Việt-Long-
RFA
2014-06-13
2014-06-13
Nực
cười - phẫn nộ - ngạc nhiên!
Trước hết là nực cười, rồi phẫn nộ. Đó là cảm tưởng
của hầu hết, nếu không nói là toàn thể 100% người Việt trong nước và khắp thế
giới, khi nghe tin Trung Quốc tố cáo Việt Nam đâm va vào các tàu của họ 1416 lần!
Nực cười là vì cung cách hành xử của một nước lớn,
giàu mạnh trong thế kỷ 21 mà không khác nào một nước Cộng Sản lạc hậu trong thời
chiến tranh lạnh, thản nhiên đổi trắng thay đen, trắng trợn nói không làm có.
Và phẫn nộ vì Trung Quốc trước sau vẫn trơ trẽn không khác nào một quốc gia lạc
hậu về văn minh, chẳng khác gì Bắc Hàn ngày nay. Việc này có thể còn gây chút
ngạc nhiên cho những ai từng ngưỡng mộ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc
trong mấy thập niên qua.
Nhưng đó là cảm tưởng chủ quan của một người Việt
Nam, trong khi hầu hết các nước khác lại không bày tỏ chút gì gọi là nực cười
hay phẫn nộ trước cung cách hành xử kiểu "Chí Phèo Bắc Hàn" của Trung
Quốc. Phải chăng một cái nhìn khách quan sẽ đưa đến kết luận khác?
Câu trả lời là hầu hết các chính phủ nước ngoài
không thể phán xét như người Việt Nam trong cuộc, dù họ biết rõ hành động của
Trung Quốc là thô bạo, áp bức nước nhỏ hơn, chỉ vì ảnh hưởng về mọi mặt của
Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất là đối với khối ASEAN.
Người Việt Nam dù khách quan tới đâu cũng thấy rõ và
biết rất chính xác rằng Trung Quốc đã cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam,
bây giờ khư khư giành chiếm chủ quyền, thi hành chiến thuật tằm ăn dâu và thay
đổi hiện trạng, lại dùng những thủ đoạn thấp kém đổi trắng thay đen, trong khi
ai ai cũng phải thấy thực tế không thể chối cãi là phía Việt Nam là phía bị ức hiếp,
bị đàn áp trên mặt biển với những chứng cứ rõ ràng, dưới sự chứng kiến của các
phóng viên quốc tế.
Điềm
gở?
Một nước lớn đang tranh đua làm cường quốc hàng đầu
thế giới mà hành xử như vậy thì chỉ chứng tỏ trình độ trí não vẫn còn ở dưới mức
kém cỏi, chưa thể gọi là văn minh ngang hàng những cường quốc cùng ngồi trong Hội
đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với họ.
Điều này càng chứng tỏ Trung Quốc khó lòng vươn lên tới hàng cường quốc văn minh. Từ thời Đặng Tiểu Bình là lúc Trung Quốc đã thức tỉnh và nay đang hiện đại hóa với một tốc độ ít ngờ, thì cung cách đó quả là đã kéo lùi Bắc Kinh về với tinh thần thời chiến tranh lạnh, chẳng khác nào Bắc Hàn ngày nay vẫn còn là một xã hội cô lập, ngủ quên trên thời gian, hệt như đang dừng lại bên một cái đồng hồ chết, và cứ thế mà vùi đầu mãi trong các thập niên 1950-1970
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều có thái độ
e dè thụ động như vậy. Người ta không quên là Nhật và Mỹ đều mạnh mẽ đả
kích Trung Quốc và bênh vực Việt Nam. Riêng Châu Âu thì đang chết dở với đống đổ
nát của nền tài chính, lại căng thằng thần kinh vì vấn đề Ukraine với Nga, nên
không bụng dạ nào nói đến chuyện biển Đông.
Những
dữ kiện khó giải thích
Thế nhưng trong khi công luận có thể coi thường Bắc
Kinh ở sự tố giác Việt Nam một cách thô thiển như vậy, thì điều đáng suy nghĩ
cho Việt Nam là việc Trung Quốc đã cùng lúc trưng dẫn và phổ biến tại Liên Hiệp
Quốc những tài liệu về hành động của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây
trong các lãnh vực ngoại giao cũng như giáo dục, mà được Bắc Kinh coi là đã
chính thức và toàn tâm toàn ý nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về
Trung Quốc.
Bài địa lý lớp 9, 1974, do Việt Nam biên soạn - Annex 5/4 of Chinese
document to the UN
Cho đến nay, ngày thứ sáu 13 tháng 6, 2014, báo chí
và truyền hình truyền thanh ở Việt Nam không có tin tức hay nhận định nào nói một
tí gì cụ thể đến những tài liệu giáo dục nói trên, đi kèm với bản tuyên bố về
lãnh thổ của Trung Quốc năm 1958 và văn thư liên quan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng,
thì người ta hiểu rằng đó là điểm yếu của Việt Nam trong cuộc tranh biện quốc tế
về chủ quyền và hành vi xâm lấn.
Biện trạng của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng
Sa bằng những chứng cứ lịch sử thì có thể không mang giá trị pháp lý khi ra trước
công luận quốc tế hay tòa án quốc tế, nhưng những văn thư liên quan đến hành
động công nhận của Việt Nam đối với chủ quyền đó của Trung Quốc là điều rất khó
xử cho Việt Nam.
Trung Quốc đã nhiều lần nói đến bản tuyên bố 1958 của
Bắc Kinh và văn thư tán thành của Hà Nội đối với bản tuyên bố ấy, nhưng đến nay
mới trưng dẫn trước Liên Hiệp Quốc những tài liệu chứng minh Hà Nội thực sự
công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa ngay trong hành động
của bộ ngoại giao Việt Nam và các tài liệu giáo dục của Việt Nam, không phải chỉ
ở văn thư ngoại giao chính thức.
Bản
tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc ghi rằng chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố bề rộng của hải
phận Trung Quốc là 12 hải lý; nhưng quan trọng hơn thế, văn thư viết: "Điều
khoản này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của CHNDTH, bao gồm... quần đảo
Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và tất cả các quần
đảo khác thuộc về Trung Quốc."
Văn thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi ngày 14 tháng
9 năm 1958 viết rằng: "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi
nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước
Công hòa Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc."
Đoạn sau viết rằng VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ
quan Nhà nước triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Nhìn qua ngôn từ của Việt Nam, người ta cho rằng Hà
Nội có thể cũng còn chỗ xoay sở trước một tòa án quốc tế, tuy rằng chỗ khá chật
hẹp. Nên Bắc Kinh cẩn thận kèm thêm những tài liệu kia làm phụ lục của bản
tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc mới đây.
Bản tuyên bố ngày 8 tháng 6, 2014 tại Liên Hiệp Quốc
của Trung Quốc, dịch sang Anh ngữ, viện dẫn hai văn thư nói trên của CHNDTH và
VNDCCH, viết rằng "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ghi nhận
và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc".
Kèm theo đó, Trung Quốc còn trưng dẫn bài học địa lý
lớp 9 niên khóa 1974 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và tập bản đồ thế giới do Cục
đo đạc và bản đồ thuộc phủ Thủ tướng xuất bản, ghi là tại Hà Nội 1972.
Bài học địa lý lớp 9 tựa đề "Nước CHNDTH"
có đoạn viết về biên giới Trung Quốc :"Phía đông mở rộng ra Thái Bình
Dương, giáp các biển Bột Hải, Hoàng hải, Hoa đông và Hoa nam .... Vòng cung dẫn
từ các đảo Nam sa, Tây sa đến các đảo Hải nam, Đài Loan, quần đảo Hoành bồ,
Châu sơn... làm thành một bức "trường thành" bảo vệ lục địa Trung Quốc..."
Tập bản đồ 1974 thì có bản đồ "Phi Líp Pin, Ma
Lai Xi a, In đô Nê Xi a, Xin Ga Po" có chú giải quần đảo Hoàng Sa là
"Q.đ. Tây Sa", và quần đảo Trường Sa là "Q.đ. Nam Sa".
Vẫn
còn cơ hội
Có lẽ chính những yếu tố này đã khiến Việt Nam phải
thận trọng và chậm bước để tham khảo giới chuyên môn cùng những thành phần ủng
hộ Việt Nam trước khi muốn đưa Trung Quốc ra đối diện với pháp lý quốc tế.
Ý kiến của các chuyên gia về pháp lý quốc tế, cả người
Việt Nam lẫn ngoại quốc, có nhiều khác biệt, có khi mâu thuẫn, về luận cứ mà Việt
Nam có thể đưa ra trước tòa cũng như về cơ hội thắng kiện của Việt Nam.
Trong khi đó Bắc Kinh từng tỏ ra rất e ngại về chuyện
bị đưa ra trước một tòa án quốc tế. Bắc Kinh từng nhắc Việt Nam đừng làm theo
Philippines mà kiện họ ra tòa trọng tài quốc tế.
Trước thái độ đó của Trung Quốc, và cân nhắc, so
sánh nhiều ý kiến của giới chuyên gia, có thể nói Việt Nam vẫn có cơ hội thắng
kiện.
Vì thế dù Bắc Kinh có phủ nhận mọi phán quyết, hay
không hầu tòa khiến phiên tòa không diễn ra được, Việt Nam vẫn phải tiến hành
hành động pháp lý đối với Bắc Kinh.
Dường như Việt Nam trì hoãn và chờ đến thời hạn
tháng 8 để xem động tĩnh của Trung Quốc ra sao với cái giàn khoan HD-981.
Giả sử Hà Nội tin rằng Bắc Kinh không rút, thì có thể
họ vẫn muốn chờ qua thời điểm đó để hành động pháp lý được mạnh hơn về chính
nghĩa và về mặt tinh thần tôn trọng hoà bình và hữu nghị, khi Trung Quốc đã chứng
tỏ họ hết mực ngoan cố.
No comments:
Post a Comment