Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2014-06-11
2014-06-11
Sự kiện các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc được
lệnh ngừng đầu tư vào Việt Nam phải chăng là bước đe dọa mới, trong khi giàn
khoan HD 981 đã hiện diện trái phép hơn 1 tháng trên vùng biển miền Trung.
Một
động tác tâm lý?
Khi đưa tin về việc Bộ Thương mại Trung Quốc ra lệnh
cho các doanh nghiệp nhà nước ngừng tham gia đấu thầu tại Việt Nam, ngày 9/6
báo South China Morning Post ấn hành ở Hong Kong trích lời chuyên gia Hứa Lợi
Bình của Viện Chiến lược Quốc tế nhận định: “đây là tín hiệu cho thấy Trung
Quốc đang sử dụng lá bài kinh tế, nhưng hiệu quả ra sao thì còn phải chờ.”
Nhận định về sự kiện mới nhất này, Tiến sĩ kinh tế
Phạm Chí Dũng một nhà bình luận độc lập từ TP.HCM phát biểu:
“Việc nhà nước Trung Quốc cấm một số doanh nghiệp dự
thầu ở Việt Nam, tôi cho là một động tác tâm lý cũng giống như họ rút 4.000
công nhân ra khỏi cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh gây ra một áp lực và đồng thời cũng
là một đe dọa chính trị đối với Hà Nội… nếu Hà Nội không tuân thủ luật chơi của
Trung Quốc thì họ có thể cấm cố nền kinh tế Việt Nam.”
Theo TS Phạm Chí Dũng Trung Quốc chưa lọt vào tốp 10
nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tuy nhiên sự đặc thù trong dự thầu của doanh
nghiệp Trung Quốc lại là một điều đáng chú ý. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Những dự án mà Trung Quốc hiện diện nhiều có lẽ nằm
trong hệ thống nhiệt điện, hiện nay Trung Quốc chi phối rất lớn trong các dự án
nhiệt điện Việt Nam và theo một đánh giá thì trong tổng số 31 nhà máy nhiệt điện
Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm tới 23 nhà máy rồi… và nếu một ngày đẹp trời
nào đó họ đồng loạt cúp điện thì có lẽ Việt Nam sẽ chìm trong bóng tối. Đấy là
một hình ảnh rất tượng hình, rất tượng trưng.”
Kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc là điều rõ
ràng, năm 2013 nhập siêu với Trung Quốc lên tới hơn 23 tỷ USD. Trong năm này Việt
Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,3 tỷ USD, phần lớn là nông sản và các mặt
hàng thô. Ngược lại Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa, nguyên liệu dệt
may và da giày, máy móc, nhà xưởng trị giá 36,9 tỷ USD.
Giả dụ Việt Nam và Trung Quốc gián đoạn giao thương
điều gì sẽ xảy ra. TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
“Xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam thì chỉ bằng
1% xuất khẩu của Trung Quốc thôi, còn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm
đến 28% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy cho nên chắc chắn nếu như mà Trung
Quốc có những biện pháp cấm vận hoặc hạn chế xuất khẩu sang Việt Nam thì Việt
Nam sẽ chịu những thiệt hại tương đối nặng nề trong thời gian nhất định.”
Trung
Quốc cũng thiệt hại
Hàng hóa dệt may của Việt Nam năm 2013 có trị giá xuất
khẩu gần 20 tỷ USD, tuy nhiên nguyên phụ liệu cần thiết phải nhập riêng từ Trung
Quốc lên tới gần 6 tỷ USD. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may
thêu đan TP.HCM nhận định:
“Giả sử tình huống xấu nhất Trung Quốc ra lệnh bế
môn tỏa cảng không cho xuất hàng vào Việt Nam, thì đầu tiên là việc ách tắc sản
xuất xảy ra ngay chứ không phải là cầm cự được bao lâu. Tại vì thường nguyên liệu
của chúng ta đặc biệt với ngành dệt may là ngành thời trang, nguyên liệu đưa về
là sản xuất ngay và thường thì dự trữ nguyên liệu của các nhà máy dệt may Việt
Nam là không quá 2 tới 3 tháng. Tác động sẽ xảy ra ngay thôi.”
Tuy vậy ông Diệp Thành Kiệt có chung quan điểm với
nhiều chuyên gia khác là Trung Quốc không dại gì cấm vận dệt may Việt Nam, bởi
vì họ cũng bị thiệt hại. Trung Quốc cần đầu ra cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu
dệt may của chính họ.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng từ Sài
Gòn nhận định:
“Tôi chắc chắn một điều là Trung Quốc sẽ không thể cấm
vận Việt Nam ít nhất vào thời điểm này. Tại vì điều đó hoàn toàn bất lợi cho
Trung Quốc, bất lợi về quan hệ chính trị, về các giá trị kinh tế, bất lợi về quốc
tế. Trung Quốc được coi là cường quốc nhưng thực ra đó là hình ảnh của một nước
giàu dân nghèo hay là voi cưỡi xe đạp và còn khá là nhỏ đối với thế giới. Trung
Quốc chưa có đủ tiềm lực giống như Hoa Kỳ để mà đi cấm vận kinh tế đối với các
nước khác. Thành thử đó là một bước đi sai lầm và dại dột, có thể nói là ngu ngốc
đối với Trung Quốc nếu họ làm điều đó.”
Theo các số liệu chính thức, 5 tháng đầu năm 2014 xuất
khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,65 triệu tấn trị giá 1,19 tỷ USD nhưng riêng thị
trường Trung Quốc chi phối gần 42%. Trung Quốc còn là thị trường chủ yếu của
trái cây và mủ cao su của Việt Nam. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện
chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam nói với báo
chí là ông tin rằng Trung Quốc không dại gì cấm biên, Trung Quốc cần nhập khẩu
gạo từ Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực cho chính họ. Tuy vậy TS Đặng
Kim Sơn nhận định:
“Trong mọi tình huống phải luôn luôn chủ động để đảm
bảo được thị trường xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch. Chính vì thế công
tác nghiên cứu thị trường, công tác chuẩn bị thị trường hiện nay đang được đẩy
mạnh. Không phải trong trường hợp xấu đến khi xảy ra gây khó khăn chúng ta mới
lo chuyện này.”
Theo Cục Đầu tư Việt Nam, với 1.029 dự án còn hiệu lực
tính đến ngày 20/5 tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án của Trung Quốc tại Việt
Nam là 7,84 tỷ USD. Nhật Bản duy trì vị trí nhà đầu tư lớn nhất với vốn đăng ký
35,6 tỷ USD, kế tiếp là Hàn Quốc với hơn 31 tỷ USD, Singapore với 30,3 tỷ USD
và Đài Loan 27,4 tỷ USD.
Trung Quốc đang hưởng lợi tại Việt Nam với con số xuất
siêu hơn 23 tỷ USD vào năm 2013. Hơn nữa doanh nghiệp Trung Quốc đang bỏ tiền tỷ
đô la đầu tư vào ngành dệt nhuộm ở Việt Nam, đón đầu Hiệp định đối tác xuyên
Thái bình Dương TPP mà Hà Nội tham gia.
Theo giới chuyên gia, cùng với cuộc xâm lăng trên biển
Đông, Trung Quốc đang ra vẻ tạo thêm áp lực kinh tế với Việt Nam. Việc tạm thời
cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư mới vào Việt Nam, mang ý nghĩa răn đe chính trị
với Hà Nội hơn là một bước đi trừng phạt kinh tế thực sự.
No comments:
Post a Comment