Saturday 22 March 2014

NÓI THÊM VỀ ĐẶC XÁ DÀNH CHO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM ĐINH ĐĂNG ĐỊNH (PV.VRNs)




PV.VRNs
Đăng ngày: 22.03.2014

VRNs (22/03/2014) – Sài Gòn - Sáng ngày 21/03/2014, gia đình một tù nhân ở Đắk Nông nhận được thông báo Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang quyết định đặc xá cho tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định, chiếu theo Điều 21 và Điều 22 Luật Đặc xá, công văn số 604/QĐ-CTN ngày 10/03/2014.

Theo những căn cứ luật pháp này, ông Đinh Đăng Định được đặc xá vì lý do “để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước”… chứ không phải vì bệnh ung thư. Ông được trả tự do “vô điều kiện” … “không phụ thuộc vào các điều kiện” bắt buộc của Nhà nước, nhằm “đáp ứng yêu cầu” đấu tranh dân chủ, quyền con người, chống bauxit…” về đối nội, đối ngoại”. 

Theo Luật đặc xá và Nghị định hướng dẫn kèm theo, để được đặc xá vì bị bệnh ung thư đòi hỏi rất nhiều điều kiện, thủ tục kèm theo… như phải có đơn xin, được Trại giam xác nhận là chấp hành hình phạt tốt… Nhưng trong trường hợp ông Đinh Đăng Định, Luật cho là “trường hợp đặc biệt” không cần điều kiện, thủ tục.

Quyết định đặc xá ông Định nêu rõ, căn cứ Điều 21 và Điều 22 Luật Đặc xá, ông Định được đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Luật Đặc xá ở Điều 21 “người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt” quy định: Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này.
Điều 22 “trình tự, thủ tục lập hồ sơ đặc xá trong trường hợp đặc biệt” quy định: Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc theo đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.”

Cô Đinh Phương Thảo, con gái ông Định nhận xét, đây là cách nhà cầm quyền hợp thức hóa việc làm sai trái của họ, “không thể hiện sự quan tâm gì của họ hết”.

Ông Định bị bệnh nặng trong thời gian bị giam tại nhà tù An Phước, nhưng không được đưa đi chữa trị, bất chấp nhiều sự kêu cứu từ bản thân ông và gia đình.

Hồi ngày 05.09.2013, ông Định cấp cứu tại bệnh viện 30 Tháng 4 Sài Gòn. Đến ngày 18.09, ông Định mổ cắt bỏ 3/4 dạ dày. Sau đó, bác sĩ cho biết, ông Định đang bị ung thư dạ dày.

Trong thời gian đó, gia đình ông Định làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng cho ông được “hoãn chấp hành” hoặc “tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù” trong trường hợp “bị bệnh nặng”, theo qui định tại điểm a khoản 1 Điều 61 và khoản 2 Điều 62 BLHS. Nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết cho gia đình ông theo như luật định.

Trong trại giam, ông Định nhiều lần yêu cầu cán bộ trại giam đưa ông đi bệnh viện chuyên khoa để chữa trị nhưng không được đáp ứng. Điều này, đã vi phạm vi phạm Điều 48 Luật Thi hành án Hình sự và Điều 13 Nghị định số 117/2011/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân”.

Không còn cách nào khác, gia đình ông Định đã đi gõ cửa các văn phòng Đại sứ quán Phương Tây tại VN. Sau đó, đến ngày 18.12.2013, các Đại sứ quán gửi thông cáo đến nhà cầm quyền yêu cầu phóng thích hoặc can thiệp chữa trị cho ông Đinh, nhưng nhà cầm quyền vẫn làm ngơ.

Cô Thảo kể lại: “Họ ra một thông báo chung gửi đến ông Chủ tịch nước, ông Phạm Bình Minh và các cơ quan chức năng đề nghị phóng thích bố tôi vì bệnh hiểm nghèo, hoặc ít nhất cho bố tôi điều kiện sống và được chữa trị ở một nơi tốt nhất. Họ đáp lời của các Đại sứ quán bằng cách cho bố tôi được chữa trị ở khoa chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viên Ung bứơu. Thời gian bố tôi nằm viện từ ngày 06.01 – 27.01, trong 20 ngày đó, bố Định không hề được chữa trị, không ăn được gì bệnh viện cũng không truyền nước, không hóa trị cho bố tôi… Sau đó, họ đưa bố tôi về trại giam…”

Hiện nay, tính mạng của ông Định đang trong tình trạng nguy kịch. Cô Thảo lo lắng:Sức khỏe xuống một cách trầm trọng không phanh. Bây giờ, bố tôi chỉ có 30kg. Tính mạng của bố cực kỳ nguy hiểm. Ở trên bệnh viện, qua các kết quả xét nghiệm cho thấy, 1/4 dạ dày còn lại của bố đã di căn, thận bị suy độ 4 không còn chức năng lọc tiểu và bài thải chất độc. Thời gian sống của ông đếm từng ngày”.

Mới đây ông cho biết có nhiều khả năng bị đầu độc trong nhà tù khi bị biệt giam và vì ông là một giáo viên môn Hóa học nên nhận diện được mùi của hóa chất dành cho bón cây được đưa vào nước uống của ông.

Ngày 15.02. 2014 ông được hoãn thi hành án vì bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Ngày 15.03 gia đình ông, dù không phải là Kitô hữu, đã đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Sài Gòn nằm trên đường Kỳ Đồng tham dự một giờ Hành hương Đức Mẹ và một thánh lễ để cầu nguyện đặc biệt cho ông. Sau đó một ngày gia đình đưa ông bằng xe cấp cứu trở về quê nhà ở Đăk Nông.

Ông Đinh Đăng Định, một nhà giáo bất đồng chính kiến, là người đã công khai lên tiếng phản đối dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng như kêu gọi đa nguyên- đa đảng cho Việt Nam. Ông vẫn còn nhiều trăn trở về các dự án bauxite mà chính ông và các trí thức ở khắp cả nước đã lên tiếng cảnh báo trước về hậu quả của việc khai thác bauxite  này. Một dự án không có lợi mà toàn có hại.

Sau đó, ông Định bị nhà cầm quyền quy kết vào điều điều 88 BLHS “Tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN”. Ông bị kết án 6 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 09.08.2012, và y án trong phiên tòa phúc thẩm ngày 21.11.2012, tại tòa án tỉnh Đăk Nông.

Trước đây, ông Định là một sĩ quan quân đội nhân dân VN. Sau đó, ông Định trở thành giáo viên dạy môn Hóa tại Trường PTTH Lê Quý Đôn ở tỉnh Đăk Nông.

Có một số Việt Kiều đã liên lạc gởi thuốc về với hy vọng giúp ông Đinh Đăng Định được giảm đau và thuyên giảm.

Việc chủ tịch nước Trương Tấn Sang buộc phải ký giấy trả tự do cho nhà giáo bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định cho thấy hiệu quả của các phong trào đấu tranh trong và ngoài nước, hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và sự quan tâm của các cơ quan ngoại giao. Tiền lệ hiếm có này làm dấy lên hy vọng lớn lao cho các tù nhân lương tâm khác như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, blogger Tạ Phong Tần, Luật sư Lê Quốc Quân,…

Pv.VRNs


No comments:

Post a Comment

View My Stats