Saturday, 20 December 2014

Khi Trung Quốc đáp trả sự sỉ nhục của phương Tây (Orville Schell - The New York Review)





Orville Schell
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung
Posted on 19/12/2014 by The Observer

Nguồn: Orville Schell, “China Strikes Back!”, The New York Review of Books, October 23, 2014

Khi Đặng Tiểu Bình đến thăm Căn cứ Không quân Andrews gần thủ đô Washington vào năm 1979, đất nước Trung Quốc mới chỉ thức dậy sau một thời gian dài chìm trong giấc ngủ của cuộc Cách mạng Văn hóa. Không nhiều người biết rõ thân thế của nhà lãnh đạo Trung Quốc có chiều cao chưa đầy mét rưỡi này. Ông bất ngờ quay trở lại sân khấu chính trị sau hai lần bị Mao Trạch Đông cách chức. Bản thân Mao đã từng có câu nói nổi tiếng mô tả Đặng là “một cái kim nằm trong bọc.” Tuy nhiên, vào năm 1979, Đặng hiểu rõ mình muốn gì: đó là một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ. Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Jimmy Carter đã tỏ ra hết sức nghiêm túc trong việc giải quyết những khác biệt giữa hai bên. Trong thời gian làm công việc đưa tin về những buổi họp giữa Đặng và Carter, tôi có ấn tượng là hai vị lãnh đạo này đã coi mình đang diễn xuất trong một bộ phim tình bằng hữu, và cùng nhân cơ hội này để truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng họ đã sẵn sàng để hợp tác.

“Ngày hôm nay chúng ta tiến thêm một bước nữa trong tiến trình bình thường hóa quan hệ mang tính lịch sử giữa hai nước mà chúng ta đã bắt đầu từ năm nay,” Carter nói trong bài phát biểu chào mừng Đặng tại buổi chiêu đãi cấp nhà nước tổ chức ở Nhà Trắng.

Chúng ta cùng chia sẻ niềm hy vọng nảy mầm từ sự hòa giải những bất đồng trong quá khứ và từ viễn cảnh đầy hy vọng của một chuyến đồng hành trong tương lai… Chúng ta hãy cùng cam kết rằng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cho thấy sự hiểu biết, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm cần thiết để mối quan hệ mới giữa hai quốc gia chúng ta có thể tồn tại và duy trì.

Sau đó hai nhà lãnh đạo khởi hành đến Atlanta, Houston và Seattle với một kỷ niệm không thể nào quên ở Simonton, Texas. Khi Đặng tham dự vào một buổi biểu diễn, một nữ cao bồi đã cưỡi ngựa phi nước đại đến trước chỗ ngồi của Đặng và tặng ông một chiếc mũ cao bồi. Khi Đặng đội chiếc mũ biểu tượng của người Mỹ lên đầu, nó gần như che mất tầm nhìn của ông ta. Nhưng Đặng đã đạt được mục tiêu: cho người dân hai nước thấy những gì đã qua chỉ còn là quá khứ và bây giờ là thời điểm bắt đầu của một giai đoạn hoàn toàn mới.

Đặng Tiểu Bình tại Simonton, Texas, 2/1979. Nguồn: AP

Thậm chí đến ngày hôm nay những bức ảnh chụp những sự kiện kể trên vẫn còn truyền tải nguyên vẹn tình bằng hữu và ý nghĩa lớn lao khi hai nhà lãnh đạo đã gạt ngờ vực sang một bên và tin tưởng nhau đến mức cho phép giao lưu theo những cách hoàn toàn mới mẻ. Dù vậy, những nỗ lực của họ chỉ đưa đến thay đổi phần nào cho mối quan hệ. Một điều mà “quá trình bình thường hóa” đã không và không thể thay đổi là hình thái nhà nước độc đảng theo kiểu Leninist của Trung Quốc. Thêm vào đó, bởi vì hai hệ thống chính trị cũng như hệ thống giá trị giữa hai nước vẫn còn đối lập nhau, một rào cản bất đồng to lớn vẫn còn tồn tại. Dẫu vậy, lần gặp gỡ này vẫn tạo cảm giác thân tình khi nó giúp Đặng và Carter có thể hình dung được rằng (dù theo những cách khác nhau) hai quốc gia và hai xã hội vẫn có thể dần dần tìm ra nhiều lĩnh vực có thể hợp tác hơn.

Dù Trung Quốc chưa bao giờ có được một nhà nước dân chủ thực sự, từ thời lãnh đạo của Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch cho đến thời của Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và Đặng Tiểu Bình, nhưng các nền dân chủ trên thế giới vẫn có thể tạm hài lòng với niềm hy vọng mơ hồ rằng chừng nào mà Trung Quốc còn mở cửa – và có lẽ cùng với sự trợ giúp từ thị trường mở, trao đổi học thuật, các khoản từ thiện của Mỹ, vv… – Trung Quốc sẽ có thể dần trở nên dân chủ hơn.

Những giấc mơ này dường như đã được xác thực khi Bức tường Berlin sụp đổ và khối Liên Xô tan rã. Nhưng trong khi những sự kiện kịch tính này làm phương Tây hài lòng, chúng đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc kinh ngạc và hoảng sợ. Họ không hề vừa lòng khi Tổng thống Bill Clinton, khi nói về sự kiện Thiên An Môn năm 1989 trong chuyến công du Trung Quốc năm 1997, đã chỉ trích Trung Quốc một cách trịch thượng vì đã “đi vào lề trái của lịch sử.” Khi đó Tổng bí thư Giang Trạch Dân chẳng có lựa chọn nào khác ngoài phải im lặng lắng nghe.

Đằng sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Carter

Nhưng hóa ra lịch sử không hẳn nghiêng về phương Tây như ông Clinton đã nghĩ. Mặc dù biểu hiện bên ngoài chưa rõ ràng, nhưng thực chất giấc mơ về một Trung Quốc dân chủ hơn đã gần như bị triệt tiêu kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, khi nó tạo ra một tâm lý đề phòng cao độ, không-bao-giờ-cho-phép-tái-diễn trong nội bộ Đảng. Sự kiện Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản năm 2013 đã giáng một đòn kết liễu xuống niềm hy vọng cải cách bộ máy chính trị tại đây của cả phương Tây và người Trung Quốc.

Dựa vào thực tế hiện nay, có thể rút ra được thông điệp mới của Đảng là: “Bởi vì Trung Quốc tuyệt đối chối bỏ mọi hình thái nhà nước dân chủ kiểu phương Tây do chúng không phù hợp với Trung Quốc, người Mỹ nên từ bỏ thứ giấc mơ truyền giáo của họ nhằm đưa tuyển cử, nhân quyền và dân chủ đến Trung Quốc đi. Những điều các người đang nhìn thấy cũng chính là những gì các người sẽ nhận được! Chúng tôi không muốn thay đổi bất cứ điều gì.”

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình được tổ chức tại biệt thự Sunnylands vào tháng 6 năm 2013, ông Tập có lẽ đã cố gắng lặp lại kỳ tích năm xưa thời Carter-Đặng khi bày tỏ mong muốn chứng kiến hai quốc gia hình thành một “mối quan hệ cường quốc kiểu mới.” Ông ta ám chỉ rằng mỗi bên nên chấp nhận tình hình thực tế của đối phương. Ý tưởng này của Tập chưa bao giờ được đón nhận.

Tuy nhiên trong tháng 9 vừa qua, Jimmy Carter, người có công giúp khởi động quan hệ Mỹ-Trung, đã quay trở lại Trung Quốc. Đây chẳng phải là cơ hội tốt để khôi phục bầu không khí tôn trọng lẫn nhau như xưa và để cùng nhau tìm kiếm những bước tiến mới trước khi ông Obama đến Trung Quốc vào tháng 11 hay sao? Còn ai phù hợp hơn Carter trong việc góp phần cải thiện một mối quan hệ mà giờ đây chồng chất những tranh chấp, căng thẳng và hoài nghi, thêm vào đó là để đạt được một mối quan hệ “kiểu mới”?

Tôi chấp nhận lời mời cùng đi với Carter trong chuyến thăm lần này. Dĩ nhiên, so với năm 1979, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt và quá trình thể chế hóa quan hệ song phương với Hoa Kỳ đã đạt được những biến chuyển tích cực. Nhưng đáng kinh ngạc không kém chính là những ngờ vực về động cơ và ý đồ vẫn còn tồn tại nguyên vẹn giữa hai bên. Thực vậy, nhìn vào tình hình hiện nay, ta chỉ có thể đi đến kết luận rằng hai nước đang ngày càng rời xa nhau, đây là một thực tế rõ ràng thậm chí trước cả khi Carter đáp máy bay xuống Bắc Kinh. Lý do gì đã dẫn đến tình trạng này?

Carter lần đầu đến Trung Quốc vào năm 1949, với tư cách là một sĩ quan hải quân trẻ tuổi phục vụ trên một tàu ngầm của Hoa Kỳ đang ghé thăm Thanh Đảo và Bắc Kinh vào thời điểm chỉ mấy tháng trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Ba thập niên sau, vào ngày 15 tháng 12 năm 1978, sau một loạt cuộc thương thảo bí mật kéo dài và cực kỳ gian truân, Carter khiến cả thế giới kinh ngạc khi thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tái thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường. Bất chấp sự phản đối gay gắt từ Quốc hội Mỹ – Thượng Nghị sĩ Barry Goldwater đã buộc tội ông đã “lừa dối, khinh thường Quốc hội, và bán rẻ Đài Loan” – sáu tuần sau đó Đặng Tiểu Bình xuất hiện tại Nhà Trắng.

Khi Carter quay trở lại Bắc Kinh vào tháng 9 để dự lễ kỷ niệm 35 năm “bình thường hóa quan hệ,” điểm dừng chân đầu tiên của ông là Đại học Nhân dân Trung Quốc. Tôi đã tưởng rằng đây là một cơ hội không chỉ để ca ngợi vai trò của Carter trong quan hệ Mỹ-Trung mà còn để ông bày tỏ quan điểm về những sự kiện sau khi bình thường hóa và gặp gỡ các sinh viên. Nhưng thay vào đó, chúng tôi nhận thấy mình bị nhét vào một hội thảo về nền tài chính toàn cầu do trường tổ chức, đó là một trong vô số những cuộc hội thảo kinh doanh ngày nay đang ngập tràn ở Trung Quốc bởi chủ đề này nằm trong diện an toàn. Chỉ sau bài phát biểu không có gì đặc sắc của ông hiệu trưởng và một cựu chuyên viên về đầu tư của Liên Hợp Quốc người Argentina, Carter mới có thể có một bài nói chuyện ngắn và sau đó chỉ có một câu hỏi được đặt ra trực tiếp cho ông.

Hóa ra Carter được trả tiền cho bài nói chuyện này, điều này khiến chuyến thăm lần này chỉ như một chặng dừng trong nỗ lực không ngừng nghỉ trên phạm vi toàn cầu của ông nhằm duy trì nguồn quỹ cho Trung tâm Carter. Nhìn cựu Tổng thống Hoa Kỳ bị đối xử một cách hờ hững ta mới thấy rõ được rằng cán cân quyền lực giữa hai quốc gia đang dần dịch chuyển như thế nào: ngày nay không chỉ có phương Tây mới là những kẻ giàu có. Và thực tế, Trung Quốc được dự báo là sẽ sớm vượt Mỹ về GDP.

Sự dịch chuyển quyền lực mang tính cấu trúc trong quan hệ Mỹ-Trung còn thể hiện ra theo nhiều cách khác. Dù Carter trước đó đã gặp Tập Cận Bình bốn lần, trong chuyến thăm lần này ông không gặp cả Tập hay Thủ tướng Lý Khắc Cường; điều này thật kỳ lạ, bởi nếu họ thực sự mong muốn quan hệ Mỹ-Trung trở nên tốt đẹp hơn thì tại sao họ lại bỏ qua một nhân vật đã từng làm rất nhiều điều để cải thiện mối quan hệ này?

Thêm vào đó, người Trung Quốc trước đó đã không nể nang khi không cho phép một thành viên trong đoàn của Carter đứng lên phát biểu trong một diễn đàn được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân. Bản thân ông Carter cũng nhanh chóng nhận ra rằng nhiều tổ chức đón tiếp chính thức tại Trung Quốc đã phải hủy bỏ hoặc tổ chức lại một số sự kiện tại Thượng Hải và Thanh Đảo. Và nữa, một cuộc gặp của Trung tâm Carter dành cho Diễn đàn Học giả trẻ của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong chương trình Quan hệ Mỹ-Trung bị dời địa điểm tổ chức khỏi Đại học Giao thông Thượng Hải cơ sở ở Tây An đến một khách sạn.

Trung Quốc lãnh đạm với Carter

Phái đoàn Carter hay báo giới đã không thể lý giải nguyên nhân tại sao những thay đổi kể trên lại được phép xảy ra, bất chấp chúng làm tổn hại đến mục đích của chuyến thăm. Có lẽ chiến dịch chống tham nhũng đang được tiến hành ở Trung Quốc đã làm những nhà tổ chức sự kiện lo lắng. Cũng có thể bởi các quan chức tại đây biết được Carter từ lâu rất tận tâm với vấn đề nhân quyền quốc tế và dân chủ, và vì vậy họ lo sợ sẽ xảy ra một sự cố không hay nào đó.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người ngoại quốc luôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bày tỏ mối bất bình tại Trung Quốc. Tất cả các đại sứ quán, doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông nước ngoài đều nhận thức đươc rằng, ở đây người ngoại quốc phải chấp nhận cảnh cho gì nhận nấy. Phàn nàn nhiều quá sẽ chỉ nhận lại sự trì hoãn hoặc hủy bỏ hợp đồng, visa, chương trình, kế hoạch gặp mặt và các chương trình giao lưu.

Đoạn cao trào nhất trong chuyến thăm của Carter diễn ra tại buổi yến tiệc trong Đại lễ đường Nhân dân, một công trình kiến trúc rộng và đầy khoảng trống có hình dạng giống hầm mộ được “nhân dân” chóng vánh xây nên trong vòng mười tháng trong Phong trào Đại Nhảy vọt năm 1959 khi có khoảng 30-40 triệu người đang bắt đầu dần chết đói. Đây là một trong số những công trình mang tính lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng của quá trình mở rộng Quảng trường Thiên An Môn do Mao chỉ đạo. Những căn phòng đồ sộ của nó (mỗi phòng dành riêng cho một tỉnh), tất cả đều được trang trí bằng những bức tranh phong cảnh có kích thước khổng lồ, được tính toán nhằm mục đích khiến người ta cảm thấy nể sợ và choáng ngợp. Thế nhưng bữa tối dành cho ông Carter lại đơn điệu một cách đáng thất vọng. Phó chủ tịch Lý Nguyên Triều chủ trì tiếp đãi bữa yến tiệc này, ông ta có một bài phát biểu ngắn nhưng không còn giữ thái độ nhiệt thành và thân thiện như của những cuộc gặp ba mươi lăm năm về trước.

Trong khi chúng tôi ăn tối giữa một rừng bàn tiệc mà một nửa số đó không có người ngồi, một giáo sư người Trung Quốc thầm nói với tôi rằng cách đây mấy hôm Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp với tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, một người bị cộng đồng quốc tế tẩy chay lên án (còn Tập gọi ông ta là “một người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc mà chúng ta vô cùng kính trọng”, người mà Trung Quốc “cùng đứng vai kề vai chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa bá quyền”). Ông giáo sư tiếp tục cho biết ông Tập thực ra cũng đang ở Đại lễ đường Nhân dân nâng cốc chúc mừng Quốc vương Malaysia Abdul Halim Mu’adzam Shah ngay tại thời điểm chúng tôi dùng bữa tối. Nhưng ông Tập đã không hề ghé qua buổi chiêu đãi ông Carter để chào lấy một lời.

Không một tờ báo nào trong số sáu tờ báo Trung Quốc mà tôi xem lướt qua vào ngày hôm sau đưa tin về buổi yến tiệc hay chuyến thăm của Carter. Chỉ có duy nhất phiên bản tiếng Anh của tờ China Daily, một tờ báo được người Mỹ làm việc ở Trung Quốc biết đến rộng rãi, là có đề cập chút thông tin, tờ báo này đăng tải một bức ảnh không có mặt Carter mà thay vào đó là đội văn nghệ sinh viên tại buổi yến tiệc, ở dưới là một bài báo ngắn có tiêu đề: “Buổi chiêu đãi vinh danh quan hệ Trung-Mỹ.”

May mắn thay, tối hôm sau chúng tôi được thết đãi một bữa tối được tài trợ bởi tờ Caijing Magazine và bà Đặng Dung, con gái của Đặng Tiểu Bình. Với việc rất nhiều cựu quan chức Trung Quốc trước đây từng làm việc với chính quyền Carter hiện diện ở đây, nghe nói ông cựu tổng thống cùng phu nhân cảm thấy vô cùng hài lòng khi nhìn thấy rất nhiều “bạn cũ,” hầu như tất cả bọn họ nay đều đã rời nhiệm sở.

Tác động nhìn chung của chuyến thăm – và đây cũng là một “tác động” xuất hiện ở rất nhiều chuyến thăm khác giữa người Mỹ và người Trung Quốc – là để khiến cho những vị khách đến thăm cảm thấy việc gây dựng những mối quan hệ thực chất là điều bất khả thi. Trên thực tế, tôi đã nghe được từ những nguồn tin thân cận với Carter rằng ông đã cảm thấy buồn chán đến mức tính đến việc xách va li về nước ngay lập tức.

Yếu tố khiến bữa tối tại Đại lễ đường tạo cho người ta khó chịu hơn cả là cảm giác “sỉ nhục” phảng phất nơi đây. Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh những năm tháng trong lịch sử Trung Quốc khi đất nước bị người nước ngoài nhục mạ và bóc lột. Cảm nhận dường như người Trung Quốc đang muốn trả đũa theo chiều ngược lại khiến tôi chỉ muốn rời bữa tiệc tối hôm đó ngay từ đầu.

Tại sao Trung Quốc ngạo mạn?

Trong lúc tôi đi bộ khỏi Đại lễ đường để đến Quảng trường Thiên An Môn cùng với một học giả người Hoa gốc Mỹ, trên con đường được thắp sáng như thể để trang hoàng cho đêm Giáng Sinh, chúng tôi đồng tình với nhau rằng thật đáng thất vọng khi chứng kiến không chỉ riêng việc Carter bị ngăn không cho tiếp xúc chính thức và tư cách của ông bị xúc phạm, mà cả việc đây thực chất chỉ là một phần trong chuỗi sự kiện cũng diễn ra theo cách giống như vậy mà gần đây chúng tôi đã tham gia. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng cảm thấy bàng hoàng khi thấy Trung Quốc ngày nay chính thức thể hiện cho thế giới hình ảnh một quốc gia đầy ngờ vực, bí ẩn, kẻ cả và khắc nghiệt.
Những hình ảnh này đặc biệt được gửi tới những quốc gia theo nền dân chủ, những nước mà Trung Quốc đặc biệt coi là tiếp tay cho phản động và thậm chí thù nghịch. Có thời kỳ, cách đây chưa lâu, chính người Trung Quốc đã từng chỉ trích phương Tây vì lối xử sự tương tự. Nhưng nếu cách hành xử khi đó của những nước mà Trung Quốc coi là “đế quốc” không giúp gì cho quan hệ của họ với Bắc Kinh, thì chẳng có lý gì để thấy lối hành xử hiện nay của Bắc Kinh lại mang tính xây dựng hơn cả.

Tuy nhiên nhiều quan chức và sĩ quan quân đội của Trung Quốc ngày nay dường như quá tự hào rằng đất nước của họ đã trở nên giàu có và hùng mạnh đến độ họ cảm thấy hầu như nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng có thể dùng vũ lực chống lại Nhật Bản và Việt Nam – và ngay cả âm thầm sỉ nhục một nước Mỹ hùng mạnh – mà không màng đến những hậu quả tiêu cực và thậm chí nguy hiểm có thể xảy ra cho phần còn lại của thế giới khi họ hành xử ngang ngược như vậy. Lúc này đây cả hai phía có lẽ đang cảm thấy ngày một lúng túng với câu hỏi tại sao mọi thứ lại quá khó khăn đến vậy, ngay lúc nước sôi lửa bỏng khi chúng ta cần tìm cách để né tránh những xung đột mà rất nhiều người lo lắng sẽ có thể xuất hiện cùng với sự trỗi dậy của một cường quốc mới.
Thái độ hờ hững ngăn cản hai phía chúng ta thực sự tiếp cận nhau đến từ đâu? Có lẽ là từ một mối quan ngại cho rằng nếu người Trung Quốc tỏ ra quá mềm mỏng và niềm nở, họ có thể sẽ bị hiểu sai thành sự yếu đuối, nhu nhược mà Trung Quốc đã rất vất vả để xóa mờ đi bằng cách nỗ lực vươn đến sự giàu có và quyền lực.

Nguyên nhân thứ hai có lẽ là do nhận thức của Bắc Kinh cho rằng bất chấp tất cả những thành tựu kinh tế nước này đã đạt được, các nước dân chủ kiểu phương Tây không những vẫn tiếp tục coi thường hệ thống quản trị theo mô hình Leninist của Trung Quốc mà còn rất muốn nhìn thấy hệ thống này có những thay đổi về căn bản. Không có gì bất ngờ khi thái độ của phương Tây về các nguyên tắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc được nhìn nhận là thứ tác phong trịch thượng, và điều này khiến nhiều người Trung Quốc vốn rất tự tôn cảm thấy vô cùng bực bội.

Giờ đây khi Trung Quốc đang tận hưởng thành tựu của sự phát triển khiến cán cân quyền lực đã và đang nhanh chóng ngả về phía nước này, người Mỹ nhận thấy họ đang đối mặt với một thực tế mới xuất hiện ở Bắc Kinh. Kế hoạch cải cách của Tập Cận Bình giờ đây thậm chí còn không bao gồm một chương trình cải cách chính trị thực chất. Đã xa rồi những ngày các quan chức phải bao biện, “Hãy cho chúng tôi thêm thời gian. Trung Quốc không thể thay đổi tất cả mọi thứ trong một sớm một chiều được.”

Thêm vào đó, việc chứng kiến cảnh tượng một Quốc hội Mỹ tê liệt và các chính phủ châu Âu trượt dốc khiến cho Trung Quốc càng thêm tự tin vào hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa theo mô hình Leninist cũng như có thêm lý do để bắt đầu thể hiện thái độ cương quyết với thế giới bên ngoài.
Những thất bại của các mẫu hình dân chủ như vậy càng củng cố niềm tin của các quan chức trong Đảng rằng họ đã hoàn toàn đúng đắn khi chối bỏ các sản phẩm của nền dân chủ phương Tây: hệ thống cân bằng và kiểm soát, nền chính trị bầu cử, các giá trị phổ quát, nhân quyền, xã hội dân sự độc lập, nền truyền thông mở, và sự tự do của các nhóm tôn giáo. “Một trong những nhược điểm của nền dân chủ phương Tây mà lâu nay giới lãnh đạo Trung Quốc luôn phê phán là nó dễ dẫn đến trạng thái tê liệt, bế tắc và sau cùng là sự yếu kém của chính quyền,” Tập Cận Bình đã nhận xét như vậy gần đây.

Trước đây, phương Tây từng tin chắc rằng Trung Quốc, trước tác động của thị trường tự do, nền giáo dục chịu ảnh hưởng từ nước ngoài và quyền lực mềm của phương Tây, sớm muộn gì cũng sẽ phải cởi mở hơn về chính trị – điều mà nhiều người phương Tây cho là con đường cách mạng tất yếu (và thậm chí đáng mơ ước) đối với bất kỳ xã hội nào. Nhưng giờ đây, niềm tin này bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc thẳng thừng và lớn tiếng bác bỏ với nội dung tóm lược như sau: “Chúng tôi không muốn tham gia vào giấc mơ định hướng mục tiêu của các người! Quan điểm “lề phải của lịch sử” do Tổng thống Clinton đưa ra không nằm trong quan điểm chính thức về “giấc mộng Trung Hoa” của Tổng bí thư Tập Cận Bình chúng tôi!”

Mặt trái của “Giấc mộng Trung Hoa”

“Giấc mộng Trung Hoa” là ý tưởng do Tập khởi xướng, ngày nay được tung hô trên những biển quảng cáo, trạm dừng xe buýt và trên mọi nẻo đường khắp đất nước; giấc mơ này phục vụ cho khát khao lâu đời của Trung Quốc về sự thịnh vượng, quyền lực, nể trọng, và vị thế toàn cầu. Nhưng trong đó không chứa đựng bất cứ khát vọng nào đối với các khái niệm tự do dân chủ và các giá trị nhân văn của phương Tây. Chính cái bóng của những xung đột tư tưởng này và những dịch chuyển quyền lực to lớn ban đầu trong quan hệ đối với châu Á đã hủy hoại chuyến thăm của Jimmy Carter. Dẫu sao, ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đưa nhân quyền phổ quát trở thành một trong những tiêu chí trọng tâm khi xây dựng chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Quyền lực mới của Trung Quốc giờ cho phép đất nước này kháng cự lại hầu hết các hình thức gây sức ép từ bên ngoài. Khi những người từ những vùng đất “man di mọi rợ” như ông Carter đến thăm, các quan chức hàng đầu của Trung Quốc sẽ hào hứng hơn nhiều với việc buộc họ tuân thủ một thứ hệ thống giống như “triều cống” của các vương triều khi xưa, chính hệ thống này đã từng đặt ra những quy tắc ngặt nghèo đối với các sứ thần đến từ các quốc gia phụ thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Miến Điện. Những vị sứ thần như vậy được cho phép đến Bắc Kinh, chờ đợi được diện kiến với hoàng đế, dâng tặng những lễ vật lên Thiên Tử như những “cống phẩm,” và rồi nhanh chóng lui ra. Họ chưa bao giờ được hưởng vị thế ngang hàng, bởi vì suy cho cùng thì không có cường quốc nào “ngang hàng” được với Trung Quốc mà chỉ có thể kém hơn.

Bởi vì những người Trung Quốc yêu nước đã chờ đợi rất lâu để thấy được ngày đất nước của họ “phục hưng”, nên ta có thể hiểu được tại sao họ lại cảm thấy hân hoan với vị thế ngày một lớn mạnh của đất nước và thèm muốn thể hiện khả năng kháng cự của họ đối với sức ép từ phương Tây, thứ sức mạnh mà họ đã không có được trong một thế kỷ rưỡi.

Tuy nhiên sự cương quyết, cứng nhắc và thái độ chủ nghĩa dân tộc ngày một hằn học hơn của Trung Quốc trong thời gian gần đây đang thổi bùng làn sóng phản kháng trong khu vực ảnh hưởng của nước này. Trên thực tế, một vài người đang đặt ra câu hỏi, “Trung Quốc có bất kỳ bạn bè nào không?”. Những hành động của Trung Quốc cũng đang khiến người ta quan ngại sâu sắc về ý đồ của họ, đặc biệt trong nhóm ủng hộ Trung Quốc mà ta có thể tạm gọi là “phe thỏa hiệp” tại Mỹ và những nơi khác trên thế giới vốn đang nỗ lực để hai nước xích lại gần nhau.

Rất nhiều người ủng hộ Trung Quốc như vậy đang bắt đầu tự hỏi liệu hy vọng về loại hình hợp tác Mỹ-Trung – mục tiêu mà Tổng thống Carter đã cố gắng thúc đẩy ba mươi lăm năm về trước nay được ông nhắc đi nhắc lại ở Bắc Kinh hồi tháng 9 này – liệu bây giờ đã trở thành ngây thơ quá hay không. Thực vậy, ngày càng có nhiều những người ngoại quốc sau môt thời gian tham gia sâu vào các vấn đề của Trung Quốc tỏ ra vỡ mộng và lo lắng về cách cư xử gần đây của quốc gia này. Đặc biệt đáng chú ý là số lượng CEO người nước ngoài, những người từng một thời là nền tảng của mối quan hệ khởi sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu tự hỏi liệu họ có còn tương lai nào ở đất nước này hay không.

Chuyến thăm gần đây của Carter là một cơ hội quý giá, được nhiều mất ít cho Trung Quốc để bắt đầu đảo chiều lòng tin đang dần xuống dốc này. Tất cả những gì họ cần làm chỉ là ca ngợi quan hệ đối tác tuyệt vời giữa Carter và Đặng năm 1979 và nói thêm rằng mối quan hệ hệ trọng nhất trong các mối liên kết toàn cầu này giờ cần được tiếp nối.

Thay vào đó, người Trung Quốc lại hết lần này đến lần khác chọn gửi đi những thông điệp gây phức tạp hóa tình hình: “Kể từ bây giờ, các người chơi theo luật của chúng tôi, nếu không các doanh nghiệp nước ngoài sẽ bị hạn chế quyền lợi, các chuyến thăm chính thức sẽ bị hạ thấp tầm quan trọng, visa dành cho các học giả và nhà báo có tư tưởng tự do sẽ bị cấm, và những người tỏ ra có đầu óc mơ mộng đến chuyện dân chủ sẽ bị loại trừ thẳng thừng. Và bởi vì chúng tôi biết rằng chẳng một ai có thể gánh chịu được thiệt hại khi bị đá khỏi thị trường Trung Quốc béo bở, nên chúng tôi ở Bắc Kinh có thể viết lại luật của cuộc chơi này.”

Nói vậy không có nghĩa là Trung Quốc không muốn có một quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, quốc gia này chỉ muốn xây dựng nó theo cách của họ. Một lý do nữa góp phần vào tình trạng bế tắc này là ở chỗ những quan chức ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện không có mấy hứng thú cũng như kinh nghiệm đối với Trung Quốc, và họ cũng bị phân tâm bởi nhiều vấn đề cấp bách khác trên thế giới. Hơn nữa, chúng ta có một vị tổng thống sở hữu một phong thái khá lãnh đạm, cho đến bây giờ vẫn chưa thể làm gì để kết thân với người đồng cấp Tập Cận Bình, cũng là một người dường như rất kín đáo và tiết chế bản thân với một nụ cười bí ẩn.

Nói tóm lại, những quốc gia mà trước đây từng được coi là “phương Tây” ngày nay phải đối mặt với một tình thế ngày càng khó khăn, khi cán cân quyền lực đang thay đổi, đây là một sự thật mà hầu như chưa ai thực sự chú tâm để thừa nhận, chứ chưa nói đến việc tính đến những cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc. Chúng ta vẫn còn hoài niệm về những tháng ngày xa xôi, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn nghe theo lời dặn dò hãy “giấu mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối) của Đặng Tiểu Bình. Điều ông ta muốn nói đến trong câu thành ngữ này không phải là Trung Quốc nên mãi mãi kiềm chế bản thân, mà là thời điểm để Trung Quốc thể hiện tham vọng toàn cầu vẫn chưa chín muồi. Dẫu vậy, dường như các nhà lãnh đạo nước này đang ngày càng tin rằng thời cơ ấy cuối cùng cũng đã đến và họ không còn muốn nhấn mạnh đến khái niệm “trỗi dậy hòa bình” nhằm ru ngủ nước khác nữa.

Ẩn đằng sau thái độ gần đây của Trung Quốc là một lời cảnh báo ngầm: “Nếu như Trung Quốc không thể có cái mình muốn một cách hòa bình, thì chúng tôi bây giờ có đủ sức mạnh để đạt được mục đích đó bằng những cách khác, và chúng tôi cũng không ngại phải đụng chạm ai cả.” Lời đe dọa này gợi nhắc đến hình bóng của Vladimir Putin. Thông điệp mà người Trung Quốc dường như muốn gửi đi nhưng không muốn nó quá thẳng thừng (họ luôn là bậc thầy về lối nói bóng gió) là họ muốn được nhìn nhận theo cách mà họ muốn, chứ không phải theo cách của chúng ta. Dù muốn hay không thì đây vẫn chính là thực tế thế giới mới.

Thử thách mới này vẫn còn lạ lẫm với chúng ta và nó đặt ra một câu hỏi hóc búa: Liệu các quốc gia dân chủ phương Tây có thể chấp nhận Trung Quốc đúng như bản chất hiện nay, để chúng ta có thể đối phó hiệu quả hơn với hàng loạt vấn đề toàn cầu mới xuất hiện đang đe dọa tất cả chúng ta như biến đổi khí hậu, bệnh dịch, chủ nghĩa khủng bố, và phổ biến vũ khí hạt nhân hay không?

*Các tiểu mục do Nghiencuuquocte.net tự đặt.
Biên tập: Lê Hồng Hiệp




No comments:

Post a Comment

View My Stats