Nguyễn-Xuân
Nghĩa
Monday, March 24, 2014 3:18:38 PM
Và màn ảo giác của Obama
Trên chuyến bay qua Ðại Tây Dương để cùng các lãnh tụ Âu Châu thảo luận về đối sách với liên bang Nga, Tổng thống Barack Obama sẽ ngẫm lại chuyện mộng và thực...
Khi Vladimir Putin làm sĩ quan mật vụ cấp tá của cơ quan KGB và phục vụ tại Ðông Ðức thì Barack Obama còn là sinh viên. Là sĩ quan tình báo, Putin chứng kiến sự suy sụp và tụt hậu của liên bang Xô viết từ bên trong, còn cậu sinh viên lý tưởng Obama thì bất mãn về nhiều vấn đề xã hội bên trong nước Mỹ.
Khi Liên Xô tan rã, Putin hậm hực ngẫm lại tư thế đại cường của nước Nga. Còn Obama thì mơ chuyện cải tạo xã hội Hoa Kỳ theo quan điểm tiếp nhận được từ nước ngoài, nơi ông sống trong tuổi thiếu niên, và từ các nhà lý luận cực tả, thậm chí cộng sản như chính ông đã viết trong hồi ký.
Ngày nay, sự khác biệt ấy kết tinh vào một mâu thuẫn: khi cả thế giới chấn động về vụ Putin cưỡng đoạt Crimea và uy hiếp Ukraine thì Chính quyền Obama ưu lo chuyện sai biệt lợi tức và bất công xã hội.
Chúng ta sẽ có dịp trở lại chuyện xã hội này vào dịp khác trên cột mục “kinh tế cũng là chính trị.”
Nhớ lại thì sau khi đắc cử rồi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng Thống Barack Obama đã nói tới nhu cầu cải thiện quan hệ với liên bang Nga, qua khái niệm gọi sai là “reset” - the button. Ông muốn hòa giải với lãnh tụ Putin để cùng cải tạo quan hệ quốc tế và lấy một số quyết định ôn hòa hơn vị tiền nhiệm. Khi tái tranh cử, ông cũng nói thầm với Dimitri Medvedev tại Seoul, rằng nhắn với Putin là đợi ông tái đắc cử thì sẽ “linh động” hơn.
Barack Obama không hề nghĩ đến việc gây mâu thuẫn hoặc thậm chí xung đột hay tấn công nước Nga. Năm ngoái, ông còn thiết tha bán cái cho Putin giải quyết các hồ sơ gai góc của mình là Iran và Syria.
Chí tình đến thế thì thôi!
Nhưng vì ảo giác của mình, ông không hiểu tâm tư của Vladimir Putin.
Tổng Thống Putin đã thấy sự thịnh suy của nước Nga từ thời Liên Xô qua thời liên bang Nga. Ông ý thức được là nước Nga suy yếu từng bị các đại cường tấn công trong lịch sử. Khi Liên Xô tan rã, lãnh thổ Nga đã mất đất mất người. Sau đó, trong 10 năm khủng hoảng của Nga, lý tưởng dân chủ và tự do của các nước Tây phương, và của Chính Quyền Obama sau này, khiến nhiều nước Ðông Âu đi theo Âu Châu, cải tạo kinh tế và chính trị, được Minh Ước NATO bảo vệ.
Nhìn từ quan điểm của Putin, tấm khiên phòng thủ của NATO chính là mũi công về an ninh: vũ khí chiến lược của NATO đã vào sát biên giới Nga, có thể khống chế các biên vực và vùng trái độn để bảo vệ nước Nga. Ðằng sau là trào lưu dân chủ được Tây phương cổ vũ, là lý tưởng tự quyết của các sắc tộc. Nghĩa là hai mối nguy khác 1) cho chế độ tập quyền của Putin tại Moscow và 2) cho sự toàn vẹn của lãnh thổ Liên bang Nga.
Khác với tư duy lạc quan của những người tin tưởng vào sức mạnh của tự do và dân chủ, lãnh đạo nước Nga từ thời xa xưa cho đến Putin ngày nay đều bi quan về an ninh của tổ quốc. Họ đều có phản ứng lấy công làm thủ! Họ không quên rằng vào năm 1916 Tổng Thống Woodrow Wilson của Mỹ có thể là tay phản chiến còn hơn Obama, qua năm sau thì các sư đoàn Mỹ đã có mặt tại Âu Châu trong Thế Chiến II, khi nước Nga đổi chủ. Nước Ðức có thể bị khủng hoảng nặng về kinh tế và kiệt quệ về quân sự năm 1932, chứ qua thời Hitler, chỉ có sáu năm sau, Ðức là đại cường Âu Châu, và mươi năm sau khi tấn công thẳng vào lãnh thổ của Nga.
Vì suy nghĩ như vậy, sau khi khống chế Georgia năm 2008, Putin đã uy hiếp Ukraine nhờ vũ khí năng lượng là khí đốt vào đầu năm 2009, khi Obama đòi cải thiện quan hệ Mỹ-Nga. Qua năm 2010, Putin cải cách về quân sự và tung sáng kiến thực hiện chế độ Liên Hiệp Quan Thuế Âu Á, từ Âu sang Á, để dùng kinh tế và an ninh ràng buộc các nước biên vực. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn xúc tiến chương trình tài giảm binh bị với liên bang Nga qua hiệp định gọi là New START, và Obama hủy bỏ việc thiết lập lá chắn phòng thủ tại Ba Lan và Cộng Hòa Tiệp do Chính Quyền George W. Bush đề xướng.
Nhìn từ bên ngoài, ta thấy ra sự kiên trì hòa hoãn của tổng thống Mỹ và quyết tâm bành trướng của tổng thống Nga.
Ngẫm lại thì qua vụ Ukraine, Putin có loại quyết định hợp lý với lý luận của ông ta, và chẳng ngại gì khi bị kết án là tái diễn - hay hâm nóng - Chiến Tranh Lạnh. Hoặc trở về động thái của thế kỷ 19! Ðiều ấy có thể cho thấy trước nhiều nước cờ “lấy công làm thủ” của Putin.
Thí dụ như khuynh đảo nội tình hoặc uy hiếp biên giới Ukaine, khống chế các nước khác trong vùng biên vực, từ ba xứ Cộng Hòa Baltic tới Moldova, hoặc gây phân hóa trong nội bộ Liên Hiệp Âu châu nhờ vũ khí kinh tế, và ly gián Tây phương qua lằn nứt Âu-Mỹ, v.v....
Sau nhiều năm mộng du trong cõi viễn mơ, Barack Obama đang trở về với thực tế phũ phàng và sẽ phải quan niệm lại vai trò của nước Mỹ trong một thế giới không ổn định. Thế giới này vốn không ổn định và xưa nay Hoa Kỳ phải thực hiện chính sách quân bình các thế lực đối trọng ở bên ngoài, để các quốc gia cứ phải gườm nhau mà không xâm phạm vào quyền lợi của nước Mỹ.
Khi hữu sự thì để của đi thay người - người đây là sinh mạng của xứ khác.
Sau hai thế chiến đầy tổn thất sinh mạng của dân Mỹ, và sau thất bại thê thảm tại Việt Nam, Hoa Kỳ dưới các triều đại dân chủ hay cộng hòa đều tự điều chỉnh là ào ạt viện trợ về kinh tế và quân sự để khỏi đổ quân vào chiến địa. Sai lầm của Bush trong cuộc chiến đầy hao tốn chống khủng bố Hồi Giáo - hao tốn về kinh tế và chính trị hơn là sinh mạng chiến binh - đã giúp Obama đắc cử. Sai lầm của Obama đã khiến Putin có thể mạnh tay làm đảo lộn tương quan lực lượng tại đại lục địa Âu Á. Người sẽ kế nhiệm ông sau cuộc bầu cử 2016 sẽ lại điều chỉnh nữa, để Hoa Kỳ trở về chủ trương cố hữu của mình. Ðấy là lúc nước Mỹ sẽ gặt hái thành quả thật ra chẳng có gì bất ngờ, là kinh tế liên bang Nga sẽ lại hụt hơi và người dân nói đến thời “hậu Putin”....
No comments:
Post a Comment