Nguyễn
Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 15/12/2014)
Trong trường hợp hiếp dâm mới chỉ là một trọng tội
hình sự, thì đối phó với hiếp dâm là bổn phận của cảnh sát, của chánh án; và là
việc làm của luật sư, của công tố viện; nhưng khi hiếp dâm trở thành một
"văn hóa" thì nó lại là vấn đề của các chính khách, các học giả; là
trách nhiệm của giới trí thức, giới truyền thông, và của mọi người.
Phụ nữ phản ứng, họ viết lên lưng những khẩu hiệu chống
hiếp dâm
Bốn chữ “văn hóa hiếp dâm,” dịch từ 2 chữ rape
culture, là tình trạng xảy ra thường ngày bên Ấn Độ; nơi mà đàn ông không chỉ
coi người đàn bà nạn nhân là nguồn cung cấp thích thú tình dục cho họ, mà còn
coi nạn nhân như một miếng mồi ngon, không nên hưởng một mình, mà nên đem chia
xẻ với nhiều người đàn ông khác, để mọi người cùng hưởng -do đó nhiều phụ nữ chết
sau khi bị hiếp dâm tập thể.
Văn hóa hiếp dâm còn là bản án, do tòa tập tục của các bộ lạc Trung Đông tuyên xử; ngồi ghế chánh thẩm và bồi thẩm là những vị bô lão nặng hủ tục cổ truyền, nhẹ kiến thức công lý; và tội nhân thường là một người đàn bà hay thân nhân của bà ta; nếu xét thấy cần trừng phạt bị cáo, thì hình thức trừng phạt là tội nhân bị công khai hiếp dâm, tội càng nặng thì số người cưỡng hiếp tội nhân càng nhiều.
Tội cưỡng dâm trở thành một văn hóa khi xã hội đặt nhẹ hành động hiếp dâm. Để cụ thể nhận thức quan điểm này, chúng ta có thể hình dung tệ tục đánh con, hành hung vợ của xã hội Việt Nam ngày xưa. Luân lý trung cổ không những cho phép việc đánh con, hành hung vợ, mà còn vinh danh hành động đó như một nỗ lực tề gia -dạy vợ, giáo dục con.
Một nguyên nhân khác của việc hiếp dâm là xã hội không kết tội người, hay những người đàn ông hiếp dâm một người đàn bà, mà trở ngược lại, quy trách cho người đàn bà nạn nhân, cho là vì lối ăn mặc hở hang, hoặc vì một lý do nào khác, nạn nhân tạo khích động tình dục cho những kẻ hãm hiếp cô.
Phụ nữ chống hiếp dâm bằng cách viết lên lưng khẩu hiệu "Im lặng không phải là thuận tình," và viết lên ngực, lên bụng câu "cởi trần cũng chưa có nghĩa là mời mọc."
Hiếp dâm tại Hoa Kỳ chưa đạt đến mức “văn hóa hiếp dâm;” nhờ guồng máy tư pháp đáp ứng kiến hiệu và nhanh chóng; tuy vậy, cô Sabrina Rubin Erdely vừa viết trên tạp chí Rolling Stone một bài phóng sự điều tra về nạn hiếp dâm, cho là nạn này có thể đã đạt tới mức “văn hóa hiếp dâm,” tại nhiều trường đại học, nhất là tại trường UVa -University of Virginia.
Erdely viết về chuyện cô Jackie, một nữ sinh viên năm thứ nhất tại trường UVA, bị 7 sinh viên hiếp dâm trong một bữa tiệc Fraternity -một hội tương trợ sinh viên- tổ chức. Bài báo được phổ biến vào đầu tháng Chạp 2014, nhưng trước ngày tờ báo phát hành, bài báo đã bị tiết lộ; Erdely gọi nạn nhân là Jackie, để che dấu tên thật của người con gái trong cuộc.
Bài báo mang tên “A Rape on Campus” -Một Vụ Hiếp Dâm Trong Trường Đại Học- cô Erdely chỉ trích ban quản trị trường UVA không có phản ứng thích đáng sau vụ hiếp dâm; lời chỉ trích của cô gây sóng gió dư luận, nhất là trong giới đại học. Hậu quả là UVA quyết định tạm ngưng mọi hoạt động của hội fraternity trong trường.
Fraternity là một trong 2 tổ chức tương trợ sinh viên trong các trường đại học Hoa Kỳ; bài báo của Erdely khiến giáo sư Allison Booth -dạy Anh văn tại UVA phê bình những sinh hoạt của Fraternity là “toàn bộ văn hóa của hội chỉ là bệnh hoạn” (”the whole [fraternity] culture is sick.”)
Sinh viên luật Colin Downes đang theo học tại UVA viết thư gửi đăng báo, đề nghị gọi hội viên của những tổ chức Fraternities là “bọn găng đảng đứng đường” (criminal street gangs), và đề nghị tịch thâu tài sản của tổ chức này.
Ngày 20 tháng 11, bài báo chưa đăng của Erdely bị tiết lộ; sinh viên và nhiều cư dân Virginia kéo đến biểu tình, đập phá, xịt sơn vào trụ sở Phi Kappa Psi -một bất động sản của tổ chức Fraternity. Cảnh sát bắt 4 người biểu tình.
Tổ chức Hội Đồng Liên Fraternity tại Virginia (Virginia Interfraternity Council -IFC) phản công bằng cách công bố trên mạng là bài báo của cô Erdely thiếu trung thực, vì đã không phản ảnh đúng cuộc phỏng vấn giữa cô và một viên chức của IFC.
Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề “văn hóa hiếp dâm” trong trường UVA, mà IFC cho là cô Erdely đã bỏ qua không trình bày quan điểm của viên chức được phỏng vấn.
Bốn hôm sau -ngày 11/24/2014- chủ bút của tạp chí WORTH, ông Richard Bradley, viết bài chỉ trích cô Erdely là thiếu trung thực, và thiếu sót, vì không phỏng vấn những nam sinh viên bị cáo buộc là hiếp dâm cô Jackie.
Erdely phản biện nói là tài liệu contact page của Fraternity không cập nhật nên việc truy cứu địa chỉ của những cựu sinh viên hội viên khó thực hiện. Ký giả Erik Wemple viết trên tờ Washington Post bác bỏ lập luận này, và cho là cáo buộc “hiếp dâm tập thể” là điều rất nghiêm trọng, đòi hỏi Erdely phải làm mọi cách để liên lạc và phỏng vấn những người cô cáo buộc.
Trận bão dư luận về nạn nữ sinh viên bị hiếp dâm
trong những năm sống trong campus đại học vẫn còn sôi động cho đến hôm nay
-ngày thứ Sáu 12-12-2014. Mạng Huffingtonpost vừa phổ biến câu chuyện cô sinh
viên Emma Sulkowicz, trường Columbia University và cuộc biểu tình của một mình
cô.
Sulkowicz vác một tấm nệm đi quanh trường để phản đối tệ nạn hiếp dâm; cô tuyên bố chỉ chấm dứt biểu tình ngày nào anh sinh viên hiếp dâm cô bị đuổi học. Truyền thông gọi cô là “Mattress Girl,” -cô gái vác nệm.
Nhiều phong trào End Rape On Campus -nữ sinh viên chống hiếp dâm- được tổ chức tại University of North Carolina, Chapel Hill, Swarthmore College tại Philadelphia, Hanover, tại New Hampshire, ... và một trong những tổ chức này đã đem vấn đề ra đòi Quốc Hội giải quyết.
Nạn hiếp dâm sẽ mãi mãi là một ám ảnh trong xã hội Hoa Kỳ -ngay cả trong những ngôi trường đại học danh tiếng như Harvard, Princeton, Yale, ... tuy nhiên hiếp dâm vẫn chỉ là trọng tội hình sự, là bổn phận của cảnh sát, của chánh án, của luật sư, và của công tố viện.
Hiếp dâm không trở thành một văn hóa tại Hoa Kỳ, như vai trò "văn hóa" nó đã chiếm tại Ấn, và tại Trung Đông, vì nó vừa manh nha lớn mạnh là đã gặp sức chống đối quyết liệt của nạn nhân, của truyền thông, ... những lực lượng này cũng không để quốc hội hay chính phủ đứng ngoài cuộc chiến đấu chống văn hóa hiếp dâm. (nđt)
No comments:
Post a Comment