Monday, 10 March 2014

UKRAINA : TRẬN CHIẾN PHƯƠNG ĐÔNG (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng -  RFI
Thứ hai 10 Tháng Ba 2014

Ukraina vẫn nằm trong thế bị giằng xé giữa hai bên thân Nga và thân châu Âu. Dù không phải là tiêu đề chính trên các trang nhất, nhưng cuộc biểu tình tại Donetsk diễn ra ngày hôm qua và tương lai của Ukraina vẫn nhận được sự quan tâm của tất cả các báo Pháp số ra hôm nay.

Chủ đề trên trang nhất của báo chí Pháp ra ngày hôm nay khá đa dạng. Báo Le Monde đưa tin : « Sự trở lại của Nicolas Sarkozy bị các vụ tai tiếng cản đường ». Cũng về chủ đề này, tờ Le Figaro nhận định : « Sarkozy bị nghe lén : sự phẫn nộ của các luật sư ». Tờ Les Echos thì quan tâm tới các loại thuế mà các tập đoàn lớn phải trả thật sự ». Tờ L’Humanité đăng điều tra về chính sách cắt giảm viên chức từ năm 2007 và giao cho lĩnh vực tư việc trả lương. Báo La Croix thì quan tâm tới « Sáu ứng cử viên để thể hiện châu Âu ». Còn tờ Libération đăng « Trận chiến phương Đông » liên quan tới cuộc biểu tình tại Ukraina cuối tuần vừa qua.

Le Figaro đưa tin : « Một ngày chủ nhật tại Donestk, khi thành phố thể hiện sự chia rẽ ». Còn dưới dòng tựa : « Ukraina : Trận chiến phương Đông », trang nhất của tờ Libération đăng ảnh hai người biểu tình phất cờ Nga dưới chân tượng Lê-nin tại Donestk, thành phố thuộc tỉnh Donbass nằm ở phía đông của Ukraina và giáp Nga. Dù thân Nga và còn nghi ngại về chính quyền mới ở Kiev, nhưng người dân ở đây vẫn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tờ báo dẫn lại lời một nhà báo Ukraina cho biết : « Dĩ nhiên là mọi người cảm thấy gần gũi với Nga. Một số người còn muốn việc phân quyền và có nhiều quyền hạn hơn cho miền đông của Ukraina. Nhưng những người muốn vùng này trở thành vùng thuộc Nga chỉ chiếm thiểu số ».

Trợ lý thị trưởng của thành phố cho biết sẽ làm việc với chính phủ mới dù ông vẫn coi là chính phủ bất hợp pháp. Với ông, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ vẫn là quan trọng nhất. Ông coi vụ tấn công của Nga vào Crimée là hoàn toàn không chấp nhận được. Đồng thời, ông cũng yêu cầu chính phủ lâm thời phải chấm dứt phân biệt người thân Nga để tình hình tại đây không trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, theo ông, châu Âu chẳng có ý nghĩa gì tại khu vực này và Ukraina phải giữ được vị trí cán cân giữa hai khối.

Tờ Le Monde đăng nhận định : « Mối đe dọa Nga thống nhất người Ukraina » của một nhà văn đương đại nổi tiếng người Ukraina. Theo ông, trong khi chế độ của Vladimir Putin năng động trong việc tuyên truyền để chia rẽ người láng giềng. Chưa bao giờ trong lịch sử của mình người Ukraina lại cảm thấy cần thống nhất đến thế. Ngày nay, không có gì liên kết người dân hơn trước sự đe dọa của Nga. Ông cho rằng, những gì diễn ra tại quảng trường Maidan là sự tự do, công lý, sự kiểm soát của công dân đối với chính quyền. Đó cũng là sự chuyển hóa của đất nước thành một đất nước nhân văn hơn.

Liên quan tới tình hình căng thẳng tại bán đảo Crimée, Le Figaro nhận định : « Không gì có vẻ ngăn cản được Crimée gia nhập nước Nga ». Tác giả bài báo đánh giá tài năng lớn của Putin là lấy được Crimée mà không phải nhỏ một giọt máu nào. Vì tại đây, dù muốn hay không, Crimée đã ngả sang phía Nga và cuộc trưng cầu dân ý dự trù diễn ra ngày 16 tháng 3 tới chỉ khẳng định phe thân Nga đã giành chiến thắng.

Tờ Les Echos thì đánh giá : « Putin tính toán nhầm ». Vì sau vụ Crimée, Putin đã đẩy đa số người Ukraina vào vòng tay châu Âu. Có thể Putin đã thắng tại Crimée, nhưng đã mất toàn nước Ukraina. Trang trong, tờ báo cho biết Matxcơva tiếp tục công cuộc sát nhập Crimée và bỏ qua những đe dọa của phương tây. Và khủng hoảng ở đây chưa có dấu hiệu tìm ra lối thoát.

Nếu bị phương tây trừng phạt, Nga sẽ bị cô lập về kinh tế và lượng dầu xuất khẩu của tập đoàn Gazprom sẽ giảm đi đáng kể. Thế nhưng, trừng phạt kinh tế cũng là con dao hai lưỡi cho các tập đoàn phương tây, đặc biệt là của Đức. Khoảng 6000 doanh nghiệp Đức và 300 000 nhân công đang có quan hệ thượng mại với Nga, trong đó có các tập đoàn lớn như Adidas, Siemens, nhà khổng lồ năng lượng E.ON… Trước thách thức để giải quyết căng thẳng hiện nay, thủ tướng Đức Angela Merkel muốn dựa trên những mối quan hệ ưu ái giữa hai quốc gia như nền tảng cho cuộc đàm phán. Nhưng còn phải chờ xem liệu tổng thống Nga có cũng quan điểm này không.



No comments:

Post a Comment

View My Stats