Wednesday 5 March 2014

NHÀ MÁY LỌC DẦU DUNG QUẤT LẠI "BẢO DƯỠNG", TỐN 67 TRIỆU ĐÔ (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 05/03/2014

Khuất tất với “Lò chưng cất” có tên Dung Quất lại tạm nghỉ 2 tháng để “bảo dưỡng”, tốn 67 triệu đô

Ô hô! Thật khó tưởng tượng nổi, một khu liên hợp lọc hóa dầu khổng lồ, niềm tự hào của đất nước, thế mà trong suốt hơn 5 năm qua từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, nó đã phải tạm ngưng không biết bao nhiêu lần rồi. Cái sự tạm ngưng này quá nhiều, quá tai tiếng tới mức khi thì người ta phải thú nhận là “trục trặc kỹ thuật”, nhưng lúc thì sợ bị dư luận nổi điên hay sao đó, nên phải nại cớ “bảo dưỡng”.

Xin nhìn lại và tạm điểm qua lai lịch của nó:

- Dự án khổng lồ đầu tư 3 tỉ đô ngay từ ban đầu đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình, do nhiều lý do, trong đó có tính toán phải vận chuyển xa từ nguồn khai thác dầu, tốn kém tới mức sẽ bị lỗ triền miên.

Thế nhưng, ngay từ thời mồ ma cố TT Phạm Văn Đồng, nghe đâu đã có ý kiến của ông là ông muốn phải làm được cái gì đó để đóng góp cho quê hương. Rồi tới thời Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cũng có nguyện vọng tương tự. Báo chí phương Tây đã cho là việc xây dựng nó mang ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế. Còn trong nước, cho tới tận ngày khánh thành, câu hỏi về hiệu quả kinh tế vẫn được báo chí nhắc đến, và điều nực cười là nó lại được trả lời bởi ông Giám đốc nhà máy.

Trong suốt 15 năm “chuần bị” và xây dựng, chậm những 9 năm so với yêu cầu từ Nghị quyết 07/1997/QH10 của Quốc hội và Quyết định số 514/TTg của Thủ tướng Chính phủ, bị phía đối tác nước ngoài là Pháp và Nga “tháo chạy”, rồi chậm tiến độ nhiều năm, cuối cùng một mình PetroVietnam đầu tư.

Sự phí lý của nó tới mức mà những fan của cố TT Võ Văn Kiệt cũng phải coi đây là một trong những sai lầm lớn của vị Thủ tướng được tiếng đổi mới, có nhiều công tích cho dân cho nước hiếm hoi này.

- Khởi công 28/11/2005.

- Bắt đầu hoạt động từ tháng 1-2009.

- Từ đó, trong suốt năm 2009 phải tạm ngưng vài lần. Tháng 8 ngừng 1 tháng rưỡi, báo nói “chưa xác định được nguyên nhân”, nhưng cũng có thông tin cho là do một lỗi kỹ thuật trong một bộ phận cracking.

- Bộ Công thương quyết định nhà thầu phải bàn giao nhà máy vào tháng 11-2009, sau khi đã bị muộn so với kế hoạch đặt ra gần đó là vài tháng.


- Ngày 23/3/2011, ngừng hoạt động toàn bộ “theo kế hoạch” trong 2 tuần, để “kiểm tra các thiết bị, phụ tùng”.


- Ngày 7/7/2012 hoạt động trở lại sau 50 ngày ngưng để “tập trung xử lý triệt để các lỗi kỹ thuật trước khi nghiệm thu lần cuối cùng”.

- Tháng 8-2012, sau lần bảo dưỡng đầu tiên đúng 1 năm, Nhà máy đã phải ngưng hoạt động toàn bộ vì lý do “bất khả kháng”. Lần này vẫn ở bộ phận “cracking”. Đáng chú ý là lần này, mặc dù đã hoạt động được hơn 3 năm rưỡi, đã có thông tin nó được bàn giao từ hơn 2 năm trước, thế mà giờ thì lại cho là do “chưa bàn giao cho chủ đầu tư nên toàn bộ chi phí xử lý lỗi kỹ thuật đều do nhà thầu Technip chịu trách nhiệm”.
Đau đớn biết bao khi ngay tháng 5-2012 nó đã phải ngưng hoạt động vì những lỗi kỹ thuật “nhỏ”.

- Ngày 15/10/2012, đích thân Tổng giám đốc Tổng công ty chủ quản nhà máy họp báo bác thông tin cho là nhà máy vừa (lén?) dừng hoạt động 2 tuần. Ông chỉ công nhận vụ ngừng hoạt động trước đó 2 tháng.

- Cách đây đúng 2 năm, báo chí đưa tin Nhà máy này đang đàm phán bán 49% cổ phần cho 3 đối tác nước ngoài, không rõ sau đó sự vụ tới đâu rồi. Mò tìm thông tin tiếp thì hóa ra vụ này cù nhây mất 3 năm (có lẽ quá lớn, quá mạo hiểm nên chẳng ai dám mua), mới đây lại bàn tiếp vụ cổ phần hóa, mở rộng hoạt động.

- Mới cách đây 1 tuần, Nhà máy tổ chức kỷ niệm 5 năm tuổi, với đánh giá “đã vận hành 555 ngày đêm bảo đảm an toàn”. Chỗ này hơi khó hiểu (chắc phải những nhà chuyên môn mới giải thích nổi), đó là 5 năm tức là có 1.825 ngày đêm, thế mà chỉ có 555 ngày đêm “bảo đảm an toàn” thôi sao? Hay là chỉ có từng đó ngày là “vận hành”, còn gần 1.300 ngày kia là nó … “bị hành” vì hàng đống chi tiết kỹ thuật chất lượng kém nên luôn bị trục trặc?

- Dù sao thì qua báo nhà nước cho biết, thì tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu năm 2013 cũng vẫn được là 11,6%. Nếu tin vào thông tin này thì cũng tạm mừng. Có điều những lần “bảo dưỡng” kia, lần thì tốn 60 triệu đô, lần thì 67 triệu đô, sẽ được tính vào đâu, rồi lập lờ giữa “đã bàn giao” với “chưa bàn giao” thì chi phí sửa chữa cho bao nhiêu lần đó ai chịu, được tính vào đâu? Và còn nữa, là cái “lợi nhuận” kia, có được nhờ bao nhiêu phần trăm, khi mà nó được Thủ tướng cho hưởng “nhiều ưu đãi về thuế”? Còn việc chậm dự án tới 9 năm (dài đúng bằng cuộc kháng chiến chống Pháp), thì thiệt hại của nó được tính vào đâu?

- Đó là chưa nói tới việc được tiếng là to lớn, tốn kém, hiện đại đến vậy, mà vẫn liên tục bị người dân trong khu vực kêu than vì gây ô nhiễm, không rõ giờ đây khắc phục tới đâu rồi?

Khốn thay, với những công trình nho nhỏ mà bị trục trặc, thì báo chí nhao vào mổ xẻ còn được, còn với cái “lò chưng cất” khổng lồ này, thì khó lắm.

Từ câu chuyện một nhà máy khổng lồ mà chạy cà rịch cà tang theo kiểu này, thử tưởng tượng tới ngày “vận hành” Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai thì sao đây? Khủng khiếp!



No comments:

Post a Comment

View My Stats