Thứ năm 20 Tháng Ba 2014
Hôm nay, 19/03/2014, Tổng thống Moldova tỏ ý muốn thúc
đẩy việc hội nhập với Liên Hiệp Châu Âu, vì sợ kịch bản Ukraina sẽ lặp lại với
chính nước mình.
Tổng thống Nicolae Timofti
tuyên bố, trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Rumani Traian Basescu, tại Iasi
(miền bắc Rumani) : « Tôi hy vọng nước tôi sẽ có được sự ủng hộ của Liên
Hiệp Châu Âu để ký nhanh nhất có thể được một hiệp định liên kết (giống như
Ukraina). Điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay tại khu vực ».
Moldova đề nghị Châu Âu làm rõ lộ trình hội nhập, Tổng thống nước Cộng hòa
thuộc Liên Xô nói thêm.
Moldova là một trong hai nước
thuộc Liên Xô cũ, cùng với Gruzia, đã đạt được thỏa thuận liên kết với Châu Âu
tại thượng đỉnh Đối tác Phương Đông của Châu Âu tại Vilnius, hồi tháng 11/2013,
sau khi Ukraina đột ngột bỏ cuộc. Thỏa thuận này trước khi được chính thức ký
kết còn phải được phê chuẩn trên phương diện pháp lý.
Kể từ cuối năm ngoái, Moldova,
quốc gia nhỏ bé với gần 4 triệu dân cư, lo ngại sức ép của Nga và kịch bản chia
cắt đất nước như kiểu Crimée sẽ tái diễn tại khu vực thân Nga Transnistria. Khu
vực hơn 500.000 dân này trên thực tế đã tự tuyên bố độc lập, với sự hậu thuẫn
của Matxcơva, cùng lúc với sự sụp đổ của Liên Xô đầu thập niên 1990. Cuối 1990,
xung đột bùng nổ giữa chính quyền Moldova với các lực lượng thân Nga tại vùng
Transnistria. Cho đến nay, nền độc lập của Transnistria không được nước nào
thừa nhận, kể cả Nga.
Quân đội Nga, kể từ đó, để lại
binh sĩ tại khu vực này, bất chấp cam kết rút quân năm 1999.
Hôm qua, thứ Ba 18/03, Tổng
thống Moldova cho hay người phát ngôn của chính quyền tự phong Transnistria đã
hướng đến Matxcơva để đề nghị được sát nhập, giống như Crimée. Nhắc đến cuộc
họp dự kiến tại Matxcơva vào ngày mai, bàn về vấn đề Transnistria, nguyên thủ
Moldova bày tỏ hy vọng rằng Matxcơva tính đến các phản đối của Liên Hiệp Châu
Âu và lập trường của Rumani và Moldova.
Theo nhật báo Nga Vedomosti,
được tờ Le Monde trên mạng (19/03/2014) trích dẫn, người đứng đầu thủ đô nước
cộng hòa tự phong Transnistria nói với đồng nhiệm Nga rằng, trong một cuộc
trưng cầu dân ý tổ chức năm 2006, không được Liên Hiệp Châu Âu thừa nhận, 97 %
dân cư vùng này muốn sát nhập với Nga.
No comments:
Post a Comment