Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 20-08-2015
Cựu Tổng thống
Rajapaksa đã thất bại trong cuộc bầu cử.REUTERS/Dinuka Liyanawatte
Trong
cuộc bầu cử Quốc hội ngày 17/08/2015 vừa qua, cử tri Sri Lanka, một quốc gia
vùng Nam Á láng giềng của Ấn Độ đã lại từ chối không cho cựu Tổng thống Mahinda
Rajapaksa trở lại nắm quyền trong cương vị Thủ tướng. Đây là lần thứ hai trong
không đầy một năm mà nhân vật này bị người dân Sri Lanka chối bỏ, lần trước đây
là nhân cuộc bầu cử Tổng thống vào Tháng Giêng.
Theo giới phân tích, nước bị đau nhất trong vụ này
chính là Trung Quốc, vốn đã đầu tư mạnh mẽ vào ông Rajapaksa, với hy vọng là
nhân vật độc đoán thân Bắc Kinh này sẽ nắm quyền lâu dài tại Sri Lanka, cho
phép Trung Quốc biến quốc gia này thành tiền đồn tấn công vào vùng ảnh hướng của
Ấn Độ, giúp Trung Quốc thao túng cả vùng Nam Á và Ấn Độ Đương.
Vào thời ông Mahinda làm Tổng thống Sri Lanka, Trung
Quốc hầu như đã có thể tự do tung hoành tại quốc gia Nam Á này, dùng đó làm địa
bàn mở rộng thanh thế, kể cả về quân sự.
Giới quan sát đã ghi nhận con số 5 tỉ đô la mà Bắc
Kinh đã bơm vào Sri Lanka nhằm biến nước này thành một trục quan trọng trong chiến
lược xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển, mà các chuyên gia Ấn Độ cho là biến
thể mới của chiến lược « Chuỗi ngọc trai », một hệ thống cảng mở cửa
cho Hải quân Trung Quốc quanh vùng Ấn Độ Dương.
Nhờ hậu thuẫn của cựu Tổng thống Rajapaksa, Bắc Kinh
chẳng hạn, đã xây dựng xong cảng Hambantota tại Sri Lanka. Bên cạnh đó, Trung
Quốc còn được trao cho nhiều hợp đồng béo bở nhằm thực hiện những công trình phục
vụ cho Con đường Tơ lụa trên biển đó.
Dưới thời ông Rajapaksa chẳng hạn, Trung Quốc hầu
như đã được toàn quyền sử dụng các cơ sở dân sự mà họ xây dựng tại Sri Lanka
vào mục tiêu quân sự. Một ví dụ điển hình là hải cảng thương mại mới thuộc quyền
sở hữu của Bắc Kinh tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, vào năm ngoái, đã ngang
nhiên mở cửa cho hai chiếc tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc vào neo đậu.
Thời kỳ tự do tung hoành của Trung Quốc tại Sri
Lanka như đã cáo chung từ tháng Giêng vừa qua, sau khi ông Rajapaksa bị cử tri
phủ nhận. Ngay sau đó, Tân Tổng thống Sirisena đã ra lệnh tạm hoãn nhiều đề án
quan trọng Trung Quốc để chờ kết quả điều tra về các nghi vấn tham nhũng trong
việc cấp phát hợp đồng, và về các tác hại môi trường bị cho là đã không được
quan tâm đứng mực.
Dĩ nhiên là đặc quyền sử dụng « kép » các
cơ sở dân sự vào mục tiêu quân sự cũng đã bị hủy bỏ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có nguy cơ bị vạch mặt
chỉ tên trong một cuộc điều tra tham nhũng trực tiếp nhắm vào cựu Tổng thống
Rajapaksa. Các thanh tra đang tìm hiểu thực hư trong lời cáo buộc theo đó một tập
đoàn Nhà nước Trung Quốc đã hối lộ 1,1 triệu đô la cho chiến dịch vận động
tranh cử Tổng thống của ông Rajapaksa hồi tháng Giêng vừa qua.
Với thất bại lần thứ nhì trong cuộc bầu cử Quốc hội
vừa rồi, giới quan sát cho rằng rất có nhiều khả năng cựu Tổng thống Sri Lanka
thân Trung Quốc bị truy tố, cũng như người vợ và hai người anh em của ông, bị
tình nghi biển thủ công quỹ.
Theo giới phân tích, triển vọng làm ăn của Trung Quốc
tại Sri Lanka không phải là đã hoàn toàn tiêu tan. Hai lãnh đạo hiện thời của
quốc gia này là Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe đã từng cam kết
duy trì các đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka, nhưng theo các điều kiện của
Chính quyền Colombo.
Trung Quốc đã từng hy vọng là tình hình Sri Lanka sẽ
đảo ngược lại nhân cuộc bầu cử đầu tuần này. Thế nhưng phán quyết lần hai của cử
tri quốc gia Nam Á này đã làm cho Bắc Kinh vỡ mộng thêm một lần nữa.
No comments:
Post a Comment