Sunday, 23 March 2014

"TUỔI GIÀ, HẠT LỆ . . ." (Huy Phương)




Tạp ghi Huy Phương
Sunday, March 23, 2014 5:46:10 PM

Bạch Cư Dị sinh năm 772, khi bị giáng chức đày đi làm chức tư mã Giang Châu mới 43 tuổi (năm 815.) Tuổi này cũng còn coi là trẻ, tình cảm tràn đầy, lòng còn xúc động, nên một đêm “vầng trăng trong vắt dòng sông,” khi nghe người kỹ nữ bên sông kể lể thân thế, liên tưởng đến cuộc đời mình, mà tuôn hai dòng lệ:

“Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh!”
(*)

Thiếu nữ Việt được cảnh sát Cambodia giải cứu khỏi một nhà chứa ở Phnom Penh. (Hình: Gary Way/AFP/Getty Images)

Trái lại Nguyễn Khuyến, khi làm bài thơ “Khóc Bạn” là Dương Khuê mất, ông đã 67 tuổi, tuổi cho là đã già, nên thương bạn mà không còn nước mắt để khóc nữa:

“Tuổi già, hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”

Trong khoa học, chỉ nghe nói đến một vài bệnh làm tắc hay khô tuyến lệ, mà không nghe nói chuyện nước mắt cạn dần theo tuổi tác, thời gian. Kinh nghiệm, chúng ta thấy trong đời sống con người, tuổi già rất dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn, dễ giận dỗi mà cũng mau nước mắt hơn là tuổi trẻ. Phải chăng câu nói “một ông già bằng ba đứa trẻ” là để nói đến tình cảm vui buồn hay ngây thơ, chân chất hơn là nói đến các điều kiện sinh lý của hai lứa tuổi.

Chúng ta đã thấy tuổi già rơi lệ theo một tiếng đàn bầu, một đoạn dân ca hay ngậm ngùi vì những hoài niệm về dĩ vãng hay là câu chuyện hôm nay của đất nước mà có lẽ chúng ta không tìm thấy nơi tuổi thanh xuân.

Về già tôi thấy tâm hồn mình yếu đuối, dễ buồn vui, xúc động hơn là thời trẻ tuổi. Gần đây thôi, tôi có sửa soạn cho một cuộc phỏng vấn truyền hình về cuộc lui binh tan nát của Lữ Ðoàn 147 TQLC trên bờ biển An Dương-Thuận An trong những ngày cuối Tháng Ba, 1975. Khi lắng nghe người lính già bên kia đường dây kể lại chuyện, toàn cảnh trên bờ cát, ngày ấy, chỉ có một số nhỏ anh em, thương binh may mắn được lên tàu, còn đoàn quân chết “cạn” trên ba ngày đêm đói khát, không bóng một con tàu, không bóng một chiếc trực thăng, không một tiếng điện đàm trong máy truyền tin, để cuối cùng những người lính “sống can trường, mà có hồi kết cuộc oan khuất,” đã bị chết vì đạn pháo, đã tự sát, bị xử tử hay cuối cùng bị bắt làm tù binh, nước mắt tôi bỗng trào ra, nghẹn ngào vì thương cảm, xót xa. Ngày ấy tôi đang ở Sài Gòn, một nơi xa mặt trận, dù cũng mang màu áo trận, nhưng là một người lính ở hậu phương, có nghe, có biết nhưng không có nỗi xúc động, đau đớn như hôm nay.

Phải là con người vô cảm lắm, mới đọc chuyện nước, nghe chuyện nhà mà không biết tức giận, đau đớn hay buồn phiền. Ở tuổi già, sống xa quê hương, gặp nhau có trăm nghìn chuyện nói, nhưng không lẽ đem chuyện con cháu thành đạt, chuyện ăn chơi, chuyện nhà của người khác ra bàn luận. Bây giờ trong mỗi bản tin, mỗi hình ảnh ở quê nhà như mang theo nỗi xót xa, đau đớn của những kiếp sống cùng cực tưởng chừng như không bao giờ có thể hiện diện trên thế gian này. Thế mà đó là những sự thật đang xảy ra trên đất nước của chúng ta.

Ðã nhiều lần chúng ta thương cho số phận của con em, đồng bào chúng ta, những cô gái Việt Nam, đã phải tìm con đường sống duy nhất là đi lấy chồng ngoại nhân vì sự đói nghèo. Câu chuyện dài này đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn, không có đoạn kết, nghe rồi thấy bình thường nhàm chán, không ai còn để ý đến nữa. Phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay nổi tiếng vì đã có mặt trên khắp chốn đèn đỏ, thanh lâu hay đứng đường ở khắp nơi trên thế giới. Ở Indonesia, ở Malaysia, ở Singapore, ở Cambodia... chúng ta còn có thể hiểu nổi, tưởng tượng ra được vì đó là những nước lân bang trong vùng Châu Á, nhưng quả thật ngày hôm nay, bản tin về những cô gái Việt Nam của chúng ta lưu lạc sang tận xứ Ghana của Châu Phi để làm gái mại dâm, thì quả không có gì để xót xa hơn nữa!

Một bản tin của công an Việt Nam nói chuyện họ đã bắt một “em bé” 14 tuổi bán dâm, trong khi em đang mang một bào thai 4 tháng, phải chăng đó là một chuyện không có gì đặc biệt, nghe qua rồi bỏ!

Ở trong nước, bây giờ không những mại dâm tràn lan trên mọi thành phố, quận huyện, “trên từng cây số,” mà đàn bà trong nước hành nghề này ở cả những cánh đồng gặt lúa. Xưa thời Pháp thuộc có người làm nghề mại dâm, nhưng ở một chỗ riêng biệt, cho một giới nào đó thôi chứ không “tràn đồng” như hiện nay. Mùa gặt, các cô gái ngủ qua đêm với thợ gặt trên đồng, có người bán thân cho nhân viên kiểm soát dịch gia cầm để lơ cho đàn vịt của mình. Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không có câu nào chống cộng, chống đảng cộng sản, nhưng khi đọc xong, tôi thấy lòng mình xót xa, rát bỏng về nỗi nhục mà người phụ nữ trong nước đang gánh chịu.

Rồi thế hệ hôm nay, những đứa trẻ tương lai của đất nước, đến trường bằng lối đu dây vượt sông, hay ngồi trong những bọc ni lông lớn để nhờ người mang qua bờ bên kia. Những hình ảnh này tưởng như chỉ có trong những vùng đất lạc hậu, đói nghèo thời man rợ. Nhưng không, đó là thời của Dương Chí Dũng hối lộ Bộ Công An con số nửa triệu đô la, thời mà Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU-18, nhân vật đã dùng khoảng $7 triệu để cá độ bóng đá, Nguyễn Tấn Dũng xây nhà thờ họ tốn hàng triệu đô la. Ðó là nơi mà một đất nước dân đen nghèo tả tơi, nhưng có hàng trăm tỉ phú và một giai cấp giàu có nhờ thời thế và chế độ mới nổi lên.

Nguyễn Khuyến cho rằng tuổi già nước mắt đã khô không còn khóc được nữa, nhưng sao trong đời thường hôm nay, vẫn còn những người già mau nước mắt? Có khi nào, giữa đêm khuya chúng ta thức giấc, bỗng nghĩ đến một chuyện ban ngày, một bản tin ở quê nhà vừa đọc được mà trăn trở khó dỗ lại giấc ngủ bình an?

Những bộ phim sướt mướt, éo le của Nam Hàn, Ðài Loan, và bây giờ cả của Thái Lan đã lấy đi những người trong gia đình chúng ta bao nhiêu dòng nước mắt thương vay khóc mướn, sụt sùi theo những nhân vật hư cấu của những loại phim “mì ăn liền,” trong khi đó, chúng ta vẫn vô cảm, thờ ơ với những chuyện đang xẩy ra ở quê nhà, những chuyện có thật, của đồng bào, con em chúng ta.

Trong cuộc họp báo tại CLB Báo Chí Mỹ Tháng Tư, 2004, bà Tôn Nữ thị Ninh đã cho người biểu tình hay dân oan là những đứa con, cháu trong gia đình hỗn láo, bướng bỉnh cần cho roi vọt, nhưng nếu chính phủ là cha mẹ, thì loại cha mẹ bây giờ là thứ cha mẹ bất nhân, chúng ở nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, nhưng để con gái mình đi làm gái mại dâm tứ xứ, mà vẫn nhởn nhơ, không biết xấu hổ.

Người xưa đã nói bất bình nhỏ thì dùng rượu để giải sầu, bất bình lớn phải dùng đến gươm. Ðối với tuổi già, khi kiếm đã cùn, tóc đã bạc, không còn cầm được kiếm để giải quyết bất bình, cũng không thể uống rượu để nỗi sầu tiêu tan, mà phải dùng đến loại vũ khí đàn bà là nước mắt, chỉ đành ứa lệ, nuốt ngược nỗi buồn vào lòng.

Người ta thường chê người không biết cười, nhưng ít ai trách người không biết khóc. Khóc là bất lực, là tiêu cực nhưng nước mắt cũng làm nhẹ được nỗi đau của mình, vì đã nghĩ đến nỗi đau của người khác.

(*) (Bạch Cư Dị - Phan Huy Vịnh dịch)

-----------------

Ðón đọc “Ngậm Ngùi Tháng Tư,” tuyển tập tạp ghi thứ 8 của tác giả Huy Phương, do nhà xuất bản Nam Việt giới thiệu và ấn hành.

“...Nhưng trong tất cả, người lính Việt Nam Cộng Hòa và thảm cảnh của cuộc chia lìa đứt ruột 30 Tháng Tư, 1975 của người Việt miền Nam Việt Nam vẫn là hình ảnh vĩ đại nhưng bi thảm nhất trong tất cả dòng văn cuồn cuộn rất đáng trân quý của Huy Phương. Ông đã lại để lại cho người Việt lưu vong một kỷ niệm nhớ mãi không phải bây giờ mà mãi mãi về sau.”

Ký giả Phạm Trần, Washington DC

Bạn đọc cần sách xin gửi chi phiếu $25 bao gồm cước phí priority, sách có chữ ký của tác giả, gửi đến địa chỉ nhà. Nam Viet cũng xin giới thiệu những tuyển tạp ghi khác của Huy Phương:

“Những Người Thua Trận” ($20), và hai tác phẩm vừa tái bản: “Nước Mỹ Lạnh Lùng” ($16) và “Ði Lấy Chồng Xa” ($20).

Chi phiếu xin đề: NamViet Publisher PO Box 14982. Irvine, CA 92623, Email:
xbnamviet@gmail.com, điện thoại (949)241-0488.



No comments:

Post a Comment

View My Stats