Thursday, 5 June 2014

SỢ TÀU & TỰ DO BÁO CHÍ (GS Nguyễn Văn Tuấn)




Gs Nguyễn Văn Tuấn
05-06-2014

Chắc chẳng còn ai nghi ngờ gì về tính sợ Tàu của Chính phủ VN. Hôm qua là ngày kỉ niệm 25 năm vụ tàn sát ở Thiên An Môn, một sự kiện đẩm máu và có ý nghĩa lịch sử thế giới. Thế nhưng những bài báo liên quan đến sự kiện này đều bị gỡ xuống! Sự gỡ bài một cách đồng loạt như thế rất có thể là do tác động của cấp cao nào đó từ Nhà nước hay đảng, và như thế là một lần nữa đảng và Nhà nước VN biểu lộ tính sợ Tàu. Chẳng những sợ Tàu mà hành động đó còn nói lên một điều mà ai cũng biết: đó là thiếu tự do báo chí. 

Ngày hôm qua và hôm nay, hầu hết báo chí phương Tây đều có những bài viết về sự kiện tàn sát ở Thiên An Môn. Có báo đi những bài phóng sự cung cấp nhiều thông tin mà chúng ta chưa từng biết trước đây về tính tàn bạo và man rợ của nhà cầm quyền và đảng cộng sản Tàu. Một chứng nhân cho biết sau khi cán chết người biểu tình, xe tăng chạy đi chạy lại trên xác chết nghiền nát xương thịt, và sau đó có lẽ là đem đi đốt. Những câu chữ đọc lên làm chúng ta rùng mình về tính man rợ của [một số người trong] giới lãnh đạo Tàu. 

Nhưng có một nơi không dám đưa tin: đó là Việt Nam. Thật ra là có một số báo VN có đưa tin, nhưng ngay sau đó thì bị gỡ xuống. Báo chí VN là do đảng và Nhà nước cầm trịch, nên việc rút bài xuống một cách đồng loạt chắc chắn là do lệnh của một trong hai cơ chế này. Ngạc nhiên hơn là nội dung đài truyền hình quốc tế còn bị “black out”. Hôm qua, Osin Huy Đức chụp lại màn hình của CNN phát đi ở VN về sự kiện Thiên An Môn, nhưng ngay sau đó chương trình bị ngưng kèm theo dòng chữ:

“Chương trình tạm thời gián đoạn
do có nội dung không phù hợp” 

Thật lạ lùng! Chuyện xảy ra bên Tàu (chứ có phải bên mình đâu) và cũng đã một phần tư thế kỉ, mà sao vẫn có người “nhột” như thế. Chỉ có một chữ để nói lên hành động này: sợ. Rất có thể Tàu chẳng có chỉ thị gì về vụ rút bài, và nếu đúng thế thì đó là một nỗi sợ vu vơ. Nhưng sợ cái gì? Sợ bị mắng? Tại sao chúng dám mắng mình? Sợ bị trừng phạt? Trừng phạt cái gì? Sợ bị tẩy chay? Tẩy chay gì và ai? Sợ bị mất quyền lợi? Quyền gì khi mình ở VN? Sợ thất hứa? Đã hứa gì với họ? Dù bản chất của nỗi sợ là gì đi nữa thì đó vẫn có thể xem là một động thái tương đối hèn. 

Hành động đó cũng nói lên một sự thật hiển nhiên: thiếu tự do báo chí. Giới quan sát nước ngoài cho rằng VN thiếu tự do báo chí, nhưng phía VN thì phản đối phăng rằng nhận định đó sai. Các quan chức VN biện minh bằng lí giải rằng VN có trên 700 tờ báo và hàng trăm đài phát thanh và truyền hình. Thú thật, mỗi lần nghe các quan chức đọc mấy con số này tôi chỉ biết phì cười, vì nó chẳng dính dáng gì đến cáo buộc thiếu tự do báo chí của giới quan sát nước ngoài. Anh có thể có 700 tờ báo, nhưng tất cả đều chỉ đưa một tin hay nói lên một điều, và điều đó hay thông tin đó chẳng ai quan tâm thì 700 tờ báo cũng chỉ là một mớ giấy vụn mà thôi. Báo chí có lượng mà chẳng có phẩm thì cũng như một thân thể to lớn mà chẳng có chất não và thiếu linh hồn. 

Ở VN có tình trạng trớ trêu: những gì đài báo đưa tin người dân không cần biết, nhưng những gì người dân cần biết thì đài báo không đưa tin. Những gì người dân không cần biết là những con số thống kê về kinh tế hay những chuyến viếng thăm của các lãnh đạo nước ngoài, vì đó là chuyện của Nhà nước và đảng chứ chẳng liên quan gì đến người dân. Chuyện liên quan đến người dân là quan chức tham nhũng, hối lộ, “hành là chính”, ô nhiễm, sự dao động của giá lúa và hàng hóa, giao thông, v.v. vì đó là những gì họ đối phó hàng ngày. Ngoài những tin tức đó thì người dân cần phải biết thế giới bên ngoài làm ăn ra sao. Vụ thảm sát Thiên An Môn chắc chắn là tin hấp dẫn đối với người dân. Do đó, có thể xem vụ “black out” đài truyền hình và gỡ bỏ những bài liên quan đến vụ thảm sát Thiên An Môn là một minh chứng hùng hồn cho tình trạng thiếu tự do báo chí. 

Sợ hãi và thiếu tự do báo chí là những tín hiệu của sự thiếu tự tin. Vì không tự tin nên mới sợ hãi vu vơ, và từ sợ hãi dẫn đến cấm đoán và giấu diếm thông tin. Giấu diếm thông tin có thể giải quyết một khó khăn (hay sợ hãi) nhất thời, nhưng hệ quả về lâu dài thì rất khó lường. Nếu dòng chảy thông tin được lưu hành tự nhiên thì ngày nay Nhà nước đâu có mất công biện minh về công hàm của ông Phạm Văn Đồng từ năm 1958. Khoảng cách từ thiếu tự tin đến mất chủ quyền cũng chẳng bao xa.




No comments:

Post a Comment

View My Stats