Cập nhật lần cuối ngày Thứ ba,
11 Tháng 3 2014 19:55
Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã
sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến nhằm chiếm đóng một loạt
đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cao trào của hành động xâm lược
này diễn ra vào ngày 14/3/1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu
hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3
tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt
Nam.
Trong vụ thảm sát này, 64 binh
sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu
mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
Điều phải lưu ý là đây là lần
đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó,
với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua,
từ sự kiện 14/3/1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:
Đầu tiên, ngay sau ngày
14/3/1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã
ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu
Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp
Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam
tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ !
Sau đó thông qua người phát
ngôn của Tổng thư ký, Liên Hiệp Quốc đã nói rõ: không hề có tàu của Liên Hiệp
Quốc tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3/1988 !
Rõ là "cháy nhà ra mặt
chuột" và chính quyền Trung Quốc đã "lấy thúng úp voi", đã
"lấy thịt đè người" lại còn muốn lấy tay che mặt trời !
Đã không có tàu khảo sát khoa
học của Liên Hiệp Quốc thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công
tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện "ngậm máu phun
người" là sở trường của các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trước đó, năm 1962 Trung Quốc
phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2
nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem
60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sự việc rõ
ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là "phản kích tự vệ quân Việt
Nam xâm lược" !
Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc
lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3/1988?
Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ
Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình
hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số
người dân cực kỳ vất vả.
Cũng trong thời điểm đó, Liên
Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước
Washington, tự nhận là "NATO phương Đông" để nhận được nguồn tài
chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện
đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các
nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối
với Việt Nam.
Lợi dụng tình thế khó khăn đó
của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục
vụ cho ý đồ lâu dài.
Trung Quốc cũng là bậc thầy
trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những
hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ
súng rơi đúng vào 14/3/1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội ! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện
"tang gia bối rối" lại trở thành điều có thể lợi dụng được !
Câu chuyện xảy ra ngày
14/3/1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của
những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người
đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không
bao giờ được quên những điều sau:
Một là, lòng tin phải được đặt
đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành
động.
Hai là, cần phải hiểu về con
đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu
có phải là một quốc gia cộng sản đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là
chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ ?
Việc vô cớ đem quân đánh chiếm
các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường
lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và
phản bội đối với chủ nghĩa Marx - Lênin mà Trung Quốc từng sử dụng như một
chiêu bài.
Láng giềng là vĩnh viễn và
không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra
xa nhau !
Việt Nam cần và mong muốn có
một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy
cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề
"bất biến" là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo
nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố "ứng vạn biến" như
"mười sáu chữ", "bốn tốt" có thể dẫn đến những bước đi sai
lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc !
Chúng ta đã có được bài học đắt
giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy
cùng với sự kiện 14/3/1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại,
bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.
Các nhà sử học Việt Nam chân
chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và
công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14/3/1988 một cách khách quan để
rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn
nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.
Liêm Thạch
Nguồm: thanhnien.com.vn
Nguồm: thanhnien.com.vn
No comments:
Post a Comment