Hà
Giang/Người Việt
Monday, March 17, 2014 12:49 PM
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Qua cuộc tranh hùng hết sức gay cấn ở Pasadena cuối tuần qua, đầu bếp Perry Yeung đã đưa thức ăn Việt Nam vượt qua một chặng quan trọng, lọt vào đấu trường trong vòng chung kết tại Caesars Palace, Las Vegas vào cuối tháng Tư tới đây.
Sáu đầu bếp tranh tài trong cuộc thi Culinary
Battles chụp hình lưu niệm sau khi kết quả được công bố. Từ trái: Correy Vũ,
Uyên Thy, Perry Cheung (đoạt giải với thức ăn Việt Nam), Chris Oh (đoạt giải
với thức ăn Đại Hàn), Yoya Takahashi và Erwin Tjahyadi. (Hình: Dân Huỳnh/Người
Việt)
Cuộc thi có tên là “Culinary Battles”, diễn ra ở
trường nấu ăn Le Cordon Bleu College of Culinary Arts, tại thành phố Pasadena,
California.
Culinary Battles do công ty Caesars Entertainment tổ chức, năm nay là năm thứ hai, với mục đích đi tìm và quy tụ đầu bếp nổi danh tại các thành phố lớn, tạo điều kiện cho họ tranh đua để mong đoạt ngôi “vua đầu bếp Á Châu” tại Hoa Kỳ.
Culinary Battles do công ty Caesars Entertainment tổ chức, năm nay là năm thứ hai, với mục đích đi tìm và quy tụ đầu bếp nổi danh tại các thành phố lớn, tạo điều kiện cho họ tranh đua để mong đoạt ngôi “vua đầu bếp Á Châu” tại Hoa Kỳ.
Cùng thắng giải với đầu bếp Perry Cheung, chủ nhân
nhà hàng Phorage tại Los Angeles, là đầu bếp Chris Oh, sáng lập viên của Seoul
Sausage Company.
Khác với đầu bếp Perry Cheung, người gốc Trung Hoa,
nhưng đã nấu thức ăn Việt Nam để trổ tài, đầu bếp Chris Oh thắng giải nhờ
thực hiện hương vị Đại Hàn của quê hương mình.
Sự kiện một đầu bếp không phải là người Việt Nam
đoạt giải nhờ nấu món ăn Việt Nam khiến nhiều người tham dự gốc Việt chú ý.
Đầu bếp Uyên Thy, chủ nhân của Uyên Thy Bistro và
Corner View Bakery ở Little Saigon, dự thi với món Bò Lúc Lắc khẳng định: “Miễn thức ăn Việt Nam thắng là tốt rồi, tôi
thắng hay thua không thành vấn đề. Nếu được làm lại từ đầu, tôi vẫn phải chọn
thức ăn Việt Nam để giới thiệu đến mọi người.”
Một người tranh tài khác gốc Việt khác, đầu bếp
Corey Vũ, hiện đang dạy nấu ăn tại The Academy of Art Culinaire ở Garden Grove,
phát biểu: “Món ăn Việt Nam thắng,
dù là không phải do đầu bếp Việt nấu thì vẫn là điều tuyệt vời, vì điều này có
nghĩa là thức ăn Việt Nam đã được dòng chính chấp nhận.
“Tôi sẽ vui vô cùng, nếu trong đời tôi, mà có lúc tất cả trẻ em Hoa Kỳ
biết món phở là món gì, và mê ăn phở.” Corey nói thêm.
Đầu bếp Perry Cheung, thì hân hoan nói về lý do tại
sao đã chọn nấu thức ăn Việt Nam.
“Tôi gốc Hoa, nhưng sinh hoạt với rất nhiều bạn bè người Việt từ 15 năm
nay. Tôi hiểu thức ăn Việt, hiểu văn hóa Việt, và hiện đang làm chủ một nhà
hàng nấu thức ăn Việt, nên với tôi thức ăn Việt Nam rất gần gũi.”
Một
giờ căng thẳng toát mồ hôi
Không khí trong phòng họp gần nhà bếp của Le Cordon
Bleu College of Culinary Arts, tại thành phố Pasadena, California, sau khi có
kết quả thi thật thân mật và vui, đầu bếp dù thua hay thắng cũng ôm nhau mừng
rỡ, người cụng ly chúc mừng, kẻ hẹn gặp nhau ở Las Vegas.
Nhìn nét mặt thoải mái của họ không ai có thể hình
dung là vài phút trước đó, sáu đầu bếp đã trải qua một giờ đồng hồ hết sức căng
thẳng.
Thật thế, phải chứng kiến tận mắt, mới thấy một cuộc
tranh tài nấu nướng khó khăn nhứ thế nào.
Này nhé, chỉ vài phút trước khi lên “đấu trường” các
đầu bếp mới được biết hộp vật liệu mình được cung cấp có gì. Rồi chỉ trong
vòng một giờ đồng hồ ngắn ngủi, phải nghĩ ra cho được món ăn thích hợp với
nguyên liệu sẵn có, hoàn tất và trình bầy một món ăn sao cho vừa ngon miệng,
vừa đẹp mắt. Tất cả được thực hiện trong một nhà bếp hoàn toàn mới lạ, với máy
truyền hình và máy quay phim dí gần như sát vào mặt.
Các đầu bếp tranh tài căng thẳng trước các ống kính
truyền hình và máy ảnh. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Trong không khí gay go như thế, các đầu bếp còn phải
trả lời các vị giám khảo đi vòng vòng, hỏi thăm xem họ đang định nấu
món gì, thực hiện ra sao.
Rất may, mỗi đầu bếp được hai học sinh của trường
Cordon Bleu mặc đồng phục đứng gần đó để phụ giúp, lấy hộ lọ dầu ăn, miếng rau
diếp, hộp gia vị.
Hộp nguyên liệu có ba món chính: Thịt bò top loin
steak, bí rợ, và mè với ba hình thức khác nhau, mè rang, dầu mè, và paste mè.
Ngoài ba nguyên liệu chính, các đầu bếp có thể dùng thêm bất cứ rau cỏ hay gia
vị gì sẵn có trong nhà bếp của trường Cordon Bleu.
Ba đầu bếp Uyên Thy, Corey Vũ và Perry Cheung chọn
nấu thức ăn Việt Nam. Đầu bếp Yoya Takahashi, của nhà hàng Hamasaku, chọn nấu
thức ăn Nhật Bản. Đầu bếp Chris Oh, chọn nấu thức ăn Đại Hàn, và đầu bếp Erwin
Tjahyadi nấu thức ăn liên hợp Pháp Á.
Chà nấu thức ăn Việt Nam mà chỉ có bò beefsteak, bí
rợ và mè thì có lẽ hơi khó đó.
Nhìn các tay đầu bếp nhanh nhẹn tay thái thịt, miệng
gọi người phụ tá nhờ lấy hộ món này món kia, người đứng xem, đa số là giới
truyền thông báo chí, cũng hồi hộp lây.
Thấy đầu bếp Uyên Thy thái thịt bò thành những miếng
vuông nhỏ, một nhà báo gốc Việt thì thào: “À chắc Bò Lúc Lắc.” Chứng kiến
cảnh đầu bếp Correy Vũ đứng ở bếp bên cạnh thái thịt vụn ra rồi bỏ vào máy xay,
người khác lẩm bẩm, chắc làm món thịt viên gì đó.
Mọi người ái ngại khi nhìn đầu bếp Yoya Takahashi,
người Nhật, cả đời hầu như chỉ làm sushi, nhìn miếng thịt bò tần ngần. Còn
những đầu bếp khác không ai đoán được họ sẽ làm món gì, chỉ thấy những cái đầu
cắm cúi trước bàn, thay thái tay băm xoăn xoắt.
Tài
sáng tạo là quan trọng
Thời gian trôi nhanh quá, chỉ thoáng một cái đã gần
hết giờ. Giới truyền thông báo chí và người tham dự được mời qua phòng chấm
thi, nơi 4 giám khảo và vị điều khiển chương trình đã sẵn sàng chấm điểm.
Bốn vị giám khảo, toàn những tên lớn trong ngành ẩm
thực lần lượt chăm chú nếm từng món ăn của mỗi đầu bếp, sau khi nghe họ trình
bầy về món ăn do mình nấu.
Mỗi món ăn được chấm điểm trên năm khía cạnh khác
nhau, gồm: cách trình bầy; hương vị thức ăn; sự sáng tạo trong việc dùng nguyên
liệu được cung cấp để thực hiện đúng bản chất và hương vị của nền ẩm thực mình
đã chọn; có dùng hết tất cả các nguyên liệu được cung cấp không; và sự ngon
miệng của món ăn nói chung.
Đầu bếp Uyên Thy trình làng món Bò Lúc Lắc, với món
khai vị là Bò Tái Chanh, và gỏi cuốn với sà lách và bí rợ. Trong các đầu bếp,
bà là người trung thành với thức ăn thuần túy Việt Nam nhất, nhưng cũng có lẽ
vì như vậy mà bất lợi, vì món bò lúc lắc làm bằng thịt top loin
steak không được mềm mại như khi làm bằng thịt filet mignon.
Đầu bếp Corey Vũ trong lúc tranh tài. (Hình: Hà
Giang/Người Việt)
Đầu bếp Corey Vũ tỏ ra có tài sáng tạo cao khi trình
làng món bò viên được nắn chung quanh cây xả và chiên vàng. Ông dùng bí rợ xay
nát ra để thành món Gnocci, và món sauce của ông có vị cà ri nhẹ. Món thịt
viên của ông được giám khảo khen là ngon, tuy cả bữa ăn
hơi đơn điệu, thiếu cân bằng và nhiều dầu quá.
Đầu bếp Perry Cheung đoạt giải với món thịt bò nướng
được khen là ướp rất đậm đà, bí rợ thái hạt lựu xào lăn và món cilantro
emulsion, một loại dressing làm bằng ngò, chanh, gia vị, và dầu ăn.
Giải thích tinh thần Việt Nam trong món ăn của mình,
đầu bếp Perry Cheung cho biết ông hột ngò, dầu mè và xì dầu để ướp thịt, còn
trong món cilantro emulsion, ông dùng hạt mè, và nêm thêm nước mắm. Trên
đĩa thịt nướng là những sợi hành lá và ngò thái nhỏ, và một vài lát ớt xanh.
Các giám khảo khen thức ăn của Perry là “thịt ướp
rất đậm đà. Ngon nhất là khi trộn tất cả mọi hương vị cùng một lúc. Thịt béo
thơm, ăn với hành lá chẻ, chút xíu ớt cay, cilantro emulsion thơm và
chua dịu, mọi thứ rất cân bằng.”
Đầu bếp Chris Oh đoạt giải với đĩa thức ăn mà ông mô
tả đơn giản là “meat and potato” (thịt và khoai, vốn là hai món ăn người Mỹ rất
ưa chuộng). Giống như đầu bếp Perry, ông cho mọi người thưởng thức thịt nướng,
với sà lách khoai tây, có ướp dầu mè.
Thức ăn của ông được khen là “có rất nhiều hỗn hợp
rất đặc biệt, thịt ướp cay đậm đà, cháy xém bên ngoài, bên trong còn hơi hồng,
mềm mại. Potato salad giống như một buổi picnic ngoài vườn. Cứ mỗi miếng ăn
thực khách lại khám phá thêm một nguyên liệu mới.”
Tuy không đoạt giải, nhưng cả hai đầu bếp gốc
Việt vẫn vui.
Đầu bếp Correy Vũ nói:
“Tôi rất vui, vì có cơ hội để giới thiệu hương vị thức ăn của người Việt
Nam mình. Nếu được thi nữa, có lẽ tôi sẽ làm khác đi một chút, nhưng đó là
điều bí mật không thể tiết lộ.”
Đầu bếp Uyên Thy tuyên bố:
“Nếu thi nữa, tôi cũng vẫn cứ nấu thức ăn Việt Nam thuần túy. Thắng thua
không quan trọng lắm.”
Còn đầu bếp Perry Cheung, người thắng giải nhờ đưa
được tinh hoa của nền ẩm thực Việt Nam vào đấu trường thì tâm sự:
“Kỳ tới, tại Las Vegas, tôi sẽ cố gắng nấu thức ăn Việt Nam nữa. Vì thắng
được bằng thức ăn Việt Nam là điều rất khó, nhưng vì thế mà tôi lại thích. Tôi
cũng có thể chọn nấu thức ăn Tàu, nhưng thức ăn Việt Nam gần với trái tim của
tôi hơn.”
Bài
liên quan
No comments:
Post a Comment