Wed, 03/12/2014 - 23:28 —
ledienduc
Những chiến sĩ VN tay không
đang làm mục tiêu cho quân Trung Quốc, ngày 14 tháng 3, 1988.
Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, những khoảng cách xa mà rất
gần. Tính từ năm 1974 đến năm 1979 là 5 năm, từ năm 1979 tới 1988 là 8 năm,
nhưng các biến cố lịch sử diễn ra trong ba tháng đầu năm.
Từ gần 30 năm nay, sau kỷ niệm
về cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, thì tiếp đến cuộc chiến
chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979 và
cuối cùng là cuộc chiến Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, pháo
từ các chiến hạm của quân lực Việt Nam Cộng Hoà nã đạn vào tàu chiến của Trung
Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, mở màn cho cuộc hải chiến không
cân sức, trong đó 74 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Hoàng Sa bị quân Trung Quốc
chiếm đóng.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung
Quốc xua quân tấn công Việt Nam. Đây là cuộc chiến khốc liệt với mục đích
"dạy cho Viêt Nam một bài học" của Đặng Tiểu Bình. 600 ngàn quân
Trung Quốc ào ạt lấy thịt đè người, đã tàn phá tan tành 6 tỉnh biên giới. Nhưng
sự tấn công của Trung Quốc đã gặp lại sự phản công mạnh mẽ của quân và dân Việt
Nam. Ngày 5 tháng 3 Trung Quốc đã phải rút quân kéo theo sự thiệt hại nặng nề
về nhân mạng, ước tính 26.000 người chết (theo báo chí phương Tây) hay 62.500
người (theo báo Việt Nam). Hàng vạn binh sĩ và dân thường của phía Việt Nam bị
tử vong.
Cùng với các cuộc xung đột biên
giới cục bộ tiếp theo, ngày 13 tháng 3 năm 1988, quân Trung Quốc đưa quân xâm
chiếm các bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Do ba bãi
đá này không có quân đội đồn trú nên Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ. Ba tàu
vận tải của Việt Nam bị đánh chìm, 64 chiến sĩ thiệt mạng. Thực tế đây
chẳng phải là một cuộc hải chiến. Những chiến sĩ Việt Nam tay không bị súng đại
liên 25mm của Tàu nã thẳng vào cho đến lúc chìm xuống biển. Kể từ đó Trung Quốc
chiếm đóng bãi đá Gạc Ma và hai nước cùng cho hải quân ra đóng giữ một số đảo
đá ngầm khác mà hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Tưởng niệm ba sự
kiện liên tiếp trong ba tháng đầu năm, người Việt không khỏi uẩn ức, căm thù. Không phải chỉ vì ba
sự kiện này là bằng chứng cho thấy dã tâm bành trướng lãnh thổ của Trung Nam
Hải xuống phía Nam và Biển Đông không lúc nào thay đổi suốt từ hai thiên niên
kỷ nay. Mà là, thế cuộc xoay vần, lịch sử bị đánh cắp, tập đoàn cai trị cộng
sản Hà Nội hiện nguyên hình là kẻ nối giáo cho giặc, rước voi dày mả tổ.
Bất kỳ người Việt yêu nước nào
cũng cảm thấy bị xấu hổ và đau xót trước một tập đoàn cai trị hèn nhát, nhu
nhược, vì cái ghế quyền lực mà chà đạp lên lòng kiêu hãnh và tinh thần bất
khuất chống ngoại xâm của tổ tiên. Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã định hướng
lòng yêu nước của người dân theo thân phận của một kẻ nộ lệ, chư hầu.
Năm 1989-1990, hệ thống cộng
sản ở Đông Âu và Liên Xô phá sản, thành trì của phe xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ
hoàn toàn. Để có thể duy trì độc quyền cai trị, ĐCSVN không còn cách nào khác
là quay đầu trở lại đeo bám Trung Quốc.
Ngày 3- 4 tháng 9 năm 1990, Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí
thư ĐCSVN, Đỗ Mười,
Thủ tướng Chính phủ và Phạm
Văn Đồng, cố vấn Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN, đã ký kỷ yếu hội nghị
đồng thuận tại Thành Đô với Giang
Trạch Dân, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc và Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc, mở đầu một trang sử
tối tăm, nhục nhã trong quan hệ Việt- Trung.
Loại bỏ cụm từ "kẻ thù
truyền kiếp" ra khỏi bản Hiến pháp 1980, gắn bảng hiệu "4 Tốt"
và "16 chữ vàng", bất chấp lợi ích dân tộc và chủ quyền lãnh thổ,
những cú bắt tay tại Hội nghị Thành Đô là chính sách nhất quán của ĐCSVN. Điều
này được thể hiện trong thái độ cư xử với các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc
chiến bảo vệ Tổ quốc và trong kinh tế.
74 chiến sĩ của Quân lực VNCH
tử trận ở Hoàng Sa cho đến nay vẫn bị xem là "lính ngụy", không được
tôn vinh, tưởng niệm, gia đình của họ bị phân biệt đối xử.
Từ hội nghị Thành Đô cuộc chiến
chống quân xâm lược của Trung quốc hầu như không còn được nhắc đến trên báo
chí, truyền thông nhà nước tại Việt Nam nữa. Cuộc tượng niệm ngày 16 tháng 2
năm 2014 tại Hà Nội của những người yêu nước dưới chân tượng đài Lý Thái tổ bị
nhà cầm quyền ngăn chặn bằng mở nhạc ầm ĩ và một đám đông khiêu vũ "mừng
đảng mừng xuân"! Những người đã hy sinh trong cuộc chiến 1979 đã bị lãng
quên một cách có ý thức. Trong khi đó, một tác phẩm nói về lính Trung Quốc chết
trong cuộc chiến của nhà văn Mạc Ngôn do Trần Trung Hỷ dịch, lại được in và
phát hành tại Việt Nam năm 2009. Những tên lính xâm lược thậm chí còn được gọi
là "liệt sĩ", mồ mả được tôn tạo ngay trên đất Việt.
Trong ngày 1 tháng 1 năm 2013,
trả lời phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ Online Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguyễn Chí Vịnh đã nói:
"Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc
là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất
lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Trong cái "ủng hộ và hợp
tác cùng có lợi cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa" đó, đến hơn 90% các dự án
trọng điểm của Việt Nam lọt vào tay tổng thầu Trung Quốc. Lấy lý do giá chào
thầu rẻ, nhưng thực tế tiến độ thi công của dự án nào cũng chậm trễ, công nghệ
đưa vào Việt Nam lạc hậu.
Trung Quốc còn tham gia vào dự
án nhạy cảm, như thuê 50 năm gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn để "trồng
rừng", dự án Bauxite Tây Nguyên, các dự án nhiệt điện, cơ sở hạ tầng,
v.v...
Cùng với các dự án là đội quân
lao động Trung Quốc lên tới hàng chục ngàn kéo qua sống và làm việc, rải khắp
từ Bắc chí Nam.
Nguồn khoáng sản của Việt Nam
bị Trung Quốc khai thác ồ ạt, trực tiếp, hoặc đứng phía sau. Ở các tỉnh miền
Bắc có đến hơn 60% mỏ có dấu hiệu của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc còn giết chết hàng
hoá Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch. Nhiều loại hàng hóa không đảm bảo chất
lượng, chạy theo mẫu mã, thị hiếu, rẻ tiền và độc hại tràn lan, chiếm lĩnh thị
trường Việt Nam, không hề được kiểm soát, ngăn chặn. Việt Nam trở thành thùng
đổ rác khổng lồ của các ngành công nghiệp địa phương Trung Quốc.
Gần đây, số lượng các công ty
Trung Quốc mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam ngày một nhiều. Trong năm
2014-2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có kế hoạch cổ phần hoá 500 tổng công ty,
doanh nghiệp nhà nước, là cơ hội cho Trung Quốc nhảy vào. Nếu như họ mua nhiều
cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị thì cái vỏ là Việt Nam nhưng
thực chất là công ty Trung Quốc.
Theo số liệu tổng kết của Tổng
cục Thống kê năm 2013, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam
với mức 23,7 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu nguyên liệu,
khoáng sản thô, chỉ đạt 13,1 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam hiện rõ là một bức
tranh lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc. Tờ Global Times trong ngày 10
tháng 02, 2014, đã đe doạ "không có Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam có
thể bị lung lay".
Trong khi ôm chân Trung Quốc,
tập đoàn Hà Nội vẫn phải bám riết lấy thị trường Mỹ, hiện đóng góp 20% trong
tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu qua Mỹ năm 2013 đạt trên 25 tỷ
USD, trong khi nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD. Thặng dư bao nhiêu trong cán cân
thương mại Việt+Mỹ thì tâp đoàn Hà Nội mang đi vỗ béo hết cho hàng hoá của
Trung Quốc.
Thời gian trôi qua, nhưng những
khoảnh khắc sống động của lịch sử con người vẫn khắc vào tâm khảm. Gần 2000 năm
sau, nhân dân và lịch sử vẫn nhớ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40;
hơn một thiên niên kỷ sau vẫn nhớ trận Bạch Đằng Giang dìm quân Nam Hán của Ngô
Quyền vào năm 939; hơn 600 năm sau vẫn nhớ Lê Lợi đánh tan tác quân Minh và 4
thế kỷ sau vẫn nhớ đại thắng quân Thanh của Nguyễn Huệ.
40 năm hải chiến Hoàng Sa 1974
và 35 năm cuộc chiến biên giới năm 1979 và hôm nay 26 năm kỷ niệm cuộc chiến
Trường Sa 1988. Những khoảng thời gian rất ngắn trong trang sử hào hùng của dân
tộc, vĩnh viễn và vô tận.
Triều đại cộng sản Việt Nam tồn
tại được bao lâu nữa để giấu giếm những sự kiện trên? Nhưng dù thế nào thì nhân
dân cũng không bao giờ quên. Bởi vì, vì danh lợi mà quên máu xương của những
người đã nằm xuống bảo vệ non sông gấm vóc là tội ác.
© Lê Diễn Đức
No comments:
Post a Comment