Đăng bởi: Alan
Phan Ngày: 20 / 03 / 2014
“Không phải tính hiếu kỳ đã giết con ngỗng đẻ trứng
vàng, mà lòng tham vô độ vượt qua giới hạn của lý trí bình thường – It was not
curiosity that killed the goose who laid the golden egg, but an insatiable
greed that devoured common sense – E. A.
Bucchianeri”
Gần đây một danh từ được dùng khá nhiều trong những
phê phán và dự đoán về kinh tế là “tư bản hoang dã” hay “man rợ” hay “thân
hữu”, “bè nhóm” (crony) hay “mafia” hay “xanh, đỏ, tím vàng” tùy theo cảm xúc.
Tựu trung, danh từ ám chỉ sự tham lam vô độ, không kiểm soát được, kèm với thói
tật luôn luôn muốn thao túng kinh tế tài chánh từ sau hậu trường của những nhóm
lợi ích và giới tài phiệt trong xã hội.
Đối ngược với “tư bản hoang dã” là tư bản pháp trị,
với cơ chế thị trường dù tự do nhưng vẫn mang nhiều phong thái xã hội, dân chủ
của các nước Tây Phương. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đồng ý là dù mô hình
này chưa hoàn thiện, nhưng đây là một định chế “tư bản’ chấp nhận được với đa
số người dân.
Thực ra, vì bị khóa miệng về chuyện chánh trị khi ở
Việt Nam (ông già Alan chỉ là khách), nên tôi thường ậm ừ cho qua chuyện. Trong
suy nghĩ cá nhân, tôi vẫn cho rằng hành xử của các nhóm lợi ích và tài phiệt
trong một xã hội, tùy thuộc phần lớn vào định chế chính trị của quốc gia đó.
Nói
thẳng ra, con người, dù có nhận mình là tư bản hay xã hội hay nhãn hiệu nào
khác, luôn luôn hành động dựa trên lợi ích cá nhân của mình. Tư bản có nghĩa là
“tiền” và bất cứ những ai tham tiền đều là “nhà tư bản”. Dĩ nhiên, mức độ “tư bản” hay lòng tham đều khác biệt tùy theo cá nhân.
Như những thằng đàn ông, có đứa mê gái 24/7, có đứa chỉ sơ sơ (golf hay quán
nhậu hấp dẫn hơn), có đứa bị định hướng sai, chỉ thích trai. Tại tất cả các
quốc gia, từ phát triển đến nghèo đói, số người thực sự không tham tiền có lẽ
không nhiều hơn 5% (con số phỏng đoán của ông già Alan, hoàn toàn không kiểm
chứng được).
Một lần, tôi được một người bạn vì bận việc khẩn cấp
gia đình, nhờ coi giùm những học sinh lớp mẫu giáo của cô ta cho đến hết giờ,
khoảng 25 phút. Tôi biết mình không cách gì kiểm soát hơn 20 “lũ thứ ba” (nhất
quỷ, nhì ma…), nên tìm ra một giải pháp sáng tạo. Tôi móc tờ giấy 100 đô la
trong túi, để trên bàn và nói,” em nào mà ngồi im lặng nhất, không nói hay làm
gì trong 25 phút tới sẽ được thưởng 100 đô la này”. Lớp học im như tờ, và sau
cùng, 5 em (chỉ mới 6, 7 tuổi) ngồi “thiền” giỏi nhất, chia nhau mỗi em 20 đô
la.
Nghĩ tới lui, có lẽ giải pháp này của tôi đang được
Bộ Ngoại Giao Mỹ và Tòa Bạch Ốc lấy làm cốt lõi cho chánh sách đối ngoại của
họ.
Trở lại chuyện tiền, như tôi đã nói
nhiều lần trong các bài viết, “tư bản” không phải là một chủ nghĩa, một định
chế hay một triết lý sống. Tư bản không cần ai phải cổ võ, phải tuyên giáo,
phải cải tạo. Tư bản không cần lập đảng, tìm lãnh tụ, tụ họp cảnh sát công an.
Tư bản nằm trong thâm tâm của mọi người, vì thực ra, lòng tham cố hữu luôn luôn
hiện diện, dù nhiều khi bị che mờ bởi những cố gắng của xã hội qua tôn giáo,
văn hóa, giáo dục, gia đình… Nhiều người phải an phận, không dám “tham” vì
không đủ khả năng cạnh tranh hay vì lười biếng hoặc thiếu may mắn trong việc
tìm gặp cơ hội. Nhưng ngay cả những con “vượn” lớn lên trong rừng rậm vẫn có
thể cảm nhận giá trị của đồng tiền…nhất là những lợi ích mà đồng tiền đó đem
lại.
Và lòng tham, nếu không có một định chế chính trị
kiềm hãm, thì nó sẽ “hoang dã”, sẽ “man rợ”, sẽ “mafia” , sẽ thành “phe phái”.
Một nền chính trị “hoang dã” sẽ tạo ra một nền kinh tế “hoang dã”.
Trên chuyến bay về Mỹ lần rồi, có chút thì giờ, tôi
ngồi coi cuốn phim “12 Years A Slave” vừa đoạt giải Oscar năm nay. Câu chuyện
thực của Solomon Northup, một nhạc sĩ da đen sống tự do ở Boston, bị bắt cóc và
bán làm nô lệ cho các chủ đồn điền ở miền Nam nước Mỹ, khoảng 150 năm trước.
Nếu muốn hiểu về ác độc của tư bản Mỹ, bạn nên coi những hoàn cảnh mà Northup
phải chịu đựng cùng với nhóm nô lệ da đen, trong khi các ông chủ da trắng luôn
miệng trích Kinh Thánh để giải minh tội lỗi của mình.
Một chút ngạc nhiên là dù rất hoang dã 150 năm về
trước, định chế chánh trị của Mỹ vẫn có chút “pháp trị”. Northup đã được trả tự
do sau khi nhà cầm quyền qua tòa án tại miền Nam kiểm chứng anh không là nô lệ.
Và ân nhân anh ta là Sir Bass, một “thế lực thù địch” tại xã hội này; dù phát
ngôn chống đối mạnh mẽ hệ thống nô lệ, đã không bị công an mời lên “làm việc”.
Ở một quốc gia khác, có thể đã không ai biết đến chuyện của anh chàng Northup
này.
Xã hội nào rồi cũng phải đổi thay. Định chế chánh
trị độc tài của Pak Chung Hee ở Hàn Quốc trong thập niên 60’s rồi cũng bị phá
hủy, nhường chỗ cho một Hàn Quốc hiện đại ngày nay. Sau 150 năm, văn hóa Mỹ đủ
rộng mở để bầu một người da đen làm Tổng Thống. Các định chế xã hội lạc hậu của
Đông Âu đã nẩy mầm một trục xoáy tự do mới cho người dân. Mùa xuân Á Rập đang
tàn phá cái “cũ” để thế hệ mới có thể xây dựng một nền văn minh mới.
Dù đổi thay là một quá trình đau đớn cho nhiều thành
phần xã hội, nhưng bà mẹ nào mà không vất vả trong thời kỳ thai nghén?
Tại các quốc gia mà chính trị “hoang dã” còn tiếp
tục, thì tư bản sẽ vẫn còn hoang dã. Mọi hoang tưởng về lòng tham con người và
lợi ích cá nhân theo những quan điểm “xã hội” sẽ kéo dài sự sống của các động
vật hoang dã. Và đây cũng là điều mà các chính trị gia và các giới tài phiệt,
qua những nhóm lợi ích, đang mong muốn.
Alan
Phan
Các bài viết liên quan:
No comments:
Post a Comment