Saturday 20 December 2014

Ai “hèn” và ai “đã nhảy về chuyến tuyến chống cộng”? - Đáp lại bà Hoàng Lan Chi, người ký tên Hoàng Ngọc An trong bài viết “Cái hèn của Trần Trung Đạo” (Trần Trung Đạo)





Trần Trung Đạo
18-12-2014

Thưa bà,

Tranh luận với một thái độ rộng mở và kính trọng quan điểm người khác luôn là trường học để mở mang kiến thức và làm sáng thêm nhận thức của một người về một vấn đề mà người đó quan tâm.

Tôi rất thích học hỏi qua tranh luận và đã viết khoảng 30 tiểu luận trong mục “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trong diễn đàn Talawas trước đây, nhiều trong số đó tranh luận về chính nghĩa quốc gia, lý giải bản chất cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam của CSVN và CS Quốc Tế, phân tích hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967, vạch rõ chiêu bài “hòa hợp hòa giải” của CSVN và nhiều vấn đề quan trọng khác của cuộc chiến chống CSVN. Sau Talawas, tôi viết nhiều chính luận và tiểu luận khác về hiểm họa Trung Cộng, thực trạng Việt Nam và chính sách tẩy não của CSVN để giúp độc giả, nhất là tuổi trẻ trong nước, chưa có dịp biết hay bị bộ máy tuyên truyền CS che đậy.

Trong loạt bài đăng trên Talawas có bài Ông Thiện ông Ác, trong đó tôi mượn một câu chuyện thật để phân tích sự tráo trở của tướng CS Trần Văn Trà, người trong vai ông Thiện chiều 30-4 đã dùng lời đường mật để lừa gạt các viên chức VNCH, nhưng chỉ thời gian ngắn sau chính Trần Văn Trà trong chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Đinh đã lộ nguyên hình ông Ác CS khi đày hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức VNCH vào các trại tù. Bài viết đơn giản, đăng trên talawas và hàng trăm tờ báo, websites không một độc giả nào thắc mắc vậy mà bà Hoàng Lan Chi không hiểu nổi. Sau khi đọc bài này, mời quý vị trở lại và ghé vào đọc bài “Ông Thiện ông Ác” và nhận xét phải chăng tôi có “Tư tưởng hòa giải hòa hợp trong đó rất rõ” như bà Hoàng Lan Chi kết án hay không.

Trở lại với thư gởi bà Hoàng Lan Chi. Đây là lần đầu tiên tôi viết biện luận với ít nhiều đắn đo trong lòng.

Đắn đo thứ nhất là phải trả lời một người chỉ biết chửi:
Thành thật mà nói tôi rất thích tranh luận phải trái nhưng rất ngại phải đối đáp với một người chỉ thích mạt sát người khác. Từ nhỏ đến giờ tôi không quen với ngôn ngữ mà bà Hoàng Lan Chi dùng. Nếu bà chỉ dùng bút hiệu Hoàng Ngọc An mà chưa bao giờ dùng tên thật để ký trong bài như nhiều tác giả khác thì không nói làm gì. Đằng này bà rất thường dùng Hoàng Lan Chi, ngoại trừ khi chửi người khác bà mới dùng một tên lạ, trong trường hợp này là Hoàng Ngọc An. Tại sao khi bà mạt sát người khác thì dùng nick Hoàng Ngọc An và khi viết đàng hoàng lại dùng tên thật. Sợ bị kiện? Không dám ngẩng cao đầu? Không dám công khai ra trước công luận? Bà có thể cho rằng tên Trần Trung Đạo không xứng đáng để bà dùng tên Hoàng Lan Chi đối đáp mà chỉ cần dùng Hoàng Ngọc An là đủ. Nhận xét xin dành cho độc giả.

Đắn đo thứ hai bà không hiểu đầy đủ về phương pháp nghiên cứu khi viết bài hay tranh luận với người khác và khinh thường độc giả:
Ngay câu đầu tiên bà đã khẳng định lý do tại sao bà viết: “Tôi đã không muốn nói khi ông Trần Trung Đạo viết bài “Ánh sáng Điếu Cày” nhưng khi ông TTĐ viết tiếp “Kẻ gây rối” thì tôi nghĩ tôi phải lên tiếng.” Điều này có nghĩa nếu tôi không viết bài “Kẻ gây rối” thì bà đã không lên tiếng. Đúng không?
Dựa vào đâu mà bà khẳng định như đinh đóng cột là tôi viết bài “Ánh sáng Điếu Cày” trước, rồi sau đó viết tiếp bài “Kẻ gây rối”?
Phương pháp nghiên cứu căn bản nhất áp dụng trong một bài phê bình là tác giả phải kiểm chứng cho được thời gian của nguồn tài liệu. Không cần đi đâu xa, bà chỉ Google tìm là thấy ngay tôi chưa hề viết bài nào có tựa là “Kẻ gây rối”.
Tựa “Kẻ gây rối” do một độc giả tự ý đặt trước bài “Bước đường dài đến tự do” của Nelson Mandela và bài đó cũng không phải viết sau bài Ánh sáng Điếu Cày. Bài “Bước đường dài đến tự do” của Nelson Mandela đăng trên DanLamBao ngày 12 tháng 6 năm 2013, tức một năm rưỡi trước đây. Một người nào đó hay một yahoogroup nào đó gởi bà bài “Kẻ gây rối” và bà kết luận một cách cẩu thả, vô trách nhiệm với độc giả mà không cần kiểm chứng.
Mọi sự kiện đều mang tính lịch sử và phải phán xét trong không gian và thời gian của sự kiện đó. Bà không làm vậy vì không biết gì về phương pháp luận và sự quan trọng về tính lịch sử của một sự kiện.

Đắn đo thứ ba là bà Hoàng Lan Chi thiếu tinh thần phục thiện và thiếu đạo đức làm người:
Tôi nhận được bài viết của bà đang trên đường đi và khi về nhà đọc lại tôi biết ngay tác giả là bà Hoàng Lan Chi. Dưới đây là nguyên văn email tôi gởi bà sau khi đọc bài viết:

Kính chị Hoàng Lan Chi
Tôi vừa nhận được bài viết “Cái hèn của Trần Trung Đạo” do một người bạn văn chuyển. Tôi đang trên đường nên chỉ đọc vài hàng đầu.
Vì sự quen biết và gặp gỡ hai lần với chị trước đây nên tôi xin thưa với chị một điều về câu đầu tiên và cũng là lý do chính để chị viết “Tôi đã không muốn nói khi ông Trần Trung Đạo viết bài “Ánh sáng Điếu Cày” nhưng khi ông TTĐ viết tiếp “ Kẻ gây rối ” thì tôi nghĩ tôi phải lên tiếng.”
Thưa chị, câu đó không đúng. Tôi không đặt tựa bài nào là “Kẻ gây rối”. Còn bài “Bước Đường Dài Đến Tự Do” là tên tác phẩm của Nelson Madela “Long walk to freedom” do tôi giới thiệu vài năm trước. Khi Nelson Mandela trở bịnh nặng tôi viết lại và post vài nơi vào tháng 6 năm 2013. Bài viết của tôi đã in thành sách chứ không phải mới viết. Chị có thể kiểm chứng dễ dàng bằng Google hay trong link này:
Tôi không trách gì ai vì mọi việc trên đời này đều có lý do. Tôi viết email ngắn này cũng vì tôi rất quý cái lý do quen biết.
Kính chúc chị Giáng Sinh thật an lành và năm mới nhiều sức khỏe.
Trần Trung Đạo

Tôi không đăng email trả lời của bà ở đây vì vi phạm luật riêng tư, nhưng trong email bà không xin lỗi đã nghĩ sai về thứ tự thời gian của hai bài viết và lý do trực tiếp làm bà giận dữ. Nếu bà đủ tự trọng để viết hai chữ xin lỗi mà một đứa bé nào vừa biết viết trên nước Mỹ này cũng có thể làm, tôi sẽ không viết bài này dù bà phê bình tôi nặng bao nhiêu đi nữa. Sai một dấu, một chữ cũng phải xin lỗi đừng nói chi là sai cả một câu dài và một lý do chính để bà viết một bài mạt sát người khác.
Tôi rất quý trọng các quan hệ dù vui hay buồn nên thường im lặng khi nghe một người trách mắng vì người đó đã có một thời quen biết với mình. Tôi biết bà lớn tuổi hơn nên luôn gọi chị và cho đến email cuối cùng cách đây hai ngày tôi vẫn gọi như vậy. Những người quen tôi đều biết tính tôi biết lớn, biết nhỏ chứ không phải chỉ vì ngoại giao, nịnh bợ hay rào đón. Tôi tin mọi việc trên đời đều có lý do và cũng không nên quá quan trọng một chuyện gì.

Đắn đo thứ tư vì bà không biết gì về tôi nhưng lại phán như người biết rõ khi viết: “Tuy thế, mấy năm sau lại thấy TTĐ “nhảy” về chiến tuyến chống cộng với những bài chỉ trích cộng sản”:
Bà Hoàng Lan Chi chỉ qua Mỹ năm 2004 không phải bằng ghe như hàng trăm ngàn thuyền nhân trong các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á trong đó có tôi, và cũng không phải là những cô, chú, bác HO đã trải qua các trại tù CS, nhưng phán như đã có mặt trong ngày đầu tiên và lớn lên theo từng bước thăng trầm với cộng đồng người Việt hải ngoại. Theo hình ảnh bà đưa lên trong blog của bà, suốt gần 30 năm ở lại Việt Nam, bà cũng không phải là người đấu tranh chống CS từng vào tù ra khám mà chỉ là một cô giáo dạy học, hay “kỹ sư tâm hồn” theo cách gọi của CS dành cho một người làm công việc tuyên truyền trong ngành giáo dục.
Bà qua Mỹ khi cộng đồng Việt Nam đã bước vào giai đoạn ổn định sau những năm tháng đầu gian nan vất vả. Suốt 29 năm trước đó bà không có mặt. Tôi không thể liệt kê hết các hoạt động của mình nhưng chỉ nói sơ cho bà biết từ năm 1988 chúng tôi đã xây dựng nhóm internet người Việt Quốc Gia đầu tiên ở hải ngoại như tôi thuyết trình trước Đại hội văn hóa của Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày 3 tháng 7 năm 1998.
Không chỉ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, suốt 29 năm trước khi bà qua Mỹ, bao nhiêu người trong đó có tôi, đã phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn để xây dựng các thế hệ trẻ, xây dựng các tổ chức cộng đồng người Việt quốc gia khắp nơi trên nước Mỹ. Bà bấm vào đây để đọc bài thuyết trình trước đại hội sinh viên Việt Nam vào năm 1998. Rất tiếc, nhiều bài thuyết trình của tôi trước 1995 không có lưu trữ trên internet. Tất cả đều diễn ra trước ngày bà được CSVN cho sang Mỹ rất xa.
Hãy đọc đi để biết giữa tôi và bà, ai thật sự “đã nhảy về chuyến tuyến chống cộng”.
Dù những đắn đo trên nhưng tôi vẫn viết bài này bởi vì tôi quan tâm đến độc giả và vì sự ổn định của cộng đồng trong cuộc đấu tranh giải trừ chế độ CSVN còn quá nhiều khó khăn trước mắt. Do đó, nhân cái chuyện bà Hoàng Lan Chi này, tôi xin giải thích một số quan điểm của tôi về sự kiện Điếu Cày nói riêng và quan điểm đấu tranh chống CSVN nói chung.

Theo từng mức độ khác nhau, tôi ủng hộ tất cả các hoạt động chống CSVN trong nước.
Cách mạng dân chủ diễn ra tại Việt Nam chứ không phải tại Mỹ, Canada, Đức hay Úc. Những người đổ máu đầu tiên, bị trấn áp tù đày đầu tiên là những người Việt trong nước chứ không phải người Việt hải ngoại. Tôi viết hàng loạt bài cổ võ cho tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ trong nước vì họ là những người đang đứng trong tuyến đầu chống CS. Tôi không chỉ viết về Điếu Cày mà gần như viết về hầu hết các nhà hoạt động dân chủ trẻ như Phương Uyên (3 bài), Việt Khang, Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân v.v.
Tôi biết rõ anh Điếu Cày và những người đấu tranh trong nước không? Chắc chắn là không.Tôi xa Việt Nam 33 năm chưa một lần về lại để gặp ai, mà dù có gặp cũng chắc gì đã biết rõ nhau. Nếu ủng hộ một người đang đấu tranh chống CSVN trong nước mà phải đi tìm lý lịch ba đời của từng người để nghiên cứu trước khi ủng hộ họ thì chẳng những 40 năm mà cả 100 năm nữa CS cũng không sụp đổ.
CSVN dùng lý do “trốn thuế” để bắt giam anh Điếu Cày nhiều năm, trong khi cả tập đoàn lãnh đạo CS từ thấp đến cao nhởn nhơ trốn thuế. Tôi không biết rõ đời tư của anh nên không bình luận nhưng chỉ ngạc nhiên chính bà Hoàng Lan Chi lại cũng dùng lý do của CS để kết án anh Điếu Cày “đầu tiên giam ông với lý do trốn thuế.” Tôi cũng chưa tiếp xúc hay nói chuyện với anh Nguyễn Văn Hải lần nào. Tôi không thiết tha đến việc đó. Anh ta bước xuống máy bay rồi tôi không còn xem anh ở Việt Nam nữa.

Với tôi, mục tiêu hàng đầu là lật đổ cho được chế độ CSVN và xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị. Ai có tội với dân tộc, ai bán đứng đất nước sẽ bị xử công khai trước tòa án. Công lý như ánh sáng mặt trời không ai thoát được như tôi đã trình bày tại Dallas hôm 7 tháng 12, 2014.
Dù có nhiều quan điểm chính trị khác nhau, tôi tin đại đa số người Việt, trong và ngoài nước vẫn có chung một mơ ước Việt Nam sẽ sớm có dân chủ hòa bình thật sự và sau những điêu tàn đổ vỡ, các thế hệ Việt Nam sẽ có cơ hội xây dựng lại quê hương, thăng tiến đất nước, cùng đi lên với thời đại dân chủ toàn thế giới. Nhưng điều đó không thể xảy ra nếu người Việt vẫn còn ngồi yên chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ đến, còn trông cậy ở một bàn tay của kẻ khác. Do đó, tất cả mọi hoạt động phải thúc đẩy cho được con tàu dân chủ lăn bánh từ trong nước. Sức mạnh đó không đến từ đâu khác mà là khả năng tổng hợp của toàn dân tộc.

Bài “Ánh sáng Điếu Cày” dài 1664 chữ không có chữ nào, câu nào tôi gọi anh Điếu Cày là “Anh hùng dân tộc”
Một người ác ý chuyển bài viết ra internet và viết dòng đầu “Anh hùng dân tộc”, từ đó nhiều người đã hiểu lầm tôi gọi anh Nguyễn Văn Hải là “anh hùng dân tộc”. “Ánh sáng” tôi dùng trong bài viết là “ánh sáng tự do dân chủ” như tôi viết rất rõ ràng trong câu “Quá khứ dù có khó khăn, hiện tại còn vất vả nhưng tương lai tươi đẹp rồi sẽ đến. Dòng sông dù còn vẩn đục nhưng nước đang trôi nên sẽ có một ngày trong. Cánh cửa đã mở. Ánh sáng đã rọi vào. Những người mang ánh sáng đang có mặt trên khắp ba miền đất nước.”
Bà có hiểu không?
Những người mang ánh sáng tự do dân chủ là những người đang chịu đựng trong gông cùm CS, trải qua gian khổ trong từng ngày, từng đêm trên mỗi con đường, trên từng góc phố mà Điếu Cày đã từng là một phần của giai đoạn đấu tranh đó.
Hiện nay còn hàng ngàn tù nhân chính trị đang bị CS giam giữ. Một người được ra khỏi tù cũng có nghĩa một số người khác sắp phải vào tù. Cuộc đấu tranh của đồng bào trong nước đang trực diện với bạo quyền CS vô cùng khó khăn và cần có sự ủng hộ tích cực của đồng hương hải ngoại. Dù chậm hơn nhiều nước khác, cách mạng dân chủ vẫn phải được phát động từ thế hệ trẻ và phát động từ trong nước.

Bà Hoàng Lan Chi đọc ở đâu tôi cho rằng Điếu Cày “như một hải đăng hay cá nhân một người như một ánh sáng cho mọi người đi theo”?
Tôi không chủ trương Việt Nam phải có một minh quân lãnh đạo cuộc đấu tranh chống CSVN. Mười năm trước, khi bà Hoàng Lan Chi có thể chỉ vừa xuống máy bay, trong bài Yêu nước, người là ai?đăng trên Việt Báo ngày 2 tháng 10, 2004, tôi đã bày tỏ quan điểm về minh quân của mình:
Người Việt yêu nước không cần một ngọn hải đăng của bất cứ cường quốc nào để rọi sáng đêm tối trời cho dân tộc Việt Nam nhưng ngay từ trong lòng mỗi người yêu nước đã bùng cháy lên ngọn đèn tự chủ được thắp sáng bằng tâm thức Việt Nam. Người Việt yêu nước không chờ đợi một minh quân ra đời hay một lãnh tụ xuất hiện để dẫn dắt họ trên đường cứu nước bởi vì chính mỗi người yêu nước sẽ là một minh quân của thời đại và con đường dẫn đến điểm hẹn lịch sử được soi sáng bằng trí tuệ Việt Nam.
Độc giả có thể bấm vào đường link ở trên để đọc trọn bài và kiểm chứng lời tôi viết. Tôi viết nhiều thể loại trong 10 tác phẩm nhưng chưa bao giờ ra khỏi các nguyên tắc chỉ đạo quan điểm chính trị của mình.
Đọc câu kết luận của bà Hoàng Lan Chi “nhiều người đã mỉa mai rằng ô Trần Trung Đạo đang mơ tưởng con đường về hưu sẽ về ở VN, đang ước ao một chức vụ nào đó ở VN”, tôi chỉ biết tội nghiệp cho bà. Cuối cùng, bà cũng không hơn gì đám lãnh đạo CS ở trong nước, chỉ nghĩ đến quyền lực, tham lam chức vụ, thèm khát hưởng thụ, mặc cho đất nước tính theo GDP trên đầu người còn thấp hơn nhiều nước Phi Châu.
Bà không biết gì về tôi, về ước mơ và mục đích sống của đời tôi. Nói ra bà cũng không hiểu vì qua bài viết của bà tôi biết bà không có khả năng nghĩ cao hơn thế.
Hẹn bà bài sau.

Trần Trung Đạo
Boston 18 tháng 12, 2014

Các bài viết có liên quan:
Bước đường dài đến tự do của Nelson Mandela, DanLamBao (http://danlambaovn.blogspot.com/2013/06/buoc-uong-dai-en-tu-do-cua-nelson.html )
Ánh sáng Điếu Cày, Danlambao 24/10/2014 (http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/anh-sang-ieu-cay.html )
Ông Thiện, ông Ác, talawas 3.3.2005 (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3974&rb=0401 )
“Yêu nước, người là ai?” , VietBao, 2004 (http://vietbao.com/a19111/yeu-nuoc-nguoi-la-ai )
Tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại và Cách Mạng Internet, Đại Hội Văn Hóa và Truyền Thông – Tampa Hoa Kỳ 3-7-1998 (http://www.trantrungdao.com/?p=201 )
Hướng Đi Nào Cho Dân Tộc Việt Nam, thuyết trình tại Montreal 2002. (http://hv.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00CNjI )


---------------------------

MỘT SỐ BÀI VIẾT của TRẦN TRUNG ĐẠO :
HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ 1990:
http://trachnhiemonline.com/Basic-Storage/sign_CLICK-here.gifBài 1/4:
http://trachnhiemonline.com/Basic-Storage/sign_CLICK-here.gifBài 2/4
http://trachnhiemonline.com/Basic-Storage/sign_CLICK-here.gifBài 3/4:
http://trachnhiemonline.com/Basic-Storage/sign_CLICK-here.gifBài 4/4:



No comments:

Post a Comment

View My Stats