Posted by Đài Đáp Lời Sông Núi at 8:17 AM
Ý chí khao khát tự do là điều bất diệt của nhân loại
và nó càng trở nên kiên cố vững mạnh hơn trong các chế độ độc tài. Trong chuyên
mục "Lá thư tuổi trẻ" do Phùng Kiên phụ trách tuần này,chúng tôi mời
quý thính giả theo dõi lá thư của Nguyễn Phương Nguyệt với sự trình bày của Mỹ
Linh.
-------------------------
Kính thư hầu thăm bác!
Thưa bác, có lẽ bác không biết cháu là ai, ở đâu và
bao nhiêu tuổi vì bác đã cách ly với đời sống bên ngoài quá lâu. Nhưng cháu
nghĩ rằng nếu bác có ở bên ngoài thì bác vẫn không biết được cháu là ai. Bởi
vì, thưa bác, chính quãng thời gian mấy chục năm trời dài đằng đẵng trong nhà
tù cộng sản của bác đã làm cho cháu biết đến cái tên Nguyễn Hữu Cầu và xúc động
mỗi khi nhắc đến tên của bác!
Đầu thư, cháu chỉ biết cầu mong bác thật may mắn,
mạnh khỏe và đấng bề trên sẽ phù hộ cho bác vượt qua mọi kiếp nạn!
Bác ơi, thưa thật với bác là cháu đã rơi nước mắt
khi nhận ra rằng cho đến thời điểm cháu ngồi viết lá thư này, độ tuổi của cháu
cũng chỉ bằng đúng chặng đường bác đã ngồi trong ngục tối Cộng sản, cháu thật
sự bàng hoàng khi nghĩ đến một người suốt mấy chục năm ngồi trong bóng tối của
cái ác và lòng thù hận mà kẻ độc tài đã phủ lên dân tộc. Cháu cũng vô cùng cảm
phục khi ngẫm nghĩ về sức sống mãnh liệt của bác, giữa bóng đen của tường vôi
và song sắt, không có tiếng chim hót, khí trời rất ít ỏi, bạn bè không có,
người thân không có, bữa đói bữa no, đến cả chuyện tắm rửa cũng không được tự
do, nói chung là mọi thứ đang chết dần chết mòn theo thời gian.
Trong lúc bác ngồi từng ngày, từng ngày nơi bóng tối
nhà tù, ngoài cuộc sống này, có một đứa bé, có nhiều đứa bé ra đời giống như
cháu đã từng, để rồi những đứa bé này lớn lên, học hành, kiếm sống, bương chải
ngoài đời, rồi lại thành hôn, lại mong đợi một thế hệ khác; bốn mùa luân
chuyển, đời người đổi thay theo thời gian, những nếp nhăn lại hằn dấu lên trán
và đôi khi, có một buổi chiều, đứa bé năm xưa lại ra ngồi ở một nơi nào đó, một
bờ sông, một gốc cây, một ghế đá để mà nhìn buổi chiều trôi qua, mà chiêm
nghiệm thời gian đang dần trôi qua trên mái đầu xanh... Thế mà, với bác, thời
gian đã đông cứng, đã đóng băng với một góc kỷ niệm mang theo lúc vào tù, thời
gian của bác là những gương mặt yêu thương của gia đình đang ngóng chờ mình
ngoài kia, bên kia song sắt.
Thời gian của bác là những giọt nước mắt rơi vì nhớ
nhà, nhưng nước mắt của bác đã khô thành những viên sỏi nhỏ, rơi xuống thềm xà
lim để rồi vài thế kỉ sau, ai đó vô tình đi ngang qua, nhặt được chiếc hộp đen
lịch sử này và giật mình nhận ra rằng vài thế kỷ trước, loài người, tổ tông đã
từng có người khóc mà nước mắt khô thành sỏi đá, đọng lại trên thềm xà lim của
một chế độ độc tài, tàn nhẫn!
Và con cháu của chúng ta sẽ rùng mình khi nghĩ rằng
vào thời tổ tiên của chúng, đã từng có một chế độ mà nước mắt, nỗi đau con
người đã chất thành những tường lũy bảo vệ cái chế độ đó tồn tại! Và có lẽ,
giữa triệu triệu giọt nước mắt của người hôm nay, người của những thế kỷ sau sẽ
bàng hoàng nhận ra giọt nước mắt của bé Trần Phan Yến Nhi, cháu gái của bác.
Những giọt nước mắt hồn nhiên, vô tư và đầy yêu thương, ân cần của một người
cháu dành tặng cho ông mình, những giọt nước mắt mong mỏi được ngồi tù thay thế
để ông được ra ngoài, chữa bệnh... Tất cả những giọt nước mắt ấy, nhân loại sẽ
ghi nhớ, nhân loại sẽ nghiêng mình trước lòng thành yêu thương và quả cảm này,
đồng thời nhân loại sẽ không tiếc lời nguyền rủa những kẻ không có trái tim,
những kẻ có lý lịch rất đỏ nhưng lại có máu rất xanh, những kẻ đã chà đạp lên
nỗi đau, quyền tự do và niềm kiêu hãnh làm người của đồng loại!
Bác ơi, cháu tin rằng sẽ sớm thôi, người Việt Nam,
dân tộc Việt Nam sẽ nhận ra rằng mình đã lún chân quá sâu vào hố sình độc tài,
và cơ hội rút chân ra là hoàn toàn không có nếu như người ta không chịu phá vỡ
bờ đập để xả nó chảy ra toàn bộ. Tuy rằng việc phá vỡ bờ đập cũng đầy nguy hiểm
nhưng không thể không phá nếu như con người còn muốn tồn tại đúng nghĩa hai chữ
này.
Bác ơi, cháu biết trong lúc cháu ngồi viết những
dòng thư này, bác đang phải chịu dày vò đau đớn bởi tuổi già, bệnh tật và nỗi
mất tự do, bên cạnh đó, nỗi nhớ người thân, gia đình, nỗi ưu tư không biết đến
lúc nhắm mắt xuôi tay, có được nhìn thấy những đứa cháu thân yêu, ruột thịt gọi
mình bằng ông mà kể từ lúc chúng ra đời cho đến nay, bác chưa hề được nhìn một
lần.
Cháu biết rằng trong hàng triệu nỗi đau của bác, có
cả nỗi buồn rằng đến khi tuổi già bóng xế, không được nhìn thấy con mình trưởng
thành ra sao, cháu mình lớn khôn như thế nào. Thật khó mà tả cho xiết nỗi lòng
của bác trong lúc này! Nhưng bác ơi, bác hãy vững tin lên bác nhé, cháu tin
rằng bệnh tật rồi sẽ qua, trời lại xanh trong và tiếng cười của cuộc đời lại
hiện ra trước mắt bác. Vì chúng ta, nói gì thì nói, vẫn đang sống trong một
nhân loại thông minh và hữu tình.
Chúng ta có thể không may mắn vì đã sống giữa xứ sở
của kẻ độc tài nắm quyền, nhưng chắc chắn rằng thế giới văn minh, tiến bộ và
giàu tình người vẫn dõi theo bước đi của chúng ta, vẫn đồng hành cùng chúng ta.
Và nếu như kẻ độc tài dùng thủ đoạn để cướp mất tự do thân thể của chúng ta thì
chúng cũng không tài nào nhốt được niềm kiêu hãnh của một người tự do, dám nói
và dám làm, dám đấu tranh cho lý tưởng tự do cho dù đến hơi thở cuối cùng. Bác
ơi, bác đã làm được điều này và bác đã khắc tên mình vào lịch sử nhân loại rồi
bác ạ!
Một lần nữa, cháu xin hiệp thông cùng những người
yêu nước, yêu tự do, dân chủ gửi đến bác lời cầu nguyện sớm bình phục sức khỏe,
sớm có tự do để gặp gia đình thân yêu của mình!
Cháu
Nguyễn
Phương Nguyệt
No comments:
Post a Comment