Được đăng ngày Thứ năm, 18 Tháng 12 2014 11:46
Plato (áo đỏ) và Aristotle
Trong một thời gian dài tôi không hiểu tại sao tôi rất
chán môn đạo đức học (ethics), dù đó là một phần quan trọng của triết và gắn bó
chặt chẽ với một môn mà tôi thích: chính trị. Biết thế nhưng đã bao nhiêu lần
tôi muốn đọc đạo đức mà không được. Cứ đọc được vài giờ là chán tới cổ. Có thể
là vì tôi không có cốt đạo nhưng cũng vì một lý do khác mà về sau tôi mới hiểu.
Đó là vì các tác giả viết về đạo đức đều sai phương pháp. Họ loay hoay giảng giải
điều không thể giảng giải được, nghĩa là những giá trị đạo đức. Những giá trị
này – thí dụ như không được hung bạo, ăn cắp, nói dối, phản bội, nuốt lời hứa;
phải thực thà, lương thiện, thủy chung, thương yêu v.v. - không thể giải thích
được. Chúng có sẵn trong thiên nhiên và trong DNA của mỗi người và là nền tảng
để lý luận và giải thích những điều khác. Không có thì thôi chứ không thể thảo
luận gì cả.
Plato
và Aristotle
Trong số những điều ít ỏi tôi còn nhớ về môn đạo đức
học có sự khác biệt giữa Plato và Aristotle. Xin tóm lược một cách rất sơ sài.
Plato (438 -348 trước Công Nguyên) là học trò của
Socrates (470 – 399 tr. CN) và nói rằng tất cả những gì ông nói ra chỉ là chép
lại những mẩu đối thoại của Socrates. Nhưng chép lại làm sao có thể hay đến thế
được, cùng lắm Plato đã chỉ lấy cảm hứng từ thày để viết thôi. Plato đã kính phục
thày mình và ông hoàn toàn có lý. Socrates là người đầu tiên trên thế giới đã
chấp nhận chết vì ý kiến của mình. Ai cũng phải ngưỡng mộ Socrates, dù
có thể bác bỏ quan điểm về chính quyền mà Plato viết ra và nói là của ông.
Aristotle (384 – 322 tr. CN) là học trò của Plato.
Plato và Aristotle trình bày hai quan điểm rất khác
nhau khi trả lời cùng một câu hỏi căn bản của đạo đức học là "phải sống
và hành động như thế nào?" Plato, tư biện và giáo điều, cho rằng
phải vừa tu thân -nghĩa là liên tục tập luyện để sống một cách đúng đắn- vừa học
để mở mang trí tuệ, trong đó học quan trọng hơn bởi vì sự gian trá chỉ là hậu
quả của u mê, con người khi đã hiểu biết tất nhiên sẽ sống lương thiện. Học đối
với Plato là học toán và triết, bởi vì vào thời đại của ông toán và triết là tất
cả. Theo Plato những kẻ đã tu thân và quán triệt toán và triết sẽ biết sống và
nêu gương sống, còn quần chúng phải phục tùng và noi gương họ mà sống. Đặc điểm
và cũng là khuyết điểm của Plato là ông hình như chỉ coi trọng những phần tử
tinh hoa. Aristotle, thông thái và ôn hòa, đề ra thuyết trung dung (the
golden mean, le juste milieu) cho rằng mỗi người tuy cũng phải hướng thượng
và noi gương những người tài đức nhưng cứ tùy theo khả năng và bản chất của
mình mà thể hiện những giá trị đạo đức ở mức độ phù hợp với mình cũng là tốt rồi.
Hầu như mọi người đều cho rằng Aristotle có lý hơn
Plato. Tôi cũng rất ngưỡng mộ Aristotle và tin rằng ông hơn Plato trên rất nhiều
điểm – trò hơn thày là có tiến bộ và đáng mừng- nhưng càng về sau tôi càng thấy
ít nhất về quan điểm đạo đức Plato có lý hơn. (Trên một môn khác tôi cũng đánh
giá Plato cao hơn, đó là môn tri thức học (epistemology), nhưng đó là một vấn đề
nằm ngoài khuôn khổ của bài này).
Trước hết phải nói rằng việc so sánh quan điểm của
hai nhà triết vĩ đại này có phần khập khiễng. Tuy cùng bắt đầu với câu hỏi "phải
sống và hành động như thế nào" nhưng sau đó hai người đã đi theo hai
hướng hơi khác nhau. Plato nhất quyết trả lời trực tiếp câu hỏi này trong khi
Aristotle cho rằng phải sống cho có hạnh phúc, rồi dần dần chuyển sang biện luận
về hạnh phúc. Tuy nhiên sự khác biệt quan điểm giữa hai thày trò vẫn khá rõ rệt.
Bằng một cách tiếp cận vấn đề rất độc đáo vào thời đại
của ông và cả nhiều thế kỷ sau đó, Aristotle đã không lý luận một cách tự biện
(speculative) và thuần lý như Plato và tất cả các triết gia cổ Hy Lạp mà đã rút
kết luận từ những quan sát thực nghiệm trong đời sống hàng ngày. Ông nhận thấy
rằng mọi người đều mưu tìm hạnh phúc và như thế vấn đề nền tảng là sống thế nào
để có hạnh phúc trong khi vẫn cố gắng tôn trọng các giá trị đạo đức. Trong khi
đưa ra thuyết trung dung ông cũng gián tiếp phản bác quan điểm của thày mình và
cho rằng không phải ai biết phân biệt đúng sai cũng tự nhiên làm điều đúng;
không thiếu những người biết việc làm của mình là sai mà vẫn cứ làm, bản chất
con người là thế. Tinh thần bao dung –và đa nguyên- của Aristotle thể hiện rõ
ràng khi ông cho rằng không phải chỉ có một cách sống đúng; điều gì đúng cho một
người chưa chắc đã đúng cho một người khác; đúng hay sai cũng tùy quan điểm cá
nhân của mỗi người; không thể chỉ thuần túy dựa trên lý luận để quyết định lối
sống phải có cho mọi người. Điểm nổi bật nhất của Aristotle là ông cho rằng mỗi
người có một mức trung dung tối ưu riêng và chỉ có thể dò dẫm, rút kinh
nghiệm, sửa sai và cải tiến. Aristotle còn giáng cho sư phụ mình một đòn ơn huệ
khi ông nói rằng xét cho cùng phần lớn các giá trị đạo đức cũng chỉ là những
giá trị trung gian. Dũng cảm là trung gian giữa hèn nhát và liều lĩnh, hãnh diện
là trung gian giữa huênh hoang và hèn hạ v.v.
Những người phản bác Plato (và bênh Aristotle) còn
đưa ra nhiều lập luận khác mà lập luận có trọng lượng nhất là trong chiều sâu
Plato đã phủ nhận đạo đức đối với tuyệt đại đa số. Chỉ một thiểu số rất nhỏ có
tư chất và điều kiện để trở thành những con người tuyệt hảo như Plato đòi hỏi,
những người khác chỉ vâng phục, như vậy họ không tự nguyện, mà đã không tự nguyện
thì không thể nói tới trách nhiệm và đạo đức. Nói chung trường phái Aristotle
là trường phái tương đối, chủ quan và thực nghiệm trong khi Plato tuyệt đối,
khách quan và lý thuyết. Tuyệt đối vì Plato cho rằng chỉ có một cách sống đúng
cho tất cả mọi người; khách quan vì theo ông một hành động đúng hay sai là tự
nó đúng hay sai chứ không phải tùy theo cách nhìn của mỗi người; lý thuyết vì
ông quả quyết rằng những tiêu chuẩn đạo đức không đến từ kinh nghiệm mà có sẵn.
Plato còn cho rằng cái đúng cao hơn cả thượng đế và thượng đế cũng chỉ
đáng thờ nếu đúng.
Tội
ác là con đẻ của ngu dốt
Tuy rất hâm mộ Aristotle và trường phái của ông
nhưng càng ngày tôi càng ngả về Plato. Và một cách ngộ nghĩnh tôi ngả về phía
Plato vì lý do thực nghiệm. Chính kinh nghiệm chứ không phải lý luận đã đã khiến
tôi nhận định rằng tội lỗi và sự gian ác phần lớn
là hậu quả của sự ngu dốt.
Nhận xét rõ nét nhất là những tay độc tài hung bạo đều
vô học hay ít học, dù là Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, gia đình họ Kim
ở Cao Ly, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Anh, Đỗ Mười v.v. Nếu hiểu biết có thể họ
đã không làm những gì họ đã làm.
Trong trường hợp Việt Nam, nếu có chút kiến thức thì
vào năm 1920, Hồ Chí Minh đã không say sưa tới mê sảng (theo chính lời ông kể lại)
khi gặp chủ nghĩa cộng sản. Ông đã phải biết rằng chủ nghĩa này đã bị chính những
người ủng hộ nó mạnh mẽ nhất lúc ban đầu -Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức- vất bỏ từ gần
một nửa thế kỷ rồi. Ít nhất ông cũng phải thận trọng chứ không thể mê cuồng đến
thế. Chính sự mê muội này đã đưa Việt Nam vào thảm kịch. Những sai lầm và tội
ác sau đó –tàn sát các đảng phái quốc gia, cải cách ruộng đất, nội chiến- chỉ
là hậu quả của sự mê muội lúc ban đầu.
Nếu Lê Duẩn và Lê Đức Thọ biết rằng chủ nghĩa
Mac-Lênin đã bị vất bỏ từ 100 năm trước (Đại hội Gotha 1875) và sắp bị lên án
như một tội ác thì họ đã không huênh hoang gào thét "Chủ nghĩa
Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm!" sau ngày 30-4-1975 rồi thi
hành chính sách bỏ tù và hạ nhục đối với miền Nam. Họ đã thực hiện hòa giải dân
tộc và đi vào lịch sử một cách vinh quang thay vì làm như họ đã làm và mang tiếng
ngu muôn đời.
Nếu Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười hiểu rằng
dân chủ là tương lai tất yếu và họ có thể chuyển hóa về dân chủ một cách an
toàn (nên nhớ Nguyễn Văn Linh đã rất được hoan nghênh lúc ban đầu khi người ta
tưởng ông ta thực sự muốn thay đổi) thì họ đã không hoảng hốt đi quỵ lụy để xin
đầu hàng Trung Quốc. Nếu họ biết rằng chính chế độ Trung Quốc cũng sẽ không thể
trụ được v.v… Tất cả đã bắt nguồn từ sự ngu dốt.
Đọc đến đây chắc nhiều vị đã nổi giận và muốn thét
lên: "Ngụy biện! Chúng nó đâu có ngu, chúng nó gian ác!". Xin quí vị
bình tĩnh. Tôi không phủ nhận là họ đã rất gian ác, biết mình rất sai phạm –
còn tội nào lớn hơn tội gây nội chiến làm chết sáu triệu đồng bào, dâng chủ quyền
cho ngoại bang?- mà vẫn làm. Chắc chắn những người lãnh đạo cộng sản trong lúc
này cũng phải biết rằng tham nhũng, vơ vét, cướp đất của dân, quỵ lụy trước Bắc
Kinh là nhơ nhớp nhưng vẫn làm vì gian tham. Họ biết nhiều lắm. Nhưng những
"kiến thức" của họ chỉ đại loại như kiểu Lê Duẩn biết ba dòng thác
cách mạng. Hay như Lê Đức Anh biết:"Mỹ âm mưu tiêu diệt ta, muốn chống
lại Mỹ phải có đồng minh, đồng minh là Trung Quốc" (Hồi Ức Trần Quang
Cơ). Đặc tính của những người ít học là họ thường nghĩ là mình đã biết hết rồi
và phải nhẩy chồm tới kết luận vì không chịu đựng nổi sự đau nhức của lý luận.
Chính sự gian tham của các quan chức hiện nay xét cho cùng cũng chỉ là sản phẩm
của sự ngu muội. Họ đã không biết -như cả Plato lẫn Aristotle- thế nào là một
cuộc sống xứng đáng nên đã tưởng vũng bùn nhơ của giành giật, cướp bóc, hung bạo
là hạnh phúc, cao cả, vinh quang. Như thơ Nguyễn Chí Thiện:
Những đứa con của ngừng đọng tối tăm
Chúng sinh ra từ tăm tối nhiều năm
Nên chúng tưởng đêm đen là ánh sáng.
Plato có lý và Aristotle đã sai khi biện luận quá
xa. Những mệnh lệnh nền tảng của đạo đức, hay những giá trị đạo đức "cấp
một", những giá trị phải có,như không nói dối, không trộm cướp, không
bội ước v.v. đều là những giá trị tuyệt đối chứ không có trung gian. Người ta
giữ hoặc không giữ lời hứa, ăn cắp hay không ăn cắp, chứ không giữ lời hứa 50%,
ăn cắp 30% v.v. Ngay cả những giá trị đạo đức "cấp hai", những
giá trị nên có, như dũng cảm, tự hào, chuyên cần v.v. cũng không phải là
những trung gian. Hèn nhát và liều lĩnh không phải là những thái cực của sự
dũng cảm mà chỉ là hai hậu quả của sự vắng mặt của dũng cảm; cũng thế tự hào
không phải là trung gian giữa vênh váo và cúi rạp, tự hào là tự hào.
Tất
cả chỉ vì hèn?
Nhưng tại sao những người không có tài cũng chẳng có
tâm như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn v.v. lại đã có thể lôi kéo cả một dân tộc vào một
cuộc nội chiến ba mươi năm và thành công? Nếu Mặt Thật của Bùi Tín và Đèn
Cù của Trần Đĩnh ra đời vào thập niên 1950 thay vì 1992 và 2014 thì lịch sử
Việt Nam có thể đã khác và hàng triệu người đã không thiệt mạng. Tại sao sự thật
lại chỉ được phơi bày muộn màng như thế?
Nghiêm trọng hơn, tại sao từ sau ngày 30/4/1975 đảng
cộng sản dù đã thất bại thê thảm trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi
địa hạt, đã khiến nước ta mất chủ quyền, mất đất, mất đảo, mất biển, tụt hậu một
thế kỷ so với thế giới lại có thể vẫn đứng vững và hơn thế nữa vẫn chưa có đối
thủ nào đáng kể trước mặt?
Cô Nguyễn Thị Từ Huy hình như tin rằng mình đã tìm
ra câu trả lời (1). Nhân nhìn tấm hình ba phụ nữ kéo bừa cô nổi đóa mạt sát bọn
đàn ông con trai như sau:
"Cá nhân tôi, từ những gì nhìn thấy và biết được,
tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự
suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là
vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn. Không phải các anh không biết, không
phải các anh không thấy. Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy
im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại.
Tôi muốn hỏi tất cả đàn ông các anh, những người đàn
ông của chúng tôi, câu này:
"Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các
quán nhậu? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?""
Rõ ràng giải đáp của cô Từ Huy là: "Đàn ông Việt
Nam hèn".
Ngay sau đó cô tiến sĩ Trần Thu Dung nhập cuộc sửa
lưng cô Từ Huy (2). Theo cô Thu Dung đàn ông Việt Nam kéo cày được – cô cũng
trưng tấm ảnh một chàng thanh niên đang kéo cày - thì đàn bà Việt Nam cũng kéo
cày được; cái nhục không phải là phụ nữ Việt Nam kéo cày mà là người Việt Nam
kéo cày thay trâu trong thế kỷ 21, không phải chỉ có đàn ông con trai Việt Nam
hèn mà đàn bà con gái Việt Nam cũng hèn. Nói tóm lại là cả dân tộc Việt Nam
hèn. Thực ra cô Thu Dung cũng đồng ý với cô Từ Huy về nguyên nhân của thảm kịch
Việt Nam, chỉ phản đối chính sách phân biệt đối xử của cô Từ Huy và đòi cho phụ
nữ Việt Nam quyền được chia sẻ cái hèn với đàn ông.
Nhưng
đâu là cội nguồn của cái hèn?
Tôi không muốn can thiệp vào cuộc tranh luận giữa
hai nữ trí thức Hà Nội đang trong cơn indignation vertueuse (phẫn nộ vì
lý do đạo đức). Tuy vậy tôi phải nhận xét là cả cô Từ Huy lẫn cô Thu Dung đều
sai. Các cô ấy, rõ nét nhất là cô Từ Huy, thuộc trường phái Aristotle và chống
Plato. Cũng như Aristotle, các cô ấy cho rằng người ta có thể biết mình hèn mà
vẫn cứ hèn, người ta làm điều sai không phải vì không biết mình sai (Các anh
thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục
đích tồn tại). Các cô ấy xổ toẹt thần tượng Plato của tôi.
Lỗi tại Aristotle. Chính cái thuyết trung dung của ông
đã làm hoại loạn tất cả. Aristotle sai. Như đại đa số trí thức Việt Nam. Họ
theo thuyết trung dung, nghĩa là lương thiện theo tình huống, và trên thực tế họ
đã sống rất lương thiện theo tiêu chuẩn của Aristotle. Họ lương thiện trong 99%
thời gian, nghĩa là trong lúc bình thường không cần chứng tỏ sự lương thiện, chỉ
lưu manh 1% thời gian, vào lúc phải lương thiện. Họ dũng cảm 99% thời gian, những
lúc không cần dũng cảm, chỉ hèn 1% thời gian, vào lúc phải dũng cảm.
Cái sai của Aristotle, theo tôi, là đã lẫn lộn triết
với chính trị. Triết là cố gắng tìm chân lý chân chính, tuyệt đối và cao vợi,
ngay cả nếu không với tới được. Triết không thỏa hiệp. Thỏa hiệp với thực tại
là công việc của chính trị và hành động. Nhưng ngay cả trong chính trị và hành
động người hiểu biết cũng thỏa hiệp một cách thông minh, thỏa hiệp ở mức tối
thiểu cần thiết và được phép, thỏa hiệp mà không đánh mất mình chứ không thỏa
hiệp một cách phản bội. Tôi vẫn tin cái xấu chủ yếu là hậu quả của ngu dốt. Tôi
vẫn tán thành Plato.
Hai cô Từ Huy và Thu Dung đã nhìn thấy hiện tượng
nhưng chưa nhìn thấy nguyên nhân. Sự dũng cảm không phải là một giá trị đao đức
cấp một, nghĩa là tự nhiên và phải có sẵn, mà chỉ là một giá trị cấp
hai, nghĩa là có thể do một điều kiện nào đó mà có hay không có. Do đó muốn
trị bệnh hèn phải trị tận gốc. Mắng nhiếc không đủ.
Vậy
cái gốc là gì? Xin trả lời một cách thật cụ thể, ngắn gọn và dứt khoát: cái
gốc của hèn là do thiếu tổ chức. Hai cô có thể truy
cập tất cả mọi khảo cứu về tâm lý xã hội. Tất cả đều khẳng định tổ chức khiến
con người trở thành dũng cảm và cho phép con người hành động dũng cảm. Thí dụ
trong một bệnh viện, trước một trường hợp bệnh nhân cần giải phẫu khẩn cấp nếu
không chắc chắn sẽ chết trong một tương lai gần, nhưng nếu mổ thì cũng có một
xác xuất khá lớn là bệnh nhân sẽ chết ngay trên bàn giải phẫu. Một bác sĩ thường
không dám lấy quyết định nhưng một hội đồng y sĩ chắc chắn sẽ không lưỡng lự. Hợp
quần không chỉ gây sức mạnh mà còn tạo điều kiện để con người trở thành dũng cảm,
nghĩa là hết hèn. Người Việt Nam thường không biết như thế, và họ hèn vì
không biết lý do khiến mình hèn.
Một người cô đơn không chỉ tự nhiên hèn mà còn nên
hèn. Nếu cô Từ Huy không hèn thì cô làm được gì? Cô sẽ tháo dép, giơ cao,
xông vào trụ sở trung ương đảng cộng sản? Bảo đảm là cô sẽ bị chặn bắt ngay trước
khi có thể tạt dép vào mặt một cấp lãnh đạo nào, bị giam và sau đó ra tòa lãnh
án tù về tội "âm mưu lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa" theo điều
79 BLHS. Nếu cô nuốt giận ngồi nhà gõ sự phẫn nộ của mình trên bàn phím thì
cũng chưa chắc đã an toàn. Cô rất có thể cũng sẽ bị bắt và phạt án tù về tội "lạm
dụng các quyền tự do dân chủ" theo điều 258, như Nguyễn Quang Lập, Hồng
Lê Thọ và nhiều blogger khác.
Muốn
dũng cảm thì phải có tổ chức, không có tổ chức thì chỉ có thể hèn hoặc liều
lĩnh. Người Việt Nam vẫn không hiểu như vậy. Và họ cũng
không hiểu nhiều điều rất cơ bản khác.
Chính
trị và đấu tranh chính trị
Trước hết họ không hiểu chính trị là gì. Trong cả ngàn
năm chính trị của nước ta chỉ là một trò chơi danh vọng, và danh vọng được ban
phát theo bằng cấp hoặc ơn huệ chứ không phải theo khả năng và sự hiểu biết. Những
kẻ sĩ đậu những khóa thi cử vớ vẩn về Tứ Thư Ngũ Kinh chẳng liên hệ gì tới
đời sống xã hội được bổ nhiệm làm tri phủ, tri huyện để "trị dân", dù
hiểu biết về xã hội của họ còn thấp hơn cả người dân. Kẻ sĩ là một lớp người mà
lý tưởng là được làm dụng cụ cho một bạo quyền để đàn áp quần chúng. Trong suốt
dòng lịch sử chính trị chỉ là đàn áp và kẻ sĩ là những cây gậy để các vua chúa
đánh đập dân chúng. Kẻ đánh biết mình đang đánh và kẻ bị đánh biết đau và thấm
thía sự tàn bạo, nhưng cây gậy thì không biết suy nghĩ. Cái tâm lý dụng cụ đó vẫn
còn để lại một di sản văn hóa nặng nề khiến trí thức Việt Nam đã không biết gì
về chính trị lại còn tưởng là mình đã biết hết rồi và không chịu học để biết.
Theo họ chính trị không cần học, ai có bằng cấp hay địa vị xã hội – dù chỉ là một
bằng cấp chuyên môn hay một chức vụ hữu danh vô thực - là mặc nhiên thấy mình
có đủ tư cách để nói về chính trị và làm chính trị.
Tôi đã nghe rất nhiều trí thức khoa bảng mặt mũi
sáng sủa nói một cách tự nhiên "tôi không thích chính trị".
Nhưng chính trị là gì? Chữ "chính trị" không có trong ngôn ngữ Việt
Nam và Trung Quốc trước khi tiếp xúc với phương Tây. Nó được đặt ra để dịch chữ
"politics" đã có từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng đó là cách dịch phiến
diện, ẩu tả. Politics có nghĩa là việc của thành phố, hay "việc
chung", bởi vì vào thời đó mỗi thành phố là một nhà nước. Nếu khi mới tiếp
nhận khái niệm chính trị người ta dịch politics là "việc chung" hay
"việc nước" thì các trí thức khoa bảng sẽ khó có thể nói "tôi
không thích việc chung" hay "tôi không thích việc nước"
mà không thấy ngượng, hoặc ít ra không dám nói một cách hãnh diện như thế.
Một số trí thức, trong đó có cả những người tự cho
là hiểu biết về chính trị, còn nói một cách chắc nịch: "Chính trị là thủ
đoạn, là dơ bẩn". Họ dốt đặc mà không biết mình dốt. Mới đây ông tổng
thống Pháp bị tai tiếng nhiều và uy tín xuống tới sát số không chỉ vì dùng xe
máy lén lút đi ăn vụng với một cô bồ nhí. Một chuyện như vậy nếu xảy ra trong
giới doanh nhân, hay thể thao, hay văn nghệ sĩ, hay ngay cả trong giới giáo chức,
thì sẽ chỉ là một chuyện cười và François Hollande không chừng còn được cảm
tình. Nhưng dư luận đã tức giận, và ông Hollande bị mất thể diện, vì nó đã xảy
ra trong môi trường chính trị, một môi trường mà đạo đức là bắt buộc. Một cách giản dị chính trị là đạo đức ứng dụng, là sự thể
hiện các giá trị đạo đức trong xã hội. Đạo đức và chính trị nhắm trả lời cùng một
câu hỏi phải sống và hành động như thế nào. Chỉ khác nhau ở qui
mô, đạo đức tìm câu trả lời ở qui mô cá nhân trong khi chính trị tìm giải đáp ở
qui mô xã hội. Cốt lõi của luật pháp là thể hiện các giá trị đạo đức trong xã hội.
Vì thế mà Plato, cũng vẫn Plato, đã nói một câu để đời: "Luật vô đạo
không phải là luật". Sở dĩ môi trường chính trị thường phơi bày những
sự gian trá bởi vì nó không dung túng sự gian trá. Một cọng rác trong một căn
nhà sạch dễ thấy hơn là trong một căn nhà đầy rác. Quan điểm "chính trị là
dơ bẩn" là quan điểm của những người không hiểu chính trị và đạo đức. Một
cách cụ thể tôi cũng đã quan sát và nhận thấy rằng những người nói như vậy thường
chỉ có một nhân cách thấp hoặc trung bình.
Động trời hơn nữa là có những người tự
nhận là đấu tranh cho dân chủ nhưng lại tuyên bố một cách hãnh diện là không
tham gia một tổ chức nào cả. Nhưng đấu tranh chính trị có bao giờ là đấu tranh
cá nhân đâu, nó bao giờ cũng là đấu tranh có tổ chức. Những người nói như vậy
chẳng thà đừng đấu tranh. Họ phá đám hơn là đóng góp. Muốn đóng góp cho cuộc vận
động dân chủ chỉ bằng hoạt động cá nhân thì phải là những người thật thông thái
hoặc những nhà tư tưởng rất lớn có khả năng soi sáng cho cuộc đấu tranh, nhưng
những người như vậy lại không nói có thể đấu tranh mà không cần tổ chức.
Xét cho cùng, chúng ta đã là chúng ta hiện nay - tụt
hậu bi đát so với thế giới, con người vẫn chưa được nhìn nhận những quyền con
người cơ bản nhất, phụ nữ phải kéo cày v.v .- cũng chỉ vì sự u mê. Đất nước
ta hình như có ba loại người chính: những kẻ gian ác, những người không dám chống
lại và những người không biết cách chống lại. Giải pháp là những người dám
chống lại phải học hỏi để biết cách chống lại, nghĩa là đấu tranh có tổ chức. Họ
sẽ dũng cảm thay vì chỉ liều lĩnh, và họ sẽ đem sự dũng cảm đến với những người
hiện nay chưa dám chống lại.
Lời
cuối
Tôi rất thông cảm và đồng tình với sự phẫn nộ đạo đức,
cette indignation vertueuse, của hai cô Từ Huy và Thu Dung. Chỉ mong các
cô hiểu rằng vấn đề không phải là hèn hay không hèn mà là có hay không có tổ chức.
Vậy thì thay vì phản bác nhau hai cô nên kết hợp với nhau, rủ luôn cô Phạm Thị
Hoài, cô Võ Thị Hảo và nhiều cô khác, khởi xướng một đảng diệt hèn cứu nước.
Cương lĩnh của đảng nên ghi rõ là các đảng viên không chấp nhận uống café với
những ai nói "không làm chính trị" hoặc "chính trị là
dơ bẩn", nhất là những anh tuyên bố một cách vô tư rằng mình đấu tranh
cho dân chủ nhưng "không tham gia một tổ chức nào cả". Không
phải vì khinh bỉ họ - đề nghị các cô tôn trọng nhân quyền - mà để phản đối những
sai lầm lỗ mãng đã kéo dài quá lâu, và gián tiếp đồng lõa với bạo quyền.
Nguyễn
Gia Kiểng
(12/2014)
(12/2014)
No comments:
Post a Comment