Saturday, 22 March 2014

TRÙNG PHẠT NGA, TÂY PHƯƠNG NHẮM VÀO GIỚI TỶ PHÚ THÂN CẬN CỦA PUTIN (RFI, BBC)




Tú Anh  -  RFI
Thứ bảy 22 Tháng Ba 2014

Danh sách hơn 30 nhân vật Nga và Ukraina thân Nga (31 trong danh sách Mỹ và 31 trong danh sách Liên Hiệp Châu Âu) bị trừng phạt đã được các cường quốc Tây phương cân nhắc lợi hại : vừa đánh thẳng vào các tỷ phú thân cận của chủ nhân điện Kremli vừa bảo toàn được quyền lợi kinh tế của Tây phương.

Ngay trước khi tổng thống Putin sắp ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu công bố danh sách trừng phạt thứ hai nhắm vào các đối tượng được xem là có vai trò trong chiến lược gây khủng hoảng tại Ukraina.

Tổng thống Barack Obama ra lệnh phong tỏa tài sản 20 công dân Nga trong đó có nhiều tỷ phú, cấm doanh nghiệp Mỹ buôn bán với những đại gia này và ngân hàng Rossiya trong đó phần hùn của Iouri Kovalchouk, được xem là kinh tài của Putin từ năm 1990.

Khi tấn công vào ngân hàng Rossiya, Washington muốn gửi thông điệp cảnh cáo Putin là lãnh vực tài chính của Nga không an toàn. Thêm vào đó, trong số khách hàng và thành phần lãnh đạo ngân hàng này là những nhân vật thân cận của Putin.

Một nạn nhân khác bị Mỹ cấm visa, cấm làm ăn buôn bán và bị phong tỏa tài sản là tỷ phú Gennadi Timtchenko mà theo tạp chí Forbes, tài sản lên đến 15,3 tỷ đôla, đại gia đứng hàng thứ 6 của Nga và cũng là nhà kinh tài của Putin.

Công ty Gunvor của nhà tài phiệt này là cơ quan trung gian buôn bán dầu hỏa đứng hàng thứ tư thế giới, đăng ký tại đảo Virgo.Theo Reuters, các biện pháp mới của Washington cứng rắn hơn nhiều so với danh sách thứ nhất nhưng Hoa Kỳ không đụng vào lãnh vực kinh tế « sinh tử » của Nga như dầu hỏa và kim loại vì e rằng nếu Nga trả đũa trên hai lãnh vực này thì kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại. Ba tập đoàn lớn của Nga là Gazprom, khí đốt, Rosneft, dầu hỏa và tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport không bị đụng tới.

Tuy nhiên, hiệu năng của biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã gây ra hệ quả thấy được. Trước tiên là tỷ phú Gennadi Timtchenko, đã vội vã bán đi hết cổ phần của ông trong công ty Gunvor do ông sáng lập, tương đương với 43% số vốn cất giấu tại Genève cho Torbjorn Tornqvist, một công dân Thụy Điển và cũng là người hùn hạp. Theo nhận định của báo Le Monde, sự kiện nhà kinh tài của chính tổng thống Nga đã phải bán tháo cổ phần đã làm giới tài phiệt Nga đổ mồ hôi lạnh.

Mặc khác, do cấm vận, khách hàng của các ngân hàng Nga và chi nhánh không thể sử dụng thẻ tín dụng loại Mastercard và Visa.

Khác với Mỹ, theo AFP, Châu Âu không tấn công vào ngân hàng Rossiya mà chỉ tập trung vào giới cố vấn thân cận của Putin trong đó có phó thủ tướng Dmitri Rogozin, một số lãnh đạo chính trị và tư lệnh trong quân đội. 31 nhân vật bị phong tỏa tài sản và bị cấm thị thực nhập cảnh, hết đường sang những nơi mua sắm và nghỉ mát ở Châu Âu như: Luân Đôn, Paris, Nice, Luxembourg, Chypre, gây tác động tâm lý rất mạnh.

Luật sư Nga Alexei Navalny, một trong những đối lập khắc tinh của Putin hiện đang bị quản thúc, tuyên bố với New York Times : Tây phương có thể đánh một đòn chí tử vào đám cờ hiệu của điện Kremli thường xuyên du lịch sang Tây phương ».

Một nhà ngoại giao Châu Âu nhân định là Châu Âu để cho Hoa Kỳ đánh mạnh vì dễ hơn và đủ để « cô lập chính trị và ngoại giao » Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho tình thế « đã bất ổn » tại Nga.

------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 06:53 GMT - thứ bảy, 22 tháng 3, 2014

Hai công ty Hoa Kỳ Visa và MasterCard bắt đầu chặn giao dịch bằng thẻ tín dụng của họ ở một số ngân hàng Nga sau khi Washington công bố những lệnh trừng phạt mới.
Bốn ngân hàng bị ảnh hưởng của Nga, vốn đều có liên hệ với những cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, nói việc hai công ty này ngưng dịch vụ thẻ tín dụng mà không cảnh báo trước là "bất hợp pháp".

'Đóng băng'
Một trong các ngân hàng này là Bank Rossiya, ngân hàng lớn thứ 15 của Nga, với số tài sản khoảng 12 tỷ đôla.
Ngân hàng có trụ sở đặt tại St Petersburg này, vốn bị Washington cho là ngân hàng cá nhân dành cho giới quan chức cấp cao của Nga, sẽ bị "đóng băng" toàn bộ số tài sản và giao dịch bằng đôla.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Bank Rossiya không hề liên quan đến các sự kiện tại Crimea và hứa sẽ chuyển tiền lương của ông vào đây.
"Cá nhân tôi không có tài khoản ở đó, nhưng tôi sẽ mở một tài khoản vào thứ Hai," ông Putin nói tại một cuộc họp Hội đồng An ninh của Nga.
Tổng thống Putin cũng chỉ đạo ngân hàng trung ương của Nga sẵn sàng can thiệp để giúp Bank Rossiya nếu cần thiết, tuy nhiên cơ quan này cho rằng lệnh trừng phạt nhằm vào Bank Rossiya "không tạo nên gánh nặng đáng kể đối với sự ổn định về tài chính của ngân hàng này."

'Bất hợp pháp'
Visa và Mastercard cũng đã xác nhận sẽ ngưng cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng đối với SMP Bank, vốn đang được điều hành bởi hai anh em Arkady và Boris Rotenberg - hiện cũng đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Ngân hàng lớn thứ 39 của Nga này, với khối tài sản khoảng 5 tỷ đôla, đã gọi quyết định trên là "bất hợp pháp" vì lệnh trừng phạt nhắm vào người chủ sở hữu chứ không phải vào chính ngân hàng.
Các ngân hàng chi nhánh của Bank Rossiya - Sobinbank và InvestKapitalBank, cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên Visa cho biết các lệnh trừng phạt vẫn không ảnh hưởng đến hơn 99% hoạt động kinh doanh của công ty này tại Nga.
Thị trường chứng khoán của Nga giảm mạnh vào thứ Sáu, 21/3, trong lúc giới đầu tư tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Chỉ số MICEX, công cụ đo biến động giá của 50 cổ phiếu hàng đầu nước Nga bằng đồng ruble, đã giảm đến 3%, trong khi chỉ số RTS, vốn được định giá bằng đôla, đã giảm 3,6%.
Cổ phiếu của các công ty Nga bắt đầu lao dốc sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thông báo lệnh trừng phạt có thể nhằm vào một số ngành kinh tế chủ đạo của Nga nếu nước này tiếp tục leo thang xung đột tại Ukraine.

'Tiêu cực'
Các hãng đánh giá tín dụng S&P và Fitch đều thông báo đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với nền kinh tế Nga từ "ổn định" xuống "tiêu cực" - tín hiệu cho thấy nước này có khả năng bị hạ xếp hạng tín dụng vì tác động của các lệnh trừng phạt.
Fitch nói trong một thông cáo: "Vì các ngân hàng của Hoa Kỳ và EU cũng như các nhà đầu tư đang tỏ ra đắn đo trước việc cho Nga vay tiền trong hoàn cảnh hiện nay, nền kinh tế này có thể sẽ tiếp tục bị đình trệ và khu vực tư nhân có thể sẽ phải nhờ tới sự hỗ trợ từ chính phủ."
Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, đã chỉ trích rằng đây không phải là một quyết định khách quan và được đưa ra dưới "lệnh của một ai đó".
Xếp hạng tín dụng của Nga hiện nay là BBB.
Trong khi đó, đồng ruble đã bắt đầu ổn định trở lại vào ngày 21/3 sau khi trượt giá mạnh vào tối thứ Năm trước lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ.
Sáng thứ Sáu, Đức cũng đã tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả các mặt hàng xuất khẩu liên quan đến quốc phòng cho Nga.




No comments:

Post a Comment

View My Stats