kinh tế thế giới có thể bị suy trầm và giảm phát.
Trung Quốc sẽ đi vào chuỗi tàn tạ kéo dài.
Sau đó thế giới sẽ khá hơn - trừ Trung Quốc. Vì sao
như vậy, xin trình bày sau.
No comments:
Post a Comment