Wed, 03/05/2014 - 08:29 —
tuongnangtien
Tư duy người cộng sản Việt
Nam vẫn lạc hậu trong bối cảnh nhiều chế độ độc tài đã và đang
diệt vong.
*
Có hôm, tôi nghe Vũ
Thư Hiên chép miệng:
Với người Việt ta, ở tù không
phải sự lạ. Thiên hạ gặp nhau thấy ngờ ngợ thì không hỏi quê quán, họ hàng mà
hỏi: mình gặp nhau ở trại nào nhỉ?
Ổng nói, rõ ràng, hơi quá.
Thế mà vẫn có một nhà văn (khác) chia sẻ hết sức tận tình:
Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng
như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ, ở
trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”.
Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn
luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở
trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc
bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy.
Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ nhiều người đi tù về đến thế? Đất nước
lắm người đi tù đến thế?” ...” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện
Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Đoạn văn thượng dẫn được
viết hồi cuối thế kỷ trước, sau khi tác giả đã trải qua nhiều năm
tù vì tội “tuyên truyền phản cách mạng” và “bôi đen chế độ” –
theo như lời ông tự thuật:
Hoá hỏi:
- Anh là cộng sản à?
- Cả nhà tôi là cộng sản. Là
đảng viên. Nhưng tôi thì chưa. Tôi là quần chúng.
- Vì sao anh chưa được kết
nạp?
- Đã có lúc tôi phấn đấu, nhưng
chưa được vào.
Hoá nhìn hắn từ đầu đến chân.
Định nghĩa cái nhìn ấy là: Anh nói thật. Tôi quí anh vì anh nói thật.
- Vì sao anh bị vào đây? Tôi có
tò mò quá không?
- Tôi bị bắt với tội danh
“Tuyên truyền phản cách mạng”.
-
Ở đây anh em gọi là tội nói sự
thực.
Đó là một lời khen. Nói sự thực
là một việc khó khăn, nguy hiểm. Từ xưa đến nay vẫn thế. Bao giờ cũng là một
việc nguy hiểm.
(sđd, trang 58).
Tuy “nguy hiểm” đến thế
nhưng người Việt vẫn có nhiều kẻ mạo hiểm đều đều. Nhân vật mới
nhất, vừa bị lôi ra toà và kết án tù vào hôm 4 tháng 3 vừa qua
(vì tội danh “bôi đen chế độ” hay “nói thật”) cũng là một người cầm
viết.
Thẻ nhà báo Trương Duy Nhất
Bản Bản
Cáo Trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, đề ngày 17 tháng 12 năm 2013,
ghi rõ nhà báo Trương Duy Nhất đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ ...
bôi nhọ lãnh đạo” làm "giảm uy tín, mất lòng tin của nhân dân đối với
cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, xã hội và công dân" và “hạ thấp uy
tín cá nhân của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng Chính Phủ,
Chủ Tịch Quốc Hội, làm đến uy tín của Đảng, Nhà Nước, Quốc Hội, Chính
Phủ nước CHXHCN Việt Nam.”
Trước sự kiện này blogger Huỳnh
Ngọc Chênh có lời bàn (ra) nghe hơi cay đắng:
Sau 7 tháng, một công dân chỉ
cầm bút viết blog mà bị bắt giam biệt tích với cả người thân trong gia đình để
chịu sự điều tra căng thẳng, để cuối cùng cơ quan điều tra nêu ra một số cáo
buộc mà khi đọc vào ai cũng thấy rằng chẳng cần phải bắt bớ, giam cầm, điều tra
gì cũng có thể nêu ra được, vì mọi thứ blogger Trương Duy Nhất viết ra đều
đường đường chính chính công khai minh bạch trên blog cá nhân của mình.
Blogger Vũ
Đông Hà không chỉ cay đắng mà còn ... cay nghiệt:
Blogger Trương Duy Nhất dứt
khoát không phạm tội.
Cho dù ông có muốn phạm tội cũng dứt khoát ông không thể
làm được.
Ông không thể làm giảm uy tín
một thứ không có uy tín.
Cá nhân ông không thể làm giảm
lòng tin của 90 triệu người vốn đã mất niềm tin.
Ông không thể làm một người
không có chiều cao bớt lùn.
Ông chỉ vô tình đóng góp thêm
một điều ngoài ý muốn của ông: bản cáo trạng "vì ông mà có" đã thêm
một lần nữa chứng minh cái đảng và nhà nước hiện nay là tập hợp của những tên
lùn nhưng có ảo tưởng mình rất cao và sẵn sàng tống vào tù những ai đá động đến
chữ LÙN.
Cùng lúc, ở lề bên kia,
lác đác cũng có vài tiếng anh vỗ tay tán thưởng. Trên Petro
Times, ông Bảo Sơn (nào đó) khẳng định:
Vụ án Trương Duy Nhất cũng là
một bài học cảnh tỉnh cho một số người hiện nay đang dùng blog để xuyên tạc chủ
trương chính sách của Đảng, Chính phủ.
Tương tự, trong trang Người
Con Yêu Nước cũng có một vị tuy không dám nêu danh
nhưng rất lớn tiếng:
Bản cáo trạng đã quá rõ ràng,
những bài viết làm chứng cứ vẫn còn được lưu giữ. Chẳng có ai chống Tàu mà lại
đi bôi nhọ thể chế, công kích cá nhân, bêu rếu danh dự, nhân phẩm của các cán
bộ cấp cao như vậy... Vì vậy truy tố Trương Duy Nhất theo điều 258 là một quyết
định đúng đắn để răn đe, trừng trị người phạm tội cũng như bảo vệ sự vững mạnh
của thể chế.
Ngôn ngữ và giọng điệu của
hai nhân vật (vô danh và ẩn danh) vừa kể khiến tôi nhớ đến vài vị văn
nghệ sĩ (tên tuổi) khác đã từng hùng hồn lên tiếng trong chiến dịch
đấu tố “nhóm phá hoại Nhân Văn – Giai Phẩm,” từ hơn năm mươi năm trước:
- Huyền
Kiêu:
Cuối năm 1956, trong lúc tình
hình cách mạng gặp khó khăn, thì một số phần tử xấu trong giới trí thức văn
nghệ, tưởng rằng thời cơ “làm ăn béo bở” đã đến, vội vã dương lá cờ rách Nhân
văn nhảy lên võ đài, khua môi múa mỏ, với dã tâm, bóp méo, xuyên tạc những
khuyết điểm của ta về văn nghệ, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng trong văn
nghệ, và từ địa hạt văn nghệ, lan sang các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, bôi
xấu, vu cáo toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng, hòng cản trở bước tiến lên xã hội chủ
nghĩa của miền Bắc nước ta...để bôi đen chế độ miền Bắc, xuyên tạc sự lãnh đạo
của Đảng.
- Đỗ Nhuận
:
Trần Dần dùng ngòi bút viết lên
bao thứ bài thơ như “Nhất định thắng”, chuyện “Cò Lấm”, “Lão
Rồng”, “Em bé làm văn” v.v…, để bôi đen miền Bắc và con người của
chế độ ta...
Năm 1952 anh đi theo đường lối
văn nghệ của Đảng và theo kinh nghiệm của đường lối văn nghệ Trung Quốc, nên
anh đã có một số sáng tác dùng được; vài năm sau anh nói với tôi rằng: “Không
nên theo đường lối Trung Quốc vì như thế là đi đường vòng quanh, phải đi đường
thẳng”.
Đường thẳng là thế nào? Khi anh
sang Trung Quốc, anh rất thích cái lý luận của tên phản động Hồ Phong ở Trung
Quốc, anh nhập cái tư tưởng phản động của Hồ Phong vào người và ban phát nó cho
một số người bạn của anh vì theo anh đó là con đường thẳng. Hồ Phong dùng hình
ở mũi dao cắm vào lưng người văn nghệ sĩ để mạt sát và chống lại sự lãnh đạo
văn nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì trong bài thơ “Nhất định thắng” anh
cũng dùng hình ảnh “Con dao dựa cùn chém trộm ngang lưng” để vu khống, xuyên
tạc sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam.
Trần Dần sinh năm 1926, Bùi
Ngọc Tấn sinh năm 1934, Trương Duy Nhất ra đời 20 năm sau nữa. Cả ba đều
sống chung trong một môi trường xã hội mà “dối trá” là “phương
châm” để sinh tồn. Tuy thế, họ đã lựa chọn một thái độ sống khác:
Phải làm một người chân thật…
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Cái giá để đi trọn đời
trên con đường chân thật, tất nhiên, không rẻ. Phùng Quán
đã phải trả bằng cả một cuộc đời (cá trộm, rượu chịu, văn chui)
cùng với vài “ba chục năm sống trong nơm nớp, nghe tiếng chó sủa lạ
cũng giật mình thon thót” – theo lời của Nguyễn
Quang Lập. Dù sao, thế vẫn hơn mười lăm năm tù và mười lăm năm
quản chế mà Đảng và Nhà Nước đã dành cho Thụy An cùng Nguyễn Hữu
Đang – với tội danh ... gián điệp!
Những hình phạt hay những
bản án khắc nghiệt mà chế độ hiện hành đã quen dùng trong mấy chục
năm qua – xem ra – không “cảnh tỉnh” và cũng chả “răn đe” được người
dân, như mong đợi. Thể chế cũng chả vì thế mà “vững mạnh” hơn,
nếu chưa muốn nói là hoàn toàn ngược lại: mỗi ngày một thêm lụn
bại và rệu rã!
Nhà đương cuộc Hà Nội không
thể bắt giam hết cả ngàn Trương Duy Nhất đang có mặt khắp nơi. Và dù
họ có làm được như vậy chăng nữa thì sẽ có hàng chục ngàn Trương
Duy Nhất khác sẽ xuất hiện trong những ngày tháng tới.
No comments:
Post a Comment