Sunday, 21 December 2014

Sự kiện gì định hình Đông Nam Á 2015? (BBC)





BBC
19 tháng 12 2014

Có năm sự kiện lớn có khả năng gây ảnh hưởng tới vùng Đông Nam Á trong năm 2015, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS).

Trong bài phân tích của cây viết Murray Hiebert đăng vào dịp cuối năm 2014, CSIS đánh giá cuộc bầu cử tại Miến Điện, phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế, các xáo trộn dân chủ tại Thái Lan, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Thái Bình Dương (TPP), và tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là những sự kiện định hình cho hướng đi của khu vực.

Bầu cử Miến Điện

Về kỳ bầu cử quốc hội Myanmar, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2015, CSIS cho rằng đây sẽ là phép thử xem liệu tiến trình chuyển tiếp kéo dài gần bốn năm tại nước này, từ chính quyền quân nhân sang chính quyền dân sự, có diễn ra một cách bền vững hay không.

Một trong những yếu tố then chốt có thể thuyết phục được người dân Myanmar rằng nước này đang chuyển sang dân chủ chính là việc cần có các cuộc đàm phán, những nhượng bộ chính trị giữa giới chính trị cao cấp, gồm Tổng thống Thein Sein, chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing, Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và các đại diện từ các nhóm sắc tộc thiểu số.

Phiên tòa Philippines kiện ở Biển Đông

Phán quyết về vụ Philippines kiện TQ liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên biển được CSIS cho sẽ là "quyết định quan trọng nhất mà các cơ quan xét xử thuộc Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc đưa ra"

Về vụ kiện biển Đông, CSIS nhận định là nhiều khả năng Tòa Trọng tài tại La Hay sẽ ra phán quyết vào cuối 2015, và điều quan trọng là, theo CSIS, "quyết định này có thể sẽ là quyết định quan trọng nhất mà các cơ quan xét xử thuộc Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc đưa ra".

Không những vậy, CSIS còn cho rằng "[quyết định này] sẽ đánh dấu ranh giới cho các tranh chấp ở biển Đông", bởi vì "nếu các thẩm phán thấy rằng họ không có quyền tài phán thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tắt lịm đi những hy vọng dùng cơ quan trọng tài như một biện phám hòa bình để giải quyết các tranh chấp trong tương lai".

Ngược lại, "nếu các thẩm phán thấy họ có quyền ra phán quyết, thì hầu như chắc chắn họ sẽ nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc là tuyên bố không có giá trị đối với lĩnh vực hàng hải," bài báo của CSIS viết.

Tiến trình dân chủ tại Thái Lan

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và các tướng lĩnh tham gia đảo chính hồi tháng Năm sẽ không tham gia kỳ bầu cử dự kiến, cuối 2015

Nhắc tới những trì hoãn trong tiến trình trở lại dân chủ ở Thái Lan, CSIS nhắc lại việc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và các tướng lĩnh tham gia đảo chính hồi tháng Năm nay không tham gia kỳ bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 như họ từng cam kết.

Thêm nữa, tình trạng sức khỏe của Quốc vương Bhumibol Adulyadej nay đã lớn tuổi dường như là lý do của cuộc đảo chính, bởi giới quân sự dường như muốn rằng họ sẽ nằm chính trị ở nước này vào thời điểm nhạy cảm, có sự kế vị ngai vàng một khi điều đó xảy ra, CSIS nói. Nên biết rằng tại Thái Lan, việc thảo luận về hoàng gia và về việc kế vị ngôi báu được quy định nghiêm ngặt trong luật khi quân.

Thỏa thuận Mậu dịch TPP

Về tương lai của quá trình đàm phán TPP, CSIS dẫn lời Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman nói trước Quốc hội nước này rằng ông dự kiến thỏa thuận giữa 12 thành viên TPP sẽ được chốt lại vào giữa năm 2015, để Quốc hội có thể phê chuẩn vào cuối năm tới, trước khi kỳ tranh cử tổng thống 2016 bước vào hồi quyết liệt.

Việc hoàn tất được đàm phán TPP sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho Washington, là cơ sở để Hoa Kỳ thể hiện được rằng họ giữ được cân bằng ở Á châu, gồm cả việc cân bằng kinh tế lẫn a ninh, CSIS nhận xét.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Cuối cùng, trong chủ đề Cộng đồng Kinh tế ASEAN, CSIS cho rằng khối ASEAN có thể có những bước tiến lớn trong việc giảm bớt các rào cản thương mại trong khu vực vào trước hạn chót 31/12/2015.

Tuy nhiên, CSIS nhận định rằng việc tự do hóa tài chính và các dịch vụ khác, việc để nguồn vốn được lưu thông tự do hơn, và việc huy động nhân lực được trông đợi là sẽ vẫn trì trệ, bất chấp các nỗ lực của Malaysia, nước giữ chức chủ tịch ASEAN trong 2015.

Một điểm sáng đáng ghi nhận, theo CSIS, là các nỗ lực hội nhập kinh tế của ASEAN đã dẫn tới việc tăng trưởng trong mảng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào khối này, với mức tăng lên 122 tỷ đô la trong 2013, tức là tăng 20 tỷ đô la so với 12 năm trước đó.




No comments:

Post a Comment

View My Stats