Thursday, 5 June 2014

GIỮA LÚC BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG & MEKONG CẠN DÒNG : PHẢI CHĂNG TPP / HỢP TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG LÀ LỐI THOÁT CHO VIỆT NAM ? (Ls Lưu Tường Quang, AO)




Ls Lưu Tường Quang, AO
05/06/2014

Tóm lược / Abstract

Nhiều diễn tiến trong năm 2011 có vẻ như xác nhận những gì mà chúng ta đã thảo luận trong mấy năm qua trong Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long: Với Biển Đông có nguy cơ dậy sóng trong hai giáp sắp tới vì tranh chấp chủ quyền, và Sông Mekong không thoát khỏi tình trạng cạn dòng giết chết Đồng Bằng Cửu Long, gọng kìm Bắc Kinh mỗi ngày một thể hiện rõ nét buộc chặt Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (SRV) vào quỹ đạo của Trung Quốc (PRC).
SRV cũng có những nỗ lực song phương và đa phương, nhưng trong trung hạn, Việt Nam khó có thể vượt thoát áp lực nặng nề của Bắc Kinh, trừ phi (1) Chế độ cộng sản Việt Nam tạo được khả năng dân chủ hóa và can đảm tiến lại gần hơn với Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ khác, và (2) Cải tổ cấu trúc công quyền sâu rộng để trở thành một nền kinh tế thực sự theo mô thức thị trường trong khuôn khổ Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương – Trans-Pacific Partnership (TPP).

A number of events in 2011 appeared to confirm what we have discussed over the last few years in this series of publication by the Dong Nai & Cuu Long Cultural Research Organisation Inc: Sandwiched within Beijing’s two prong geo-strategy – between the East Sea (South China Sea) at risk of being a territorial dispute battlefield in this and the next decade and the prospect of the Mekong River becoming a number of lakes with devastating and irreversible impacts on the Mekong Delta – the Socialist Republic of Vietnam (SRV) has failed to unshackle itself from the orbit of the People’s Republic of China (PRC).
The SRV has made some bilateral and multilateral efforts. However, in the medium terms, the SRV would remain under Beijing’s dominating pressure unless (1) It could build up its capability for democratic reforms and summon enough courage to position itself closer to the United States and other democratic powers and (2) It could re-structure itself along the line of a true market economy within the framework of the Trans-Pacific Partnership (TPP).

******

Việt Nam không thay đổi được vị trí địa dư, nhưng đất nước chúng ta có thể thay đổi hoặc giảm hạ được hậu quả tiêu cực địa lý chính trị.
Ngoại trừ khi họ bị xâu xé bởi các cường quốc phương Tây trong thế kỷ thứ 19, Trung Quốc bao giờ cũng là mối đe dọa cho sự trường tồn của tổ quốc Việt Nam, từ thời quân chủ phong kiến cho đến giai đoạn độc tài cộng sản hiện nay.
Ngày nay, tham vọng của Trung Quốc đối với Việt Nam không nhứt thiết phải là một cuộc xâm lăng qui ước để chiếm đóng lãnh thổ, mặc dầu đất nước Việt Nam đã phải trải qua một ngàn năm Bắc thuộc trong thiên niên kỷ thứ 1 và đã bị mất đi một phần lãnh thổ và lãnh hải trong mấy thập niên sau cùng của thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21.
Tham vọng của Trung Quốc đối với Việt Nam không thay đổi, bất kể là Trung Quốc tiếp tục chế độ cộng sản như hiện nay hay là Trung Quốc được dân chủ hóa. Tham vọng ấy được theo đuổi ở nhiều mức độ khác nhau tùy vào sức mạnh của Trung Quốc về quân sự (quyền lực cứng) – cũng như kinh tế, chính trị, văn hóa (quyền lực mềm) và thời cơ quốc tế [1]. Trái lại, tôi tin rằng tham vọng ấy có thể được kiềm chế, nếu Việt Nam tạo được sức mạnh nội tại và không bị cô lập trong gọng kìm Bắc Kinh.
Để đạt được sức mạnh nội tại này, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cần cải tổ sâu rộng chính trị và kinh tế và phải tích cực cải thiện quan hệ song phương và đa phương với những cường quốc trong vùng – đặc biệt là Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Trong bang giao quốc tế, mỗi nước đều theo đuổi quyền lợi quốc gia, nhưng điều này không có nghĩa là bất cứ lúc nào cũng phải có kẻ thắng người bại. Trong bối cảnh quyền lợi quốc gia chồng chéo, sự hợp tác quốc tế có thể đem lại lợi nhuận cho nhiều thành viên của cộng đồng thế giới.

Đồng sàng dị mộng?
Về mặt địa chiến lược, diễn tiến quan trọng hơn cả trong năm 2011-12 và có khả năng ảnh hưởng sâu rộng trong Vùng Châu Á Thái Bình Dương là chính sách định vị và việc tái phối trí chủ lực quốc phòng của Mỹ.
Tại Washington DC ngày 5 tháng 1 năm 2012, Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã phổ biến chính sách mới này gọi là ‘Sustaining US Global Leardership: Priorities for the 21st Century Defense’ [2]. Đây là kết quả của tiến trình duyệt xét toàn cầu mà Tiến sĩ Robert Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng thuộc Đảng Cộng Hòa, đã tiến hành sau khi ông được Tổng Thống Obama lưu nhiệm.
Trong cốt lõi, vì lý do thâm hụt ngân sách quốc gia và sự phát triển yếu kém của nền kinh tế, ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ phải bị cắt giảm gần 500 tỉ đô-la trong 10 năm sắp tới và để đáp ứng sự trỗi dậy của Trung Quốc, Hoa Kỳ định vị chủ lực an ninh quốc phòng tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này không làm ai ngạc nhiên, vì chánh phủ Obama đã nhiều lần xác định Hoa Kỳ là cường quốc Châu Á - Thái Bình Dương và Thế kỷ thứ 21 là Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã xác quyết như vậy trên tạp chí Foreign Policy và Tổng thống Obama đã tuyên bố như thế trước phiên họp lưỡng viện Quốc hội Úc ở Canberra ngày 17 tháng 11 năm 2011 mà người ta có thể coi đó là Lời Tuyên bố Thái Bình Dương của Mỹ [3].
Trong công luận quốc nội, chính sách mới của Tổng thống Obama bị Đảng Cộng Hòa chỉ trích. Dân biểu Howard ‘Buck’ McKeon, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện đặc biệt tấn công Tổng thống Obama thiếu lãnh đạo và Hành pháp Mỹ từ bỏ sách lược ‘hai cuộc chiến’ (Two War Policy). Sách lược này được áp dụng trong Thế Chiến thứ 2, khi Hoa Kỳ tham chiến chống Đức Quốc Xã tại Châu Âu và chống Nhựt Bản tại Châu Á. Báo The Washington Post cũng đăng bài bình luận nêu nghi vấn về những giả thiết làm cơ sở cho chính sách mới này. Giả sử có cuộc chiến với Bắc Hàn tại Châu Á và Iran (Ba Tư) tại Trung Đông cùng một lúc, liệu Hoa Kỳ còn đủ khả năng đối phó hay chăng? [4]
Về mặt đối ngoại, trong những phát biểu chính thức, cả Tổng thống Mỹ cũng như Ngoại trưởng Mỹ đều bày tỏ ý muốn phát triển hợp tác với Trung Quốc về mọi phương diện, nhưng không phải vì thế mà Washington không có những khác biệt quan trọng về dân chủ, nhân quyền, kinh tế và an ninh khu vực, kể cả vấn đề Biển Đông.
Trên Foreign Policy, bà Clinton vạch ra một phương án hành động gồm 6 điểm cho một nền ngoại giao tiên phong (‘forward-deployed’ diplomacy) mà chánh phủ Obama theo đuổi trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của Châu Á: (a) củng cố quan hệ đồng minh an ninh song phương, (b) phát triển sâu rộng quan hệ làm việc với những quốc gia đang lên, kể cả Trung Quốc, (c) giao tiếp đối thoại với những định chế đa phương trong vùng, (d) phát triển thương mại và đầu tư, (e) thiết lập sự hiện diện quân sự rộng rãi, và (f) phát huy dân chủ và nhân quyền.
Tại Canberra, Tổng thống Obama lập luận một viễn kiến gồm ba thành phần gắn liền với nhau là an ninh, thịnh vượng và nhân quyền. Việc tái phối trí quân sự của Mỹ ở Châu Á- Thái Bình Dương là cần thiết để bảo đảm an ninh và đem lại sự ổn định thiết yếu cho sự phát triển kinh tế toàn vùng mà Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Thế nhưng, theo ông Obama, sự phát triển kinh tế phải đi song hành với dân chủ, vì thịnh vượng mà không có tự do thì đó chỉ là một hình thức khác của sự nghèo khó – 'Prosperity without freedom is just another form of poverty.'
Cũng trong chuyến công du Úc Châu, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Úc đã chính thức đồng ý mở rộng sự hợp tác quốc phòng song phương theo Hiệp ước ANZUS 1951. Khoảng 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được luân chuyển và đồn trú tại căn cứ Darwin của Úc, chiến hạm và không lực Mỹ cũng sẽ sử dụng thường xuyên hơn hải cảng và không cảng tại Úc Châu. Chính sách hiện nay của Mỹ là hợp tác với các quốc gia thân hữu để có thể sử dụng những phương tiện quốc phòng có sẵn tại những quốc gia này, thay vì thiết lập thêm căn cứ mới ở nước ngoài [5].
Thiết lập sự hiện diện quân sự rộng rãi mà bà Clinton đề cập, ngoài việc mở rộng hợp tác với Úc, còn bao gồm mở rộng hợp tác hải quân với Singapore và củng cố quan hệ hiệp ước an ninh với Nam Hàn, Nhựt Bản, Philippines và Thái Lan.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Úc sẽ không qui mô bằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nam Hàn, tại căn cứ Okinawa ở Nhựt Bản, và tại căn cứ Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, nhưng Úc Châu quan trọng về mặt địa chiến lược, vì Darwin nhìn thẳng về Biển Đông và là điểm tiếp nối giữa Nam Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương [6]. Hơn nữa, khác với Okinawa, Darwin là căn cứ của Úc mà Mỹ có thể sử dụng, nên Darwin không mang tính nhạy cảm như trường hợp Okinawa trong bang giao song phương Mỹ-Nhựt. Darwin là mô thức hợp tác quốc phòng mà Mỹ muốn mở rộng với các quốc gia thân hữu trong Vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Song hành với tiến trình duyệt xét tái phối trí quân lực và định vị trọng tâm quân sự của Mỹ về Châu Á - Thái Bình Dương, Úc cũng duyệt xét lại việc tái phối trí quân lực sao cho phù hợp với quyền lợi kinh tế và an ninh của Úc vào đầu thế kỷ thứ 21.
Trong nửa sau thế kỷ thứ 20, quyền lợi kinh tế chính của Úc là công nghệ sản xuất và nông nghiệp nên trọng tâm quốc phòng là vùng Đông Nam (Sydney - Melbourne) và Tây Nam (Perth). Nhưng ngày nay cấu trúc nền kinh tế của Úc đã thay đổi mà vùng Bắc và Tây Bắc là trọng điểm của kỹ nghệ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bởi vậy, vì quyền lợi an ninh và kinh tế, các chuyên viên quốc phòng Úc chủ trương Úc phải tăng cường sự hiện diện của Hải-Lục-Không quân về miền Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc lục địa Úc Châu [7].
Khác với Bắc Á (Nam Hàn và Nhựt Bản), Úc Châu không bị trực tiếp đe dọa bởi các loại hỏa tiễn tầm xa mà Trung Quốc đang phát triển.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã phát triển thử nghiệm khả năng hủy diệt vệ tinh nhân tạo mặc dầu Washington và Bắc Kinh đều chủ trương phi quân sự hóa ngoại tầng không gian. Một cuộc chiến trong tương lai, nếu xảy ra, có thể là cuộc chiến tranh mạng mà khả năng hủy diệt vệ tinh truyền thông của đối phương là lá bài phòng thủ tất yếu khiến đối phương phải e dè cẩn trọng cân nhắc.
Mặc dầu khoảng cách kỹ thuật thiết bị quốc phòng đang thu ngắn vào đầu thế kỷ thứ 21, Trung Quốc vẫn là đối phương yếu so với Hoa Kỳ trong một cuộc chiến tranh không gian hoặc cuộc chiến qui ước. Bởi vậy, Bắc Kinh đang ráo riết canh tân hải quân (PLAN - People’s Liberation Army - Navy) và phát triển hỏa tiễn tầm xa có thể hủy diệt được tàu chiến của Mỹ trong vòng 4.000 kms, theo một chiến lược quốc phòng mà giới phân tích gọi là A2AD (anti-access and area denial). Đây có thể là chiến lược tấn công mà cũng là một chiến lược phòng thủ và có tác dụng đe dọa nhằm đẩy hải quân Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển mà Trung Quốc coi là quyền lợi cốt lõi, như Biển Đông Trung Quốc và Biển Đông Việt Nam [8].
Một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Quân sự của Quân đội Nhân dân Trung Quốc, Đại tá Phàn Cao Nguyệt (Fan Gaoyue) tin rằng trong một cuộc chiến tương lai, Mỹ có thể sẽ phải chống đối địch thủ cùng một lúc trên nhiều mặt trận không gian, mạng, không quân và hải quân. Bởi vậy mục tiêu của Mỹ là bảo đảm khả năng điều binh nhanh chóng uyển chuyển và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc – và sự hiện diện của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại Darwin là một phần của mục tiêu này. Theo ông Phàn Cao Nguyệt, nhằm vô hiệu hóa chiến lược A2AD, Mỹ nghiên cứu áp dụng cuộc chiến hải-không (air-sea battle - ASB) mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc, qua phát ngôn viên Cảnh Nhạn Sinh (Geng Yansheng) cho là phát xuất từ tư duy của thời kỳ chiến tranh lạnh. Ông Fan Gaoyue trích dẫn một tài liệu Bộ Quốc Phòng Mỹ năm 2010, theo đó khái niệm chiến lược ASB nhằm đánh bại địch thủ có khả năng A2AD xuyên suốt các mặt trận. Đây là một khái niệm chiến lược của Mỹ nhằm phối hợp toàn diện hải quân và không quân để ứng phó với mọi thách đố quân sự mà hậu quả, theo Phàn Cao Nguyệt, có thể là một cuộc thi đua võ trang tại Châu Á [9].
Chính sách mới của Mỹ và Úc không gặp phản ứng tiêu cực gì từ các nước trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc. Trong tổ chức ASEAN, Indonesia phát biểu dè dặt sơ khởi về căn cứ Darwin, nhưng sau Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono thay đổi thái độ tiêu cực này. Philippines mạnh mẽ ủng hộ trong khi cộng sản Việt Nam không công khai bày tỏ phản ứng gì, phải chăng vì sợ mất lòng Bắc Kinh, nhưng tôi tin rằng Hà Nội phải đánh giá định vị mới của Mỹ và Úc là có lợi cho Việt Nam [10].
Tại Úc, có lẽ chỉ có Ông Hugh White, giáo sư tại Viện Đại Học Quốc Gia (ANU) và nguyên là Phó Tổng Thư Ký Bộ Quốc Phòng, lập luận rằng quyền lợi lâu dài của Úc là phát triển bang giao tốt với Bắc Kinh hơn là hợp tác với Mỹ trong sách lược mà ông gọi là bao vây Trung Quốc [11].
Trong giới nghiên cứu kế hoạch quốc phòng tại Úc, ông Hugh White là tiếng nói thiểu số, nhưng lập luận của ông có nhiều điểm tương đồng với Bắc Kinh.
Trung Quốc thường có hai phản ứng: phản ứng chính thức từ phát ngôn viên chánh phủ và phản ứng mạnh bạo hơn từ truyền thông do nhà nước kiểm soát chặt chẽ, như Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), một bộ phận của Nhật báo Nhân Dân Bắc Kinh, tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời Báo phản ánh tinh thần dân tộc trong khi phát ngôn viên chánh phủ thường sử dụng ngôn từ ngoại giao, nhưng theo ý tôi, đây chỉ là hai mặt của một đồng tiền, vì Hoàn Cầu Thời Báo (và China Daily, một công cụ truyền thông khác) không thể đi ngược lại chính sách hoặc suy nghĩ của toàn thể hoặc một phần Bộ Chính trị Đảng Cộng sản. Hoàn Cầu Thời Báo có thể thả bóng thăm dò, vừa có tác dụng thỏa mãn công luận quốc nội vừa có tính răn đe các nước nhỏ trong vùng mà Trung Quốc đang có tranh chấp – cá biệt là Philippines và Việt Nam.
Về căn cứ Darwin, Tân Hoa Xã (Xinhua) ‘hoan nghênh’ sự hiện diện nới rộng của Mỹ có thể đem lại ổn định trong khi vẫn cảnh cáo Hoa Kỳ không nên ‘hiếu chiến’. Ngược lại, tờ Nhân Dân Bắc Kinh cảnh cáo rằng nếu Úc để Mỹ sử dụng căn cứ làm hại quyền lợi của Trung Quốc thì Úc sẽ phải đứng giữa hai lằn đạn ‘sino-us crossfire’ [12].
Nhìn chung, chánh phủ Trung Quốc có phản ứng chừng mực đối với chính sách mới của Washington. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng, Cảnh Nhạn Sinh nói rằng Hoa Kỳ nên ‘thận trọng’ trong lời nói và việc làm với kế hoạch quân sự mới mà Bắc Kinh coi là thiếu cơ sở, vì ‘sự trỗi dậy của Trung Quốc là một cơ hội chớ không phải là một thách đố đối với Mỹ’. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lưu Vị Dân (Liu Weimin) cũng sử dụng lời lẽ tương tự và lập luận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc có tính cách ‘hòa bình’ với một chính sách an ninh ‘phòng thủ’ và một nền ngoại giao ‘chủ hòa’ [13].
Thế nhưng trên báo Quân đội Nhân dân – Liberation Army Daily, bình luận của Tướng La Viện (Luo Yuan) không che đậy phản ứng thực sự của Trung Quốc hay ít ra cũng phải là phản ứng của giới lãnh đạo quân đội. Tướng La Viện viết: “…Đối diện với định vị chiến lược mới của Mỹ (mà mục đích là bao vây Trung Quốc) chúng ta phải hiểu rõ nguy cơ và cảnh giác cao độ, nhưng không có gì phải sợ hãi. Chúng ta phải vận động sử dụng ngoại giao khôn khéo để có càng nhiều thân hữu càng tốt. Một số nước đã bị Mỹ khuynh đảo và đang đi song hành với Mỹ vì quyền lợi riêng tư của họ, nhưng trong cốt lõi, Mỹ và các nước này không thể hòa hợp được. Đây là trường hợp ‘đồng sàng dị mộng’ (They share the same bed but have different dreams) [14].
Tất nhiên, Mỹ củng cố vị thế chiến lược tại Châu Á Thái Bình Dương là vì quyền lợi của Mỹ trong đó có vấn đề tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông mà Mỹ cần theo đuổi ‘từ thế mạnh’ đối với Trung Quốc. Điểm căn bản là lập trường này của Mỹ có đi ngược lại quyền lợi của các nước nhỏ trong vùng như Việt Nam và Philippines hay không? Hiển nhiên là không, vì Mỹ chủ trương vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng thương thuyết ngoại giao đa phương trên cơ sở luật quốc tế, và cá biệt là Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Trong ASEAN, các quốc gia tranh chấp tuy chưa đạt được một lập trường chung nhưng cũng chia sẻ quan điểm này của Mỹ, trong khi Trung Quốc đòi hỏi giải pháp song phương và chống lại ‘sự can thiệp’ của một cường quốc bên ngoài Biển Đông tức là Hoa Kỳ.
Dầu là tự nguyện hay bị áp lực, Việt Nam đã ký thỏa hiệp với Trung Quốc, chấp nhận giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng thương thuyết song phương, khi ông Nguyễn Phú Trọng công du Bắc Kinh lần đầu tiên với tư cách Tổng Bí thư từ ngày 11 đến 15 tháng 10 năm 2011. Thỏa hiệp 6 điểm mà Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Trương Chí Quân (Zhang Zhijun) đã ký kết, được một số chuyên gia đánh giá là một thành công của Hà Nội nhằm ‘giảm nhiệt’ tình trạng căng thẳng với Bắc Kinh. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đi sớm trong thế yếu và sẽ gặp nhiều bất lợi trong khi ASEAN chưa có lập trường chung và cuộc thương thuyết giữa ASEAN và Trung Quốc để biến Tuyên Bố Ứng Xử DOC năm 2002 (Declaration of Conduct) trở thành Bộ Luật Ứng Xử COC (Code of Conduct) hãy còn tiếp diễn nhiều năm. Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm thỏa hiệp Việt-Trung này, khi Hoa Kỳ lên tiếng về vấn đề Biển Đông [15].
Chúng ta cần nói rõ là Mỹ không ủng hộ hoặc chống đối phe tranh chấp nào về mặt chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Tiến sĩ Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama đã nói rõ như vậy tại Hội nghị Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6 năm 2009 và 2010. Ngoại trưởng Clinton đã nhắc lại lập trường này tại Hà Nội năm 2010 và Thứ trưởng phụ trách Đông Á Thái Bình Dương, Tiến sĩ Kurt Campbell xác nhận tại Hawaii với Thứ trưởng Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung và tại Canberra nhân một hội nghị Úc-Mỹ [16]
Nếu không có quan tâm của Mỹ về vấn đề Biển Đông, các nước ASEAN như Philippines, Việt Nam (Chủ tịch ASEAN năm 2010) và Indonesia (Chủ tịch ASEAN năm 2011) cũng khó mà ghi vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ARF và Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á - East Asia Summit, trước sự chống đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Tại Hội nghị ARF hồi tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã giận dữ rời phòng họp khi bà Clinton nêu vấn đề Biển Đông. Trước khi Hội nghị Thượng Đỉnh được nhóm họp ở Bali hồi tháng 11 năm 2011, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) cũng như Thủ tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) đều nói rằng Trung Quốc dứt khoát không chấp nhận Hội nghị thảo luận vấn đề Biển Đông. Thế nhưng tại Hội nghị này, Tổng thống Obama vẫn đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình thảo luận với sự ủng hộ của 16 trên tổng số 18 nước tham dự và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải nhượng bộ. Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho các quốc gia nhỏ có tiếng nói về tranh chấp Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế [17].
Bởi vậy, báo chí do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, như tờ Nhân Dân Bắc Kinh, Hoàn Cầu Thời Báo, China Daily đều đồng loạt chỉ trích Mỹ đang theo đuổi chính sách an ninh hù dọa và là ‘kẻ gây xáo trộn’ tại Châu Á trong khi Trung Quốc chủ trương hòa bình [18].

Trở lực trong hợp tác chiến lược Việt-Mỹ
Có hai trở lực lớn mà Hà Nội phải vượt qua: (a) áp lực từ phía Trung Quốc mà Hà Nội phải cưỡng lại và (b) đòi hỏi cải thiện nhân quyền và tự do dân chủ từ phía Hoa Kỳ mà Hà Nội nên tiến hành.
Trong số bốn quốc gia ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông (Indonesia là nước thứ năm, nhưng chỉ về mặt thềm lục địa và vùng kinh tế chuyên biệt), Việt Nam và Philippines thường được / bị báo chí nhà nước tại Bắc Kinh lên án là gây hấn và tạo ra tình trạng căng thẳng trong vùng.
Tất nhiên, nước nhỏ như Philippines và Việt Nam không thể gây hấn, mà cũng không có lý do thuần lý gì để gây hấn, với một cường quốc quân sự và kinh tế như Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà không dám theo đuổi quyền lợi quốc gia chính đáng của mình.
Nhưng phương thức bảo vệ quyền lợi quốc gia của Philippines trong vấn đề Biển Đông có vẻ năng động và mạnh mẽ hơn Việt Nam. Mặc dầu Bắc Kinh luôn miệng cảnh cáo, Philippines dứt khoát sử dụng lá bài Hoa Kỳ làm đối trọng với Trung Quốc, trong khi Hà Nội rụt rè, tiến thoái lưỡng nan. Theo tôi, có bốn lý do giải thích sự khác biệt này [19].
Lý do hiển nhiên là vị trí địa dư. Trung Quốc không thể xâm lăng Philippines như họ đã xâm lăng Việt Nam bằng đường bộ, chẳng hạn như cuộc chiến năm 1979 khi ông Đặng Tiểu Bình một cách ngạo mạn muốn ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Trong thời kỳ quân chủ, đế quốc Trung Hoa đã nhiều lần xua quân xâm chiếm Việt Nam, nhưng họ đã không thể xâm chiếm Philippines, vì Trung Hoa trong thời kỳ phong kiến không phải là cường quốc hải quân. Hải quân Trung Hoa có lẽ đã phát triển mạnh vào thời Nhà Minh, khi Đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He) (1371-1435?) lãnh đạo nhiều cuộc thám hiểm vượt Biển Đông và Ấn Độ Dương. Nhưng trong thời kỳ thuộc địa, chính Trung Quốc đã bị các cường quốc hải quân Âu-Mỹ và Nhựt Bản xâu xé. Ngày nay, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển ngành hải quân biển xanh và không quân, nhưng một cuộc xâm lăng Philippines bằng hải quân và không quân bao giờ cũng khó khăn hơn là một cuộc xâm lăng Việt Nam bằng bộ binh, nếu Trung Quốc liều lĩnh giải quyết tranh chấp bằng giải pháp quân sự.
Lý do thứ hai là lịch sử. Cũng như Việt Nam, Philippines từng là thuộc địa, nhưng trong thời hậu thuộc địa, Philippines đã không bị chia cắt như Việt Nam. Philippines đã không đóng vai đàn em nhỏ với Bắc Kinh để được Bắc Kinh ồ ạt viện trợ cố vấn quân sự và thiết bị chiến tranh như trường hợp Bắc Việt từ đầu thập niên 1950. Hà Nội đã không thể mở cuộc tấn công Việt Nam Cộng Hòa dưới chiêu bài giải phóng và thống nhất đất nước trong suốt 20 năm, nếu không được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ mạnh mẽ về mặt chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Chế độ Liên Xô đã sụp đổ hồi đầu thập niên 1990, nhưng Trung Quốc còn tồn tại và đang trở thành cường quốc Châu Á. Bắc Kinh luôn nhắc nhở Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về món nợ ‘chiến tranh giải phóng’ này và Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, mỗi khi vấn đề tranh chấp Biển Đông được thảo luận. Trong bang giao song phuong với Bắc Kinh, Manila không cần quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt như Hà Nội, mà tôi nghĩ rằng đang trói chân buộc tay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Lý do thứ ba mang tính địa chiến lược. Philippines và Hoa Kỳ là thành viên kết ước về mặt an ninh. Trong chuyến công du Manila hồi giữa tháng 11 năm 2011, Ngoại trưởng Clinton đã cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ an ninh Philippines trong Lễ Kỷ Niệm 60 năm kết ước đầy biểu tượng trên một chiến hạm Mỹ. Bà Clinton cũng cam kết trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino và Ngoại trưởng Albert del Rosario rằng Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự, đặc biệt là hải quân, cho Philippines. Philippines là một đối tác chiến lược độc lập và Hoa Kỳ tôn trọng nền độc lập của đối tác chiến lược, nên vào năm 1992, khi Quốc hội Philippines từ chối triển hạn, Hoa Kỳ đã đóng cửa căn cứ hải quân ở Subic Bay, sau khi đã đóng cửa căn cứ Không quân Clarke một năm trước đó. Sự hiện diện của quân đội Mỹ và quân đội Úc hiện nay tại Philippines được qui định bởi Hiệp Ước Quân Đội Thăm Viếng VFA (Visiting Forces Agreement). Vào cuối tháng Giêng 2012, Philippines và Hoa Kỳ đã thảo luận tại Washington khả năng mở rộng hợp tác quân sự này [20].
Trái lại, Hà Nội tỏ ra do dự trong quan hệ với Washington. Đô đốc Jonathon Greenert đã nhắc đến sự do dự này (hesitation) mà tôi nghĩ là vì áp lực của Trung Quốc. Có nhiều diễn tiến cho chúng ta thấy như vậy.
Trên nguyên tắc, Hà Nội tuyên bố trung lập với lập trường ‘Ba Không’ mà Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã nói khi đến Bắc Kinh ngày 22-25 tháng 8 năm 2010 rằng “Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”. Ông Nguyễn Chí Vịnh còn nói thêm rằng “Việt Nam không có ý định cân bằng quyền lực với Trung Quốc” [21].
Thế nhưng, trong khi Hà Nội và Bắc Kinh vẫn tiếp tục thao diễn tập trận chung và ‘đồng ý siết chặt hợp tác quốc phòng’ [22], thì Hà Nội lại không dám tham dự diễn tập quân sự ‘Hổ Mang Vàng - Cobra Gold 2011’ với Mỹ và Thái Lan hồi đầu năm 2011, ngay cả trong tư cách quan sát viên. Vào đầu tháng 2 năm 2012, Hà Nội cũng đã không dám tham dự diễn tập hải quân ‘Milan Naval Exercise‘ do Ấn Độ tổ chức với 14 quốc gia trong Vùng, dầu với tư cách quan sát viên trước đây Hà Nội đã có mặt. Bắt đầu từ năm 1995 với bốn nước, diễn tập hải quân này được Ấn Độ tổ chức hai năm một lần và nay có 14 nước tham dự, kể cả các thành viên ASEAN như Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan [23].
Và gần đây, khi Phó Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) công du Việt Nam từ ngày 20 đến 22 tháng 12 năm 2011, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc và Việt Nam hết lời ca ngợi nỗ lực thắt chặt quan hệ hữu nghị, tạo nên bối cảnh hợp tác đồng thắng lợi cho tương lai, theo khẳng định của Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân. Tám thỏa hiệp hợp tác đã được ký kết trong dịp này [24]. Hình ảnh tốt đẹp của chuyến công du mà Hà Nội và Bắc Kinh vẽ vời đã thay đổi nhanh chóng, khi Hãng Thông tấn Kyodo News ngày 21.01.2012 tiết lộ ‘nguồn tin từ Đảng Cộng sản Việt Nam’ về những đe dọa mà lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh đã nói với lãnh đạo Hà Nội. Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không / chưa cải chính tiết lộ này.
Bản tin của Kyodo News được nhật báo lớn The Mainichi Daily News tại Nhựt Bản đăng tải, theo đó ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo trực tiếp với ‘bộ ba’ Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng là Hà Nội chớ có ‘hồ hởi’ với Mỹ và phải xa lánh Mỹ trong vấn đề Biển Đông, vì Mỹ đang theo đuổi chiến lược bao vây Trung Quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lẽ đã nghe lời cảnh cáo này hai lần. Tại Hawaii hồi tháng 11, bên lề Hội nghị Thượng Đỉnh APEC 2011, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã nói như vậy khi hội kiến với ông Trương Tấn Sang [25]. Phải chăng ‘nguồn tin từ Đảng Cộng sản Việt Nam’ mà Kyodo News trích dẫn, cho thấy rằng nội bộ giới lãnh đạo Hà Nội đang có chia rẽ về chính sách đối với Bắc Kinh hoặc / và Washington?
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngăn cấm công chúng cũng như sinh viên và thành phần trí thức phát biểu ý kiến về Biển Đông, nhưng tại Philippines, vấn đề này được tranh cãi công khai.
Và lý do thứ tư của sự khác biệt là xã hội dân sự đã được phát triển mạnh mẽ hơn tại Philippines, vì thể chế chính trị tại Philippines tương đối dân chủ, có sinh hoạt đa đảng và báo chí độc lập. Philippines có nội lực bằng vào ý dân, một sức mạnh mà chế độ Hà Nội không có.
Hoàn Cầu Thời Báo đã cực lực lên án Manila và đề nghị trừng phạt kinh tế Philippines, trong khi ghi nhận rằng Việt Nam còn tùy thuộc vào sự ‘ủng hộ chính trị’ của Trung quốc, vì giữa Hà Nội và Washington hãy còn ranh giới mà Hà Nội có thể khó vượt qua [26].
Ranh giới khó vượt qua này là vấn đề nhân quyền.
Trên nguyên tắc, Hà Nội và Washington đều tỏ ý muốn nâng bang giao song phương lên mức độ hợp tác chiến lược. Ngoại trưởng Clinton đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo chung ngày 30.07.2010 với ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ và Đại sứ Lê Công Phụng tại Washington cũng lặp lại điều này vào cuối năm [27]. Nhưng trong thực tế, tiến trình ‘hợp tác chiến lược’ phát triển rất chậm chạp, vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.
Trên Foreign Policy, Bà Clinton cũng đã viết: “Chúng tôi đã nói rõ, chẳng hạn như đối với Việt Nam, rằng tham vọng của chúng tôi trong việc phát triển hợp tác chiến lược đòi hỏi rằng Việt Nam phải có các biện pháp cải thiện nhân quyền và những tự do chính trị” [27]. Gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đã đến Việt Nam hồi đầu tháng Hai 2012 để thảo luận quan hệ song phương và đa phương về nhiều phương diện kể cả hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sáng kiến về Hạ Nguồn Sông Mekong (Lower Mekong Initiative) mà bà Clinton đã loan báo trước đây – và tất nhiên là ông Campbell đã nêu vấn đề Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và tự do dân chủ để hai nước có thể tiến tới mức độ hợp tác chiến lược. Báo chí nhà nước cộng sản loan tin đầy đủ, nhưng từ Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh VOV đến báo Nhân Dân, báo Điện tử Đảng Cộng sản và báo Tuổi Trẻ vân vân…đều hoàn toàn im lặng về vấn đề nhân quyền và tự do dân chủ [28].
Vai trò của Quốc hội trong sinh hoạt chính trị và ngoại giao Mỹ rất quan trọng. Về vấn đề nhân quyền, Quốc hội Mỹ thường lên án Việt Nam mạnh mẽ hơn chánh phủ Mỹ. Khi phái đoàn Thượng Nghị sĩ Mỹ công du Đông Nam Á, kể cả Philippines và Việt Nam, Nghị sĩ John McCain (từng là phi công Hải quân trong thời chiến tranh, bị bắn hạ và giam giữ tại Khám Đường Hỏa Lò Hà Nội, nhưng lại là một trong những nghị sĩ ủng hộ bình thường hóa ngoại giao với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và Nghị sĩ Joseph Lieberman đã tuyên bố rằng nếu Việt Nam muốn mua võ khí tối tân của Mỹ thì Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền.Vì vậy, giả sử như Hà Nội có thể thuyết phục được Hành pháp Mỹ, thì Hành pháp Mỹ cũng sẽ bó tay vì việc mua bán này sẽ không được Lập pháp Mỹ chuẩn y [29].
Hiện nay, Việt Nam mua phần lớn võ khí, đặc biệt là tàu ngầm và tàu chiến nổi, từ Liên Bang Nga, vì mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Trên căn bản dài hạn, Việt Nam không hẳn có lợi nếu phải tùy thuộc hoàn toàn vào Liên Bang Nga về mặt thiết bị quốc phòng, nếu, như Hoàn Cầu Thời Báo lập luận, Bắc Kinh và Moscow tái lập liên minh để đối phó với Mỹ.
Hoàn Cầu Thời Báo thường có lập luận quá khích, nhưng hiện nay, chúng ta thấy rằng Moscow và Bắc Kinh đang hợp tác nhau chống lại nỗ lực cấm vận Iran của Mỹ và Liên Âu. Đồng thời tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga và Trung Quốc cũng đã sử dụng quyền phủ quyết đánh bại dự thảo quyết nghị của Mỹ, Anh và Pháp kết án chế độ độc tài khát máu của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.
Trong thập niên qua, Moscow có vẻ chỉ muốn bán võ khí hơn là quan tâm nhiều về vấn đề Biển Đông. Theo nhận xét của Giáo sư Vladimir N. Kolotov thuộc trường Đại học Petersburg, Nga đã không tranh đua được với Trung Quốc tại Bắc Á và Đông Nam Á, mặc dầu Nga coi Việt Nam là đối tác quan trọng và Biển Đông là vùng chiến lược mà Nga quan tâm. Thái độ này có thể đang thay đổi, vì Nga vừa đưa tàu chiến đến Vịnh Manila lần đầu tiên sau 96 năm. Trước đây, lập trường của Nga về Biển Đông là một ẩn số, vì Moscow ít khi tuyên bố về vấn đề này. Dầu Nga tiếp tục là một ẩn số hay muốn có vai trò năng động hơn tại Biển Đông như là một cường quốc Bắc Á - Tây Thái Bình Dương, vì sự trỗi dậy của Trung Quốc hay vì chiến lược định vị của Mỹ trong Vùng, Biển Đông vẫn là một vấn đề nóng, có khả năng dẫn đến xung đột võ trang, theo nhận định của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy Institute tại Sydney [30].
Bài này đặt trọng tâm vào Biển Đông hơn là vấn đề khai thác nguồn nước và đập thủy điện ở thượng nguồn và hạ nguồn Sông Mekong có khả năng gây tác hại trầm trọng cho Đồng Bằng Cửu Long Việt Nam [31]. Đây cũng là một vấn đề chiến lược quan trọng mà Việt Nam bị thiệt thòi vì là quốc gia sau cùng ở hạ nguồn, nên lại cần phải hợp tác nhiều hơn với các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Nhựt Bản, Úc… Các nước này quan trọng không phải chỉ vì họ là quốc gia cấp viện mà còn là nơi mà xã hội dân sự có tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ và phát triển bền vững Tiểu Vùng Sông Mekong.
Để bảo vệ quyền lợi lâu dài của tổ quốc, Hà Nội phải ‘đồng sàng dị mộng’, không phải đối với Mỹ mà là trong quan hệ với Trung Quốc. Hiển nhiên là tương lai của Việt Nam sẽ tươi sáng hơn, khi chế độ độc tài cộng sản chấm dứt và Việt Nam trở thành một quốc gia tự do dân chủ. Nhưng hiện nay, không tìm được lối thoát khỏi gọng kìm Bắc Kinh vì không dám theo đuổi đối trọng với Trung Quốc, mà cũng chưa đạt được hợp tác chiến lược với Mỹ vì vấn đề nhân quyền, thì Việt Nam có thể làm gì khác?

Hoa Kỳ đã tranh thủ Hội nghị Thượng Đỉnh APEC 2009   tại Singapore để loan báo quyết tâm nâng cấp khối TPP

Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương có thể là một lối thoát chăng?
Lý tưởng hơn cả là cải cách chính trị và kinh tế đi song hành tại Việt Nam, vì một nước Việt Nam dân chủ vẫn có thể bị Trung Quốc kìm kẹp, nếu phải tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Khởi thủy ba nước Chile, New Zealand và Singapore và sau đó Brunei ký kết một thỏa hiệp tự do hóa mậu dịch vào tháng 6 năm 2005 và thỏa hiệp này có hiệu lực vào tháng 5 năm 2006. Nhóm P4 này được cải danh thành Trans-Pacific Partnership (TPP). Bắt đầu thương thuyết để gia nhập TPP là Hoa Kỳ, Úc, Peru, và Việt Nam vào năm 2008 và Malaysia vào năm 2010.
Tự do mậu dịch phải được nhìn trong bối cảnh toàn cầu và khu vực. Trên căn bản toàn cầu, vòng đàm phán tự do mậu dịch gọi là Doha Round của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển gì đáng kể. Theo tài liệu của WTO, Doha Round được chính thức phát động hồi năm 2001 mà mục đích là để cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu bằng cách giảm hạ hàng rào thuế quan và tu chính luật lệ về mậu dịch.
Trong khi đó, các cuộc thương thuyết tự do mậu dịch song phương hoặc trên căn bản vùng đã có kết quả. Thí dụ như Thỏa Hiệp Tự Do Mậu Dịch (FTA) giữa ASEAN và Trung Quốc, ASEAN và Úc & New Zealand, Úc và Singapore, Úc và Thái Lan, Mỹ và Úc, Mỹ và Nam Hàn, Việt Nam và Chile (được ký ngày 11 tháng 11 năm 2011 tại Honolulu). Còn khá nhiều FTA đang được thương thuyết trên căn bản song phương. Ngoài ra, Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) qui tụ 21 nền kinh tế – nhưng chưa có Ấn Độ – cũng đóng vai trò quan trọng vì APEC có tham vọng tạo được một vùng tự do mậu dịch cho toàn vùng Châu Á - Thái Bình Dương, một mục tiêu mà TPP chia sẻ.
Dưới thời Tổng thống George W. Bush, Hoa Kỳ đã nhìn thấy tiềm năng của TPP như là cửa ngõ để Mỹ củng cố vị thế tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Obama đã không chia sẻ quan điểm này cho đến khi ông bước chân vào Nhà Trắng [32].
Hội nghị APEC 2011 tại Honolulu, Hawaii, do Tổng thống Obama chủ trì là cơ hội tốt để Mỹ đẩy mạnh tiến trình thương thuyết TPP mà Mỹ kỳ vọng là sẽ được kết thúc vào cuối năm 2012. Tiến trình này trở nên sôi động hẳn lên, khi Thủ tướng Yoshihiko Noda tuyên bố ý định gia nhập của Nhựt Bản tại Hội nghị TPP được tổ chức song hành với Hội nghị APEC 2011. Canada và Mexico cũng tuyên bố muốn thương thuyết gia nhập [33].

Trong vài năm sắp tới, nếu cuộc thương thuyết thành công và TPP trở thành một khối tự do mậu dịch, thì đây là một tập hợp kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng sản lượng GDP của 9 nước TPP hiện nay cộng với Nhựt Bản (và không kể Canada và Mexico) tương đương với 35% của GDP toàn thế giới, so với 26% của Liên Âu với 27 hội viên. Tại Honolulu, Hội nghị lãnh đạo TPP 2011 đã kết thúc với một bản Tuyên bố rất lạc quan là thành viên TPP “hài lòng với tiến bộ đạt được và công bố mục tiêu tối hậu là thiết lập con đường dẫn đến tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương. Lãnh đạo TPP còn nói rằng, ngoài 9 quốc gia hiện nay, TPP mong muốn có thêm thành viên mới và chỉ thị các phái đoàn thương thuyết TPP tiếp tục thảo luận với các quốc gia đã ngỏ ý muốn gia nhập” [34].

Trung Quốc chắc hẳn cũng đã nhìn thấy tiềm năng này, nên tìm cách đẩy mạnh vai trò của ASEAN là đối tác thương mại rất quan trọng của Trung Quốc và gián tiếp hạ thấp triển vọng của TPP. Nhân chuyến công du Indonesia hồi cuối tháng 4 năm 2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh rằng Châu Á chỉ có thể phát triển mạnh, nếu ASEAN đóng vai trò chủ lực – the dominant player. Indonesia có vẻ như chia sẻ quan điểm này của Bắc Kinh, khi chánh phủ Jakarta nói rằng Indonesia chưa muốn gia nhập TPP vì nền kinh tế địa phương chưa đủ mạnh, và trong vai trò chủ tịch ASEAN, Indonesia muốn biến cải ASEAN thành một thị trường chung vào năm 2015 [35].
Cho đến nay, Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, chưa thương thuyết gia nhập, vì ‘chưa được mời’, nhưng Mỹ nói rằng TPP là một thỏa hiệp mở mà quốc gia nào cũng có thể xin gia nhập với điều kiện là phải chấp nhận những qui định của TPP. Thế nhưng, Hoa Kỳ lại khuyến khích Nhựt Bản và yêu cầu Nam Hàn gia nhập. Phải chăng Trung Quốc có khả năng bị Hoa Kỳ bao vây kinh tế cùng lúc với chiến lược quốc phòng mà Bắc Kinh cũng coi là nhằm mục đích kìm hãm sự trỗ́i dậy của Trung Quốc?
Mặc dầu Mỹ đã cải chính việc này, nhưng Trung Quốc vẫn nghĩ như vậy. Lý do là vì tuy Hoa Kỳ không minh thị loại Trung Quốc, nhưng Ngoại trưởng Clinton đã nói rõ là Hiệp định TPP đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ những giá trị căn bản, kể cả sự trong sáng và luật lệ bảo vệ lao động. Tân Hoa Xã đã loan rằng Hoa Kỳ sử dụng hợp tác thương mại để cải thiện ảnh hưởng tại Châu Á theo điều kiện của Mỹ, gồm những qui lệ để hướng dẫn thay đổi cấu trúc chính trị và kinh tế tương lai toàn vùng [36].
Hoàn Cầu Thời Báo lập luận rằng qui luật do Mỹ áp đặt vào TPP sẽ cản trở sự gia tăng thành viên, vì Mỹ ‘sử dụng TPP trong mưu toan bao vây Trung Quốc’ mà bằng chứng, theo bài bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo, chính bà Clinton đã xác nhận rằng TPP không phải chỉ là một vấn đề kinh tế [37].

Nhìn từ quan điểm của Việt Nam, trên nguyên tắc và bên ngoài tổ chức ASEAN, Việt Nam có thể xâm nhập được thị trường Úc – New Zealand theo những qui định của FTA và đang có lợi thế bán nhiều hơn mua. Nhưng đối với Trung Quốc, Việt Nam bị thất thu (nhập siêu) trong khi giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN nói chung, cán cân thương mại có lợi hơn cho ASEAN. Mặc dầu Việt Nam bán nhiều hơn mua đối với Mỹ, nhưng Việt Nam chưa xâm nhập đúng mức thị trường to lớn của Hoa Kỳ, vì Việt Nam và Mỹ chưa là thành viên của một FTA song phương hay đa phương nào cả. Ngoài tư cách thành viên của WTO, Việt Nam và Mỹ chỉ có Thỏa hiệp Thương mại song phương Bilateral Trade Agreement mà thôi [38].
Hiệp định TPP có thể khỏa lấp được khoảng trống này không phải chỉ đối với Mỹ mà còn đối với nhiều quốc gia Bắc Mỹ và Nam Mỹ. TPP có thể hứa hẹn nhiều lợi nhuận cải cách kinh tế cho Việt Nam, nhưng cũng có nhiều thách đố và rủi ro cho Đảng Cộng sản và chế độ Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa, bởi vì những qui luật mà Trung Quốc không chấp nhận, cũng sẽ áp dụng cho Việt Nam. Vấn đề then chốt là Hà Nội chọn con đường phát triển kinh tế và tương lai đất nước, hay tiếp tục cấu trúc hiện hữu bất lợi cho đất nước trên căn bản dài hạn, nhưng đang đem lại nhiều lợi nhuận riêng tư cho giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở mọi giai tầng của guồng máy công quyền.

Hoa Kỳ chủ trương thành viên TPP phải cải tổ sâu rộng cấu trúc kinh tế mà lãnh vực kinh tế quốc doanh là mục tiêu chính. Trung Quốc có khoảng 20 ngàn cơ sở kinh tế quốc doanh và lãnh vực này tại Việt Nam cũng chi phối phần lớn sinh hoạt kinh tế quốc gia. Kinh tế quốc doanh được tài trợ của nhà nước và do đó cạnh tranh bất chính trên thị trường, mặc dầu các cơ sở quốc doanh này không có hiệu năng cao. Tại Việt Nam, trường hợp điển hình là sự vỡ nợ của Vinashin.
Việt Nam đã dự kiến đòi hỏi này, nên Trưởng phái đoàn đàm phán TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã bác bỏ đòi hỏi của Mỹ trong vấn đề cải tổ lãnh vực quốc doanh của Việt Nam, vì, theo ông Trần Quốc Khánh, TPP không cần phải có điều khoản riêng cho lãnh vực quốc doanh và các công ty quốc doanh Việt Nam đã tuân thủ qui luật của WTO. Theo tôi, lập luận này thiếu tính thuyết phục và không đúng với thực tế. Tuy nhiên, một cách chính thức, tại Honolulu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết rằng Việt Nam sẽ đóng góp vào cuộc thương thuyết TPP [39].
Ngoài ra, thành viên TPP còn phải có hệ thống tài chánh ngân hàng trong sáng, bảo vệ và tôn trọng tác quyền, bảo vệ người lao động và bảo vệ môi sinh. Tất cả những đòi hỏi này đều gây tốn kém trong ngắn hạn, nhưng sẽ cải thiện hiệu năng kinh tế, gia tăng tính cạnh tranh, bài trừ phần nào nạn tham nhũng cửa quyền. Lợi điểm trong sự vắng mặt của Trung Quốc, là Việt Nam sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn, hiệu năng sản xuất sẽ cao hơn và sẽ tiếp cận thị trường TPP lớn hơn thị trường Liên Âu, với trên 1/3 tổng sản lượng GDP toàn cầu. Nếu việc tái cấu trúc và cải tổ thành công, nền kinh tế Việt Nam sẽ không còn tùy thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như hiện nay.
Khác với Úc, Hoa Kỳ chưa công nhận ‘kinh tế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ hiện nay là một nền kinh tế thị trường, mặc dầu Hà Nội đã liên tục yêu cầu. Biết đâu những cải cách mà Việt Nam sẽ phải thực hiện trong khuôn khổ TPP sẽ vượt qua được trở ngại này. Đây có thể nói là trường hợp ‘thuốc đắng dã tật’, nhưng thuốc đắng nào chữa lành bệnh đều phải tiêu diệt những ký sinh trùng, những vi trùng gây bệnh [40].

Năm 2012 và các năm kế tiếp đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội. Về mặt an ninh quốc phòng, chiến lược định vị quân lực Hoa Kỳ tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương chỉ có lợi cho Việt Nam. Nếu Việt Nam không chụp lấy cơ hội này để nâng quan hệ với Mỹ lên mức hợp tác chiến lược và đối trọng với Trung Quốc, Việt Nam có thể mất cơ hội trong tương lai. Nếu Việt Nam không cải cách kinh tế theo tiêu chuẩn TPP do Mỹ lãnh đạo, Việt Nam sẽ mất cơ hội phát triển để có thể độc lập hơn với Trung Quốc về phương diện kinh tế và đối phó hữu hiệu hơn đối với quyền lực mềm của Bắc Kinh.

Trong quá khứ, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã từng bị ‘lỡ tàu’ khi Hà Nội đòi giá cao với Mỹ trong vấn đề bang giao song phương hồi cuối thập niên 1970. Sau khi Mỹ đã hoạch định được chính sách và thiết lập bang giao với Trung Quốc, vai trò của Việt Nam đối với Mỹ không còn quan trọng nữa. Hà Nội cố gắng vận động bình thường hóa ngoại giao với Mỹ, nhưng Mỹ vẫn làm ngơ. Tại New York năm 1990, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngồi chờ phúc đáp của Ngoại trưởng James Baker trong khi giới lãnh đạo Hà Nội gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng chuẩn bị bỏ ngày Quốc Khánh 02.09.1990 để sang Thành Đô, Tứ Xuyên, gặp gỡ Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng để bàn việc nối lại bang giao với Bắc Kinh và cái giá mà Hà Nội phải trả [41].

Mỹ đang cạnh tranh ráo riết với Trung Quốc tại Châu Á Thái Bình Dương, nên cần nhiều quốc gia thân hữu. Mai kia nếu vì lý do gì mà sự cạnh tranh này mất đi cường độ hiện nay, thì Việt Nam có thể không còn là mục tiêu mà Mỹ quan tâm nhiều nữa.
Trong vấn đề TPP cũng vậy, Bắc Kinh chưa muốn gia nhập, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ trở nên thành viên. Trong dài hạn, TPP dự trù sẽ có Trung Quốc đóng vai trò quan trọng – và nếu Mỹ thành công trong chiến lược kinh tế này, thì Trung Quốc cũng sẽ biến cải thành một nền kinh tế thị trường thực sự, theo đúng tiêu chuẩn của phương Tây.

Khi được hỏi Myanmar có thể tác động gì đến Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Campbell tại Hà Nội cho biết ông không có câu trả lời. Đây chỉ là phản ứng ngoại giao của nhân vật Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Sự Vụ. Myanmar từng là con chiên ghẻ trong ASEAN, nhưng Tổng thống Thein Sein, một cựu tướng lãnh và cựu thủ tướng trong chế độ độc tài, đã bắt đầu tiến trình dân chủ hóa bằng một quyết định đột phá theo nguyện vọng của nhân dân, khi ông hủy bỏ hồi tháng 9 năm 2011 dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3 tỉ 600 triệu đô-la mà một tổng công ty quốc doanh Trung Quốc sắp khởi công. Tính biểu tượng của quyết định này là Myanmar muốn bảo vệ độc lập chớ không phải chống đối Bắc Kinh. Lãnh tụ Aung San Suu Kyi, từng bị giam cầm nhiều năm, nay có thể ứng cử và tranh cử, một thay đổi đáng kể trong tiến trình cải cách chính trị. Con đường trước mặt còn dài và Myanmar còn phải vượt qua nhiều thử thách, nhưng Tổng thống Thein Sein cam kết sẽ không đảo ngược tiến trình dân chủ hóa [42].
Nếu Myanmar có thể thực hiện cải cách chính trị và kinh tế, thì tại sao Việt Nam lại không ?

-------------------

Ghi chú:

[1] Center for a New American Security (CNAS), Patrick M. Cronin (ed.) Cooperation from Strength - The United States, China and South China Sea, Washington DC, January 2012. Phúc trình đề nghị kế hoạch 5 điểm để Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc từ thế mạnh tại Biển Đông.
[2] U.S. Department of Defense, Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense, Washington DC, January 2012.
[3] The White House, Office of the Press Secretary, Washington DC, Remarks by President Obama to the Australian Parliament, Canberra, Nov 17, 2011.
Hillary Clinton, America’s Pacific Century, Foreign Policy, November 2011
AFP- Canberra: Obama in Australia to reframe securities ties, Nov 16, 2011
Reuters – Canberra: Obama boots US military in Australia, Nov 16, 2011.
[4] Media Release – Rep. Howard ‘Buck’ McKeon, HACC Chair: “Obama’s defense Strategy: McKeon Labels it ‘Lead from behind’ – Washington DC, Jan 5, 2012
The Washington Post (editorial): President Obama’s Defense Strategy Rests on a shaky assumption’, Jan 7, 2012
[5] Reuters: “No big U.S. naval build-up in Asia, top officer says”, Washington, Jan 11, 2012:
[6] Đài RFA Tiếng Việt, Washington DC, Mặc Lâm phỏng vấn Lưu Tường Quang: Hiệp định an ninh và quốc phòng Hoa kỳ-Australia, ngày 17-11- 2011
Đài RFI Tiếng Việt, Paris, Tạp Chí Tiêu Điểm - Tú Anh phỏng vấn Lưu Tường Quang: Chiến Lược Cương Nhu của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, ngày 17-11-2011
[7] Reuters (James Grubel), Canberra, Jan 30, 2012: “Australia’s Navy told to be more visible near resources projects”
Đài RFI Paris – Tú Anh / Lưu Tường Quang: Biển Đông, Điểm Nóng Trong Chiến Lược Quốc Phòng Úc, 30.01.2012
The Australian (Mark Dodd), Sydney: “Defence urged to shift its presence to the North”, 31 Jan 2012
[8] Đài RFI Paris, Thanh Phương phỏng vấn Lưu Tường Quang: Trung Quốc đối phó với Mỹ bằng ‘cuộc chiến không cân xứng’, ngày 16-02-2011
AFP (Robert Saiget), Beijing Dec 06 2011: China’s Hu urges navy to prepare for combat
[9] Global Times / Hoàn Cầu Thời Báo: New US strategy brings risk of new arms race, December 08, 2011
[10] The Jakarta Post (Abdul Khalik): U.S.Base No Threat to Indonesia, Bali, Nov 21, 2011
Peter Alford in Bali, ‘SBY and Julia Gillard tread path of reconciliation’, The Australian, Sydney, Nov 21, 2011
[11] Hugh White, Australia’s future hostage to US-China rivalry, The Age, Melbourne, Oct 25, 2011
Hugh White, ‘Dear Mr. President, We beg to differ over the future of Asia’, Sydney Morning Herald, Nov 16, 2011
[12] The People’s Daily, Beijing 16 Nov 2011
[13] Reuters (Chris Buckley), Beijing: China warns U.S. to be ‘careful’ in military refocus, Jan 9, 2012 AFP - Beijing: China urges US to be 'cautious' over military plan, Jan 10, 2012
[14] Reuters (Chris Buckley), Beijing: China top military paper (Liberation Army Daily) warns U.S. aims to contain rise, Jan 10, 2012
[15] Xinhua / Tan Hoa Xa - Global Times - Beijing: China, Vietnam pledge to properly settle maritime issues
[16] U.S. Department of Defense – Remarks as delivered by Secretary of Defense Robert M. Gates, Shangri-la Hotel, Singapore, June 05 2010 VOA News (Davod Gollust): U.S. seeks to calm South China dispute, June 24, 2011 South China Morning Post: Let Cool Heads prevail in Sea Disdpute, U.S. says, June 26, 2011 Sydney Morning Herald (Peter Hartcher) U.S. finds unwilling partner in China to avert potential crisis in region, Aug 17, 2011 Đài RFI Paris - Tạp Chí Tiêu Điểm -Tú Anh phỏng vấn Lưu Tường Quang: Hoa Kỳ dấn thân mạnh hơn tại Châu Á vì quyền lợi chiến lược lâu dài, ngày 18-08-2011.
[17] Windsor Genova, International Business Times: China Rejects U.S Bid for Sea Dispute Talks in East Asia Summit, Nov 17, 2012 Reuters (Ben Blanchard): China’s Wen Warns Outside Forces off South China Sea Dispute, Nov 18, 2011 Xinhua / Tân Hoa Xã - Chinese Premier Restates China’s stance on South China Sea, Bali, Nov 19, 2011 AFP - Nusa Dua Indonesia: Obama scores diplomatic victory over China, Nov 20, 2011. Sydney Morning Herald (Peter Hartcher): Asia finds voice in test of will with China, Nov 22, 2011.
[18] Reuters: China paper calls U.S. a ‘troublemaker’ for defence strategy, Sat, Jan 7, 2012 China Daily (editorial): U.S. scaremongering, Nov 21 2011
[19] Đài RFI Paris - Thanh Phương phỏng vấn Lưu Tường Quang: Khác với Việt Nam, Philippines có thể dựa vào Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc, ngày Thứ Bảy 04.02.2012
[20] Reuters - Manila: Clinton warns against intimidation in South China Sea, Nov 16, 2011 AFP - Manila: Aboard U.S. warship, Clinton pushes Philippines Alliance, Nov 17, 2011 The Washington Post (Craig Whitlock): Philippines may allow greater U.S. military presence in reaction to China’s rise, Jan 26, 2012 VOA News - Manila (Simone Orendain): U.S.Senators Support Philippines in S. China Sea Dispute, Jan 17, 2012 Xinhua / Tân Hoa Xã - (Liu Tian) Beijing: Proposed U.S.- Philippines Drills raise questions about U.S. intention in Asia, Jan 23, 2012 Global Times (editorial): Make Philippines pay for balancing act, Jan 29, 2012
[21] SRV – Govn Website [tiếp cận ngày 17.02.2011]: Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam và Trung Quốc có đại cục quan hệ tốt đẹp, ngày 26.08.2010
[22] Xinhua / Tân Hoa Xã - Global Times - Beijing: China, Vietnam Agree to strengthen military cooperation, Oct 15, 2011.
[23] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (www.cpv.org.vn) ngày 12-02-2011 trích dẫn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên Huấn & phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng và được Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận ngày 16-02-2011.
Về diễn tập hải quân ‘Milan’ của Ấn Độ, The Times of India ngày 30.01.2012, loan tin Việt Nam sẽ không tham dự, nhưng trong bản tin ngày 31.01.2012, The Times of India lại loan tin Việt Nam sẽ tham dự. Bản tin mới này được Tân Hoa Xã (Xinhua) đăng tải, nhưng sau cùng Hà Nội đã cải chính.
The Times of India: 14 countries to join India in naval exercise (but not Vietnam), Jan 30, 2012
VOA Tiếng Việt: Việt Nam vắng mặt trong cuộc tập trận của Hải Quân Ấn Độ, ngày 31.01.2012
The Times of India: Navy to host 14-nation ‘Milan’ exercise from Feb 1 (including Vietnam), Jan 31, 2012
Xinhua / Tân Hoa Xã – New Delhi: India Navy to host multi-nation exercise this week (with Vietnam to participate), Jan 31, 2012
BBC Tiếng Việt Online: Việt Nam không tham gia tập trận, ngày 02.02.2012, trích dẫn lời Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, Cục Trưởng Cục Đối Ngoại Bộ Quốc Phòng, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
[24] Xinhua /Tân Hoa Xã: Xi’s visit opens new chapter of friendship, win-win co-operation for future
China Daily (Wu Jiao) - Honolulu: Time for closer relations with Vietnam - Hu says, Nov 14, 2011
[25] Kyodo News – Hanoi / The Mainichi Daily News - Tokyo: China warns Vietnam not to cozy up to U.S. on S. China Sea issue: sources, Jan 21, 2012.
Saigon Giai Phong (English edition): VN Vows to contribute to TPP Negotiation [Tường thuật cuộc hội kiến Trương Tấn Sang / Hồ Cẩm Đào tại Honolulu hoàn toàn theo lề phải ‘tình hữu nghị đặc biệt’, Nov 14, 2011.
[26] Global Times / Hoàn Cầu Thời Báo (editorial): Make Philippines pay for balancing act, Jan 29, 2012
[27] U.S.Department of State, Remarks by Secretary Clinton with Vietnamese Foreign Minister Phạm Gia Khiêm, Hanoi, October 30, 2010 BBC Tiếng Việt: Lê Công Phụng – Việt Mỹ đang nhắm đến ‘quan hệ chiến lược’, ngày 25-12-2010.
[28] Congressional Research Service (CRS), Mark E.Manyin, Specialist in Asian Affairs, U.S.-Vietnam Relations in 2011: Current Issues and Implications for U.S. Policy, Washington DC, July 2011 (‘Human rights are the biggest thorn in the side of the relationship’)
VOA News - Washington DC: Clinton Discusses Human Rights with Vietnamese Foreign Minister, September 26th, 2011 at 7:20 pm Hillary Clinton, America’s Pacific Century, Foreign Policy, November 2011 - Clinton: “We have made it clear, for example, to Vietnam that our ambition to develop a strategic partnership requires that it take steps to further human rights and advance political freedoms”.
VOA News (Ron Corben) Bangkok: U.S. Steps Up Pressure on Vietnam over Human Rights, Jan 22, 2912
VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) - English: “US Eager to boost tie with Vietnam, Feb 02, 2012
VNA (Thông Tấn Xã Việt Nam) - English: U.S. Assistant Secretary of State visits Vietnam, Tuoitrenews, Feb 02, 2012 & Nhan Dan Online, Feb 03, 2012
Báo Điện Tử Đảng Cộng sản Việt Nam [www.cpv.org.vn] (tiếng Việt): Trợ Lý Ngoại Trưởng Mỹ Kurt Campbell thăm Việt Nam, ngày 02.02.2012
[29] AFP – Bangkok: Vietnam Needs ‘rights progress’ for U.S. weapons, Jan 21, 2012
VOA News – Bangkok (Ron Corben): U.S Step up pressure on Vietnam over Human Rights, Jan 22, 2012.
Senator McCain: “I think it’s also a fact that there has not been progress in human rights issues; in fact, that there has been some backward movement on (it).  I specifically stated to the Vietnamese that our security relationship will be directly impacted by the human rights issue.  Make no bones about that.  And I think they have a clear understanding of that”.
Senator Lieberman: “We said that there are certain weapons systems that the Vietnamese would like to buy from us and we would like to transfer them, these systems to them. But it’s not going to happen unless they improve their human rights record. Practically speaking, Congress will not approve these weapon sales to Vietnam unless there’s an improvement in its human rights in Vietnam”.
[30] Global Times (editorial): U.S actions make China-Russia Alliance appealing, Jan 20, 2012 (bình luận về chính sách của Mỹ đối với Iran và Trung Quốc).
Brookings North East Asia Commentary (No.18) – Professor Vladimir N. Kolotov: ‘Changing Calculations in East Asia (April 2008)
Rappler.com – Russian Ships in Manila for 3-day visit, Jan 31, 2012-02-09
South China Morning Post (Greg Torode): Russians in Manila Bay? What is afoot? Feb 05, 2012
Reuters - Canberra (James Grubel): South China Sea Disputes could lead to Asian War – Report, June 28, 2011
[31] Lưu Tường Quang - Hà Nội Trong Gọng Kìm Bắc Kinh: Chiến Lược Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây của Trung Cộng, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Số 3 (trang 359-370), Sydney, Tháng 6 năm 2009
[32] Sean Goforth, World Politics Review – Trans-Pacific Partnership: A U.S. Entry to Asian Integration, March 15, 2010.
[33] Reuters – Honolulu Nov 11, 2011: Free Trade Agreement gets boost at APEC from Japan.
[34] Office of the U.S Trade Representative, Executive Office of the President: Trans-Pacific Partnership Leaders’ Statement’ – Press Releases Nov 2011.
[35]. The Jakarta Post (Abdul Khalik): Wen Jiabao: “Asia could grow well only if ASEAN is the dominant player”, May 1st, 2010 – The Jakarta Post (editorial); Focusing on ASEAN Integration, Nov 18, 2011.
[36] Xinhua trích dẫn trong bản tin Reuters Nov 11 2011 – Free Trade Agreement gets boost at APEC from Japan (Obama resets relations in Asia-Pacific and offers counterweight to China) – AFP (Stephen Collinson) Nov 14 2011: Obama outlines Pacific Vision at APEC Summit.
[37] Global Times (editorial) Nov 12, 2011: U.S Rule of TPP halts natural expansion
[38] U.S-Vietnam Bilateral Trade Agreement (BTA) được ký ngày 13.07.2000 và có hiệu lực từ ngày 10.12.2001. Một BTA khác cũng được ký ngày 31.05.2006 với Mỹ để qui định các điều khoản cho Việt Nam gia nhập WTO ngày 11.01.2007
[39] Reuters Oct 28 2011: Vietnam rejects U.S. push on State firms in trade talks
Saigon Giai Phong (English edition): VN Vows to contribute to TPP Negotiation, Nov 14, 2011.
[40] Đài RFI Paris – Trọng Nghĩa phỏng vấn Lưu Tường Quang: Tám nước APEC khai mở đàm phán về vùng Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương, ngày 18.03.2010
Đài RFA Washington DC – Mặc Lâm phỏng vấn Lưu Tường Quang: Đàm Phán Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, ngày 22.03.2010
Đài RFI Paris – Tạp Chí Tiêu Điểm – Tú Anh phỏng vấn Lưu Tường Quang: Thời Sự Nổi Bật Ghi Dấu Năm 2011 tại Châu Á - Thái Bình Dương, ngày 15.12.2011
Đài RFI Paris – Tạp Chí Tiêu Điểm – Tú Anh phỏng vấn Lưu Tường Quang: Chiến Lược Cương Nhu của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, ngày 17.11.2011
[41] Robert Templer, Shadows and Wind – A View of Modern Vietnam, Penguin Books, London, 1999 (page 297)
Bill Hayton, Vietnam Rising Dragon, Yale University Press, New Haven & London 2010 (page 190)
TuanVietnam.net (Huỳnh Phan phỏng vấn ông Lê Văn Bàng, Cựu Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ tại Washington DC): Rơi vào ván bài nước lớn, Việt Nam lỡ bước, ngày 06.12.2011
[42] The Washington Post (William Wan): In exclusive interview, Burmese Leader says lasting reform is coming, Jan 20, 2012.

L. T. Q.
Tác giả gửi BVN.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:36



No comments:

Post a Comment

View My Stats