Thursday, 20 March 2014

TAND HUYỆN VŨ QUANG - HÀ TĨNH TƯỚC QUYỀN KHỞI KIỆN CỦA CÔNG DÂN (PV.VRNs)




PV. VRNs
Đăng ngày: 21.03.2014

VRNs (21.03.2014) – Hà Tĩnh – Trong chuyến đi làm việc từ thiện vừa qua, VRNs nhận được hồ sơ kêu oan của ông Trần Quốc Toản, ngụ tại Xã Hương Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Toản cho biết, trường hợp của ông, chỉ là tiêu biểu cho một trong hàng trăm Dân oan, nạn nhân của chính sách “thu hồi, bồi thường, tái định cư…” với những “Dự án” không rõ hiệu quả ra sao, chỉ thấy trước mắt, như gia đình ông Toản, từ hộ dân sống thuần tuý dựa vào nông nghiệp với 18.831,6 m2 đất sử dụng từ 1967 (gần 50 năm), nay trắng tay, không đất đai, nhà cửa, nghề nghiệp… Đêm ngày đối phó với các vụ kiện mà người bị kiện chính là kẻ có quyền lấy đất của mình, tự tính toán bồi thường, tự lên kế hoạch, áp giá… và tự có quyền “cắt chế độ…”…nếu cảm thấy thích… Trọng tài ăn lương của người có quyền, nên có quyền “thích thì giải quyết, không thích thì tạm đình chỉ, đình chỉ” và có quyền phán: “Đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu TA giải quyết lại…”.

Ông Trần Quốc Toản (bên trái)

VRNs xin trình bày lại vụ việc của riêng gia đình ông Toản theo như hồ sơ ông cung cấp:

1. Ngày 17/8/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 16 quy định về đối tượng, điều kiện, chính sách và trình tự thực hiện “tự tái định cư” đối với các hộ dân phải di dời trong khu vực lòng hồ chứa nước Dự án thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, huyện Vũ Quang. Gia đình ông Trần Quốc Toản là một trong những hộ dân tự nguyện nộp đơn xin tự tái định cư đầu tiên theo Quyết định số 16 và được UBND huyện Vũ Quang phê duyệt theo Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 8/10/2011.

2. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự tái định cư, ông và bà con phát hiện cách làm của UBND huyện Vũ Quang có nhiều sai phạm. Cụ thể, theo ông cho biết:
(i) Đợt 1 có 416 hộ tự tái định cư (tự lo chỗ ở) không đồng tình với Biên bản áp giá, sau đó, cán bộ đe dọa nếu không nhận tiền thì sẽ không cho đi tự tái định cư nữa và tuyên truyền cứ nhận tiền đi thiếu gì thì bổ sung sau. Sau đó, người dân nhận tiền, thì cán bộ trả lời với dân: đủ rồi không bổ sung nữa. Theo quy định của Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 16/6/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Biên bản áp giá phải có chữ ký của các thành viên hội đồng, chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) và đóng dấu theo quy định, tuy nhiên ông thấy Biên bản áp giá lại không có chữ ký.
 (ii) Sau khi áp giá tài sản, đất đai, người dân đã nhận tiền nhưng đến thời điểm hiện nay, hàng trăm hộ dân vẫn không nhận được quyết định thu hồi cụ thể diện tích đất của gia đình mình sử dụng.

3. Không đồng ý với cách làm của UBND huyện Vũ Quang nên ngày 20/5/2012 ông nộp Đơn khởi kiện đến TAND huyện Vũ Quang, yêu cầu:
(i) Buộc UBND huyện Vũ Quang ban hành quyết định thu hồi đất của gia đình ông theo quy định pháp luật;
(ii) Buộc UBND huyện Vũ Quang phải tính đúng, tính đủ diện tích đất, loại đất thực tế của gia đình ông để bồi thường theo quy định của pháp luật;
(iii) Buộc UBND huyện Vũ Quang phải tính đúng, tính đủ diện tích công trình xây dựng, tài sản, cây cối có trên đất bị thu hồi của gia đình ông để bồi thường theo đúng quy định của pháp luật;
(iv) Buộc UBND huyện Vũ Quang phải tính giá bồi thường đất đai, nhà cửa, công trình, vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất bị thu hồi của gia đình ông để bồi thường theo đúng quy định của pháp luật;
(v) Buộc UBND huyện Vũ Quang tính đúng, tính đủ các khoản hỗ trợ cho gia đình ông theo đúng quy định của pháp luật.
TAND huyện Vũ Quang đã thụ lý vụ án theo Thông báo thụ lý vụ án hành chính số 02/2012/TLST-HC ngày 6/7/2012 về việc: “Khởi kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” giữa ông và người bị kiện – UBND huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (“Vụ kiện thứ nhất”)

4. Sau khi thụ lý vụ kiện thứ nhất, ông Toản cho rằng, nhằm che giấu việc làm sai trái của huyện, đồng thời, do tức giận ông Toản đã khởi kiện, nên UBND huyện Vũ Quang đã ra Quyết định số 318/QĐ-UB ngày 02/8/2012 (“Quyết định số 318/QĐ-UB”) với nội dung: cắt chế độ “tự tái định cư” đối với hộ gia đình của ông và chuyển gia đình ông sang chế độ “tái định cư tập trung”, (đồng nghĩa với việc gia đình ông bị “cắt” 100.000.000 đồng) mà không nêu rõ lý do. Quyết định 318/QĐ-UB, theo ông Toản và Luật sư của ông nêu ra: quyết định này ban hành căn cứ văn bản đã hết hiệu lực pháp luật, Ban bồi thường chỉ nói miệng “cắt chế độ” chứ không có văn bản, không nêu lý do tại sao cắt chế độ…
Không đồng ý với Quyết định số 318/QĐ-UB nên ngày 16/8/2012, ông nộp Đơn khởi kiện tại TAND huyện Vũ Quang, yêu cầu: Tuyên hủy Quyết định số 318/QĐ-UB. TAND huyện Vũ Quang đã thụ lý vụ án theo Thông báo thụ lý vụ án hành chính số 07/2012/HC-ST ngày 28/9/2012 (“Vụ kiện thứ hai”).

5. Ngay trong ngày 28/9/2012, sau khi Toà thụ lý Vụ kiện thứ hai, TAND huyện Vũ Quang cũng ra ngay Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 01/2012/QĐST-HC (“Quyết định tạm đình chỉ số 01/2012/QĐST-HC”). Nội dung: tạm đình chỉ giải quyết Vụ kiện thứ nhất, lý do: Cần đợi kết quả giải quyết của vụ việc khác có liên quan (tức Vụ kiện thứ hai). Mặc dù, nội dung khởi kiện của ông Toản đối với UBND huyện là hai vụ khác nhau. Vụ kiện thứ nhất ông Toản kiện UBND huyện về hành vi hành chính trong “lĩnh vực thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Còn vụ kiện thứ hai là kiện UBND huyện ban hành quyết định hành chính số 318/QĐ-UB “cắt chế độ tự tái định cư” của gia đình ông sai pháp luật.
Đúng ra, trong trường hợp này, TAND huyện Vũ Quang chỉ có thể nhập Vụ kiện thứ nhất và Vụ kiện thứ hai thành một vụ kiện để giải quyết theo qui định tại Điều 33 Luật Tố tụng Hành chính và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo đó, “Toà án có thể nhập hai hay nhiều vụ án hành chính đã thụ lý riêng biệt để giải quyết bằng một vụ án hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính; b) Việc nhập hai hay nhiều vụ án hành chính thành một vụ án hành chính phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử”.

6. Ngày 31/01/2013 TAND huyện Vũ Quang xét xử sơ thẩm Vụ kiện thứ hai và ra Bản án sơ thẩm số 01/2013/HC-ST (“Bản án sơ thẩm số 01/2013/HC-ST”) với nội dung: “Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Quốc Toản”.
Ngày 04/02/2013 ông đã làm Đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 01/2013/HC-ST. Ngày 28/5/2013 TAND tỉnh Hà Tĩnh ra Bản án phúc thẩm số 07/2013/HC-PT với nội dung: “Bác nội dung đơn kháng cáo của ông Trần Quốc Toản, giữ nguyên quyết định của bản án hành chính sơ thẩm số 01/2013/HCST ngày 31/01/2013 của Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh”.
 Ngay sau khi có Bản án phúc thẩm Vụ kiện thứ hai, ngày 13/6/2013 TAND huyện Vũ Quang đã vội vã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 01/2013/QĐST-HC (“Quyết định đình chỉ số 01/2013/QĐST-HC”), nội dung: đình chỉ giải quyết Vụ kiện thứ nhất, lý do: xét thấy người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 120 Luật Tố tụng hành chính… Tức cho rằng, Toà đã giải quyết xong cả hai Vụ kiện… Mặc dù, như trên đã nói, nội dung hai Vụ kiện là khác nhau.

7. Ông Toản cho biết, đang làm hồ sơ đề nghị có kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 07/2013/HC-PT (Vụ kiện thứ hai). Đồng thời Ông cũng sẽ tiến hành làm đơn đề nghị có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định đình chỉ giải quyết Vụ kiện thứ nhất của TA huyện Vũ Quang.

8. Theo nhận định, TAND huyện Vũ Quang ra Quyết định tạm đình chỉ số 01/2012/QĐST-HC là sai quy định pháp luật. Bởi lẽ, như trên đã nêu rõ, nội dung của Vụ kiện thứ nhất và nội dung của Vụ kiện thứ hai hoàn toàn khác nhau. Vụ kiện thứ nhất, ông khởi kiện hành vi hành chính của UBND huyện Vũ Quang với 5 yêu cầu cụ thể nêu tại Đơn khởi kiện. Trong khi đó, vụ kiện thứ hai, ông yêu cầu Toà tuyên huỷ Quyết định hành chính số 318/QĐ-UB, do sai pháp luật, tước bỏ quyền tự tái định cư của gia đình ông (tức tước bỏ 100.000.000 đồng) đã được hai Bên cam kết, thoả thuận. Toà không nhập Vụ kiện mà tạm đình chỉ là sai.

Quyết định đình chỉ số 01/2013/QĐST-HC của TA huyện Vũ Quang cũng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Quyết định đình chỉ số 01/2013/QĐST-HC ban hành trong khi Toà đang tạm đình chỉ, chưa giải quyết lại vụ án là không phù hợp. Viện dẫn căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 120 Luật Tố tụng hành chính để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng. Điểm đ khoản 1 Điều 120 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Toà án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính trong các trường hợp sau đây:… Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 109 của Luật này mà Toà án đã thụ lý”; khoản 1 Điều 109 Luật Tố tụng hành chính quy định: “…đ) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Rõ ràng, ở đây, “Sự việc…” mà ông Toản khởi kiện với 5 yêu cầu cụ thể… “chưa được giải quyết….”. Toà chỉ công nhận Quyết định 318/QĐ-UB là đúng, tức chỉ giải quyết việc UBND huyện cắt 100.000.000 đồng của hộ ông Toản. Nhưng còn lại các yêu cầu Tòa án giải quyết của ông Toản là: UB “thu hồi đất mà không có quyết định là trái pháp luật”; UB đã “tính sai loại đất của gia đình ông gây thiệt hại tiền bồi thường”; UB tính thiếu diện tích công trình xây dựng…”; UB “Áp giá quá thấp, không đúng Luật…”; UB “tính thiếu tiêu chuẩn, chế độ hỗ trợ…” thì chưa được giải quyết. Đình chỉ giải quyết, trong trường hợp này của TAND huyện Vũ Quang, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, tước bỏ Quyền khởi kiện, quyền yêu cầu TA giải quyết của công dân Trần Quốc Toản, được qui định tại Điều 103 Luật Tố tụng Hành chính.

Chúng tôi sẽ theo dõi và trở lại vụ việc này ngay khi có thông tin mới.

PV. VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats