Nam
Dao
05/06/2014
Thú thật, tôi viết những dòng này vì không còn nhịn
được nữa!
Vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, khi có người hỏi,
tôi hiên ngang bảo tôi là người Việt Nam, không biết rằng người Việt Nam đánh Mỹ
là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc. Khi đó, tôi nghĩ, người Việt Nam buộc phải
chiến đấu vì lẽ công chính cho toàn nhân loại. Nhưng chuyện qua rồi!
Có những chuyện đã qua nhưng không thể nào quên. Khi
Nguyên Mông xua quân vào xâm lăng nước ta, Tiết chế Hưng Đạo tâu vua Trần: “Nếu
Bệ hạ định hàng giặc, xin chém đầu thần trước!”. Nguyên Mông khi đó là Đế
quốc, mang quân đi xâm chiếm cả một phần Âu Châu, sức mạnh kể như vô địch,
không đối trọng, không dư luận quốc tế, không tên lửa, không máy bay siêu âm
mang đầu đạn nguyên tử, chỉ có người, ngựa, và một sức mạnh thuần quân sự. Tổ
chức xã hội Việt Nam thời nhà Trần chưa tập trung, dựa trên Tôn thất trấn nhiệm
ở nhiều địa phương, ngai vua lại mới lấy từ nhà Lý không lâu. Vua Trần tổ chức
Hội Nghị Diên Hồng: Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến? Đại Việt một lòng,
nhà Trần chiến thắng quân Nguyên ba lần, cọc nhọn cắm sông Bạch Đằng còn là chứng
tích.
Có những chuyện đã qua nhưng không thể nào quên. Khi
quân Thanh vào xâm chiếm Đại Việt mới cách đây hai thế kỷ, một người áo vải đất
Tây Sơn hô: “Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích
luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh
hùng chi hữu chủ”. Đánh, và nguyên soái quân xâm lăng Thoát Hoan chui ống đồng
lẩn về đại quốc, Sầm Nghi Đống bỏ mạng trên gò Đống Đa. Và ghi nhớ: một triều đại
ở Trung Quốc khi mạnh, từ Tống đến Nguyên, Minh, Thanh, đều nhăm nhe thôn tính
đất Đại Việt phương Nam. Họa phương Bắc không là chuyện mới.
Hoạ Bắc phuơng nay không chỉ là chuyện quân sự. So
ra với anh láng giềng “tốt”, Việt Nam thua trên toàn cục: về tổ chức chính trị
và xã hội thì rập khuôn, bắt chước ăn theo một nước mà điều kiện khác hẳn, trừ
cái rêu rao ngoài miệng là Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội (giả mạo)! Về kinh tế
thì lệ thuộc từ cái tăm xỉa răng cho đến cái cúc đơm áo, phải nhập và nhập
siêu, mỗi năm 20 tỉ đô tuồn qua “nước bạn”. Nước bạn này không xuất vốn
nhưng trúng thầu 90%, chuyên thầu những công trình cung cấp năng lượng (tức con
đường công nghiệp hóa của Việt Nam), hiện gần như độc quyền bán nguyên vật liệu
sản xuất, và như thế có thể kiểm soát khá lớn ở ngắn hạn cũng như dài hạn nền sản
xuất Việt Nam. Mặt quân sự, dĩ nhiên Việt Nam không sản xuất tàu sân bay, tàu
ngầm, máy bay, và với kinh tế oặt oẹo thì chẳng sức nào đi mua để “hiện đại”
hoá hệ thống khí giới quân trang dù chỉ để phòng thủ. Và nay, phòng thủ thôi thì
quá khó rồi. Cho thuê biển khiến vịnh Bắc bộ nay thành “ao nhà” của Trung Quốc.
“Bạn” lại thuê luôn đất Lào dọc biên giới với “ta”, khiến con đường bộ binh “bạn”
vào Hà Tĩnh và Tây Nguyên nay trở thành chuyện dễ như lật bàn tay. Mà thôi, giữ
nước đâu phải chỉ là vấn đề chiến tranh, một chuyện cực chẳng đã!
Chắc chẳng cần nhắc chuyện giàn khoan Hải Dương 981,
qua đó Trung Quốc xâm phạm lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều quốc
gia, quan trọng nhất là Mỹ và Nhật, cho rằng Trung Quốc không tuân thủ qui ước
và luật lệ quốc tế khi có tranh chấp, đơn phương làm “nóng “chuyện Biển Đông
qua sức mạnh ngang ngược cường quyền”. Nhưng qua lời Đại tướng Phùng Quang
Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện Việt Nam ở hội nghị Sangri-La thì
không! Ông tiết chế này, nói lái là “chết tiếp”, nhỏ nhẹ với thế giới đây là
“chuyện gia đình” có những “va chạm” chứ giữa Trung Quốc và Việt Nam, tình hữu
hảo đã và đang (?) tốt đẹp! Chết rồi, chết tiếp thì đúng chẳng sao! Chỉ chết
thôi, vẫn thưa, nỉ hảo a!
Trước Shangri-La tôi đã nghĩ Việt Nam nên:
1- Chính thức đưa ngay sự vụ xâm phạm lãnh hải Việt
Nam qua cài đặt giàn khoan Hải Dương 981 ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
2- Đâm đơn kiện Trung Quốc vi phạm Luật Biển 1982
(UNCLOS).
3- Thúc đẩy tiến trình liên minh với Nhật Bản và Phi
Luật Tân trong vấn đề biển đảo liên quan đến mọi bên.
4- Tăng cường quan hệ với Mỹ trên mọi mặt hầu có được
sự hỗ trợ cần thiết.
5- Lập một diễn đàn quốc tế về vấn đề biển đảo để
thông tin trung thực đến mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới.
Nay thì... tôi chẳng dám nghĩ nữa. Nghĩ đến đất nước
là cái khả năng hoàn toàn không có trong nội bộ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Xin kể một chuyện bên lề. Tôi có một ông bạn nguyên
là Giáo sư Trung Quốc học, nay về hưu nhưng cứ dăm ba tháng gặp nhau ăn trưa
nói chuyện châu Á. Xưa, ông dạy Pháp văn ở Đại học Hương Cảng, sau vụ Thiên An
Môn năm 1989 thì vĩnh viễn lưu vong, từng mong rằng Đổi Mới ở Việt Nam tiếp sức
cho cuộc đánh bật rễ những ý thức già nua trong văn hóa chính trị châu Á. Lần
này, chúng tôi đang trao đổi thì có một vị Giáo sư khoa Nhân văn người Canada
ghé qua chào ông bạn tôi. Nhìn tôi là người lạ mặt, ông hỏi: “Ông cũng là người
Tàu?”. Trời ơi, tôi cảm thấy một nỗi nhục nhã như sóng triều dâng lên đến cổ.
Tôi cố, lắc đầu. Và tôi gượng cười. Ông vui vẻ kêu “Nỉ hảo a!”, dẫu tôi là người
Việt.
N.
D.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:34
No comments:
Post a Comment