PGS TS Ngô Văn Minh
4-6-2014
TS Lê Sơn vừa chuyển một bài nghiên cứu của
Ngô Văn Minh, rất đáng đọc.
------------------
TRÊN
BIỂN ĐÔNG
Pgs, Ts. Ngô Văn Minh
Pgs, Ts. Ngô Văn Minh
TỪ
SỰ THÔI THÚC BỞI BẢN NĂNG SỞ HỮU SƠ KHAI CỦA MỘT CÁ NHÂN
Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm ra đời của tấm bản
đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra là do một người có tên Lâm Tuân của
chính quyền Tưởng Giới Thạch chỉ huy chiến hạm mang tên Thái Bình đi tuần sát ở
vùng biển phía nam của Trung Quốc để xem có còn tàn quân Nhật ở trên các đảo
hay không, khi trở về căn cứ đã cùng thuộc hạ là mấy chuyên viên quan trắc, hoạ
đồ xúm lại vẽ ra một tấm bản đồ gọi là Nam Hải chư đảo vị trí đồ (Bản đồ vị trí
các đảo Nam Hải) rồi chuyển cho Ti Phương vực Bộ Nội Chính của Trung Hoa Dân quốc
đem in xuất bản vào tháng 10-1947.
Tuy nhiên, theo một khảo cứu có tên là Tùng vãn
Thanh đáo Dân quốc đích địa đồ khang Nam hải quy thuộc (Quá trình quy thuộc Nam
hải qua một số bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến thời kỳ Trung Hoa dân quốc) của
một tác giả người Trung Quốc có tên và bút danh là Ni Bá Long Căn – Oa Đằng thì
vào năm 1940 bản đồ Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh minh tế đồ đã thể hiện đường
phân giới nhiều chấm liền nhau vẽ chiếu theo đường bờ biển của các quốc gia ở
Biển Đông với hình dáng giống như hiện nay.
Tác giả Peter Kien-Hong Yu, Giáo sư đại học Ming
Chuan, trường Sau Đại học về Ngoại giao ở Đài Loan trong bài viết Đường chữ U
(đứt khúc) trên biển Nam Trung Hoa lại cho rằng căn nguyên của đường chữ U, được
Hu Jinjie, một người chuyên vẽ bản đồ người Trung Quốc, vẽ lần đầu tiên vào
tháng 12 năm 1914, sau khi nước Cộng hòa Dân Quốc giành lại nhóm đảo Dongsha
(hay Pratas) từ đế quốc Nhật vào tháng 10 năm 1909 (theo lịch âm Trung Quốc).
Các bản đồ của Trung Quốc xuất bản từ giai đoạn những năm 1920 và 1930 sau đó đều
dựa trên bản vẽ của Hu về vùng biển này.
Đến tháng 12/1947 thì đường chữ U trên biển Nam
Trung Hoa này được chính thức vẽ bởi Bai Meichu, một viên chức thuộc nhà nước Cộng
hòa Dân Quốc vào tháng 12 năm 1947. Các vùng phía bên trong đường này được coi
là các vùng nước lịch sử (historic waters). Peter Kien-Hong Yu cũng nói là
không rõ khi vẽ nên các vạch như vậy liệu Bai Meichu có đủ kiến thức về luật
hàng hải quốc tế trong thời điểm ông vẽ hay không, nhưng chắc “có nhiều khả
năng là ông này chủ yếu bị thôi thúc bởi bản năng sở hữu sơ khai (nghĩa là như
người ta thường nói quan điểm là 9 phần 10 của luật pháp)”.
ĐẾN
LỐI HÀNH XỬ BÁ QUYỀN, BÀNH TRƯỚNG CỦA NHÀ NƯỚC TRUNG QUỐC
Chỉ từ tấm bản đồ do một cá nhân vẽ bởi bản năng sở
hữu sơ khai như vậy, đến năm 1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời lại
cho in thành sách và dạy cho trẻ con, khiến cho từ đó “Đường lưỡi bò” thấm vào
các thế hệ người Trung Quốc, coi đó là lãnh thổ của người Trung Quốc và đang bị
các nước khác gặm nhấm, cướp mất. Và rồi sau một thời gian dài không hề công bố
với quốc tế, đến ngày 7/5/2009 chính phủ nước này mới chính thức yêu cầu Liên
Hiệp quốc lưu truyền trong cộng đồng các nước thành viên, xem đây là vùng nước
lịch sử của Trung Quốc, để yêu sách hơn 75% diện tích mặt nước của Biển Đông,
chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Indonesia và
Việt Nam, tức mỗi nước chỉ được trung bình 5%.
Trong 1 tháng qua Trung Quốc đang tìm cách hiện thực
hóa nó bằng bước đi đầu tiên là hạ đặt giàn khoan nước sâu HD-981 vào vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm đó khiến không chỉ Việt Nam mà cả cộng đồng
quốc tế kịch liệt phản ứng, bởi nó được vẽ ra không căn cứ một cơ sở pháp lý
nào; không có tọa độ rõ ràng; cả một thời gian dài không tuyên bố cho thế giới
biết, không duy trì trên cái gọi là “vùng nước lịch sử” đó sự tồn tại của một
quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà Trung Quốc đã giành được tôn trọng; lại
bất nhất lúc đầu thì 11 vạch, về sau còn 9 vạch, nay lại thêm 1 vạch nữa, thành
10 vạch, mà không hề giải thích vì sao có sự thêm bớt như vậy!
Cái lối tư duy, hành xử đầy tính bá quyền, bành trướng
của Chính phủ Trung Quốc như vậy khiến cho không chỉ quốc tế phản ứng mà ngay cả
các học giả Trung Quốc có lương tri cũng phải lên tiếng. Giáo sư Hà Quang Hộ giảng
dạy tại Học viện Triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc phê phán: “Là con
người phải biết giữ nhân tình. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống
trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người, không chỉ biết yêu bản thân
mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác… Nếu ý nghĩa của cái gọi
là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt
Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có
thể chấp nhận. Nếu Nam Hải (tức Biển Đông) được vẽ thành “biển nhà” của Trung
Quốc như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận,
và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới
mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người
khác sống chứ”!
THẾ
GIỚI LÊN TIẾNG VÀ TRUNG QUỐC ĐÃ TRẢ LỜI!
Ngay cả Mỹ, mặc dù tuyên bố không đứng về bên nào
trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng thời gian gần đây, chỉ
trong 3 tháng của năm 2014, Washington đã 2 lần yêu cầu chính phủ Đài Loan làm
rõ ý nghĩa của đường 11 đoạn, mà họ vẽ ra năm 1947 và đang được Trung Quốc sử dụng
với tên gọi “đường lưỡi bò 9 đoạn” để khẳng định yêu sách chủ quyền gần như
toàn bộ diện tích ở Biển Đông. Tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện
ngày 5/2/2014 Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình
Dương Danny Russel nói rõ: “Việc Trung Quốc
sử dụng ‘đường chín đoạn’ nhằm đòi hỏi các quyền lãnh hải mà không dựa trên các
cấu trúc trên đất liền được tuyên bố sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng
đồng quốc tế sẽ hoan nghênh Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh đòi hỏi về ‘đường
chín đoạn’ của mình nhằm làm cho nó phù hợp với luật biển quốc tế”.
Thật
ra thì Trung Quốc đã lý giải rất rõ ràng về lai lịch của đường lưỡi bò trước
đây 2 năm rồi. Ấy là vào lúc 0g46’ ngày 23/3/2012 trên chuyên mục
Luận đàm, Thời báo Hoàn Cầu (tên trên phiên bản tiếng Anh là Global
Times, được quản lý bởi Nhân dân nhật báo là cơ quan ngôn luận chính thức
của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã nói lên sự thật:
“Năm 1930, chính vào 10 năm hoàng kim của Chính
phủ quốc dân, một nhóm chuyên gia bắt đầu sử dụng thủ thuật tự vẽ “đường lãnh hải
như một vòng tròn lớn hoa lệ ở biển Đông” để mở rộng lợi ích dân tộc. Một nhóm
các chuyên gia du học từ nước ngoài trở về, trong tay cầm các bản đồ hàng hải của
các nước Anh, Pháp, Mỹ. Rồi sau đó họ tìm kiếm các đảo khắp trên bản đồ, chỉ cần
có lợi cho Trung Quốc là khoanh vào đấy một đường tròn. Còn một nhóm người
trong nước, tuy không đi du học nhưng cũng có cách làm của mình. Họ lật giở
hàng đống sách sử để tìm tài liệu. Tìm từ triều Thanh đến triều Minh, triều
Minh rồi lại triều Nguyên, rồi lại chuyển sang tận đời Tống, Đường, tìm trong
chính sử rồi lại tìm trong dã sử, lần theo con đường hàng hải thái giám Tam bảo”
để rồi chỉ cần thấy “lão tổ tông (cha ông) đã đi qua nơi này, thấy rõ bãi
cát nầy, nên đã vẽ lên trong sách nét bút nầy”. Thế rồi, Bắc Kinh đã “rất
thẳng thắn kế thừa truyền thống của dân quốc, cũng ngay lập tức vẽ đường biên
giới đến tận cửa nhà người khác, cho rằng “dải đất này đều là của chúng ta”.
Đường lưỡi bò đại bành trướng của Trung Quốc trên biển
Đông ra đời như vậy đó. Thế nên các nhà nghiên cứu mới gọi đấy là “lãnh hải chủ
trương”, nghĩa là lãnh hải tôi chủ trương nó của tôi thì tất nó phải là của
tôi! Chính vì vậy nên tại một hội thảo diễn ra ở Washington (Mỹ) do Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức với sự tham dự của hơn
150 học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo đến từ nhiều nước, một học giả Trung Quốc
tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời rằng: “Nếu bây giờ mà Chính phủ Trung Quốc bỏ đàm
phán song phương, chấp nhận đàm phán đa phương về vấn đề chủ quyền biển Đông
thì rất khó bởi lẽ chủ quyền tính theo “đường lưỡi bò” đã ăn sâu vào tiềm thức
người Trung Quốc. Bây giờ biết làm thế nào?”./.
No comments:
Post a Comment