Sunday, 2 March 2014

UKRAINA TỔNG ĐỘNG VIÊN QUÂN TRỪ BỊ (RFI, BBC)




Thụy My  -  RFI
Chủ nhật 02 Tháng Ba 2014

Reuters hôm nay 02/03/2014 dẫn nguồn tin từ Interfax cho biết, binh lính Nga đã tịch thu vũ khí tại một căn cứ ở Crimée. Hai chiến hạm chống tàu ngầm Nga từ hôm qua cũng đã trấn giữ ngoài khơi Crimée, vi phạm hiệp ước đã ký với Ukraina về hạm đội tại căn cứ hải quân Sébastopol. Chính phủ Ukraina hôm nay ra lệnh tổng động viên quân dự bị.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraina, lính Nga đã tịch thu súng ống, đạn dược tại một đơn vị radar nằm gần thành phố Soudak. Một nhóm quân Nga khác cũng đã tịch thu vũ khí tại trung tâm đào tạo thủy quân lục chiến Ukraina ở cảng Sébastopol. Thống đốc Belgorod nói rằng những nhóm vũ trang mưu toan phong tỏa một con đường nối liền Nga với Crimée. Interfax cho biết hai chiến hạm chống tàu ngầm của Nga thuộc hạm đội biển Ban-tích đang đậu ngoài khơi Crimée.

Ukraina hôm nay ra lệnh tổng động viên quân dự bị. Ông Andriy Paroubi, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraina nhận định, vấn đề sống còn là quân đội phải sẵn sàng chiến đấu, nhất là trước áp lực của Nga tại Crimée, vùng duy nhất của Ukraina mà cư dân hầu hết nói tiếng Nga. Bộ Ngoại giao Ukraina cũng đã yêu cầu Hoa Kỳ và Anh hỗ trợ về an ninh.

Từ Kiev, thông tín viên RFI Anastasia Becchio tường trình :
Lực lượng quân đội Ukraina được đặt trong tình trạng báo động tối đa, các quân nhân giải ngũ có thể được động viên trở lại. Tổng thống lâm thời Olexandre Tourtinov loan báo việc tăng cường bảo vệ các nhà máy điện nguyên tử, các sân bay và những vị trí chiến lược. Đồng thời các nhà lãnh đạo mới của đất nước vẫn hy vọng tránh được kịch bản tệ hại nhất.
Hôm qua, sau cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc phòng, Thủ tướng Arseni Iatseniouk một lần nữa cố gắng xoa dịu tình hình. Ông nói : « Chúng tôi tin rằng Nga sẽ không can thiệp quân sự, vì điều đó có nghĩa là chiến tranh và sẽ chấm dứt mọi quan hệ giữa hai nước ». Ông Iatseniouk cho biết đã nói chuyện điện thoại với người đồng nhiệm Nga Dimitri Medvedev, yêu cầu Nga cho lực lượng ở Hắc hải quay lại căn cứ để giảm bớt căng thẳng. « Không nên lao vào cuộc chơi của Matxcơva và phải giữ bình tĩnh », đó cũng là quan điểm của cựu Thủ tướng Ioulia Timochenko.
Các dân biểu thảo luận về tình hình tại Crimée ở miền đông sáng nay trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội. Ngoại trưởng Ukraina nói rằng đã gặp gỡ các nhân vật có trách nhiệm của châu Âu và Hoa Kỳ, và gởi đến NATO yêu cầu xem xét mọi khả năng nhằm duy trì toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraina.

--------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 12:38 GMT - chủ nhật, 2 tháng 3, 2014

Ukraine tuyên bố sẽ tổng động viên toàn bộ lính dự bị sau khi Nga đe dọa đưa quân vào Ukraine.
Quốc hội Nga hôm thứ Bảy bỏ phiếu cho phép quân Nga tiến vào Ukraine, một bước đi bị Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là “vi phạm chủ quyền của Ukraine”.
Trong cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút hôm thứ Bảy ngày 1/3 giữa ông Obama và Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga sẽ cô lập về chính trị nếu họ tiếp tục biện pháp quân sự ở Ukraine.
Trong diễn biến mới nhất, hôm Chủ nhật, Tổng thống tạm quyền Ukraine, Olexander Turchynov, ra lệnh tổng động viên và không cho phép máy bay quân sự đi vào không phận.
Vào trưa Chủ nhật, Nato sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp để bàn về tình hình Ukraine.

Căng thẳng

Căng thẳng đang lên cao ở Ukraine, không chỉ ở bán đảo Crimea, nơi có nhiều người Nga sinh sống.
Hôm thứ Bảy đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Nga tại nhiều thành phố của Ukraine.
Ở Donetsk, vốn là cứ điểm truyền thống của tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, khoảng 7.000 người xuống đường.
Họ định chiếm tòa nhà chính quyền chính ở đây nhưng không thành công.
Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, hơn chục người bị thương trong đụng độ giữa người thân và chống Nga.

‘Phạm luật rõ ràng’

Cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút hôm thứ Bảy ngày 1/3 giữa ông Obama và ông Putin là lần đối đầu trực tiếp hếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
“Tổng thống Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga rõ ràng xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” thông cáo của Nhà Trắng cho biết.

Obama đã nói với Putin rằng hành động của Nga là ‘vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có các nghĩa vụ của Nga được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và vi phạm thỏa thuận đặt căn cứ quân sự mà họ ký với Ukraine hồi năm 1997’.

Trước đó, ông Obama đã kêu gọi ông Putin đưa quân trở lại doanh trại của họ trên bán đảo Crimea.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng đề nghị triển khai các quan sát viên quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ định đến Ukraine để đảm bảo an toàn cho người dân gốc Nga, theo hãng tin Pháp AFP.

Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho chính phủ lâm thời ở Kiev và cam kết sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nato và OSCE để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày sâu sắc.

Trong khi đó, bộ máy an ninh của ông Obama đã nhóm họp ở Nhà Trắng để cân nhắc các lựa chọn đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine – một ngày sau khi ông Obama cảnh báo rằng Nga sẽ phải ‘trả giá’ cho hành động của mình.
Trong cuộc điện đàm với Putin, Obama nói rằng phía Mỹ ngay lập tức sẽ dừng tham gia vào các cuộc thảo luận chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 dự kiến sẽ diễn ra tại Sochi của Nga vào tháng Sáu.

Liên minh phương Tây

Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với Tổng thống Francois Hollande của Pháp và Thủ tướng Stephen Harper của Canada về vấn đề Ukraine.
Lên án Nga bằng ‘những ngôn từ mạnh mẽ nhất’, Thủ tướng Harper đã triệu hồi đại sứ Canada ở Moscow và cảnh báo rằng nước ông sẽ theo bước Washington trong việc tẩy chay Thượng đỉnh G8 ở Nga.

Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tham gia một cuộc họp qua điện thoại với sáu người đồng cấp ở châu Âu và Canada. Tham dự cuộc họp này còn có bà Catherine Ashton, đại diện chính sách đối ngoại của EU, và đại sứ Nhật tại Washington để ‘phối hợp bước tiếp theo’.
Trong một thông cáo sau đó, ông Kerry cảnh báo rằng Moscow đang đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ của Ukraine mà còn của cả khu vực.
Nếu Nga không làm giảm căng thẳng thì điều này sẽ ‘ảnh hưởng nghiêm trọng’ đến quan hệ với Mỹ, ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Kerry dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga bên lề các cuộc thảo luận ở Rome vào tuần tới.

Còn tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Samantha Power đã mô tả hành động của Nga là ‘vừa nguy hiểm vừa gây bất ổn’.
“Thông điệp ở đây là quý vị phải rút quân. Hãy tham gia đàm phán chính trị, nói chuyện với chính phủ Ukraine – những người đang đề nghị quý vị đàm phán,” bà Power phát biểu.

Trước cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã gọi điện cho người tương nhiệm Nga Sergei Shoigu.
Một quan chức quốc phòng của Mỹ nói với AFP rằng Washington ‘không có thay đổi gì’ về bố trí lực lượng của họ ở châu Âu.

Các bài liên quan



No comments:

Post a Comment

View My Stats