Friday, 19 December 2014

Cuba: Internet và Western Union sẽ hiệu quả hơn cả cấm vận (RFI)





Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 19-12-2014 Sửa đổi ngày 19-12-2014 21:19

«Todos somes americanos», tựa đề bài xã luận hôm nay của Le Monde, cũng là câu nói của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi tuyên bố nối lại quan hệ với Cuba «Chúng ta đều là người châu Mỹ».

Cũng giống như chuyến đi đến nước Trung Quốc cộng sản của ông Richard Nixon năm 1972, việc ký kết hiệp ước hòa bình ở trại David giữa Israel và Ai Cập năm 1978 đối với ông Jimmy Carter, Cuba sẽ được gắn liền với Barack Obama đến mãi mãi về sau.

Quyết định của Tổng thống Mỹ loan báo hôm thứ Tư 17/12/2014 từ Phòng bầu dục của Nhà Trắng, về việc lập lại quan hệ với đảo quốc của Fidel Castro sau hơn nửa thế kỷ quan hệ Mỹ-Cuba băng giá, theo Le Monde, là sáng suốt, can đảm và lịch sử.

Sáng suốt bởi vì, cũng như chính ông Obama đã nói: « Không thể cứ tiếp tục cùng một chính sách suốt hơn năm thập kỷ và hy vọng sẽ có được kết quả tốt hơn ». Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cuba vẫn bất di bất dịch trong khi toàn thế giới đang thay đổi, ngày càng tỏ ra không hiệu quả. Fidel Castro, nhường ngôi lại cho người em năm 2008, đã sống sót qua mười một đời Tổng thống Mỹ khác nhau. Cấm vận của Hoa Kỳ mà người Cuba gọi là blocus, không chỉ làm cho người dân vất vả, nhưng nhất là đã giúp cho quyền lực Castro đóng vai nạn nhân của đế quốc yankee, và thoải mái ngự trị với ý thức hệ chống Mỹ.

Sáng suốt, cũng vì các hành tinh ngày nay đã xoay ngang với nhau để thay đổi mục tiêu nhắm đến. Sự suy sụp của nền kinh tế Cuba sau khi Liên Xô, nước cưu mang La Habana sụp đổ, đã khiến chế độ phải dè dặt tiến hành một số cải cách. Rồi Venezuela của Hugo Chavez, giàu nguồn lợi dầu lửa, đã cứu viện Cuba. Nhưng đến lượt Venezuela lại chìm đắm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, và việc mở cửa kinh tế Cuba ngày nay trở nên cần thiết : các biện pháp giảm nhẹ trừng phạt về thương mại và tài chính do ông Obama loan báo diễn ra vào thời điểm thiết yếu để hỗ trợ lãnh vực tư nhân và các doanh nghiệp non trẻ của Cuba.

Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng là can đảm. Nếu điều này từ lâu vẫn được người châu Âu coi là tốt đẹp, thì đối với bên kia bờ Đại Tây Dương vẫn là một thử thách lớn lao. Vận động hành lang rất hiệu quả của những người Mỹ gốc Cuba, được nuôi dưỡng bằng mối oán hận sâu sắc của một thế hệ bị cuộc cách mạng Castro tước đoạt, đã khiến nhiều đời Tổng thống Mỹ liên tiếp không dám đụng vào hồ sơ này, ngoài một vài sửa đổi thực tế nho nhỏ.

Bản thân ông Obama, hồi năm 2008 đã cam kết sẽ thay đổi chính sách đối với Cuba, đã đợi đến sáu năm trời mới dám thực hiện. Ông chọn lựa chiến thuật nhảy vọt thay vì đi từng bước, và ông có lý. Đã hẳn là Obama có được thuận lợi nhờ sự thay đổi trong cộng đồng người tị nạn Cuba ở Hoa Kỳ, mà đa số sinh ra sau cuộc cách mạng năm 1959, ít bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hơn các thế hệ trước và ủng hộ việc xích lại gần với cố quốc. Nhưng Tổng thống Obama còn phải lao vào cuộc chiến với Quốc hội để đạt được việc bỏ cấm vận, và cuộc chiến này sẽ rất gay go.

Cuối cùng, sáng kiến của Nhà Trắng mang tính lịch sử, vì từ bỏ chiến lược thay đổi chế độ, thay vào bằng một chiến lược tinh tế hơn, đó là hỗ trợ cho xã hội công dân và các lực lượng thay đổi ngay trong dân chúng. Chính sách này từng tỏ ra công hiệu đối với một số chế độ cộng sản khác, chủ yếu sẽ được thực hiện quan trọng được ông Barack Obama và Raul Castro loan báo.thông qua các công ty công nghệ thông tin Mỹ, sẽ hoạt động trên lãnh thổ Cuba. Đây là một trong những biện pháp quan trọng được ông Barack Obama và Raul Castro loan báo.

Từ nay bị mất đi kẻ thù quan trọng nhất, chế độ Castro sẽ nhận ra rằng internet và Western Union là những vũ khí có uy lực còn mạnh mẽ hơn tất cả các hình thức cấm vận trên Trái Đất này.

Cơ hội để Cuba ra khỏi chủ nghĩa cộng sản
Nhật báo cánh tả Libération trong bài xã luận mang cái tựa ngắn gọn : « Thiếu thốn », bắt đầu bằng một câu chuyện tiếu lâm đen. Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại sa mạc Sahara. Một năm sau, chưa có gì xảy ra, nhưng sau hai năm, xảy ra nạn thiếu cát !
Câu chuyện tiếu lâm chống cộng đã có từ lâu này, chuyển sang vùng vịnh Caribê, minh họa rất rõ những gì đã diễn ra tại Cuba. Sau khi lên nắm quyền, Fidel Castro thay vì chọn lựa một nền dân chủ và kinh tế hỗn hợp, đã áp đặt cho đất nước mình phiên bản nhiệt đới của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Sau năm mươi năm, kết quả nhìn chung là thảm hại.
Mặc cho một vài thành công quý giá – trình độ giáo dục cao, chính sách y tế bình đẳng, bảo đảm việc làm nhờ chế độ bao cấp, nền kinh tế Cuba luôn luôn phải chịu đựng cảnh thiếu thốn và nạn tham nhũng, dưới sự cai trị của tầng lớp quan lại. Cuba bị lệ thuộc vào Liên Xô cũ, rồi gần đây là Venezuela, và đến lượt Venezuela cũng gặp khó khăn. Để tránh phá sản, chế độ đành phải thương lượng bỏ cấm vận với kẻ thù Yankee. Người Mỹ rốt cuộc cũng hiểu ra rằng chính sách cô lập Cuba không đi đến đâu cả.
Cuba nay có được một cơ hội lịch sử. Chế độ La Habana có thể lợi dụng để đạt được một án treo. Cuba cũng có thể tiến hành một tiến trình dần dà ra khỏi chủ nghĩa cộng sản, khi để cho khu vực tư nhân có sáng kiến, và xã hội có thể thở được một ít không khí tự do. Như thế Raul Castro có thể đạt đến thành công, trong khi ông anh Fidel đã thất bại.

Những người âm thầm kiến tạo hòa bình
Cũng liên quan đến hồ sơ quan hệ Hoa Kỳ - Cuba, bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến góc độ « Những người kiến tạo hòa bình » và ở trang trong cho biết « Vatican đã hành động như thế nào, với sự tin cậy của cả hai nước ».
Tờ báo bình luận, phải cần đến hơn nửa thế kỷ để cho hai quốc gia vốn thậm chí từng sẵn sàng sử dụng đến vũ khí nguyên tử, quyết định nối lại quan hệ ngoại giao. Nhưng con đường bình thường hóa mới chỉ bắt đầu. Các tù nhân, bị giam giữ quá lâu, đã được trả tự do, các bài diễn văn đã được đọc lên, các địa điểm đặt tòa đại sứ đã được bàn đến. Một số biện pháp kinh tế cũng đã được loan báo, dãn bớt gọng kềm và đem lại cho người dân Cuba một ít không khí trong lành. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đối với Tổng thống Barack Obama, là cần phải thuyết phục cho được Quốc hội Mỹ, nhất là phe Cộng hòa, rằng cần dỡ bỏ cấm vận, đưa Cuba ra khỏi danh sách kẻ thù của Hoa Kỳ. Còn Raul Castro phải dành cho đồng bào mình thêm nhiều quyền cá nhân và tập thể. Tự do hóa kinh tế vẫn chưa đủ để ông ta có thể chứng minh thiện chí đối với các « đối tác » mới : mỗi ngày Trung Quốc đều chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chủ nghĩa tư bản năng động nhất không hẳn đi kèm với các tiến bộ dân chủ cũng như việc tôn trọng nhân quyền.
La Croix nhấn mạnh đến vai trò của giáo hội công giáo ở Cuba lẫn Vatican. Từ thời Đức Giáo hoàng Gioan 23, Ngài đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng tên lửa giữa Kennedy và Khrouchtchev, cho đến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị năm 1998 và Benedicto 16 năm 2012. Và nay đến lượt một vị Giáo hoàng khác người Achentina, tham gia cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tờ báo vinh danh sự kiên trì của những người đi kiến tạo hòa bình.

Cuba và những vấn đề sắp tới
Nhìn chung, sự kiện Hoa Kỳ và Cuba bình thường hóa quan hệ vẫn là đề tài được báo chí Pháp hôm nay tiếp tục bàn tán sôi nổi. Le Monde chạy tựa trang nhất : « Obama chìa tay về phía Cuba », đăng lại tấm hình cái bắt tay đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Cuba Raul Castro nhân dịp đến dự tang lễ ông Nelson Mandela ở Nam Phi ngày 10/12/2013.
Nhật báo công giáo La Croix nói về « Cuba và Hoa Kỳ, một bước khởi đầu mới », cho biết thông báo ngoạn mục về việc Washington và La Habana xích lại gần nhau được dè dặt đón nhận tại đảo quốc và trong cộng đồng người tị nạn Cuba, vì hãy còn nhiều trở ngại phải vượt qua.
Trang nhất của nhật báo Libération đăng ảnh các thiếu nhi Cuba quàng khăn đỏ trên bãi biển, giơ cao chân dung Fidel Castro, với dòng tựa « Cuba, những khả năng của một hòn đảo » và đặt câu hỏi : « Sự bình thường hóa quan hệ giữa Washington và La Habana có thể dẫn đến mở cửa chính trị và kinh tế của chế độ Castro ? »
Ở trang trong, tờ Le Figaro nhận xét, Obama trông cậy vào sự ủng hộ của dư luận Mỹ trong vấn đề Cuba ; còn nhật báo kinh tế Les Echos báo trước « Quốc hội Mỹ sẽ gây khó khăn cho việc bình thường hóa quan hệ với Cuba ».

Putin : Show trình diễn bất lực
Nhìn sang châu Âu, trong lúc một địch thủ khác của Mỹ là Nga đang gặp khó khăn trầm trọng về tài chính, và thái độ của ông Vladimir Putin rất được chờ đợi trong cuộc họp báo lớn thường niên hôm qua, nhật báo Le Figaro nhận định : « Show diễn của Putin rơi vào khoảng không ». Ông chủ điện Kremli không hề kê ra được toa thuốc cụ thể cho con bệnh khủng hoảng kinh tế.
Thông tín viên Le Figaro tại Matxcơva thuật lại, người ta chờ đợi một vị thống tướng tiến ra mặt trận của cuộc khủng hoảng tài chính, chiến đấu với suy thoái trầm trọng sắp tới. Thế nhưng đó lại là một tổng thống bình thường, bàn đến những chuyện ngoài lề, nói đùa với các nhà báo, nhưng hoàn toàn không đưa ra được những biện pháp giải quyết.
Trước cú sốc tài chính với sự sụt giá thê thảm của đồng rúp, ông Putin chỉ nói rằng Ngân hàng Trung ương sẽ có biện pháp thích đáng, đề cao việc đa dạng hóa các nguồn lực... Ông không đưa ra được giải pháp nào cho hồ sơ Ukraina. Ngược lại, người dân Nga chỉ được nghe thổ lộ rằng Tổng thống…đang yêu.

*
*
Đăng ngày 19-12-2014 Sửa đổi ngày 19-12-2014 16:39

Ngày 17/12 là một cái mốc lớn trong quan hệ Mỹ -Cuba. Nhân quan hệ hai nước đi vào bước ngoặt mới. Ngược dòng lịch sử để hiểu về cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hơn hơn một nửa thế kỷ qua nay đang được khép lại.

Ngày 3 tháng Giêng năm 1961, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba bị cắt đứt. Chủ tịch Fidel Castro trở thành đồng minh của Liên Xô, biến hoàn đảo chỉ cách Florida có 150 km thành tiền đồn chống Mỹ và chủ nghĩa tư bản.

Tháng Tư năm 1961, 1400 kiều dân Cuba lưu vong tại Mỹ, được CIA huấn luyện và đưa về đổ bộ lên hòn đảo để lật đổ chế độ Castro. Trong chiến dịch mang tên "Vịnh con heo" này, Mỹ đã thất bại thậm chí có thể nói đã bị hạ nhục. Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào năm 1962 khi nhờ hệ thống không ảnh, người Mỹ đã phát hiện thấy các tên lửa của Liên Xô được đặt tại Cuba đang hướng về nước Mỹ. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra chưa bao giờ cận kề như khi đó.

Đáp trả vụ khủng hoảng tên lửa này, Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận toàn bộ: Phong tỏa mọi quan hệ thương mại kinh tế, tài chính và ngoại giao đối với Cuba. Chế độ cộng sản Fidel Castro được xây dựng trên tình thần chống Mỹ kịch liệt từ đó.

Thế nhưng, sau sự kiện bức Tường Berlin năm 1989 kéo theo cả hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Cuba mất nguồn tài trợ từ Liên Xô và rơi vào tình thế cô lập hoàn toàn. Đảo quốc nhỏ bé Cuba tồn tại được từ những năm 1990 nhờ vào nền kinh tế tự cung tự cấp. Fidel Castro đổ cho Mỹ đã gây ra nỗi khốn khổ cho Cuba.

Hàng nghìn người Cuba đã vượt biển qua Florida trên những con thuyền tồi tàn. Dười thời của cha con tổng thống Bush, các biện pháp phong tỏa, cấm vận Cuba lại càng được thắt chặt hơn. Việc đi lại và chuyển tiền giữa Hoa Kỳ và Cuba hầu như bị cấm hoàn toàn.

Đến năm 2008, cùng lúc ông Raul Castro lên thay thế người anh Fidel nắm quyền ở Cuba và tại Mỹ, ông Barack Obama đắc cử tổng thống . Những thay đổi trong quan hệ hai nước bắt đầu chớm nở. Tân Chủ tịch Cuba tỏ ý muốn thiết lập đối thoại bình đẳng và cho đến năm ngoái, một cái bắt tay nhanh chóng tại lễ tang Nelson Mandela tại Nam Phi đã như một dự báo cho việc cải thiện quan hệ hai nước.

*
*

Đăng ngày 19-12-2014 Sửa đổi ngày 19-12-2014 16:29

Hôm 17/12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Cuba cùng lúc có bài diễn văn lịch sử thông báo nối lại quan hệ ngoại giao giữa Washington và La Habana gián đoạn sau hơn nửa thế kỷ sống trong thù hằn. Nếu như quyết định ngoạn mục này đang mang lại nhiều hy vọng thì hai bên sẽ còn phải phối hợp cụ thể hóa những hy vọng đó qua từng bước đi để tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hoàn toàn.

Bước thứ nhất: Dỡ bỏ cấm vận kinh tế
Nhiều chuyên gia về châu Mỹ latin đã ví vấn đề này như là “huyết mạch của cuộc chiến”. Bởi lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay đã đè nặng lên Cuba. Báo chí vẫn gọi đây là lệnh cấm vận dài nhất trên thế giới. Những quy định chủ yếu của lệnh phong tỏa thương mại này được cố tổng Mỹ Kennedy ban hành hồi năm 1962, tiếp đó đến thập niên 1990, nó được thiết chế hóa dưới hình thức văn bản luật để rồi tiếp tục được thắt chặt, ngoại trừ một vài quyết định giảm nhẹ dưới thời tổng thống Barack Obama.
Nhà trắng đã ngỏ ý muốn hủy bỏ luật cấm vận Cuba trước khi tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ, tức là trong khoảng hai năm tới. Thế nhưng việc đó chỉ có thể thực hiện được qua con đường bỏ phiếu tại lưỡng viện Quốc hội. Có điều là hiện tại đảng đối lập Cộng hòa đang chiếm đa số ở cả Thượng và Hạ viện Mỹ.
Bà Jannette Habel, chuyên gia về châu Mỹ Latin giải thích: “ Trong nội bộ của cả phe Dân chủ cũng như Cộng hòa đang bị chia rẽ trên vấn đề này. Một bộ phận những người Cộng hòa vẫn từ chối dỡ bỏ lệnh cấm vận, một bộ phận khác lại mong muốn thúc đẩy làm ăn với Cuba. Một số người thuộc phe Dân chủ cũng tỏ ra dè dặt né tránh vấn đề”.
Dự báo việc bỏ phiếu sẽ diễn ra không đơn giản. Nhưng ông Barack Obama đã chọn ngôn từ trong diễn văn : “ Cô lập Cuba không có hiệu quả, cần phải có phương pháp mới”. Theo các nhà phân tích, cách nói của Tổng thống Mỹ là khôn khéo vì phe Cộng Hòa sẽ khó có thể bảo vệ một biện pháp mà từ nửa thế kỷ qua không mang lại kết quả.
Còn trong trường hợp Quốc hội không đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm vận, thì như Nhà trắng như đã thông báo hôm thứ Tư vừa qua sẽ ban hành một loạt biện pháp ủng hộ trao đổi kinh tế giữa hai nước. Lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ qua, người Mỹ đã có thể sử dụng thẻ tín dụng tại Cuba và các ngân hàng có thể mở tài khoản ở các cơ sở tài chính của Cuba. Giới quan sát cho rằng các biện pháp nới lỏng lỏng cấm vận có thể được coi như sự gỡ bỏ từng phần cấm vận.

Bước 2: Rút Cuba ra khỏi danh sách các Nhà nước ủng hộ khủng bố
Tổng thống Mỹ đã tuyên bố Cuba sắp tới sẽ được rút ra khỏi danh sách những quốc gia ủng hộ khủng bố. Cuba bị đưa vào danh sách đen này của Mỹ từ năm 1982. "Các quan chức cao cấp (Mỹ) sẽ tới Cuba để triển khai hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực “chống khủng bố, kinh tế, di cư và y tế” , như tổng thống Mỹ đã quả quyết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phải là người đi tiên phong thực thi các nhiệm vụ đó.
Đây là giai đoạn quan trọng để bình thường hóa quan hệ hai nước , nhưng tiến trình này cần phải có thời gian. Nhà nghiên cứu Janette Habel phân tích: “ Đặt Cuba trong danh sách những nước ủng hộ khủng bố từng là một điều phí lý không ăn nhập vào đâu cả. Cuba không dính dáng gì đến các hoạt động khủng bố. Cho nên khó có thể duy trì Cuba trong danh sách, nhất là giờ đây quan hệ ngoại giao hai nước bắt đầu tiến triển”.

Bước thứ 3: Cải thiện nhân quyền và dân chủ tại Cuba
Nhiều tiếng nói ly khai của nững người Cuba lưu vong tỏ ra bi quan. Nhà văn Zoe Vades, sống lưu vong tại Pháp từ 1995 cho rằng sự xích lại gần nhau trong quan hệ Mỹ Cuba “sẽ chẳng cải thiện được số phận của người dân Cuba”.
Trong khi đó, một số dân biểu Cộng hòa Mỹ cũng tỏ ra không hài lòng với sự kiện vừa rồi. Họ cho rằng cách làm này của chính quyền hiện nay “sẽ không cải thiện được gì vấn đề nhân quyền và dân chủ ở Cuba”, như Thượng nghị sĩ Florida, ông Marco Rubio một người gốc Cuba nhận định.
Nếu như những người Cuba lưu vong ở tiểu bang miền nam nước Mỹ này, được cho là thuộc “thế hệ cũ”, đều có chung quan điểm như trên thì “thế hệ mới "không nghĩ như vậy. Nhà phân tích Christophe Ventura nhận định “ Những người trẻ muốn phát triển quan hệ với Cuba , những người già, bảo thủ, không muốn điều đó. Dẫu sao thì những người này cũng không có đủ sức nặng để cản bước tiến của lịch sử”.
Còn nhà nghiên cứu Janette Habel thì nhận định: “ Người ta đã có thể ghi nhận sự mở cửa dân chủ. Điều này sẽ tiếp tục vì lý do mà chính quyền toàn trị đưa ra để biện minh cho chính sách đàn áp là mối đe dọa của Mỹ không còn chính đáng nữa kể từ sau bài diễn văn của ông Barack Obama hôm thứ Tư”. Vấn đề còn lại là để xem Cuba sẽ đi theo mô hình nào.

Giai đoạn thứ 4 : Tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Obama và Castro
Nhà trắng đã không loại trừ việc tổng thống Mỹ sẽ tới thăm Cuba sau khi quan hệ ngoại giao hai nước được tái lập. Ngược lại chuyến đi của Raul Castro thăm Mỹ cũng được dự trù. Nhưng với giới quan sát thì thế giới đã được chứng kiến hình ảnh lịch sử từ hôm thứ Tư vừa qua khi nguyên thủ quốc gia hai bên cùng lúc lên truyền hình đọc bài diễn văn tuyên bố nối lại quan hệ.
Tuy nhiên bước ngoặt thực sự có thể sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11 tháng 4 năm 2015 tói đây tại Panama, nhân hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7, quy tụ 34 nước khu vực Bắc và Trung Mỹ . Nguyên thủ quốc gia các nước Mỹ Latin đã dọa không tới dự hội nghị nếu đại diện của Cuba không được mời. Thế nhưng lần đầu tiên La Habana sẽ tham dự sự kiện này. Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro chưa khẳng định đến dự hội nghị nhưng có nhiều khả năng hai ông sẽ tận dụng cơ hội tốt này để khẳng định quyết tâm đưa hai nước xích lại gần nhau.
(Tổng hợp từ France TV)
.
------------------------------

RFA
19.12.2014

Liệu Tổng Thống Hoa Kỳ có đi thăm Cuba hay không là câu hỏi được nhiều người nói đến trong 48 giờ đồng hồ qua, sau khi nhà lãnh đạo nước Mỹ loan báo sẽ nối lại quan hệ với nước láng giềng cộng sản.

Hôm qua trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, phát ngôn viên Josh Earnest nói rằng không loại trừ khả năng Tổng Thống Obama sẽ ghé thăm Havana, nhưng cũng cho biết chưa có lịch trình cụ thể nào cả.

Theo tin Đài chúng tôi ghi nhận được, chắc chắn chuyện Tổng Thống Mỹ sang thăm Cuba sẽ không diễn ra trong năm 2014, lý do là vì chỉ 1 giờ đồng hồ nữa ông Obama và gia đình sẽ rời Washington, lên máy bay về bang nhà Hawaii nghỉ lễ và tắm biển, mãi đến ngày mùng 4 tháng Giêng 2015 mới trở lại thủ đô.

Vì thế, anh chị em chúng tôi xin được dự đoán là sớm nhất phải đầu mùa hè năm tới Tổng Thống Mỹ mới ghé Cuba. Lý do vì tháng Năm 2015, thượng đỉnh Mỹ Châu sẽ được tổ chức ở Panama, rất tiện cho Tổng Thống Hoa Kỳ ghé thăm nước láng giềng mà ông vừa quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chấm dứt giai đoạn lạnh nhạt kéo dài tới hơn nửa thế kỷ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats