06:58:pm 09/03/14
Góp vài chi tiết với « Linh
– Kiệt và món bê thui » của Trần Hồng Tâm trên Đàn Chim Việt)
Sách « Bên thắng cuộc » của Huy Đức
kể lại nhiều chuyện bí ẩn trong hàng ngũ cộng sản mà người ngoài, nhứt là người
miền Nam, ít ai biết. Một số chuyện liên hệ tới giới chức miền Nam cũ trong cải
tạo và vượt biên dưới thời ông Võ văn Kiệt. Tác giả kể hấp dẫn nhưng không đúng
sự thật bởi chính người trong cuộc đọc qua chuyện của mình đã phải ngạc nhiên.
Nhưng dầu sao « Bên thắng cuộc » vẫn có giá trị thông tin khá hơn
nhiều sách khác của người cộng sản viết.
Dân
Nam kỳ cũng kỳ
Trong lúc làm việc ở Sài Gòn, ông Kiệt được cảm tình
của một số trí thức miền Nam thua cuộc. Họ chụp ông Kiệt như cái bụp dừa để
bám, không phải để lội qua sông, mà để khỏi chết chìm. Ông Kiệt lúc làm Thành
ủy Sài gòn đã dám mời một số trí thức miền Nam, sau thời gian học tập, giúp ông
giải quyết những khó khăn kinh tế xã hội do chánh sách bao cấp theo cách quản
lý xã hội chủ nghĩa gây ra để kịp tránh cho Việt Nam khỏi bị sụp đổ. Khi nghe
tin trí thức miền Nam vượt biên bị bắt và ở tù, ông lập tức cho người đi lãnh
ra và giữ họ làm việc với ông. Bày tỏ sự cởi mở với anh em miền Nam và niềm tin
tình hình Việt Nam sẽ khả quan, ông vui vẻ nói: “Mấy anh ở lại làm việc. Năm
năm nữa mà Việt Nam không khá thì tôi để mấy anh đi tự do”.
Một anh thưa: “Nếu năm năm nữa mà Việt Nam không
khá, thì ông ra đi, để cho tụi tui làm việc. Chớ sao tụi tui lại ra đi?” Thế là
cùng cười với nhau. Người phát biểu câu này còn sống ở hải ngoại.
Ở Sài Gòn trước 75, giới thương gia vải sợi đều biết
ông Phạm văn Hai, biệt danh cậu Hai An Nhơn, chủ lò nhuộm. Màu đen là do ông
khám phá ra từ trái mạc nưa. Màu đen của ông chế tạo rất tốt, đen nhánh, càng
giặt càng đen, không phai màu. Lảnh mỹ a, vải ú đen, lụa đen,… đều nhuộm bằng
màu đen mạc nưa. Sự tìm ra màu đen của ông đã tiết kiệm được cho chánh phủ Sài
Gòn hằng năm một số ngoại tệ khá lớn vì khỏi nhập màu đen.
Sau 75, ông giao sự nghiệp của ông cho nhà cầm quyền
cộng sản để phủi tay. Nhưng họ từ chối, bảo cái gì của ông, ông cứ giữ. Cách
mạng không lấy cây kim sợi chỉ của ai. Ông ở lại làm gác-gian cho kho hàng và
cơ sở kỹ nghệ của ông. Những bành tơ sợi, thuốc nhuộm, bị bỏ lăn lóc ngoài sân
dưới mưa nắng. Ông xót ruột, phải tự đem vào kho cất.
Cán bộ Ban Khoa học cộng sản lấy hết tài liệu về
nhuộm và bắt ông hướng dẫn cách thực hành, rồi đem đem ra Hà nội. Nhưng họ
không áp dụng được nên phải trở vào Sài gòn gặp lại ông và yêu cầu ông ra Hà
nội làm việc nhưng phải nói là do Đảng lãnh đạo mà ông thành công. Ông từ
chối và nói rõ công trình đó vẫn là của ông nhưng ông cho, ai muốn sử dụng sao
cũng được.
Ông Hai là bạn cỡi trâu với ông Kiệt ở nhà quê Vũng
Liêm. Con nhà nghèo chỉ mới đi học trường làng. Lúc vừa trưởng thành, có nhà
điền chủ nhờ ông dẫn hai người con trai qua Pháp du học. Ông nhận lời. Ở Paris,
có sẵn chỗ ăn, chốn ở. Ngoài công việc dẫn hai công tử đi học, ông rảnh rang.
Ông đi học thêm ở Conservatoire National des Arts et Métiers, trường dành cho
người lớn tuổi tới học đủ ngành nghề thực dụng tùy theo khả năng mình. Điều
kiện vào học rất dễ nhưng thi lên lớp mới khó nên bằng cấp của trường có giá
trị không thua nhiều trường kỹ sư có thi tuyển. Ông tốt nghiệp kỹ sư Hóa học,
về Sài gòn lập lò nhuộm An Nhơn.
Sau vài năm sống với cộng sản, ông quyết định tìm
cách đi khỏi xứ. Ông vượt biên nhiều lần đều bị bắt và mỗi lần bị bắt, thì được
ông Kiệt can thiệp thả ra. Lần sau cùng, trước khi đi, ông viết thư để lại: « Chuyến
đi này là hoàn toàn do tôi quyết định. Vợ con tôi chỉ nghe lời tôi đi theo. Nếu
tôi bị bắt, cứ giết tôi nhưng hãy thả gia đình tôi. »
Ông bị bắt. Võ văn Kiệt một lần nữa can thiệp, và
lần này, ông Kiệt nói với ông: «Tôi ký giấy cho anh đi chánh thức qua Thụy
sĩ. Anh ở đây có ngày tụi nó giết anh». Khi làm thủ tục xuất cảnh,
công an dằn mặt ông: «Anh tưởng chúng tôi cần những thứ ngụy như anh à?
Chúng tôi xây dựng xã hội chủ nghĩa hai mươi năm nữa cũng được. Miễn là
chính chúng tôi làm và thành công».
Qua thời kỳ đổi mới, ông Phạm văn Hai trở về Sài Gòn
gặp ông Kiệt. Ông Hai tìm hiểu về đá saphir của Việt Nam. Theo ông, Thái Lan
qua mua đem về, mài lại, bán ra, hằng năm thu về 600 triệu đô-la. Ông nói với
ông Kiệt là nếu để ông mua saphir và trau dồi tại Sài gòn, mỗi năm ông có thể
thu về cho Việt Nam tới cả tỷ đô-la. Ông Kiệt đồng ý. Có ngay ba ngân hàng tham
gia. Ông Hai trở về Los Angeles học nghề với một nhà kỹ nghệ saphir ở Los
Angeles vốn là người kế nghiệp của nhà kỹ nghệ Thụy Sĩ tại Genève. Về mặt kỹ
thuật, ông thành công qua vài cuộc triển lãm saphir ở Huê kỳ.
Ông về Sài gòn với những viên saphir sản phẩm của
ông. Ông nhận tiền ngân hàng mở Labo đào tạo một lớp chuyên viên. Khi những hột
saphir bắt đầu bán ra thị trường thì cũng là lúc Đảng ra tay phát huy quyền làm
chủ cơ sở của ông. Thế là ông chạy trở về Mỹ. Ông Kiệt cũng “kẹt” lắm, không
làm gì giúp người bạn thời niên thiếu đầy thiện chí.
Bạn bè trách ông cứ để cho bọn cộng sản gạt. Ông
thản nhiên nói “Anh em biết tánh tôi mà. Tôi chỉ cần cho thấy là tôi thành
công, còn ai giựt thì cứ giựt. Nhưng giựt rồi có làm được hay không? ”.
Ông Võ văn Kiệt trước sau vẫn là người cộng sản mà
với người cộng sản thì “áo làm sao mặc qua khỏi đầu” được? Nên người ta đặt cho
ông Kiệt cái tên phù hợp với ông “Võ Văn Kẹt”. Nhờ biết giữ thế “kẹt” mà ông
leo lên tới ghế Thủ tướng và sống giàu sang tới 85 tuổi với bà vợ trẻ Phan Lương
Cầm, biệt danh là « Bà 10% » khi xây dựng đường dây cao thế
Bắc-Nam. Bà Cầm có thời du học về môn Hóa học ở Hòa lan. Khi cưới Bà cầm, ông
Kiệt đã có tuổi nên dân chúng Sài gòn hát tặng ông:
« Cụ Kiệt cưới cô Cầm
Cái cô Cầm cần, cụ Kiệt cóc có
Cái cụ Kiệt có, cô Cầm cóc cần
Cái cô Cầm cần, cụ Kiệt cóc có
Cái cụ Kiệt có, cô Cầm cóc cần
Vì chuyện gia đình, ông Phạm văn Hai thường qua
Paris. Một hôm, tình cờ gặp lại ông TVB lúc đang bán sữa đặc có đường, ông bảo
ông TVB hãy làm chả giò bán kiếm lời nhiều hơn. Ông cho bí quyết làm chả giò
giữ giòn được lâu. Ông thương TVB vì lúc ở Sài gòn, ông thấy ông B là một thanh
niên có tài buôn bán vải. Ông B nắm trong tay một khúc vải, vò vò rồi
buông ra, có thể cho biết khá chính xác thành phần vải có bao nhiêu phần trăm
coton, polyester …Từ đó ông TVB phất lên làm «vua chả giò» (cũng là vua chớ
bộ !) và ngày nay cũng là Đại gia ở Sài Gòn nhờ biết cách làm ăn theo định
hướng xã hội chủ nghĩa. Vả lại ông TVB là người gốc Tàu thì chỗ nào có dưỡng
khí là sống được để theo đuổi triết lý « lượm bạc cắc ». Mà bạc cắc thì
xưa nay là thứ xuyên quốc gia và không có mùi, cả mùi cộng sản.
Mười bốn năm trước, đang dự tính đi qua Miên tìm
saphir làm nữa vì vùng có saphir lúc đó không còn dưới sự kiểm soát của Khờ-me
đỏ nữa, ông đột ngột qua đời, viết thiệp chúc Noel bạn bè chưa kịp gởi đi.
Không
có người cộng sản khác hơn
Nguyễn văn Linh, tự Mười Cúc, gần như suốt đời hoạt
động trong Nam. Ông phải hiểu tâm tình người Nam hơn ai hết. Các bà già trầu
Nam kỳ đều thương ông vì thấy ông chỉ có một thân một mình đi kháng chiến. Ông
sống sót để leo lên tới tột đỉnh danh vọng trong hệ thống cộng sản là nhờ gáo
nước, nồi cơm của đất Nam kỳ. Nhưng khi có quyền, không chỉ vô ơn bạc nghĩa
theo bản chất người cộng sản, mà ông còn tìm cách ám hại, triệt tiêu những đồng
chí miền Nam, như Hồ Chí Minh đã hạ Nguyễn văn Cừ giữ quyền lãnh đạo Đảng cho
Miền Bắc, sát hại tất cả những người yêu nước chân chính thời kháng chiến để
cướp công kháng chiến cho Đảng. Vì bản chất thật của người cộng sản là
« mục tiêu ». Mục tiêu giờ đây sẽ không phải là mục tiêu của lát nữa.
Tình cảm, ơn nghĩa, có trước, có sau …là những thứ sản phẩm của tư sản, không
phải đạo đức cách mạng của cộng sản thứ thiệt.
Tháng 3 năm 1988, Thủ tướng Phạm Hùng đột ngột qua
đời. Theo Hiến pháp thì ông Kiệt sẽ lên thay cho đến khi Quốc hội bầu ra người
mới. Tháng 6 cùng năm, Quốc hội nhóm họp đã bầu Đỗ Mười mặc dù rất nhiều đoàn
đại biểu đề nghị ông Kiệt. Hơn nữa, ai cũng biết Đỗ Mười dốt đặc cán mai và còn
mang bịnh tâm thần trầm kha, đêm từng leo lên cây bàng cạnh bệnh viện hát nghêu
ngao «Ai yêu Bác Hồ hơn …. »
Ông Linh cho tới lúc hấp hối vẫn hô hào hạ bệ ông
Kiệt khỏi những chức vụ lãnh đạo tối cao. Giữa năm 1995, chính phủ ông Kiệt gặt
hái được nhiều thành tích, uy tín của ông lên cao. Khi đó Tổng bí thư Đỗ Mười
đã ở tuổi 80. Ông Kiệt trở thành một ứng cử viên nặng ký cho chức tổng bí thư
vào kỳ Đại hội VIII.
Điều này đã làm cho Ba Tàu Bắc Kinh, Đỗ Mười, Lê Đức
Anh, và đặc biệt là ông Linh trở nên quyết liệt hơn, tàn nhẫn hơn đối với ông
Kiệt. Ông Linh tung ra trận đánh tổng lực với nhiều chiến thuật khác nhau. Vừa
triệt hạ uy tín ông Kiệt, vừa tìm cách cô lập và loại ông Kiệt ra khỏi Ủy ban
Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Kiệt không được tham dự vào các quyết định quan
trọng nữa.
Đồng thời, ông Linh lôi kéo Nguyễn Hà Phan khi Phan
được ông Kiệt cất nhắc ra Hà nội làm phó cho ông năm 1986. Ở đây, Phan tưởng
tương lai sẽ rộng mở cho mình nên cấu kết với nhóm bảo thủ Bắc kỳ của Ông Linh
nhằm hạ bệ ông Kiệt để giựt chiếc ghế Thủ tướng.
Nhờ thành tích tấn công ông Kiệt, tháng 1/1994, nhân
Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Phan được kết nạp vào Bộ Chính trị. Trước thế lực mới
và âm mưu thâm độc của đối phương, ông Kiệt kỳ này sẽ thật sự bị kẹt và suy
vong. Nhưng nhờ một cựu cán bộ đảng ở Cà Mau tố cáo tội lỗi của Nguyễn Hà Phan
vừa cứu nguy ông, vừa giành lại chiếc ghế Thủ tướng cho cánh Nam kỳ của ông cho
tới ngày nay.
Võ văn Kiệt là người cộng sản đặc sệt, gốc Nam,
tranh đấu gần như trọn đời ở trong Nam, hẳn phải hiểu rõ hai điều: Một, lý do
di cư 54 khi cộng sản về Hà Nội, và cuộc vượt biển sau 1975 khi cộng sản Hà Nội
chiếm được miền Nam. Hai, lịch sử xuyên suốt của cộng sản, đối với đối phương,
là cướp đoạt chánh quyền bằng bạo lực và dối trá; đối với đồng chí, là thẳng
tay hạ nhau để trèo lên.
Cộng sản bạc đầu, ông Kiệt phải lao mình vào trò
chơi tương quan lực lượng theo qui luật biện chứng “ai thắng ai”. Ông muốn làm
Võ văn Kẹt mà!
Ông Kiệt là người miền Nam, nhưng không có chất Nam
kỳ thứ thiệt vì ông không phải nông dân mà cũng không phải tiểu tư sản, vì hai
thứ này mới làm cho con người ta thật lòng lên đường làm kháng chiến giành độc
lập dân tộc.
© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment