Wednesday, 4 June 2014

25 NĂM BA LAN TỰ DO (Đinh Minh Đạo)




05:26:am 04/06/14

Obama ở Warsaw nhận dịp 25 Ba Lan tự do. Ảnh www.euractiv.com

Sáng ngày 04-06-1989, khi những chiếc xe tăng của quân đội Trung Quốc tiến vào quảng trường Thiên An Môn tàn sát những sinh viên biểu tình đòi hỏi dân chủ, thì những người dân Ba Lan đến các phòng phiếu để bầu cử quốc hội và thượng viện.
Ngày 04 – 06 -1989 đã trở thành một trong những ngày lịch sử quan trọng nhất của dân tộc Ba Lan. Lần đầu tiên, sau gần nửa thế kỷ dưới sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản, những người dân Ba Lan đã bằng lá phiếu, được tự do quyết định vận mệnh của chính mình và của cả dân tộc mình. Ngày 04-06 cũng là ngày khởi đầu sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở đông Âu và thế giới. Ngày 04-06-1989 đã chứng minh rằng, có thể chuyển đổi từ thể chế độc tài cộng sản sang thể chế dân chủ bằng phương pháp bất bạo động, dựa trên sức mạnh đoàn kết của nhân dân.
Nhưng để đi đến được ngày 04-06-1989, Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan (SOLIDARNOSC) đứng đầu là Lech Walesa và các cố vấn của ông đã trải qua cuộc đấu tranh đầy cam go với chế độ cộng sản vốn tôn thờ bạo lực, bất chấp luật pháp, quyết giữ chính quyền bằng mọi giá.

Từ Thỏa Thuận Tháng 8 đến Hội nghị Bàn Tròn

SOLIDARNOSC được thành lập ngày 17-09-1980, là kết quả của Thỏa Thuận Tháng 8 (TTT8) ký kết giữa Uỷ Ban Đình Công của các xí nghiệp và chính quyền cộng sản Ba Lan. TTT8 bảo đảm chấm dứt các cuộc đình công và thành lập công đoàn độc lập. Ngày 10-11-1980, SOLIDARNOSC đã đăng ký và bắt đầu hoạt động hợp pháp. Đây là lần đầu tiên, một chế độ cộng sản buộc phải chấp nhận một tổ chức đối lập hoạt động hợp pháp. Do sự kiện này, chính quyền cộng sản Ba Lan đã bị những người đứng đầu các quốc gia cộng sản „anh em”( đặc biệt là Liên Xô ) trong khối quân sự Warsaw phê phán kịch liệt. Họ yêu cầu chính quyền Ba Lan phải giải thể SOLIDARNOSC, nếu không, Liên Xô sẽ đưa quân đội vào Ba Lan.
SOLIDARNOSC đã phát triển ở nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp khắp Ba Lan, các cuộc đình công đòi tăng lương, phản đối tăng giá cả hàng hóa… tiếp tục nổ ra.
Ngày 13-12-1981, chính quyền Ba Lan thành lập Hội Đồng Quân Sự Cứu Nguy Dân Tộc do tướng Wojcech Jaruzelski làm chủ tịch và tuyên bố tình trạng chiến tranh, đặt SOLIDARNOSC ra ngoài vòng pháp luật. SOLIDARNOSC phải rút vào hoạt động bí mật, các cuộc đình công, biểu tình phản đối vẫn nổ ra. Khoảng 10.000 người đã bi bắt giữ, 1.196 máy in, 468 máy chữ bị thu giữ, 11 trạm radio bí mật bị phá, nhiều thành viên lãnh đạo, trong đó có Lech Walesa đã bị bắt.
Đàn áp, khủng bố không dập tắt được phong trào SOLIDARNOSC, chính quyền cộng sản Ba Lan bị toàn thế giới lên án. Tháng 07-1983 sau 586 ngày, chính quyền đã phải tuyên bố bãi bỏ tình trạng chiến tranh.
SOLIDARNOSC trở lại hoạt động công khai hợp pháp, hội viên đã lên tới 10 triệu người. Các cuộc đình công lại nổ ra khắp nơi, những cố gắng cải cách kinh tế của chính quyền không đem lại kết quả, 06-02-1989 chính quyền cộng sản đã phải chấp nhận ngồi vào họp Hội Nghị Bàn Tròn (HNBT), thương lượng với SOLIDARNOSC. Nội dung thương lượng gồm ba lĩnh vực chính:
– Kinh tế và chinh trị xã hội
– Cải cách chính trị
– Luật thành lập các công đoàn đoàn độc lập.
Hội Nghị Bàn Tròn kéo dài trong hai tháng, 711 người đã tham dự hội nghị, bao gồm đại diện của chính quyền cộng sản, đại diện của SOLIDARNOSC, đại diện của nhà thờ, các chuyên gia trong các lĩnh vực thương lượng và những người quan sát.
Hội Nghị Bàn Tròn là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử cận đại của Ba Lan, nó khởi đầu cho sự thay đổi nền tảng của xã hội, trong đó có sự thỏa thuận bầu cử tự do một phần cho quốc hội và tự do toàn phần cho thượng viện. Đảng Cộng Sản Ba Lan (ĐCSBL) chấp nhận thượng lượng là sự thắng thế của những đảng viên mong muốn cải cách và là thất bại của thành phần „bê tông” trong đảng. Đối với SOLIDARNOSC, chấp nhận thương lượng với chính quyền cộng sản là một quyết định thông minh, khôn khéo. Chính quyền cộng sản tuy suy yếu và mất hết niềm tin của dân chúng, nhưng bộ máy đàn áp công an, quân đội hùng hậu vẫn còn nguyên đó, Ba Lan vẫn trong vòng kiềm chế của Liên Xô, 70.000 lính của quân đội Liên Xô, với danh nghĩa khối quân sự Warsaw đang đóng trên lãnh thổ Ba Lan. Tuy vậy không ít những người lãnh đạo và các hội viên SOLIDARNOSC phản đối thương lượng, họ cho rằng cộng sản là những người không đáng tin cậy, thương lượng lúc này có thể giúp họ củng cố lực lượng, đảo ngược tình thế. Nhưng những gì đã xẩy ra sau đó, đã chứng minh rằng, quyết định ngồi vào bàn thương lượng của Lech Walesa và những trí thức trong hội đồng cố vấn của ông như nhà báo Tadeusz Mazowiecki, giáo sư Bronislaw Geremek, nhà báo Adam Michnik… là hoàn toàn đúng đắn.

Bầu cử tháng 6 và sự sụp đổ của chế độ cộng sản

Trong các thỏa thuận tại HNBT có thỏa thuận về bầu cử. Quốc hội mới sẽ có 460 đại biểu, thượng viện sẽ có 100 thượng nghị sỹ. 299 (65%) đại biểu quốc hội giành riêng cho ĐCSBL và các tổ chức „vệ tinh” của họ không qua bầu cử, sẽ do họ tự cắt cử, còn lại 161 (35%) đại biểu và 100 thượng nghị sỹ sẽ được bầu cử tự do.
Trong thương lượng, những người cộng sản luôn muốn chiếm ưu thế, họ tính toán rằng, với 65% số đại biểu họ sẽ thao túng quốc hội mới, ngay cả việc họ muốn thay đổi hiến pháp nếu họ muốn (hiến pháp quy định muốn thay đổi hiến pháp, chỉ cần 60% đại biểu quốc hội đồng ý).
Kết quả bầu cử ngày 04-06 làm những người cộng sản bất ngờ. Các ứng cử viên của SOLIDARNOSC đã giành được160 trong 161 ghế được bầu của quốc hội, 92 trong 100 ghế của thượng viện. Bí thư thứ nhất ban chấp hành ĐCSBL đã gọi sự kiện này là quả đấm cực mạnh vào ĐCSBL.
Ngày 18-06 trong bầu cử vòng 2, SOLIDARNOSC giành thêm một ghế của quốc hội và 7 ghế của thượng viện. Kết quả cuối cùng các ứng cử viên của SOLIDARNOSC đã giành trọn 161/161 ghế của quốc hội và 99/100 ghế của thượng viện.
Thắng lợi của SOLIDARNOSC cũng đồng thời đem đến thất bại cho ĐCSBL, nó như quả bom làm lung lay đảng và phá vỡ liên minh của nó với các tổ chức „vệ tinh” , làm sụp đổ một thể chế cộng sản kéo dài gần nửa thế kỷ. Phiên họp của quốc hội mới để bầu tổng thống, tướng Wojciech Jaruzelski trúng cử chỉ quá bán 1 phiếu, ông đã chỉ định Czeslaw Kiszczak, ủy viên bộ chính trị, cựu bộ trưởng bộ nội vụ đứng ra thành lập chính phủ mới. Czeslaw Kiszczak đã không lập được nội các vì liên minh „vệ tinh” với đảng đã tan vỡ. Ngày 17-08-1989 liên minh của SOLIDARNOSC với hai đảng „vệ tinh” trước đây của ĐCSBL trong quốc hội đã bầu ông Tadeusz Mazowiecki, nhà báo, tổng biên tập tạp chí Đoàn Kết của SOLIDARNOSC làm thủ tướng, ông trở thành thủ tướng không cộng sản đầu tiên của Ba Lan sau 45 năm cầm quyền của cộng sản.
Chính phủ Mazowiecki đã tiến hành hàng loạt các cải cách quan trọng trong một thời gian ngắn. Thay đổi triệt để nền tảng chính trị và kinh tế, mở rộng tự do của công dân, xây dưng hệ thống đa đảng trong xã hội, thay quốc huy và đổi tên nước (từ nước Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan thành Công Hòa Ba Lan). Ngay trong tháng 12-1989, đã thay đổi những điểm quan trọng trong hiến pháp, thay lời mở đầu của hiến pháp cũ, viết lại các chương về nền tảng chính trị, kinh tế, đưa ra khái niêm nhất quán về quyền sở hữu của công dân .. Những thay đổi này đã tạo điều kiện thực hiện kế hoạch Balcerowicz chuyển đổi nền kinh tế tập trung XHCN sang nền kinh tế thị trường và tư nhân hóa.

25 năm một bước tiến dài

25 năm đã đi qua kể từ ngày 04-06-1889, Ba Lan đã đạt được những bước tiến dài trong các lĩnh vực kinh tế, chính trí, an ninh quốc phòng.
Về kinh tế, ngay sau khi chuyển đổi nền kinh tập trung XHCN sang nền kinh tế thị trường, các chính phủ kế tiếp nhau không ngừng cải cách để phát triển kinh tế. Bắt đầu từ năm 1994 chính phủ Ba Lan đã nộp đơn và tiến hành đàm phán để gia nhập Liên Minh Châu Âu. Sau 10 năm cải cách và phát triển kinh tế theo chuẩn mực của EU, sau cuộc trưng cầu dân ý, ngày 01-05-2004 Ba Lan trở thành hội viên của EU. Kinh tế Ba Lan tăng trưởng liên tục, ngay những năm kinh tế thế giới bị khủng khoảng, kinh tế của Ba Lan vẫn tăng trưởng. Mức sống của người dân không ngừng tăng, thu dần khoảng cách về mức sống giữa người dân Ba Lan và người dân các nước phát triển của EU. Hiện nay Ba Lan là nền kinh tế đứng thứ 6 trong 27 nước hội viên của EU.
Để bạn đọc dễ hình dung, có thể đưa ra sự so sánh như sau. Nếu lấy mức năm 1989, mức sống của người dân Ba Lan và Ukraina tương đương như nhau, hiện nay người dân Ba Lan đã giầu gấp 4 lần người dân Ukraina. Nhà vô địch quyền anh Vitali Volodimirovich Klichko, khi được hỏi là tại sao anh lại từ quyền Anh bước sang chính trị, anh trả lời đại ý , anh hay có dịp đi qua hay luyện tập với bạn bè ở Ba Lan, anh nhìn thấy những thay đổi của Ba Lan mang lại đời sống hạnh phúc cho người dân, anh quyết định thành lập đảng Qủa Đấm để đấu tranh mang lại hạnh phúc cho người dân quê hương anh.
Về quốc phòng và an ninh quốc gia , Ba Lan đã nhanh chóng chuyển hướng ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Liên minh với Mỹ và khối NATO để đảm bảo an ninh quốc gia khi ở cạnh người hàng xóm Nga đầy bất trắc. 09-1993 tổng thống Lech Walesa đã gửi công hàm đến tổng thư ký khối NATO bầy tỏ ý định mang tính chiến lược của Ba Lan muốn trở thành thành viên tích cực của NATO. Tháng 02-1994, Ba Lan ký hiệp định cộng tác với NATO, bắt đầu hiện đại hóa quân đội Ba Lan theo tiêu chuẩn của NATO.
Ngày 12-03-1999, Ba Lan chính thức trở thành thành viên của NATO. Những ngày Nga thôn tính bán đảo Krym của Ukraina, đe dọa sự ổn định của khu vực, một đội bay F16 hiện đại do các phi công Mỹ điều khiển đã bay đến Ba Lan để luyện tập và phòng vệ biên giới của các quốc gia đông Âu.
Ba Lan hiên nay là một quốc gia giữ vai trò quan trọng ở trung và đông Âu.
25 qua, nền dân chủ của Ba Lan đã phát triển vững chắc trong xã hội, các cải cách về luật pháp, cải các hành chính đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và phòng chống nạn tham nhũng có hiệu quả.

Bạn bè chúc mừng

Khi tôi đang viết những dong này, 40 đoàn đại của 40 quốc gia trên thế giởi, trong đó có tổng thống Mỹ Barak Obama, tổng thông Pháp Francois Hollande… đã có mặt tại Warsaw để ngày mai dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày 04-06-1989.
Trong bài phát biểu tại lễ đón tiếp, Barak Obama đã nói “Nước Mỹ không có người bạn nào tốt hơn Ba Lan ở trên thế giới này”, ông còn ca ngợi sự chuyển đổi một cách không bạo động từ thể chế độc tài sang thể chế dân chủ, đó là một bài học tốt cho các quốc gia còn đang trong chế độ độc tài.
&
Không khí lễ hội của những ngày này tại Warsaw khiến tôi không khỏi cảm thấy buồn khi nghĩ về Việt Nam. Thể chế dân chủ không phải là hoàn thiện, nhưng chắc chắn nó tốt hơn hẳn chế độ độc tài cộng sản. Là người Việt Nam đã được sống và học tập trong chế độ cộng sản Ba Lan, đươc tận mắt chứng kiến những thay đổi tốt đẹp từ khi Ba Lan chuyển sang thể chế dân chủ, ước mơ dân chủ cho Việt Nam càng sâu nặng. Vẫn biết Việt Nam không phải là Ba Lan, nhưng ước mơ cũng là lẽ sống của con người, ước mơ cũng giúp cho con người sống tốt hơn và cảm thấy mình đáng sống hơn.

Warsaw 03-06-2014
© Đàn Chim Việt

THEO DÒNG SỰ KIỆN:


No comments:

Post a Comment

View My Stats