Trọng
Đạt
Nov 12th, 2010
Mùa đông năm 1932-33 Ukraine, quốc gia nhỏ bé phía
tây nước Nga đã trải qua một nạn đói khủng khiếp khiến cho bẩy triệu người chết
thảm, đây là cuộc đại tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại do Staline ra
tay trừng trị nước chư hầu này vì đã dám đòi độc lập và chống lại Sô viết. Mặc
dù số người thiệt mạng khổng lồ như thế nhưng trang sử ghê tởm nhất của Sô Viết
đã không được nhân loại biết tới trong suốt 70 năm. Người ta khen Staline đã
khéo dấu kín được tội ác tầy trời này trước mắt cả thế giới, cho tới nay trận
đại tàn sát này cũng ít được biết tới, nó còn được gọi là The forgotten
Holocaust, có thể người ta tưởng nó chỉ là chuyện nội bộ của Liên bang Sô Viết.
Dưới
thời Lenine
Ukraine diện tích bằng nước Pháp, một đất nước có
nhiều ruộng nương mầu mỡ đã bị Nga hoàng cai trị 200 năm. Năm 1917 Nga Hoàng
sụp đổ trước cuộc cách mạng vô sản do Lénine lãnh đạo, Ukraine lợi dụng thời cơ
đòi tự trị, tuyên bố độc lập, thành lập nước Cộng hòa nhân dân, thủ đô Kiev.
Thế nhưng nền tự trị này quá ngắn ngủi, cuối 1917 Lénine tuyên bố các lãnh thổ
xưa do Nga hoàng cai trị nhất là Ukraine mầu mỡ đều phải nằm trong Liên bang Sô
Viết. Trong 4 năm liên tiếp Quân đôi Quốc gia Ukraine phải chiến đấu chống Hồng
quân Bolshevik, chống lực lượng Bạch Vệ trung thành với Nga Hoàng và cả quân
xâm lược Đức và Ba Lan .
Năm 1921 Sô Viết thắng, Tây Ukraine chia cho Ba Lan,
Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc. Sô Viết vơ vét thóc gạo về cứu đói Moscow và các thành phố
lớn bên Nga. Kế đó tự nhiên Ukraine lại bị một trận hạn hán gây nạn đói khiến
người dân căm phẫn Lénine và Sô Viết. Lénine bèn nới tay để xoa dịu nhân dân
Ukraine, thôi lấy thóc gạo, khuyến khích tự do buôn bán. Nhân đó người dân
Ukraine muốn tự do, độc lập, khôi phục văn hóa nghệ thuật, phong tục.. cũ.
Cuộc
chiến kỳ lạ
Lénine mất năm 1924, Staline kế vị, nhà lãnh đạo này
được coi là một trong vài con người khát máu nhất của thế kỷ. Bộ Lenine Tuyển
Tập có ghi lại một bức thư của Lénine, ông ta đã nhắn nhủ “chúng ta không nên
dùng đồng chí Staline, đồng chí Staline là một người thô bạo”
Staline không chấp nhận phong trào đòi độc lập của
Ukraine, ra lệnh đàn áp thẳng tay y như đường lối áp dụng tại Nga. Năm 1929 Staline
cho bắt giam 5,000 trí thức, các nhà khoa học gia Ukraine, kết tội phản loạn
đem xử bắn hoặc đầy đi Tây Bá Lợi Á. Đầu thập niên 30, Staline thực hiện kế
họach hợp tác xã nông nghiệp để tiến lên làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa trong đó
tư sản bị lọai bỏ, ngày nay đường lối canh tác tập thể này được coi như tồi tệ
nhất nhưng hồi đó Sô Viết ép dân theo vì lý thuyết Marx bắt phải như vậy. Giới
phú nông Ukraine mà họ gọi là Kulaks chỉ chiếm từ 4% tới 5% dân số, phú nông
được định nghĩa có từ 24 hoặc trên 24 mẫu đất và có thuê người làm và được coi
thành phần nguy hiểm.
Ngày 1-5-1930 Đảng Cộng Sản Nga bắt đầu thực hiện
Hợp tác xã nông nghiệp, một phần của Kế họach ngũ niên (Five Year Plan), nông
dân Nga ít chống đối vì họ đã có truyền thống canh tác cộng đồng từ lâu, đất
đai thuộc về làng xã (Mir) không thuộc về cá nhân như tại Ukraine nên họ dễ
thích hợp với Hợp tác xã của Cộng Sản. Ngày 30-7-1930 nhà nước hủy bỏ làng xã.
Vùng Ukraine trái lại người dân làm ăn cá thể, 80% dân chúng tại thôn quê có
ruộng đất riêng từ xưa nên họ chống đối Hợp tác xã ra mặt, Moscow mới đầu tạm
thời nhượng bộ. Người Ukraine giết gia súc, ngựa, heo, cừu …dần dần trước khi
gia nhập hợp tác xã khi ấy nhà nước ra lệnh tử hình ai giết gia súc. Những
người chống đối Hợp tác xã bị lưu đầy, chính quyền Sô viết mở tuyên truyền kêu
gọi nhân dân Ukraine ủng hộ chính quyền cách mạng nhưng thất bại, mặc dù dọa
nạt khủng bố nhưng nông dân Ukraine vẫn chống đối, phá hoại, đốt nhà không đầu
hàng, họ lấy lại nông cụ, gia súc mà Hợp tác xã đã chiếm trước đây, ám sát các
viên chức Sô Viết.
Trung ương đảng Nga đưa mật vụ quân đội sang đàn áp
cuộc nổi dậy nhưng kháng chiến quân Ukraine vẫn tiếp tục chống đối, họ muốn làm
ăn cá thể như xưa. Nông dân Ukraine thách đố Staline.
Việc chống gia nhập Hợp tác xã chỉ là một nguyên do,
Ukraine còn chống đối về mặt chính trị, họ muốn đòi độc lập, tự do. Staline
trước hết cho thanh toán hành quyết hàng nghìn trí thức Ukraine, nhà văn nhà
báo, nhà lãnh đạo. Âm mưu đòi độc lập cho Ukraine không phải chỉ ở làng xã mà mà
ngay cả ở Trung ương đảng Cộng Sản Ukraine. Sô Viết cho thanh trừng dữ dội,
nhiều người tự tử, nhiều nhà văn, đảng viên cũng tự tử.
Cuộc chống đối của Ukraine với Sô Viết y như trứng
chọi đá, cuộc chiến giữa người nông dân với cuốc xẻng và Hồng quân , mật vụ Nga
vũ trang súng đạn. Làng mạc bị bao vây, tấn công bằng đại bác xe tăng, máy bay
ném bom bắn phá.. khiến một Đại tá công an Nga sô phát khóc nói với một ký giả,
ông cho biết mình đã chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân chống Bạch Vệ thời nội
chiến bây giờ được lệnh bao vây tấn công những người dân vô tội.
Hatayevich, một đảng viên cao cấp Sô viết cho biết
cuộc chiến đấu ác liệt giữa Sô Viết và nông dân Ukraine đang diễn ra, một cuộc
chiến sinh tử, năm 1933 là thử thách giữa sức mạnh của Đảng CS Nga và sự chịu
đựng của nông dân, họ sẽ nếm mùi đói để xem ai làm chủ nơi đây. Cuộc chiến
1932-33 một cuộc chiến kỳ lạ nhất lịch sử.
Staline thay đổi chiến lược.
Thảm
kịch mùa đông 1932-1933.
Trận đói khủng khiếp mùa đông giữa 1932 và 1933
không do thiên tai hạn hán mà do con người làm ra, do lệnh của một người. Trong
một phiên họp Trung ương đảng ngày 11-9-1932, Staline cho biết tình hình
Ukraine nghiêm trọng, nếu không sớm ra tay Sô Viết sẽ mất miền đất mầu mỡ này,
năm 1932 dân số Ukraine là 32 triệu, khoảng 75% điền sản tại đây đã phải gia
nhập Hợp tác xã.
Để đối phó với tình hình, Staline bèn đưa một kế
họach ác ôn, man rợ vừa để trả thù và để dẹp tắt phong trào, kế họach đã khiến
bẩy triệu người (7,000,000) dân quê Ukraine phải chết đói la liệt khắp các xã
thôn. Staline ra lệnh cho tịch thu hết thực phẩm tại Ukraine : khoai tây, cải
bắp, lúa mì..chở sang Sô Viết từ tháng 8, tháng 10 1932 và tháng 1-1933 số
lượng tịch thu tăng cao khiến Ukraine không còn thực phẩm nhất là tại các làng
miền quê. Staline cho xuất cảng lúa mì tịch thu để lấy ngọai tệ phục vụ Ngũ
niên kế họach, canh tân nông nghiệp và củng cố quốc phòng. Số lúa mì bị Sô Viết
cướp đi đủ sức nuôi dân Ukraine trong vòng hai năm. Đảng Cộng Sản Ukraine khẩn
xin Moscow bớt lấy lúa mì của Ukraine và cứu trợ thực phẩm, Staline từ chối rồi
đưa 100 ngàn quân Nga tới thanh trừng đảng Cộng Sản Ukraine.
Quân Nga đóng cửa biên giới Ukraine, ngăn chận thực
phẩm đưa vào Ukraine khiến cho đất nước này biến thành một trại giam khổng lồ,
theo lệnh của Staline chính quyền phải để mặc nhân dân chết đói cho họ biết
tay. Người dân miền quê còn dấu diếm được một số thực phẩm sống lây lất nhưng
Staline lệnh cho mật vụ Nga tại Ukraine đi từng nhà tịch thu hết mọi thực phẩm
dự trữ của các gia đình, nhân dân không còn đến một củ khoai, một miếng bánh.
Nông dân bị cấm không được đi các địa phương khác hoặc lên tỉnh xin ăn, họ cũng
bị cấm lấy trộm thực phẩm của hợp tác xã, nhiều người đói quá ra đồng lấy một
vài bông lúa ăn đỡ hoặc lấy trộm khoai, lúa… trong các kho bị công an bắn chết
ngay. Nạn đói lan nhanh, từ già đến trẻ bắt đầu chết đói la liệt khắp nơi. Các
đội mật vụ đi gom các xác chết quẳng xuống hố tập thể chôn cất hàng ngày, theo
lời các nhân chứng kể lại những người suy nhược chưa chết cũng bị quẳng xuống
hố .
Khác với Hitler giết người bằng hơi ngạt khiến nạn
nhân chết ngay không đau đớn, Staline bắt các nạn nhân phải suy nhược quằn
quại, đói khổ.. họ phải sống trong đau khổ cho tới chết. Mặc dù bị cấm đi địa
phương khác kiếm ăn người dân quê vẫn lên tỉnh để rồi cũng lăn ra chết thê
thảm. Thành phố được cấp theo khẩu phần, dân tỉnh bị cấm không được cứu giúp
những người chết đói, bác sĩ không được chữa bệnh cho những dân quê đang chết
đói, người dân quê lên tỉnh cuối cùng chết la liệt ngoài đường phố, hàng ngày
có xe chở đi chôn tập thể. Trong khi các đảng viên, mật vụ lính Nga béo tốt,
được ăn uống no đủ thì người dân Ukraine nhất là miền quê đói rã họng ra, theo
lời các nhân chứng còn sống sót kể lại vì hết thực phẩm người dân phải ăn lá
cây, vỏ cây, mèo chuột, chó, cả sâu bọ … để cầm hơi qua ngày. Cả trẻ nít vô tội
cũng bị Sô Viết bắt phải chết như người lớn. Ngoài ra nhân dân còn bị quân Nga,
mật vụ cướp bóc hãm hiếp . Nhân dân đói quá phải ăn thịt người chết, có người
giết cả trẻ nít đang hấp hối để nuôi gia đình, theo lời các nhân chứng còn
sống, dân Ukraine tại miền quê năm 1932-33 ăn thịt người là chuyện thường.
Mùa xuân 1933, cao điểm của nạn đói, khoảng 250 ngàn
người chết mỗi ngày tại Ukraine, có nơi cả làng chết. Tại Âu châu, Canada, Mỹ
người gốc Ukraine gửi thực phẩm về giúp đồng bào nhưng chính quyền Sô Viết cấm
chở thực phẩm tới biên giới vì họ phủ nhận không có nạn đói. Tại Ukraine ai nói
có nạn đói bị kết án tuyên truyền chống Sô Viết và bị bắt giam ngay.
Tới cuối năm 1933 khoảng 25 % dân Ukraine, tức 8
triệu người bị chết đói kể cả 3 triệu trẻ em. Bọn hào phú bị tiêu diệt , nhà
nông toàn nước bị dìm xuống, Staline đã đạt được mục đích, đã tiêu diệt xong
bọn phản động, tiểu tư sản thoái hóa chống lại Hợp tác xã… để tạo dựng con
người mới xã hội chủ nghĩa. Nhà độc tài bèn cho phân phối thực phẩm trở lại
Ukraine, nạn đói chìm dần, tuy nhiên những cuộc thanh trừng chính trị, bắt bớ
phản động vẫn tiếp tục chỉ ngưng lại năm 1941 khi bị Đức Quốc Xã tấn công.
Hitler xua quân vào Ukraine cướp bóc vựa lúa và thay thế chế độ Cộng Sản hà
khắc bằng khủng bố phát xít.
Bao
nhiêu người đã chết?
Số người chết trong nạn đói tại Ukraine không toàn
toàn chính xác cũng như số người chết trong các cuộc chiến tranh lớn hay thế
chiến vì không ai có thể đếm, thống kê đến nơi đến chốn được nhưng các nhà
nghiên cứu cũng cố gắng tìm ra con số gần với sự thật nhất.
Theo Andrew Gregorovitch trong bài “Black Famine in
Ukraine 1932-33, a struggle for existence” cho biết nhóm Conservative Estimates
ước lượng số nạn nhân trong trận đói 1932-33 tại Ukraine khoảng 4 triệu 8 ,
nhưng nhiều nhà nghiên cứu ước lượng nó vào khoảng từ 5 cho tới 8 triệu người
chết.
Mặc dù Sô Viết luôn luôn chối bai bải không có nạn
đói tại Ukraine nhưng người ta đã tham khảo một cách gián tiếp và đã ước lượng
khoảng từ 10% cho tới 25% dân Ukraine đã chết trong nạn đói kể trên, nhà nghiên
cứu Vasyl Hryshkocho biết mỗi ngày có 25,000 người chết tại các làng ở Ukraine,
hoặc hơn 1,000 người chết trong một giờ hoặc 17 người trong một phút. Nửa năm
đầu 1933, Sô Viết cấm người ngoại quốc tới thăm Ukraine, các ký giả không vào
lấy tin được cho tới mùa hè, thu khi họ bãi bỏ lệnh cấm. Nhà ký giả Mỹ Henry
Chamberlin đến thăm Ukraine ngay sau khi Sô Viết bãi bỏ lệnh cấm du lịch và cho
biết mỗi làng ông đến thăm có ít nhất khoảng 10% người dân chết vì đói .
John F. Stewart trong cuốn Tortured but
Unconquerable Ukraine, xuất bản 1953, trang 8 cho biết.
“Trong khi chưa có số thống kê chính thức về tấm
thảm kịch này , theo như trong tự điển Nga The Small Soviet Encyclopedia năm
1940 xác nhận dân Ukraine năm 1927 là 32 triệu nhưng năm 1939 tức 12 năm sau,
dân tụt xuống còn 28 triệu, thế thì 4 triệu người đã đi đâu? Ngoài ra còn phải
kể 4 triệu người do gia tăng dân số?”
Như vậy theo Stewart số nạn nhân là 8 triệu.
Theo Holodomor (nguồn Wikipedia) số nạn nhân chết
đói tại Ukraine năm 1933 được ước lượng từ 2 triệu 6 cho tới 10 triệu người.
Theo bài “Staline Forced Famine in 1932-1933,
7,000,000 Deaths” (trong The History Place , Genocide in the 20 th Century) số
nạn nhân là 7 triệu.
Theo phóng viên Askold Krushelnycky con số nạn nhân
được ước lượng vào khoảng từ 7 triệu cho tới 11 triệu người chết đói tại
Ukraine 1933.
Như thế đa số các nhà nghiên cứu, ký giả ước lượng
vào khoảng bẩy triệu người đã bỏ mạng trong trận đói này.
Staline
che mắt thế gian
Người ta khen Staline đã khéo dấu nhẹm cuộc tàn sát
vĩ đại này, các triều đại Cộng Sản Sô Viết sau Staline cũng ếm nhẹm thảm kịch
này nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra.
Ký giả Askold Krushelnycky trong bài phát thanh trên
Radio free Europe ngày 8 tháng 4-2003 tại Tiệp Khắc “Staline gây nạn đói tại
Ukraine – bẩy mươi năm sau, phần lớn thế giới vẫn không biết tới thảm kịch này”
(Staline’s Starvation of Ukraine – Seventy Years later, World Still Largely
Unaware Of Tragedy) cho biết mặc dù số người chết thê thảm nhiều như thế nhưng
thế giới không có mấy người biết về trang sử ghê tởm này của Cộng Sản Nga so
với cuộc diệt chủng Do thái. Theo ông lý do chính là Đức Quốc Xã bị bại trận,
hàng ngàn nhân chứng còn sống kể lại chi tiết về trại giam và cuộc tàn sát tập
thể, người ta còn lấy được nhiều phim ảnh, hồi ký ghi lại tội ác của bọn phát
xít, rồi những tên đồ tể, đao phủ bị bắt đem đi xử .. vì thế cuộc tàn sát diệt
chủng của Hitler đã được phổ biến sâu rộng.
Robert Conquest, sử gia Anh chuyên nghiên cứu về
thảm kịch này, trong tác phẩm năm 1986 của ông “ Harvest of Sorrow”, mùa gặt
nỗi u sầu lần đầu tiên đã đem tấn thảm kịch này đến cho khán giả Tây phương .
Ông nói một sự khác biệt nữa giữa cuộc diệt chủng Do thái là Hitler đã viết
thành văn bản trong cuộc tàn sát của mình còn Staline không ghi văn kiện tài
liệu kế họach của y, ông nói nay nhiều sử gia chấp nhận có nạn đói thì một số
nghi ngờ đã tìm cách biện hộ cho Staline. Ông cho biết từ ngày Liên bang Sô
Viết tan rã khiến người ta dễ vào tìm tài liệu tại các văn khố Nga, chính ông
đã có bằng chứng là Staline đã biết hàng trăm ngàn dân quê tìm cách vào Nga
kiếm thực phẩm. Conquest cho rằng nạn đói trước nhất nhắm vào Ukraine mà
Staline không chỉ thù ghét người dân quê mà cả các đảng viên Cộng Sản cao cấp
Ukraine.
Lyubomyr Luciuk giám đốc Hiệp hội nghiên cứu của
Canada về Ukraine cho biết lý do tại sao tin tức về nạn đói lại không được
chuyển đến Tây Phương, ông chỉ trích những nhà báo Tây phương hồi đó ở Moscow
đã biết nạn đói này nhưng đã không đề cập đến nó và còn cố ý che dấu nữa. Ông
cho biết người ký giả đóng vai then chốt trong việc che dấu này là ký giả
Walter Duranty của tờ Nữu Ước Thời Báo, The New York Times . Duranty là người
ngưỡng mộ Staline, ông ta mô tả nhà độc tài này như “Chính khách lỗi lạc nhất
thế giới hiện nay” (The world greatest living statesman), Duranty là người ký
giả Mỹ đầu tiên được phỏng vấn nhà lãnh đạo Sô Viết này và được cho phép tham
khảo, lấy những tin mật của chế độ. Hồi ấy, Duranty đã tâm sự với một nhà ngoại
giao Anh rằng ông nghĩ khoảng 10 triệu người đã bị chết đói nhưng khi các ký
giả khác thăm Ukraine rồi viết báo về nạn đói diễn ra tại đây thì Duranty lên
tiếng bài bác ngay cho là tuyên truyền láo khoét chống Sô Viết, Liciuk cho rằng
Duranty bị Mật vụ Nga hăm họa công bố sự thật về đời tư anh ta vì biết anh có
nhiều bệnh kỳ quái về tình dục.
Sô Viết bầy trò lừa bịp các ký giả ngọai quốc đến
lấy tin như nhà văn Anh Bernard Shaw thăm Nga rồi về viết bài thuận lợi cho
Cộng Sản. Cựu Thủ Tướng Pháp Edward Herriot được sang thăm Ukraine năm ngày
trong chuyến du hành đã được dàn cảnh bịp bợm, đi thăm những khu phố đẹp sạch
sẽ tại Kiev, thăm một Hợp tác xã kiểu mẫu, khi về nước ông ta nói có lợi cho
Cộng Sản và tuyên bố không có nạn đói tại đây
Sáu Kỹ sư người Anh làm việt tại Nga Sô bị bắt và
kết án phá hoại, gián điệp, hối lộ rồi bị hăm dọa kết án tử hình, phiên tòa xử
sau đó chỉ là trò hề ma mãnh đánh lạc hướng ký giả ngoại quốc để họ không chú ý
tới nạn đói Ukraine nữa. Sô viết hăm dọa ký giả ngọai quốc để viết thuận lợi
cho họ, đa số ký giả ngoại quốc phải nhượng bộ Cộng Sản và viết bài có lợi cho
Sô Viết như Duranty viết .. “ những bài nói về nạn đói thật nhố nhăng”
Các nước Tây phương giữ thái độ thầm lặng đối với
thảm kịch này dù họ đều đã biết nỗi đau khổ của Ukraien qua các nguồn tin tín
cẩn của giới ngoại giao. Năm 1933 Tân Tổng Thống Roosevelt đã chính thức công
nhận chính quyền Cộng Sản Staline và đề nghị buôn bán với họ. Ngũ Niên Kế Hoạch
của Nga để canh tân đất nước cần phải mua hàng hóa, máy móc thiết bị của Tây
phương với khối lượng rất lớn. Các nước Tây phương vớ được mối làm ăn béo bở,
được một ông khách hàng rất sộp nên họ lờ đi không nói tới nạn đói.
Tại
sao tàn sát?
Trong phim The Soviet story người ta đặt câu hỏi :
Tại sao cần phải tàn sát? Why killing is essential? Một nhà nghiên cứu Nga
trong phim cho biết Karl Marx là cha đẻ của chủ nghĩa diệt chủng chính trị ngày
nay. Marx nói.
“ Những giai cấp và chủng tộc quá yếu không theo kịp
cuộc sống mới cần phải bị lọai bỏ”
(“The class and the races too weak to master the new
condition of life , must give away” – Marx – People’s
paper, April 16-1858)
“Họ phải bị tiêu diệt trong hỏa lò cách mạng”
(They must perish in the revolutionary Holocaust – Karl Marx – Journal of the History of ideas, Vol 42, number 1 – 1981).
Tàn sát bắn giết của người Cộng Sản là một chính
sách.
Lenine nghiên cứu rất kỹ tư tưởng Marx – Engels và
áp dụng triệt để phương thức này, ông gọi là bạo lực cách mạng. Lenine viết
trong một bức thư như sau: đem 100 tên tư sản đi bắn để cho nơi cách xa đó hàng
trăm cây số người ta phải sợ (theo phim The Soviet Story), người xưa gọi là
“sát nhất nhân, vạn nhân cụ”, giết một người sẽ làm cho một vạn người sợ. Trước
hết việc tàn sát bắn giết của Cộng Sản để gieo rắc kinh hoàng, khủng bố gây
khiếp đảm cho người dân phải sợ không dám chống lại họ.
Cả hai hệ thống Quốc Xã Đức và Cộng Sản Nga đều lấy
tàn sát làm cơ bản cho sự cai trị để tạo con người mới (the birth of a new man)
, phải tiêu diệt con người cũ mới tạo được con người mới. Chế độ phát xít
Hitler chủ trương con người mới phải là người thông minh, đẹp giai, khỏe mạnh,
những người tàn tật xấu xí, đi cà nhắc cà nhắc, răng hô mắt chột… hoặc người Do
Thái phải bị tiêu diệt sạch. Đối với người Cộng Sản, bọn phản động, tiểu tư sản,
địa chủ phải bị giết sạch để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, trên thực
tế các nước Cộng Sản thường giết vào khoảng 10% dân số. Trong khi Đức Quốc Xã,
phát xít Nhật quí trọng người dân nước họ, chỉ giết người ngoại quốc thì các
chế độ Cộng Sản “khôn nhà dại chợ” chỉ biết đè cổ nhân dân của mình ra tàn sát
không gớm tay. Đức Quốc Xã là chủ nghĩa xã hội quốc gia, Cộng Sản là chủ nghĩa
xã hội quốc tế.
Thập niên 1930, một thập niên đẫm máu ghê tởm nhất
của lịch sử nước Nga khi Staline tiến hành thực hiện Hợp tác xã nông nghiệp,
làm ăn tập thể tiến lên làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa. Nhà độc tài cho lệnh tiêu
diệt những thành phần ăn bám, cản đường, lừng khừng không có lập trường cách
mạng, bọn phản động âm mưu chống đối và bọn có tinh thần làm ăn cá thể…Đây là
giai đoạn đoạn bắn giết tập thể theo kế họach của Staline .
Staline cho xây dựng hằng hà sa số các trại tập
trung tại những nơi xa xôi để giam cầm tiểu tư sản những kẻ không theo họ, có
khoảng một phần ba hoặc một nửa bỏ xác vì đói lạnh trong chốn địa ngục trần
gian. Trong phim The Soviet Story, thập niên 30 là giai đọan tàn sát của
Staline, Sô viết cho xây dựng khắp nước Nga những lò sát sinh y như thời thượng
cổ. Những tòa nhà này được xây bằng gạch kiên cố, những phòng bắn người làm ở
dưới hầm, có đường rãnh để dẫn máu chẩy ra ngoài. Tội nhân được dẫn xuống dưới
hầm tới phòng đỏ, họ bị bắn vào gáy, mỗi tối mật vụ có thể bắn một trăm hoặc
vài trăm người, ban đêm có xe bít bùng chở xác vào rừng chôn tập thể.. Sáng ra
người dân kinh hãi khi thấy các vệt máu trên đường đi, họ không dám hé răng nói
tới. Các mồ chôn tập thể rải rác trong nước, số người bị hành hình quá nhiều,
con cái các nạn nhân bị hành quyết mất cha, mất mẹ, không nhà không cửa đi lang
thang ngoài đường phố, số người vô gia cư ngày một nhiều, Staline cho phép bắn
các trẻ em trên 12 tuổi để làm sạch thành phố. Tại các địa phương bắn giết
người đạt chỉ tiêu được thưởng. Tổng thống Nga Gorbachov tố cáo “Staline tắm
trong máu”, ông cho biết đã thấy danh sách tử hình dài do Staline ký hàng loạt,
trong khoảng 1937-1941 có tới 11 triệu người bị bắn giết.
Năm 1942 Churchill viếng Kremlin, Staline thú thực
với ông đã có 10 triệu người bị đổ máu trong giai thực hiện Hợp tác xã, tiến
lên làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa, nhà độc tài nói không thể làm khác hơn được.
Phim The Soviet Story nói trong khi Sô Viết tàn sát hàng hà sa số người thập
niên 30, tại Âu châu có một người theo dõi và khâm phục Staline, trong một
khoảng thời gian không dài lắm đã giết được nhiều như thế, người ấy là Hitler,
như vậy Staline là bậc sư của Hitler trong nghề sát sinh .
Theo Le livre noir du communisme của Courtois,
Werth, Pannée, Trần Hữu Sơn lược dịch Cộng Sản quốc tế đã sát hại 100 triệu
người. Trung Cộng 65 triệu, Nga 20 triệu, Bắc Hàn 2 triệu, Miên 2 triệu, Việt
Nam 1 triệu… Một điều khó hiểu là trừ Staline bị hạ bệ, những tên đồ tể Mao,
Hồ, Kim Nhật Thành .. đã làm đổ máu nhiều triệu người nhưng vẫn được xây lăng,
dựng tượng, được ca tụng, sùng bái… khắp nơi trong nước, thật là hiện tượng kỳ
quái.
Cộng sản Việt Nam cũng như các nước chư hầu xã hội
chủ nghĩa khác đã rập khuôn áp dụng bạo lực cách mạng, lấy đa sát, bắn giết làm
tôn chỉ. Như chúng ta đã biết năm 1945 khi Việt Minh cướp chính quyền họ đã thủ
tiêu chôn sống vài chục ngàn người quốc gia và nhiều tình nghi vô tội khác. Năm
1952, 53 trong thời kỳ kháng chiến Việt Minh đã cho đấu tố địa chủ và nhất là
năm 1955, 1956 họ phát động phong trào cải cách ruộng đất qui mô, đấu tố …giết
hại khoảng 170 ngàn người vô tội.
Những năm 1957, 58, 59… tại nông thôn miền Nam Việt
Nam, Việt Cộng đã sát hại hàng chục ngàn viên chức xã thôn, thường dân vô tội.
Năm 1968 CS Băc Việt thủ tiêu khoảng 6 ngàn người thường dân, tình nghi tại Huế
trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, trong trận chiến 1972 tại Quảng Trị,
CSBV pháo kích gây thiệt hại hàng chục ngàn thường dân trên đường chạy loạn,
năm 1975 hàng mấy chục ngàn người thường dân chạy loạn tại các bến tầu, cửa
biển, trên đường số 7… bị thiệt mạng vì pháo kích của Cộng quân .
Hitler nói sau này nhân loại sẽ phải nhớ ơn chế độ
Quốc Xã vì ta đã diệt chủng được bọn Do Thái. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản
Staline, Mao, Hồ, Pôn Pốt.. đều đã cho rằng những cuộc thanh trừng, tàn sát của
họ là vì nhân dân, vì lợi ích của đất nước.
Tưởng
niệm.
Tháng 3 năm 2008 nhiều nước trên thế giới đã lên án
tội diệt chủng của chính quyền Sô Viết, Liên Hiệp Quốc năm 2003 cũng đã xác
nhận nạn đói tại Ukraine và nhiều nơi trong nước Nga do hậu quả của chính sách
độc tài tàn bạo. Ngày 28-11-2006 quốc hội Ukraine lên án nạn đói năm 1933 là
tội diệt chủng, ngày 23-10-2008 Quốc Hội châu Âu ra quyết nghị coi nạn đói 1933
là tội ác chống nhân loại. Ngày 13-1-2010 tòa Kiev, Ukraine tuyên án nạn đói là
diệt chủng, Staline và các lãnh đạo Sô Viết phạm tội diệt chủng Ukraine 1933.
Nay người ta dựng nhiều tượng đài tại Ukraine và
nhiều nơi trên thế giới để tưởng niệm các nạn nhân nạn đói 1933. Tại Edmonton,
Alberta Canada 1983, đài tưởng niệm 50 năm nạn đói Ukraine đã được dựng lên .
Tại Canada tỉnh Ontorio, ngày 9-4-2009 ra nghị quyết tưởng niệm nạn đói.
Tại Mỹ ngày 13-11-2009 Tổng Thống Obama đọc diễn văn
trong ngày tưởng niệm nạn đói Ukraine (Ukrainian Holodomor Remembrance Day),
ông nói:
“Tưởng niệm những nạn nhân của thảm họa nạn đói
Ukraine cho chúng ta dịp để nghĩ tới hoàn cảnh của những người dân phải sống
khốn khổ dưới các chế độ cực đoan, tàn bạo trên thế giới”
(”remembering the victims of the man-made
catastrophe of Holodomor provides us an opportunity to reflect upon the plight
of all those who have suffered the consequences of extremism and tyranny around
the world”- Wikipedia- Holodomor)
Trọng
Đạt
——————–
Tham
khảo:
http://vimeo.com/12057428: The Soviet Story from Saigonner on Vimeo, post by http://Tiengthongreo.blogspot.com, a film by Edvins Snore.
Staline forced Famine 1932-1933. The
History Place
, Genocide in the 20 th Century)
Black Famine in Ukraine 1932-33, a struggle for
existence, by Andrew Gregorovich.
http://ukemonde.com/news/rferl.html: Staline’s
Starvation of Ukraine – Seventy years later, World still Largely Unaware of
Tragedy – By Askold Krushelnycky, Radio Free Europe/Radio Liberty .
http://faminegenocide.com/resources/ukraine_famine.html: Ukraine famine http://en.wikipedia.org/wiki/Holodomor: Holodomor
The artificial famine/genocide (Holodomor) in
Ukraine 1932-33
Volentyn Moroz: Nationalism and genocide: The origine
of the artificial famine of 1932-1933 in Ukraine.
Famine in Ukraine: Induced starvation, death for
millions, genocide.
http://www.nhacsing heo.com/ToiacCS/ index.html
Tiến sĩ Phan Văn Song: Ba tên đồ tể lớn nhất của
nhân loại trong thế kỷ 20.
———————————–
Phim tài
liệu:
Câu Chuyện Xô Viết (bản tiếng Anh)
Trọn
bộ trên Blog Anhbasg :
và
trên VIMEO :
Phim
tài liệu:
Câu Chuyện Xô Viết (Bản Tiếng Việt)
Câu
Chuyện Xô Viết 1/8 (Thuyết Minh)
Câu
Chuyện Xô Viết 2/8 (Thuyết Minh)
Câu
Chuyện Xô Viết 3/8 (Thuyết Minh)
Câu
Chuyện Xô Viết 4/8 (Thuyết Minh)
Câu
Chuyện Xô Viết 5/8 (Thuyết Minh)
Câu
chuyện Xô Viết 6/8 (Thuyết Minh)
Câu
Chuyện Xô Viết 7/8 (Thuyết Minh)
Câu
chuyện Xô Viết 8/8 (Thuyết Minh)
No comments:
Post a Comment