10:17:am 11/06/14
http://www.danchimviet.info/archives/87916/ngo-phat-loc-tu-nguyen-hien-le-den-nguoi-buon-gio/2014/06
Ngõ Phất Lộc
Ngõ Phất Lộc là một con hẻm nhỏ thuộc Phường Hàng Buồm
ở thành phố Hanoi, gần với chợ Bắc Qua phía bờ sông nơi có cầu Chương Dương qua
bên phía Gia Lâm. Ngõ có tên này là do một ông họ Bùi từ làng Phất Lộc thuộc tỉnh
Thái Bình ra Hanoi làm ăn và định cư tại đây từ rất lâu. Vì thế mà hiện còn có
một nhà thờ tổ dòng họ Bùi tọa lạc trong con hẻm này.
Mới đây, qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Hà Giang từ
Nhật báo Người Việt với Người Buôn Gió (NBG, tên thật là Bùi Thanh Hiếu) vừa từ
bên nước Đức qua thăm viếng California, bà con độc giả mới được anh cho biết
mình chính là dân cư ngụ đã lâu tại Ngõ Phất Lộc. Mà đây lại cũng là “một nơi
chứa chấp nhiều giới giang hồ hảo hán, dân số khỏang vài ngàn người” (nguyên
văn trích từ bài phỏng vấn).
Cái tên Phất Lộc này làm tôi nhớ lại chuyện Nhà văn
Nguyễn Hiến Lê đã từng sống với gia đình trong suốt thời niên thiếu ở đây vào
thập niên 20 – 30 của thế kỷ XX – như cụ đã ghi trong bộ Hồi Ký gồm 3 cuốn được
xuất bản tại Mỹ từ cuối thập niên 80.
Lại nữa, trong cuốn sách “Việt Nam – Cội nguồn cuộc
chiến” vừa được ra mắt công chúng mới đây, tác giả là Đại tá Hà Mai Việt cũng
đã ghi lại chuyện của một người cư ngụ tại ngõ Phất Lộc đã đập tan cái lộc bình
cổ từ thời Nhà Minh trước lúc phải di tản khỏi Hanoi vào cuối năm 1946 lúc khởi
đầu cuộc chiến tranh Việt Pháp.
Như vậy, cái tên Ngõ Phất Lộc càng làm cho tôi thêm
chú ý đến địa danh này ở Hanoi, mặc dầu tôi đã sống tại thành phố này trong mấy
năm trước năm 1954 để theo học tại Trường Chu Văn An, thì hình như mình chưa có
lần nào ghé qua ngõ hẻm này.
Kể từ sau năm 1975, tôi lại có duyên gặp gỡ quen biết
khá thân thiết lâu ngày với cụ Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984). Cụ Lê là một nhà
văn có danh tiếng được sự mến chuộng của rất đông bà con độc giả ở miền Nam từ
các thập niên 1950 , 60, 70.
Và vừa mới đây vào cuối tháng Năm 2014, nhân tham dự
Tĩnh Hội của Họp Mặt Dân Chủ tại San Jose California, tôi lại có dịp sống chung
mấy ngày tại cư xá sinh viên của Đại học San Jose State University với anh bạn
trẻ NBG hiện đang sinh sống tại nước Đức, nên đã có nhiều thời giờ chuyện trò
trao đổi với nhân vật hiện là một blogger rất được bà con tìm đọc những bài viết
về các chuyện thời sự thật dí dỏm mà sâu sắc này.
Thành ra, tại cái Ngõ Phất Lộc đó ở Hanoi, tôi quen
biết cả hai người là Cụ Nguyễn Hiến Lê hồi trước và bây giờ là anh bạn Người
Buôn Gió – dù hai người này chưa bao giờ gặp gỡ quen biết nhau. Anh Hiếu sinh
năm 1972 ở ngòai Bắc, tức là sinh sau cụ Lê đúng một con giáp 60 năm. Mà cụ Lê
thì sinh sống tại miền Nam từ năm 1934 cho đến khi qua đời ở Saigon năm 1984.
Nhưng giữa hai người có một sự tương đồng khác nữa mà tôi xin được trình bày với
quý bạn độc giả trong bài ghi ngắn này.
I
– Nhà văn Nguyễn Hiến Lê : Sự chuyển biến về nhận thức chính trị sau năm 1975.
Năm 1934, sau khi tốt nghiệp lớp Cán sự Công chánh,
thì ông Nguyễn Hiến Lê được bổ nhiệm làm chuyên viên kỹ thuật cho Sở Công chánh
tại miền Nam. Sau khi hồi cư về lại Saigon vào năm 1950, thì ông chọn nghề dậy
học và viết văn để sinh sống, chứ không trở lại nghề làm công chức như thời kỳ
trước năm 1945 nữa.
Tuy không hề tham gia họat động chính trị với một tổ
chức nào, nhưng trong suốt mấy chục năm sinh sống trong vùng quốc gia ở miền
Nam, thì ông Lê lại có thiện cảm với chế độ của Việt minh ở ngòai Bắc hơn. Ông
chê bai giới lãnh đạo miền Nam vì chuyện tham nhũng thối nát mà lại tỏ ra quá lệ
thuộc vào người Pháp và nhất là vào người Mỹ.
Thế nhưng, sau thời gian sống dưới chế độ cộng sản kể
từ năm 1975, thì ông Lê phải trực tiếp chứng kiến quá nhiều chuyện chướng tai
gai mắt và còn được nghe các người bạn từ ngòai Bắc vào cho biết bao nhiêu điều
tệ hại bất nhân thất đức ở ngòai đó. Vì thế mà ông đã không thể nào mà còn giữ
được cái cảm tình đối với người cộng sản như trước đây được nữa. Ông đã trung
thực ghi lại khá chi tiết những sự việc này trong cuốn Hồi ký mà khi xuất bản ở
trong nước, người ta đã cắt hết đi những đọan mô tả sự xấu xa tồi tệ của chế độ
cộng sản ở miền Nam sau năm 1975.
Trong 8 năm từ 1976 đến 1984, gần như tháng nào tôi
cũng đến nhà của cụ Lê tại đường Kỳ Đồng Saigon để thăm hỏi và chuyện trò tâm sự
với ông. Có lần vào khỏang năm 1978 – 79, tôi còn gặp cả cụ Đào Duy Anh ở nhà
ông nữa. Vì là chỗ quen thuộc thân tình, nên cụ Lê trao đổi chuyện trò tâm sự với
tôi rất thỏai mái. Cụ nói: “Các bạn của tôi ở ngòai Bắc vào cho biết trong
chỗ riêng tư mấy anh lãnh đạo cộng sản họ ngấm ngầm kèn cựa, sử dụng đủ thứ đòn
phép để kềm giữ nhau, mà còn ra mặt nói xấu lẫn nhau, chẳng còn giữ thể thống
tôn ti trật tự gì cả. Họ chỉ có cái tài đóng kịch, giả dối bịp bợm đối với người
dân mà thôi. Thật là một chế độ tàn tệ đồi bại nhất trong lịch sử nước mình vậy
đó!”
Lần khác, cụ Lê còn nói với tôi: “Tôi thật lấy
làm tiếc cho thế hệ của những người trí thức như ông đang vào lứa tuổi 45 – 50
với cái sở học chuyên môn vững chắc và kinh nghiệm họat động thực tiễn đã nhiều
năm – mà lúc này không có đất dụng võ, không hề được chánh quyền cho phép làm một
công việc nào cho xứng đáng với tài năng và thiện chí của mình. Đó là điều thiệt
thòi không những cho từng người, mà còn là sự phí phạm cho cả tòan thể quốc gia
nữa. Vì thế, tôi thành thật có lời khuyên ông là nếu có thân nhân ở nước ngòai
bảo lãnh cho việc xuất ngọai định cư, thì ông nên đem cả gia đình đi ra khỏi
cái xứ sở tồi tệ này, để mà có chỗ thi thố tài năng kiến thức của bản thân mình
và nhất là để cho lũ con lũ cháu có được một tương lai tươi sáng bảo đảm tốt đẹp
hơn …”
Rõ ràng là hồi trước năm 1975, vì không được thông
tin đày đủ nên ông Nguyễn Hiến Lê đã có sự nhận định sai lạc về người cộng sản
qua phong trào kháng chiến chống Pháp ở miền Nam hồi những năm 1945 – 50. Nhưng
sau 1975, vì phải sống dưới chế độ cộng sản, nên ông đã “ tỉnh ngộ” mà nhận ra
được cái bản chất tàn ác mọi rợ gian dối của cộng sản. Và ông đã có một thái độ
dứt khóat khi viết ra những nhận định thật chính xác của mình về chế độ này. Cuốn
Hồi ký của nhà văn danh tiếng này ở miền Nam đích thật là một chứng từ trung thực
và khả tín – tài liệu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về giới lãnh đạo cộng sản
là những kẻ cực kỳ ngoan cố, cuồng tín và giả dối.
Rất tiếc là do bệnh họan, cụ Lê đã không sống lâu
hơn để còn tiếp tục cống hiến cho hậu thế những công trình văn hóa tốt đẹp, vì
ông đã lặng lẽ từ giả cõi đời vào cuối năm 1984, lúc mới được 72 tuổi.
II
– Người Buôn Gió : Từng là “dân anh chị bụi đời” – mà nay lại trở thành người cầm
bút góp phần tranh đấu cho Tự do, Dân chủ.
Tuy hòan tòan khác biệt so với ông Nguyễn Hiến Lê về
hòan cảnh sinh sống, blogger Người Buôn Gió cũng đã có sự chuyển biến dứt khóat
về ý thức chính trị vào lúc đứa con đầu lòng của mình được sinh ra đời. Anh đã
thẳng thắn bộc bạch tâm sự của mình với ký giả Hà Giang như sau:
…”Cuộc sống của tôi cũng có lúc sống bằng nghề đâm
thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp… Nhưng mà
tôi sinh ra ở cái khu phố như thế, thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được
với xã hội bên ngòai, với xã hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết
sống trong đấy thôi, và tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám
lưu manh ấy…
Khi vào bệnh viện, các bác sĩ người ta bảo đưa tiền
hối lộ thì người ta sẽ chăm sóc cho vợ con tôi…Nói tóm lại hối lộ rất là nhiều,
từ y tá đến bác sĩ, ai cũng nói đến tiền. Họ hỏi, thì tôi cứ đưa tiền ra…
Tôi từng cầm dao tôi đi chém người ta để tôi lấy tiền,
thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông ấy cầm dao mổ, tôi bàng
hòang nhận ra là có khi họ cũng giống như mình… Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ có
khi còn xuất sắc hơn tôi!…
Nghĩ thêm, thì thầy giáo, rồi công an cũng như thế,
cả xã hội nó như thế…”
Vì có suy nghĩ như thế, nên anh đã tỉnh ngộ và từ bỏ
cái xã hội của “giới lưu manh anh chị bụi đời” và tìm cách góp phần vào việc cải
thiện môi trường xã hội để cho con của mình có thể sống một cuộc đời an lành tốt
đẹp hơn. Và anh đã nhiều lần tham gia biểu tình chống Trung quốc xâm lược và nhất
là viết nhiều bài chỉ trích những biểu hiện tiêu cực tệ hại trong xã hội với một
giọng văn hết sức dí dỏm trào phúng. Điển hình là trong tác phẩm “Đại Vệ Chí Dị”,
NBG đã sử dụng bút pháp thật khôn khéo với nhân vật, địa danh xa xưa mà ám chỉ
đến những chuyện thực tế trước mắt thời nay trong xã hội cộng sản ở nước ta –
khiến cho độc giả nào cũng hiểu được và khóai trá thông cảm đến tán thưởng cái
lối phê phán tinh tế của tác giả đối với chế độ tham nhũng thối nát đày dãy những
bạo hành giả dối của người cộng sản.
Phát biểu trước công chúng trong khuôn khổ cuộc Họp
Mặt Dân Chủ tại thành phố San Jose California vào cuối tháng Năm 2014 mới đây,
blogger NBG cũng đã xác nhận rằng mình đang cố gắng để góp phần vào công cuộc
xây dựng xã hội – làm sao cho thế hệ của đứa con mình có thể được sống thỏai
mái tự do hơn nơi quê hương đất nước mà mọi người đều có lòng nhân ái chân thật.
Và anh cho biết đã nhận được sự đồng thuận và khích lệ của nhiều bà con – nhất
là của giới trẻ ở trong nước và cả ở ngòai nước – đối với những bài anh viết
trong vòng 7 – 8 năm nay.
Mà còn hơn thế nữa, NBG hiện đang được vị Thị trưởng
thành phố Weimar ở nước Đức cấp phát cho một học bổng để theo học thêm về truyền
thông báo chí tại đây trong vòng một năm. Weimar chính là một trung tâm văn hóa
nổi tiếng của nước Đức và của cả Âu châu nữa – với những cư dân là trí thức nghệ
sĩ lừng danh như Goethe, Schiller, Liszt v.v… Cộng Hòa Weimar thiết lập năm
1919 sau khi nước Đức bại trận trong thế chiến 1914 – 18 là một biến cố lớn
trong lịch sử hiện đại của Âu châu.
Trong dịp trao đổi với NBG ở San Jose, tôi có nói với
anh đại khái như sau : “Qua những bài viết của anh, tôi nhận thấy là tác giả đã
tìm thấy một con đường xây dựng xã hội theo chiều hướng rất tiến bộ và tích cực
– và rõ rệt là cái lối viết phê phán xã hội thật cụ thể, dí dỏm mà sâu sắc của
NBG đã được đa số bà con ưa chuộng đánh giá cao. Vì thế, tôi khuyên anh bạn trẻ
nên tìm cách kéo dài thời gian nghiên cứu học tập bên nước Đức là nơi có nền
văn hóa học thuật tư tưởng phát triển vào bậc nhất trên thế giới – để mà bồi dưỡng
thêm cho cái vốn liếng sở học của mình hầu nâng cao giá trị trong sáng tác văn
học sau này…” Nghe vậy, NBG tỏ vẻ đăm chiêu và tuy anh không nói sẽ quyết định
thế nào, nhưng tôi có thể cảm nhận được là có khả năng là anh sẽ tiếp tục ở lại
nước Đức để mà học hỏi và luyện tập thêm hầu trau dồi kiến thức và tay nghề viết
văn viết báo của mình.
Cũng như đối với nhiều blogger khác, nhà cầm quyền cộng
sản Hanoi đã mở cả một chiến dịch bôi nhọ NBG, đưa ra những “tiền án, tiền sự”
của một dân “giang hồ bụi đời” như anh – nhằm hạ uy tín của con người đang được
số đông quần chúng ưa chuộng theo dõi các bài viết được phổ biến rộng rãi trên
internet. Nhưng bà con ta vẫn có lòng bao dung thông cảm, xuất phát từ lời
khuyên dậy trong đạo Phật rằng : “người đồ tể buông đao thì lập tức trở thành
Phật”. Mà Bùi Thanh Hiếu đã dứt khóat từ bỏ giới “giang hồ lưu manh bụi đời” từ
nhiều năm nay rồi – vì thế không một con người lương thiện nào mà lại cứ đi moi
móc cái quá khứ đã bị chôn vùi đó của anh nữa. Do đó mà chẳng còn ai đếm xỉa đến
những chuyện thêu dệt tung hỏa mù của cái đám “dư luận viên” tay sai của công
an cộng sản nữa đâu.
* Tóm tắt lại, chỉ với hai nhân vật điển hình là
“Nguyễn Hiến Lê và Người Buôn Gió” của Ngõ Phất Lộc ở Hanoi, thì khu vực Xã hội
Dân sự của nước ta rõ ràng đã tạo ra được một thành tích thật nổi bật quý báu
cho công cuộc xây dựng xã hội liên tục từ thế kỷ XX qua thế kỷ XXI hiện nay vậy./
Thành phố Westminster California, ngày 9 tháng Sáu
2014
Đoàn
Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment