Nguyễn Hoàng Đức
Tháng Ba 6, 2014
Tiền đề hiển nhiên khó chối bỏ:
Việt Nam vừa chạy băng qua vạch
số 90 triệu dân, xét tổng thể đứng hàng xuýt xoát tốp mười thế giới về dân số,
nhưng ở mọi chỉ số nhân văn theo nhiều thống kê từ thu nhập, đến văn hóa, giáo
dục đứng hàng đội sổ thế giới, hay nói một cách văn học, đứng hàng đầu từ dưới
nhìn lên. Xét ngay với các nước trong khu vực thì Việt Nam cũng thua rất xa.
Căm-pu-chia nước nhỏ hơn dân số Việt Nam cả chục lần, xa xưa họ có Ăng-co-vát
mức kỳ quan thế giới, còn Việt Nam có chùa một cột lớn hơn chuồng chim một tẹo.
Và giờ đây, họ đã có nền chính trị Đa nguyên còn chúng ta vẫn chỉ có một nhà
nước phong kiến độc tài biến tướng theo kiểu “chủ nghĩa Mác – theo lối Khổng
Tử”.
Ngay nước Lào bị coi là nước
nghèo bậc nhất thế giới, vậy mà tôi qua đó, đi hàng nghìn cây số, cả ngoại vi
lẫn trong thành phố, tôi thấy mình không hề gặp một ổ gà nào, trong khi đó ở
Việt Nam không có con đường nào ngắn nhất mà không có ổ gà, thậm chí đường bị
đào xới đi xe nhấp nhổm như phi ngựa. Còn về đạo đức, cả người Lào và người
Việt nói, dân chúng họ thật thà lắm, trước kia họ đi xe buýt, phụ nữ vẫn để ví
lên giá hàng mà chẳng sợ bị ai lấy cắp, nhưng từ khi Việt Nam sang nhiều, không
ai dám để ví lên giá xe cả vì nạn ăn cắp đã được các “chuyên gia” Việt nhập
cảnh sang.
Mới đây theo số liệu bằng con
số từng vụ việc đàng hoàng, thì người Việt chiếm tới 40% ăn cắp tại Nhật. Nếu
xét trên dân số đầu người thì người Việt ăn cắp bằng hàng ngàn lần nước Nhật và
nước khác cộng lại. Bởi dân số họ đông gấp bội, cộng với các ngoại kiều khác,
vậy mà chỉ hơn một nhúm người Việt Nam có 10%.
Người Việt trong mắt thế giới
thế nào? Người ta có dành cho người Việt những khẩu hiệu: “Đề phòng người Việt Nam móc túi”
trong rạp phim? “Bạn chớ lấy thừa, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”, Hay ở Nhật “Bạn
chớ ăn cắp mà bị phạt tù rất nặng”…
Còn người Việt nhìn người Việt?
Chính người Việt cũng khinh người Việt, đã có cả quán ăn Việt không cho người
Việt vào, quán ăn trên đất Việt mà liên doanh với Tây lại càng không muốn cho
người Việt vào. Người Việt đã thể hiện không phải chỉ sác xuất mà là đại trà,
những buổi chiêu đãi buffet, người Việt ào ào tranh cướp thức ăn, mới đây xe
bia đổ vỡ, người Việt ào ào tranh cướp như ngày hội, rồi tranh cướp ở lễ hội
hoa, chen lấn, xả rác ở lễ hội ngàn năm Thăng Long, tranh cướp mua ấn đền Trần…
Tại sao nước Nhật lại có khẩu
hiệu dành cho người Việt: “Bạn chớ ăn cắp mà bị phạt tù rất nặng”? Bởi lẽ ở
Việt Nam ăn cắp dường như quá đại trà và hiển nhiên, đến mức người ta xem nhẹ
tựa lông hồng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ các văn nghệ sĩ nhớn khoe không
chút ngượng ngùng, mình trắng trợn cho bút máy, hay bật lửa của người khác vào
túi mình. Một chuyện tiêu biểu hơn, khi chúng tôi đang loay hoay tìm cách mở
một chai vang, thì một bác rất nổi tiếng liền rút ra một cái mở vang loại xịn
nhập cảng, bác còn khoe “có biết tại sao có cái này không? Một lần được mời đi
dự tiệc trong khách sạn, nhà hàng đem ra vài cái mở vang này, tớ liền cho cái
này vào túi, bọn nó đi qua ngờ vực, nhìn ngó, tớ tỉnh bơ, mình đạo mạo thế này
chẳng lẽ bọn nó đòi khám túi…” Trong quán cơm bụi, tôi thấy những người thợ
công khai nói chuyện “chúng mình” ăn cắp, với cái giọng kẻ cả tự hào rằng chúng
mình đông lắm, đứa nào làm gì được. Tôi còn đọc thấy cái tin trên báo mà nổi da
gà “Cần mua xe giá cực đắt”. Nghĩa là gì? Là bán đắt cho tôi, để rồi cái tiền
lên bổng đó, chúng ta sẽ chia đôi. Trời ơi, có nước nào dám ăn cắp mà còn khoa
trương trên báo không?!
Không đâu có ăn cắp đa dạng như
Việt Nam, không những vặt gương xe, vặt cả logo xe, mà lấy cả guốc dép người ta
để ngoài cửa. Tại các quán thịt chó nhà sàn trên đê Tây Hồ, còn có những dòng
chữ “quí khách tự bảo quản lấy guốc dép của mình”. Khách vào ăn không những tụt
guốc dép ra như người ở, lại còn khệ nệ cho guốc vào túi ni lon xách vào để sát
người. Lúc đó trông hình ảnh người Việt đúng là ăn xó mó niêu, làm sao sang
trọng nổi…!
Hoàng Đế Napoleon có nói: “Quá
khoan dung với tội lỗi là đồng tình với tội lỗi”. Người Việt quá khoan dung
với tội ăn cắp hay những thứ ăn gian tinh thần từ đạo văn đến nhập nhèm mọi
chuyện, bởi vì người Việt có nhiều thường trực trong tâm hồn bản tính đó. Chính
thế mà chúng ta dù có là đại quốc về dân số thì vẫn cứ mang bóng dáng của xó máy
thiểu năng tinh thần.
Tìm lý do cho sự thiểu năng tinh thần của người Việt
Tôi đã dự một cuộc gặp mặt đông
đảo các đại gia từng du học nhiều năm, giầu có, từng là cán bộ cốt cán, văn
nghệ sĩ nhớn, có một anh bạn khá trẻ khoe khoang về vốn du học, tài sản đang có
của mình, thì bị một đàn anh lọc lõi hơn, du học nhiều hơn, biết vài ngoại ngữ,
anh ta bảo: “Sao cứ tự hào về người Việt, nếu chúng ta tài giỏi, thì cái quốc
gia này đã không nghèo nàn lạc hậu như thế này?!”
Sau khi quan sát tỏ tường
nhiều, tôi thấy xuyên suốt một lý do rằng: Người Việt nhược thiểu, quốc gia
nghèo hèn, thua cả Lào và Căm-pu-chia, bởi vì một lý do chính, người Việt chưa
biết sống bằng Lý Trí.
Tôi sẽ chứng minh điều này:
Các triết gia Hy Lạp nói không
cãi được rằng: “Sống tốt mới hạnh phúc!” Tại một phóng sự truyền hình
của thành phố Munich nước Đức, ở khu phố ăn chơi, gồm nghiện hút, rượu chè, cờ
bạc, đĩ điếm thả cửa, thì tuổi thọ chỉ bằng một phần ba các khu phố khác. Tóm
lại đó là những kẻ lên cơn co giật đùng đùng về hạnh phúc rồi lăn ra chết tức
tưởi. Đây cũng là thí nghiệm về hồi xuân cho các con vật già. Người ta tiêm
thuốc kích dục vào các con vật già, chúng lên cơn đùng đùng, lăn xả vào con
cái, rồi lăn ra chết.
Như vậy nếu không sống tốt thì
không thể có hạnh phúc trường cửu. Người Hy Lạp còn mã hóa phương ngôn trên cụ
thể hơn:
Lý trí = Đạo đức = Hạnh phúc
Lý trí như đoàn tầu đi trên
đường ray, nếu không có nó trật bánh khỏi đường ray thì không thể nào đi tới
đích. Người Hoa nói “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không vượt qua một
bước chân”. Đấy không có lý, thì một bước cũng không đi nổi nói gì đến
thành công, thịnh vượng và hạnh phúc?!
Lý trí nghĩa là biết suy xét,
cái gì đúng thì làm, cái gì sai thì tránh. Vì thiếu lý trí phân biệt mà người
Việt à uôm trong cả Đúng – Sai, rồi lương thiện -hay – ăn cắp. Cả triệu người
làm thơ, nhưng không có nổi vài người biết bình phẩm thực sự thế nào là Hay,
thế nào là Dở. Và rồi trong mọi ngành, dân tộc ta chỉ có khả năng tán lếu láo
mà không thể bình luận một cách nghiêm túc được. Tại Việt Nam, có cả triệu
người đã học đại học ngành văn, nhưng chỉ có khoảng mười người có thể viết phê
bình văn. Còn lại như một bài viết nói: đã có cả vạn comments, nhưng không thể
tập hợp được thành một bài đăng báo cả trong nước lẫn ngoài nước. Vì sao? Đa số
là nói leo, chửi đổng, giống nhau như đúc, tâm lý bầy đàn, đánh hội đồng, đánh
hôi… nhưng để có một chính kiến cho ra hồn mang trách nhiệm thì không đãi được.
Việc cả nước nhũn nhẽo làm mấy câu thơ vần vèo cũng là một bằng chứng cho thấy:
người Việt vẫn chưa bắt đầu sống bằng lý trí.
Có phải vì chúng ta sống thiếu
lý trí, à uôm, xuê xoa, nên đạo đức không thể xuất hiện? Ở đâu chúng ta cũng
thấy cảnh: làm đường xong mới đào lên làm cống, thử hỏi quê hương việt Nam bao
giờ giầu mạnh? Rồi còn ngành công nghiệp ô tô, cũng giả vờ thiểu năng, hơn 20
năm chưa tìm ra dòng xe nào giữa xe tải và xe con là chiến lược. Ngành giáo dục
toàn những giáo sư vẫn giả dốt, không biết áp dụng thước đo nào để đánh giá
ngành giáo dục, để rồi họ vẫn tiến hành dạy thêm để kiếm thêm…?
Dân Việt còn thiểu năng vì
chúng ta chưa biết sống lý trí. Nếu vậy chúng ta sẽ nghèo hèn mãi, chứ không
phải như một ảo vọng hứa hão, từ từ thôi dân ta sẽ tiến bộ. Có một phương ngôn:
“Công việc hôm nay không làm thì ngày mai chẳng thể xong”.
Đây là những gì tôi trải nghiệm
trực tiếp và giãi bày mong nước Việt ngày càng tiến bộ và giầu mạnh. Mong ai đó
chớ vì tự ái cá nhân lợi ích cục bộ mà thấy khó chịu. Xin cám ơn!
NHĐ 06/03/2014
No comments:
Post a Comment