Thursday, 6 March 2014

XUẤT CẢNG VÕ KHÍ : DẦU THÔ CỦA MỸ (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, March 05, 2014 2:57:07 PM

Bối cảnh kinh tế của trận đánh quanh Ukraine

Trong trận đánh ngoài vùng biên địa Ðông-Tây, là vụ khủng hoảng tại Ukraine, các quốc gia “lâm chiến” là Liên Bang Nga và khối Liên Hiệp Âu Châu đều điểm quân tính sổ, xem sẽ đưa vào trận những gì, được thua là bao nhiêu. Từ những tính toán về sự lợi hại muôn hình vạn trạng đó mới có quan điểm lập trường được tráng men chính nghĩa, cho các nhà báo làm nốt phần vụ còn lại là tuyên truyền, có ý thức hay vô ý thức là tùy trình độ nghiệp vụ hay đạo đức của nhà báo.

“Hồ Sơ Người Việt” xin giúp quý độc giả một số dữ kiện phán đoán trong một lãnh vực rất nhỏ là năng lượng, bên trong có dầu thô, là loại võ khí Liên Bang Nga đang sử dụng để khống chế khối Âu Châu, hòng nuốt trửng Ukraine. Xin đi từ vòng ngoài vào trong...

Võ khí năng lượng

Liên Bang Nga của lãnh tụ Vladimir Putin là một nước thuộc loại “Ðệ Tam Thế Giới,” là lạc hậu và chậm phát triển. Nhưng là quốc gia có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới, với rất nhiều tài nguyên thiên nhiên và hệ thống võ trang mạnh nhất, kể cả võ khí hạch tâm chiến lược, Nga là cường quốc quân sự. Song song, Nga cũng là một đại gia toàn cầu về năng lượng, và là nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu qua các ống dẫn khí thiết lập theo hướng Ðông-Tây.

Nga là nước chậm tiến xuất cảng năng lượng, thu về hơn phân nửa nguồn thu ngân sách, 75% số xuất cảng và cung cấp gần ba phần tư khí đốt cho thị trường Ðức. Vì vậy, khi Putin tấn công Georgia vào Tháng Tám năm 2008, Thủ tướng Ðức là Angela Merkel lập tức bay qua Moscow để dàn xếp, tức là nhượng bộ trước sự hậm hực của Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Hoa Kỳ khi đó đang ở giữa cuộc bầu cử tổng thống và chính quyền Bush chỉ còn hơn bốn tháng là mãn nhiệm nên đành bó tay sau những lời phản đối vu vơ. Hoàn cảnh “vịt què” - lame duck - của ông tổng thống sắp về vườn và vụ khủng hoảng tài chánh đang nổi lên khiến Georgia bị hy sinh. Lúc đó, ngôi sao của nước Mỹ là Nghị Sĩ Barack Obama và dàn truyền thông đã ngả từ phía Nghị Sĩ Hillary Clinton về phía ông Obama.

Ngay từ thời đó rồi, các chiến lược gia Tây phương (Âu và Mỹ) đều nói đến thế thượng phong về năng lượng của Putin. Ít ai chú ý là nguyên Thủ Tướng Ðức Erhardt Shroeder là người thính mũi nhất. Sau khi Ðảng Xã Hội thiên tả của ông thất cử năm 2005 thì ông mau mắn làm tư vấn cho tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga và kịch liệt bênh vực quan điểm của Putin cùng các dự án dẫn khí của Nga có lợi cho túi tiền của ông ta.

Trong chính quyền liên minh tả hữu hiện nay của Ðức, Ngoại Trưởng Frank-Walker Steinmeier cũng thuộc đảng Dân Chủ Xã Hội này nên kịch liệt phản đối việc Hoa Kỳ và Pháp đòi trục xuất Nga ra khỏi nhóm G-8. Lãnh đạo Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, Thủ Tướng Merkel cũng chẳng khá hơn. Bà được dân Ðức bầu lên để giải quyết vấn đề của nước Ðức, không để cứu dân Ukraine.

Nếu các nhà báo của chúng ta theo dõi sự tình từ lâu (!) thì tất nhiên đã phải đoán ra sự thể ấy.

Putin dùng võ khí năng lượng giải giới các nước Tây phương để nuốt trửng Crimea của Ukraine và từ Ukraine sẽ dần dần đưa khối Ðông Âu và Trung Âu về quỹ đạo Nga.

Vào kỳ khác, “Hồ Sơ Người Việt” sẽ đi vào mạng lưới các ống dẫn khí của Nga tới Âu Châu và qua đó, người ta có thể hiểu thêm một ngón đòn phản công của Liên Âu, và vị trí của Cộng hòa Slovakia, trong trận chiến về năng lượng này. Nhưng, trang báo có hạn và sự tập trung chú ý của độc giả cũng vậy, nên xin nhảy ngay vào chuyện “trường kỳ kháng chiến” với dầu khí Hoa Kỳ.

Cách mạng năng lượng Mỹ

Sau vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ vào trung tuần Tháng Chín 2008, chỉ vài tuần sau đợt tấn công Georgia của Putin, cả thế giới và truyền thông quốc tế kể cả Mỹ đã nói đến ngày tàn của tư bản chủ nghĩa kiều Mỹ. Người ta ít chú ý đến một cuộc cách mạng tự phát của xã hội (hay thị trường) Hoa Kỳ, nằm bên ngoài chính sách của nhà nước. Ðó là cách mạng về năng lượng.

Sau này, các chính khách Mỹ mà kể công về thành quả cách mạng này là chỉ nói láo.

Từ năm 1970 tới 2008, sản lượng dầu thô của Mỹ liên tục sút giảm, từ 9.6 triệu thùng một ngày thì chỉ còn năm (ký hiệu viết tắt là mbd, million barrels per day). Nhưng kể từ năm 2008 đó, khi Barack Obama chưa sờ vào cái gì của chính quyền, thì tình hình đã đổi khác và nhật lượng dầu thô đang bắt kịp con số gần 10 triệu thùng một ngày.

Lý do là trước khi chính quyền Obama có bất cứ chánh sách gì về năng lượng thì các doanh nghiệp Mỹ đã tìm cách giải quyết bài toán của họ, được đặt ra từ 1972, 1981, 1991...

Ðấy là khi người ta nói đến khái niệm “tight oil,” dầu cứng hay dầu chật. Vì dầu thô có vẻ khan hiếm và lên giá cho nên những giải pháp coi là tốn kém trước đây lại được chiếu cố. Lên tận Alaska buốt giá, xuống tới biển sâu và đào mấy cây số trong đá cũng được. Các doanh nghiệp thúc đẩy kỹ sư địa chất và chuyên viên tài chính tìm xem có cách nào nâng cao sản lượng hay không.

Các kỹ sư địa chất đào xuống đất, qua đá cứng và tìm đến lớp trầm tích ở dưới để thấy là nếu đào sâu và đào ngang rồi bơm vào những dung dịch hóa học và nước thì có thể giải phóng được dầu và khí. Ðấy là kỹ thuật tạm gọi là “fracking” (thật ra gồm có hai hướng, nhưng xin viết là “gạn cát ra dầu” cho dễ hiểu) để lấy dầu và khí.

Các chuyên gia tài chánh ngồi bên cạnh thì tính toán xem rằng tốn ngần đó để được ngần này dầu khí, đâu là mối lợi? Họ quyết định là có lợi chán! Trong cách tính toán này thì vì giá khí đốt (natural gas), được ràng vào giá dầu thô (crude oil) nên hệ số sử dụng chính là giá dầu thô.

Thế rồi nhờ kỹ thuật mới mà các bình nguyên Bakken tại North Dakota hay nhiều vùng khác của Texas lại có giá, trở thành những giếng dầu và khí đáng kể.

Từ nay xin nói riêng về dầu cho quý độc giả khỏi nhức đầu. Giếng Badden có thể cung cấp một triệu mbd và riêng Texas thì gấp ba. Nghĩa là nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã có sản lượng dầu còn lớn hơn một số quốc gia trong hiệp hội OPEC của các nước xuất cảng dầu thô. Nhờ sản lượng nội địa gia tăng mà Mỹ giảm dần nhập cảng, từ 12.5 triệu thùng một ngày (mbd) vào năm 2005 thì năm ngoái chỉ còn 6.3 mdb và sản lượng nội địa đã vượt số dầu nhập cảng.

Nhờ cái thế mạnh về kinh tế là nước Mỹ ít lệ thuộc hơn vào dầu nhập cảng và các nước xuất cảng, lãnh đạo có cái thế mạnh hơn về chính trị, thí dụ như với Iran hay Venezuala. Nhưng sử dụng cái thế chính trị hay không lại là chuyện khác! Bây giờ, vấn đề còn hấp dẫn hơn vậy.

Hoa Kỳ có thể xuất cảng dầu và hóa giải đòn bắt bí của các chế độ hung đồ ngồi trên dầu và khí mà uy hiếp thiên hạ. Muốn hiểu chuyện đó, “Hồ Sơ Người Việt” xin đi vào vài chi tiết kỹ thuật.

Dầu thô, dầu ngọt và xăng nhẹ

Cuộc cách mạng về năng lượng của Hoa Kỳ tiến quá nhanh nên đụng vào thực tế kỹ thuật lẫn luật lệ. Dầu thô có đào lên hay gạn ra thì còn phải biến chế, được lọc, mới cung cấp các loại nhiên liệu như xăng cho xe hơi, máy bay, hay dầu cặn diesel chạy máy, v.v...

Về kỹ thuật, Hoa Kỳ đang gặp hai vấn đề: 1) loại dầu chật cứng mới tìm ra không phù hợp với hệ thống nhà máy lọc dầu đã có sẵn từ trước, và 2) lại ở quá xa trung tâm lọc dầu chính của nước Mỹ, tại Vịnh Mễ Tây Cơ là nơi chế biến phân nửa số xăng dầu tiêu thụ tại Mỹ...

Nói cho đơn giản, một nhà máy lọc dầu là tốn bạc tỷ, xưa nay được đầu tư và vận hành để chế biến dầu thanh, ngọt và nhẹ, light sweet crude. Và việc thiết lập này phải vượt hàng rào chính trị và luật lệ: không gây ô nhiễm môi sinh. Vì hàng rào đó mà hệ thống năng lượng Mỹ thiếu nhà máy lọc dầu, giới tiêu thụ trả tiền xăng đắt hơn, doanh nghiệp ngần ngại lập thêm nhà máy lọc.

Cái giá của môi sinh thì ít ai tính ra cho đúng, trừ các chính khách lẻo mép.

Bây giờ, nước Mỹ có loại dầu mới, chật, nặng, hay cứng hơn, có khi đến từ rất xa các trung tâm chế biến hiện hành và là loại nguyên liệu tốn kém trước khi có triển vọng trở thành nhiên liệu. Hãy nghĩ đến cái phễu, hay cái quặng, với nút thắt là dầu nặng chưa dễ dàng gì biến thành xăng.

Nếu không khai thông chỗ tắc nghẽn đó thì việc sản xuất ra dầu chật sẽ hết hấp dẫn vì kém lời. Nghĩa là sản lượng dầu nội địa sẽ giảm, Mỹ sẽ lại lệ thuộc vào dầu nhập.

Vì vậy, giải pháp được nói tới là 1) khuyến khích việc thành lập nhà máy lọc dầu; 2) cho phép xây dựng mạng lưới các ống dẫn dầu từ nhiều nơi (kể cả Canada) về Vịnh Mexico, thí dụ đang nổi tiếng là dự án Keystone XL, bị Obama gác qua một bên vì áp lực bảo vệ môi sinh từ cánh tả; 3) và cho phép xuất cảng dầu thô ra ngoài.

Về bối cảnh của hồ sơ xuất cảng thì từ trận chiến về dầu khí tại Trung Ðông trong những năm 1970 về sau, Hoa Kỳ có luật lệ không cho xuất cảng dầu thô, nhằm bảo đảm nguồn cung cấp từ nội địa. Bốn chục năm sau, nước Mỹ vẫn bị kẹt về đạo luật đó. Vì thế, trong chính trường Mỹ mới có cuộc vận động cho phép doanh nghiệp Mỹ được bán dầu ra ngoài. Ngược lại, cũng có lập luận chống đối việc này.

Phe chống xuất cảng dầu thô gồm nhiều dân biểu nghị sĩ Dân Chủ và các doanh nghiệp lọc dầu (khẩu hiệu Dân Chủ đả kích “Tài phiệt dầu hỏa” Big Oil chỉ là trò tuyên truyền mị dân) đưa ra các lý luận sau đây: 1) giá dầu thô nội địa càng rẻ thì càng có lợi cho kinh tế vì giới tiêu thụ xài xăng rẻ hơn; 2) mà cũng có lợi cho xuất cảng nhờ trị giá gia tăng từ dầu qua xăng sẽ cao hơn.

Ngược lại, phe vận động bãi bỏ sự cấm đoán để cho phép xuất cảng cũng có lý do của họ:
Thứ nhất, bề nào, ta cũng đang xuất cảng xăng: từ mấy năm qua, nước Mỹ đứng đầu thế giới về xuất cảng xăng dầu cho vận tải, từ diesel tới kerosen cho máy bay phản lực và xăng nhẹ cho xe hơi. Một phần của số xăng dầu này là chế biến từ dầu nội địa, cho nên luật cấm xuất cảng để bảo đảm an toàn nội địa là điều không còn đúng.

Thứ hai, việc gạn cát ra dầu là chuyện tốn kém và nếu dầu đó mà không bán được ra ngoài và thực tế bị ghìm giá trong nội địa thì các doanh nghiệp hết muốn đầu tư vào kỹ thuật tốn kém này.

Thứ ba, nếu cho phép xuất cảng dầu thô (cả dầu chật) thì sản lượng của Mỹ sẽ tăng số cung và làm giảm giá dầu trên thế giới nên cũng có lợi cho kinh tế (và giới tiêu thụ) Hoa Kỳ.

Chính là giữa cuộc tranh luận ấy, việc Vladimir Putin thôn tính Crimea, tấn công Ukraine và lung lạc các nước Âu Châu lại thúc đẩy Quốc Hội Mỹ xét lại một biện pháp kinh tế có hiệu quả chiến lược cho Tây phương.

Kết luận ở đây là gì?

Mọi quyết định kinh tế đều có những hậu quả ngắn hạn và dài hạn khác nhau. “Lấy ngắn nuôi dài” không nhất thiết có nghĩa là kết quả dài hạn sẽ có lợi cho trường kỳ. Ngược lại là đằng khác.
Hoa Kỳ đã đi bước tiên phong về kỹ thuật “fracking” và tiến hơn Âu Châu rất xa. Kỹ thuật này đang bị kẹt vì dầu gạn ra mà không được bán ra ngoài. Nếu được khai thông, nước Mỹ có thể gián tiếp giải giới Putin, giải vây Ukraine và nhất là giải phóng Âu Châu khỏi nỗi lo sợ sẽ bị Putin bịt ống dẫn khí.

Ngoài những đòn phép đó, Hoa Kỳ còn có thể duyệt lại toàn bộ chiến lược về năng lượng để làm chủ được thị trường ít ra trong vài chục năm tới, trước khi dầu thô trở lại chuyện lỗi thời trước nhiều loại năng lượng khác.



No comments:

Post a Comment

View My Stats