Friday 7 March 2014

PHƯƠNG TÂY TRỪNG PHẠT MOSCOW SAU KHI VÙNG CRIMEA ĐÒI NHẬP VỚI NGA (RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ sáu 07 Tháng Ba 2014

Thông tin về việc Quốc hội Crimée thông qua yêu cầu sát nhập vùng này vào Nga đến ngay giữa lúc các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu đang họp thượng đỉnh bất thường tại Bruxelles hôm qua, 06/03/2014, bàn về khủng hoảng Ukraina.

Các lãnh đạo châu Âu đã lên án quyết định nói trên của Quốc hội Crimée và đã quyết định đình chỉ các cuộc đàm phán về visa với Nga và dọa sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt khác, đặc biệt là về kinh tế, nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Theo lời chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Matxcơva phải chấp nhận đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng với Ukraina trong những ngày tới và những đàm phán này phải nhanh chóng đạt kết quả.

Ông Van Rompuy cũng thông báo là Liên hiệp châu Âu sẽ ký hiệp định liên kết với Kiev trước cuộc bầu cử ngày 25/05 ở Ukraina.

Về phần Hoa Kỳ, hôm qua, tổng thống Barack Obama ra lệnh hạn chế cấp visa cho những cá nhân và quan chức bị xem là có trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc đe dọa chủ quyền Ukraina. Ông Obama cũng đã ký sắc lệnh cho phép phong tỏa tài sản các lãnh đạo Nga và Ukraina.

Hôm qua, tổng thống Mỹ đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin để nhấn mạnh rằng do Nga đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, cho nên Washington đã thi hành các biện pháp trừng phạt, với sự phối hợp với các đối tác châu Âu.

Nhưng ông Putin vẫn không nhân nhượng, theo tường trình của thông tín viên RFI Muriel Pomponne từ Matxcơva :
« Khi trao đổi với Barack Obama, ông Vladimir Putin vẫn giữ nguyên lập luận : ''Các lãnh đạo Ukraina đã lên nắm quyền bằng một cuộc đảo chính, muốn áp đặt những quyết định phi pháp lên miền Nam và miền Đông Ukraina. Nước Nga không thể làm ngơ trước những lời kêu gọi trợ giúp trong vấn đề này, cho nên đã có hành động để đáp lại những lời kêu gọi đó, theo đúng công pháp quốc tế.'' Ông Putin dường như còn nói thêm rằng quan hệ Nga-Mỹ có tính chất thiết yếu cho ổn định thế giới và mối quan hệ này không thể bị hy sinh cho những vấn đề quốc tế riêng lẻ, cho dù rất quan trọng. »

Như vậy Matxcơva dứt khoát không tỏ dấu hiệu yếu thế, nhất là trước những biện pháp trừng phạt đầu tiên của phương Tây. Matxcơva cho rằng những lời lẽ ở Bruxelles hôm qua là không thích hợp với trao đổi giữa hai đối tác. Ngành ngoại giao Nga phớt lờ hoàn toàn việc Hoa Kỳ hạn chế visa, khi nào mà những biện pháp này không liên quan đến ông Putin.

Về việc đình chỉ hợp tác quân sự giữa Mỹ và khối NATO với Nga, Matxcơva cho rằng đó là « tâm lý thời chiến tranh lạnh » và cảnh cáo rằng : « Những biện pháp trừng phạt giống như những boomerang sẽ quay trở ngược đập vào những người đã quyết định những biện pháp đó ». Về phần mình, các dân biểu Nga dọa sẽ tịch biên tài sản các công ty châu Âu và Mỹ trong trường hợp phương Tây trừng phạt kinh tế.

----------------------------------

Tú Anh  -  RFI
Thứ sáu 07 Tháng Ba 2014

Washington và Bruxelles cùng lúc thông báo một loạt biện pháp trừng phạt Matxcơva trong cuộc đọ sức được xem là gay go nhất từ khi Liên Xô sụp đổ. Hoặc Nga phải đàm phán tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng cho Ukraina hoặc sẽ bị từng đợt trừng phạt, mà mỗi lúc mỗi nghiêm trọng hơn. Giới đại gia và quan chức có thế lực sẽ bị tác hại đầu tiên do bị cấm visa, bị phong tỏa tài sản.

Nỗ lực đối thoại của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu với Nga hoặc qua các cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Serguei Lavrov tại Paris và Roma, hay qua hai cuộc điện đàm hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và tổng thống Nga Vladimir Putin đã thất bại. Dường như không một lập luận nào có thể thuyết phục được cựu trung tá mật vụ KGB từ bỏ ý định lấy lại vùng Crimée của Ukraina mà vào năm 1956, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrouchtchev quyết định trao cho Ukraina quản trị.

Vào lúc chính quyền mới tại Kiev tiến hành thủ tục giải thế nghị viện địa phương Crimée do phe thân Nga kiểm soát đòi « sáp nhập vào tổ quốc Nga », thì Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một loạt biện pháp cụ thể để trừng phạt chính quyền Nga nhưng chưa đụng đến kinh tế.

Tổng thống Mỹ ra lệnh cấm visa nhập cảnh, phong tỏa tài sản các quan chức Nga và Ukraina có trách nhiệm hay đồng lõa gây chia cắt lãnh thổ Ukraina.

Tại châu Âu, sau cuộc họp thượng đỉnh bất thường kết thúc vào chiều hôm qua 06/03/2014 ở Bruxelles, đích thân tổng thống Pháp thông báo một loạt biện pháp trừng phạt chính trị và ngoại giao.Theo một nhà ngoại giao tham dự cuộc họp khẩn cấp thì tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, kể cả thủ tướng Đức, người có lập trường khá mềm dẻo với ông Putin, cũng phải đồng ý là Liên Hiệp Châu Âu cần « phải cứng rắn hơn » với Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (tương đương với tổng thống) cảnh cáo : Matxcơva không xuống thang thì quan hệ của Nga với Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị « tác động ». Nga phải chấp nhận đàm phán với châu Âu « trong những ngày tới đây » và phải « đạt được kết quả » nhanh chóng.

Để gia tăng sức ép, Châu Âu thống nhất một chiến lược gồm ba giai đoạn : đình chỉ tức khắc tiến trình đàm phán bỏ visa nhập cảnh và thương lượng hiệp ước thương mại song phương. Nếu Nga bất động, bước trừng phạt thứ hai là nhắm vào giới lãnh đạo chính trị hay doanh nghiệp Nga như giới hạn visa nhập cảnh, phong tỏa tài sản và đình chỉ cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin vào tháng sáu tới tại Sotchi.

Trong trường hợp Matxcơva vẫn tiếp tục « âm mưu khuynh đảo Ukraina » thì sẽ gây hệ quả sẽ « lan đến các lãnh vực khác và nghiêm trọng hơn » trong quan hệ song phương giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga mà bước thứ ba là trừng phạt kinh tế và thương mại.

Tổng thống Pháp cho biết là toàn bộ 28 thành viên có cùng « tiếng nói » đoàn kết.

Trong số các biện pháp trên đây, phong tỏa tài sản và cấm visa du lịch có lẽ là biện pháp gây đớn đau nhất cho thành phần lãnh đạo chính trị và các nhóm lợi ích có tiền cất giấu ở tây phương. Thụy sĩ, Áo và Liechtenstein đã thông báo danh sách khoảng 20 nhân vật Ukraina trong đó có cha con cựu tổng thống Ianoukovitch. Được biết, chỉ mới ba năm hành nghề mà tài sản của nha sĩ Alexander Ianoukovitch cất dấu ở Thụy sĩ lên đến nửa tỷ đôla Mỹ .

Vấn đề là liệu Tây phương có sẵn sàng trừng phạt kinh tế Nga hay không, một nền kinh tế đang xuống dốc ? Theo giới phân tích, Đức đồng ý « cần phải cứng rắn » với Putin và tỏ ra rất năng động trong thời gian gần đây trên hồ sơ Ukraina, đưa đến sự sụp đổ của chính quyền thân Nga tại Kiev. Nhưng đầu tàu kinh tế của châu Âu cần đến 30% lượng khí đốt nhập từ Nga. Là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của Matxcơva, với 6000 công ty hoạt động tại Nga và 300.000 công ăn việc làm tùy thuộc vào quan hệ kinh tế song phương, liệu Berlin sẽ nhượng bộ hay chấp nhận thách thức đối đầu với Putin ?

Vì châu Âu không muốn chiến tranh, Putin biết rõ điểm yếu này nên khăng khăng đi tới. Vũ khí duy nhất còn lại là trừng phạt kinh tế. Kinh tế là tử huyệt của Putin.

Điều đáng lưu ý là sự lựa chọn của thủ tướng Angela Merkel, dưới sức ép của doanh nhân Đức, vào thời điểm quyết định, sẽ tác động lên quyết tâm của toàn Liên Hiệp. 




No comments:

Post a Comment

View My Stats