Thursday, 6 March 2014

TRẬN ĐÁNH KINH TẾ QUANH UKRAINE (Nguyễn-Xuân Nghĩa)




Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, March 03, 2014 3:26:38 PM

Tuần qua, khi biến động tại Ukraine lan rộng thành khủng hoảng quốc tế, nhiều người bị lỡ trớn.

Biến động bùng nổ ngày 21 tháng 11 năm ngoái vì một hồ sơ cứ tưởng là kinh tế là khi Tổng Thống Viktor Yanukovich từ chối ký Hiệp Ước Hợp Tác đã thương thuyết với Âu Châu, và biến động kết thúc ngày 22 Tháng Hai, khi ông ta bị Quốc Hội Ukraine truất phế và bỏ chạy. Lúc đó, dư luận vội nói đến “cuộc cách mạng” tại Ukraine. Khi Quốc Hội lập ra chính quyền lâm thời để ổn định tình hình thì chuyện Ukraine trở thành khủng hoảng quốc tế từ ngày 26 do quyết định tập trận của Liên Bang Nga. Ngay sau đó, Nga kiểm soát bán đảo Crimea, với lời hăm sẽ bảo vệ kiều dân Nga ở bất kỳ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ Ukraine.

Thế giới đang chứng kiến một vụ xâm lăng trắng trợn, với nguy cơ là sau Crimea, Tổng Thống Vladimir Putin có thể cho “dân quân” - quân giả làm dân - can thiệp vào miền Ðông Ukraine. Chính quyền tại Kiev sẽ sụp đổ, Ukraine vỡ nợ, gây hậu quả bất lợi cho kinh tế toàn cầu.

Khi vụ khủng hoảng Ukraine lan rộng hàng ngày, đa số bình luận gia Mỹ đều tự trấn an là sự thể chưa đến nỗi nào, như trên tờ Washington Post, Time, Foreign Affairs hay Politico, rồi được tiết lộ là hệ thống tình báo của Hoa Kỳ bị bất ngờ, như trên tờ New York Times. Nhật báo này còn có bài bình luận tàn nhẫn, rằng đây là lúc chính quyền Ukraine phải chứng tỏ tính chất khả tín!

Vào mấy ngày cuối tuần, họ còn đưa ra lý do giải thích vì sao chúng ta đừng nên hốt hoảng. Thế rồi, theo ánh sáng mặt trời, ngày Thứ Hai Mùng Ba Tháng Ba, các thị trường Á, Âu rồi Mỹ đều sụt giá, dầu thô và vàng tăng giá vùn vụt, trong khi giới hữu trách của Hoa Kỳ và Âu Châu tấp nập họp hành.

Tuần trước, trên cột báo này, người viết ỡm ờ gợi ý là Tổng Thống Barack Obama nên lập tức lấy máy bay qua Bruxelles hội họp với lãnh đạo Liên Âu, minh ước NATO và bật tín hiệu cứng rắn với Putin trước khi mọi sự vỡ lở thành chuyện nghiêm trọng hơn.

Bây giờ, mọi sự đã vỡ lở, các nước phải tính sao?

***

Trước hết, hãy nhìn vào sổ sách Ukraine.

Tổng thống, thủ tướng và thống đốc ngân hàng Trung ương xứ này vừa tạm thời nhậm chức thì đã thấy công quỹ cạn kiệt, mỗi ngày lại biết thêm một sự thật bi thảm về kinh tế - ngoài mối nguy về an ninh, quân sự và chính trị. Bất cứ ai ngồi vào vị trí này cũng phải rùng mình, và nếu đọc tin tức Tây phương (Âu và Mỹ) thì... lộn ruột.

Khi Yanukovich lên làm tổng thống năm 2010, dự trữ ngoại tệ của Ukraine có 34,6 tỷ đô la, cuối Tháng Hai thì còn 15 tỷ: nội Tháng Hai mất hai tỷ tám để vực giá đồng hryvnia (xin đọc là hriunya). Trong bốn năm chấp chánh của Yanukovich, khoảng 70 tỷ đô la đã không cánh mà bay nhờ tài hóa phép của các tài phiệt tay chân của ông ta: Cả nước sản xuất được 175 tỷ đô la một năm mà nay đã bốc hơi hết 70 tỷ! Công khố có 37 tỷ cho vay ra đã biến mất, không biết chạy về đâu, v.v....

Kẻ có thể biết được, dù chỉ một phần, là Yanukovich, thì đang được Putin bảo vệ tại Moscow.

Có bán đấu giá lầu đài nguy nga của ông ta tại Kiev, Ukraine cũng chẳng thể tìm ra 35 tỷ cho việc chi dụng năm nay. Mà Putin càng gióng trống ngoài ngõ thì giới có tiền đầu tư càng bỏ chạy, tiền càng mất giá, chính quyền Kiev sẽ vỡ nợ - không đủ tiền thanh toán các khoản nợ đáo hạn - và tuyên bố phá sản....

Trong khi chờ đợi Liên Âu, Hoa Kỳ và quỹ tiền tệ quốc tế IMF cấp cứu rồi chấn chỉnh chi thu và cải cách kinh tế cho Ukraine, thì giới bình luận kinh tế và các ngân hàng đầu tư càng nói đến kịch bản vỡ nợ rồi phá sản của Ukraine. Họ càng gia tăng hiệu ứng hăm dọa của Putin. Chúng ta đang chứng kiến chuyện đau lòng đó....

Nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, xin hãy nhìn xa hơn một chút.

***

Như tên gọi, Ukraine là vùng “biên địa” giữa Âu Châu và Liên bang Nga.

Thuần về kinh tế, hàng năm, xứ này buôn bán với mỗi khối Ðông và Tây khoảng hơn hai chục tỷ đô la và là nơi đầu tư của các ngân hàng Âu Châu và Nga.

Tại Ukraine, số tín dụng của các ngân hàng Âu Châu lên tới 23 tỷ, của bốn ngân hàng lớn nhất của Nga thì từ 20 đến 30 tỷ, Putin thì ước lượng là 28 tỷ. Nếu Ukraine vỡ nợ và kinh tế suy thoái, các chủ nợ và chủ đầu tư của Nga và Âu Châu đều bị thiệt vì mất nợ và mất thị trường.

Có thể là các ngân hàng Mỹ không bị dính chấu nên dư luận Mỹ được trấn an là đừng hốt hoảng về Ukraine. Chứ ở gần hố nợ, các ngân hàng Âu Nga đều phải âu lo.

Khi ấy ta mới chú ý đến một tin quá nhỏ: Hôm Thứ Hai, Nga tăng lãi suất ngân hàng thêm 150 điểm, từ 5,5% lên 7%, vì đồng Rúp mất giá quá nặng. Mà kinh tế Nga đang bị suy trầm, 63 trong 83 tỉnh của Nga bị mắc nợ và có thể vỡ nợ vì ngân sách trung ương không thể cáng đáng nổi.

Lùi một bước, ta biết Tổng sản lượng của Hoa Kỳ và Liên Âu ở khoảng 17 ngàn tỷ, của Nga là hai ngàn tỷ đô la, bằng nước Ý quặt quẹo trong khối Euro. Nói đến những tổn thất hay tai vạ trong canh bạc tại Ukraine, thật ra chính Putin mới dễ cạn láng.

Khi ấy, xin quay trở lại Hoa Kỳ.

***

Chính quyền Obama chủ trương tận dụng “quyền lực mềm”. Có thể hiểu mềm là dụng lễ hơn dụng binh, với điều kiện là hàm ý không loại bỏ giải pháp cứng rắn. Ăn thua là ở ý chí, sự khả tín hay đáng sợ của từng lời nói, từng quyết định. Cho đến nay, nhược điểm của Obama - và là sự cám dỗ cho Putin - chính là lời nói không đáng sợ, từ chuyện Syria đến Iran và nay là Ukraine.

Nhưng chẳng vì vậy mà Hoa Kỳ lại thúc thủ. Cùng Liên Âu, Hoa Kỳ vẫn còn nhiều biện pháp khiến Putin phải “trả giá” cho hành động ngang ngược tại Ukraine.

Vẫn dùng Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ có thể tranh thủ dư luận thế giới để lấy chính nghĩa về các nước dân chủ. Dù có vô hiệu vì lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc - tháng 12 vừa qua, Bắc Kinh còn ký hiệp định chiến lược với Ukraine của Yanukovich - diễn đàn này vẫn có giá trị ngoại giao và tuyên truyền.

Thiết thực hơn, Hoa Kỳ và các nước trong khối G-7 hủy bỏ thượng đỉnh của khối G-8 vào tháng 6 này tại Sochi và trục xuất Nga ra khỏi cơ chế G-8. Ðiều ấy đang xảy ra. Song song, việc tăng cường hợp tác quân sự với Ba Lan, Hung, Cộng Hòa Tiệp và Slovakia cũng là tín hiệu có lợi.

Nói về kinh tế, với hệ thống thông tin và luật lệ tinh vi, Hoa Kỳ có thể quyết định kiểm tra rồi cùng Liên Âu phong toả hoạt động của các tài phiệt trong hệ thống quyền lực và kinh doanh của Putin. Họ có cả trăm tỷ, đang làm giàu ở nhiều nơi bên ngoài nước Nga và sẽ gây áp lực ngược với điện Kremlin nếu việc làm ăn bị trở ngại.

Thứ ba, Putin có cái vốn dằn lưng là năng lượng, nhưng chỉ tung hoành được khi dầu cao giá. Phân nửa Ngân sách của Nga lệ thuộc vào nguồn tài nguyên này và chỉ vừa đủ cho nhu cầu chi dụng nếu dầu thô ở mức 110 đô la một thùng. Căn bản ước tính của họ là 117 đồng. Nếu Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ phiếu cho phép doanh nghiệp Mỹ xuất cảng dầu thì giá sẽ sụt mạnh và Putin càng mau cạn láng. Còn nhiều cách khác nữa, nhưng cột báo này có hạn và đã quá dài...

Những khó khăn kinh tế ấy sẽ khiến dân Nga suy nghĩ lại về khả năng của Putin, sau khi đã thấy sự quả cảm của người dân Ukraine.

***

Môn kinh tế có “thuyết đấu trí” - game theory - với quy luật Nash/Harsany theo đó trong mọi cuộc mặc cả luôn luôn có một phe bị thiệt với tỷ lệ 35/65 thay vì đôi bên đều nhượng bộ để đạt kết quả 50/50. Lý do của sự thua thiệt là vì sợ rủi ro. Trong khi phe kia áp dụng quy luật “cùi không sợ lở”.... (Xin đọc lại bài “Cuộc Cờ Mỹ-Hoa - Dám Liều Thì Ðược, Nhu Nhược Thì Thua - Nhưng Liều Quá Hóa Dại....” trên cột báo này cách nay đúng hai năm). Trong trận đánh kinh tế quanh vụ Ukraine, nếu các nước dân chủ biết cân nhắc và suy diễn yếu tố rủi ro cho rộng rãi và rõ ràng thì cùi cũng biết sợ. Miễn là ta phải có đởm lược!

Khi ấy ta mới thấm lời than của một Dân biểu Mỹ: “Putin chơi cờ vua, Obama bắn bi....”



No comments:

Post a Comment

View My Stats