Wednesday, 12 March 2014

"TƯ TƯỞNG CHAVEZ" : NGÕ CỤT CỦA VENEZUELA (Trọng Thành - RFI)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ tư 12 Tháng Ba 2014

Bên cạnh điểm nóng Ukraina, cuộc khủng hoảng tại Venezuela, quốc gia Nam Mỹ, là một chủ đề chính của báo chí Pháp. Le Monde có bài xã luận « Người Venezuela trong ngõ cụt của tư tưởng Chavez ». Bài viết mang lại một số lý giải để hiểu được cội rễ của những bế tắc và xung đột trầm trọng tại một quốc gia, vốn là nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Từ đầu tháng 2/2014 đến nay, người Venezuela thuộc đủ tầng lớp liên tục xuống đường để chống lại « một chế độ thành công trong ba lĩnh vực : hoang phí, tham nhũng và độc đoán về chính trị ». Theo Le Monde, « tư tưởng Chavez » là nguồn gốc của tình trạng này. Hugo Chavez, cố lãnh tụ cánh tả của Venezuela, cầm quyền từ năm 1999 đến khi chết, năm 2013 đã để lại một học thuyết có ảnh hưởng bao trùm lên toàn xã hội. Tư tưởng Chavez là « một học thuyết hỗn hợp (một « cocktail ») giữa chủ nghĩa dân tộc tập quyền tả khuynh (socialo-souverainisme), lấy cảm hứng từ chế độ cộng sản Cuba và chủ nghĩa chống đế quốc, có nguồn gốc trong truyền thống cách mạng Mỹ Latinh trước đây ». Chế độ theo « tư tưởng Chavez » hiện đang trở thành một cơn ác mộng đối với Venezuela.

14 năm trị vì của ông Chavez cho phép cải thiện đời sống của những người nghèo khổ nhất trong xã hội Venezuela, bằng việc phân phối lại nguồn lợi tức từ dầu mỏ. Nhưng chỉ có thế. Chế độ Chavez đã để lại nhiều hệ quả tồi tệ cho một nền kinh tế, giờ đây nằm dưới quyền thống trị của Nhà nước. Theo Le Monde, người kế nhiệm ông Chavez còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn sau một năm cầm quyền. Nền kinh tế bị đóng băng. Lạm phát tăng 56% trong một năm. Tuần này, Tổng thống Maduro buộc phải tuyên bố lập ra hệ thống « thẻ phân phối hàng nhu yếu phẩm », y như Cuba cách đây nửa thế kỷ.

Phụ trương Le Monde có bài « Tại Venezuela, hàng hóa kiệt quệ và sự nở rộ của các đường dây buôn lậu nhỏ », để mô tả thực trạng thê thảm tại quốc gia này. Một chi tiết nói lên rất nhiều, đó là việc giấy đi vệ sinh cũng trở thành mặt hàng làm giả. Cuối năm 2013, Venezuela thiếu đến khoảng 1/3 hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Trên thị trường chợ đen, giá đô la cao gấp 12 lần giá cả chính thức. Dược phẩm khan hiếm, cắt điện trở thành chuyện cơm bữa… Giá cả bị kiểm soát chặt, giá gạo bên kia biên giới cao gấp 10 lần trong nước. Theo chính phủ, 40% thực phẩm được nhập với giá thấp, được xuất khẩu trở lại sang các nước láng giềng. Nhiều băng đảng mafia kiểm soát buôn lậu xăng dầu, vì xăng là mặt hàng gần như miễn phí tại Venezuela… Buôn lậu mang lại những nguồn thu khổng lồ cho các nhóm đặc quyền trong bộ máy nhà nước.

Giải giáp « dân quân cách mạng » : Điều kiện tiên quyết để đàm phán

Trong tình hình khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng này, các phản kháng từ phía xã hội, đặc biệt từ phong trào sinh viên, gặp phải các cản phá quyết liệt từ phía « các lực lượng dân phòng bán vũ trang » của chế độ. Báo Libération mô tả thực trạng này qua bài « Các dân phòng theo tư tưởng Chavez tự do lăn bánh », với ghi nhận : Tổng thống Maduro dựa vào các nhóm « colectivos » nằm ngoài vòng kiểm soát để chống lại đối lập, kể từ tháng 2/2014, các đụng độ khiến 21 người chết.

Libération cho biết, các colectivos là một dạng « dân quân cách mạng vũ trang ». Lực lượng này thề « bảo vệ cách mạng » bằng mọi giá. Mặc dù Tổng thống Maduro khẳng định chỉ có các lực lượng của Nhà nước mới được trang bị vũ khí, nhưng trên thực tế, Tổng thống theo lập trường Mácxít-Lêninnít, vốn là người ủng hộ nhiệt thành đối với « liên hiệp dân-quân » chống « đế quốc » Mỹ. Mới đây ông cũng chính thức kêu gọi sự ủng hộ của các lực lượng này chống lại các chiến lũy của đối lập trên đường phố. Tại Venezuela, một cảnh tượng diễn ra thường xuyên là, đối lập lập các chiến lũy, các dân quân bán vũ trang đi mô tô tới dỡ bỏ. Nhiều trường hợp dân quân nổ súng gây thiệt mạng.

Libération cũng ghi nhận việc chính quyền Venezuela có chủ trương giải giáp lực lượng dân quân này từ một năm nay, với hình ảnh mang tính biểu tượng « đổi súng trường kalachnikov lấy cuốn Hiến pháp bỏ túi màu xanh ». Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn giữ súng ống, vì lo ngại, chính quyền cách mạng bị lật đổ. Hiện tại, ở Venezuela có hàng triệu vũ khí sở hữu bất hợp pháp. 20.000 người thiệt mạng hàng năm trên đường phố, trong đó đa số là do bạo lực. Các lãnh đạo đối lập Venezuela coi việc giải giáp lực lượng dân quân « colectivos » là yêu cầu tiên quyết cho mọi đàm phán với chính phủ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats