Friday, 28 March 2014

NGƯỜI TÙ BẤT KHUẤT NGUYỄN HỮU CẦU (Mặc Lâm - RFA / Nguyễn Hữu Cầu)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-03-28

Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu đã được trở về với gia đình

Người ở tù lâu năm nhất Việt Nam Nguyễn Hữu Cầu cuối cùng cũng đã được trở về với tự do. Tuy già yếu và gia đình vẫn rất khó khăn nhưng hình như ý chí đấu tranh của ông vẫn không hề giảm sút sau 37 năm bị giam giữ.

Mời quý vị theo dõi câu chuyện của ông qua cuộc trao đổi với Mặc Lâm sau đây.

Mặc Lâm: Thưa anh đầu tiên là xin chúc mừng anh tuy muộn màng nhưng cuối cùng cũng đã về sum họp với con cháu nhất là đứa cháu nội rất dễ thương đã nhiều lần viết thư kêu cứu cho anh. Hiện nay anh đang nằm trong bệnh viện để kiểm tra lại sức khỏe của mình anh có thể cho biết cái cảm giác sau bao nhiêu năm mà anh không có được nó như thế nào?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Ngắn gọn là như giấc mơ! mình không ngờ là cuộc đời mình phủi hết, không còn gì hết, nhưng khi về còn được hai giọt máu, rồi thêm được hai, ba đứa cháu mà nó cũng có cái gene di truyền. Sao nó mới 13, 14 tuổi mà nó làm kinh động võ lâm, rồi nhờ chú bác ở ngòai cũng tiếp sức nữa nó mới mạnh để về!
Hoàn cảnh gia đình thì cũng ấm áp nhưng mỏng lắm. Thằng cháu dưới này đi dạy học một tháng bốn, năm triệu. Trên kia đứa con gái có cái tiệm giặt ủi rồi gom cho ba được 12 triệu năm trăm ngàn. Mình vô mới có ba ngày máu nó tính 14, 15 triệu, quỷnh quá tính dọt về chùa nằm, kệ mẹ nó chết sống gì cũng được, chứ không bây giờ về 32 năm không có lo cho các con, về báo cô, nó làm hết trơn tháng lương, lấy đâu mà lo cho mấy đứa nhỏ?
Rồi sau này có mấy ông bạn ở Sài Gòn gởi lai rai xuống cho cũng được bốn, năm trăm đô gì nữa, vậy cũng đủ rồi, mừng quá đủ trả tiền viện, rồi trả máu, rồi trả đại khái tiền thuốc của sáu ngày. Tính là chừng hai, ba bữa nữa xin xuất viện rồi đi Sài Gòn, nhiều anh em khuyên lên đó để họ sắp xếp.

Mặc Lâm: Nghe cái cách anh diễn ta thì coi bộ vẫn còn lạc quan lắm có thể vì được sống chung quanh bởi tình yêu thương của con cái, bạn bè cũng như là dư luận đã làm cho anh lạc quan hay là sự lạc quan này anh đã có trong trại từ lâu rồi thưa anh?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Thứ nhất cha tôi theo đạo Công Giáo mà mẹ tôi là Phật Giáo do đó Đức Jesus, Đức Thích Ca ngự trị trong tim mình, đức tin nó hướng dẫn cho mình sống. Rồi thêm những hoàn cảnh tù đày của bạn bè, những vấn đề đấu tranh của mình liên tục. Bởi vì mình chính nghĩa, thành ra mình cố gắng, nhờ như vậy nhiều lúc nó cũng mệt mõi lắm.
Rồi nhiều lần, hai lần định tự tử nhưng mà tới giờ đó tự nhiên tâm linh gì khiến mình mạnh mẽ lại. Có nhiều lần nghĩ đến ông Tổng thống Nelson Mandela ổng đáng tuổi cha mình vẫn ráng phấn đấu ở đến 27 năm. Lúc 18, 19 năm mình cũng thần tượng ổng lắm, mình tự hỏi tại sao mà con người chịu đựng được, rồi mình cầu nguyện luôn thông qua Thiên Chúa để có cái tâm linh kết nối với ổng.
Thành ra bây giờ có nhiều người bạn ở đây, khi về nó giỡn nó nói ông là Nelson Mandela. Tôi nói trời ơi, không có đâu! ông kia người ta vĩ đại còn mình, tại gặp cái đám này nó nhốt hoài thành ra là 32 năm. Chứ làm sao dám so sánh với thần tượng của mình là ông Nelson Mandela được.

Mặc Lâm: Dạ, những ngày cuối cùng trong trại khi anh được kêu lên xe để ra khỏi trại thì anh có tin đó là sự thật hay không? Anh có nghĩ tới điều đó trước khi được ra trại?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Giống như năm 2012, nó đem tôi ra, rồi Quốc hội có tới trại hỏi qua. Họ kêu tôi ra để lên xe, lúc đó tôi ở trại K3 lên xe rồi lên một chiếc xe nhỏ, đại khái xe du lịch. Trong trại mấy em chạy ra mừng, mừng anh về, mừng bác về! Đến chừng ra 200 thước, mở cửa xe bít bùng đặt xuống đút vô trại K3 lại!
Nó nhiều lần như vậy thành ra mình cầm tờ giấy đặc xá, tờ giấy nó cũng kỳ nữa, ở trên là Lệnh Đặc Xá của Chủ tịch nước, ở dưới là ký chứng nhận đặc xá của chủ tịch nước sao nó lòng thòng mà nó không hợp gì hết trơn.
Nó cũng hồi hộp, rốt cuộc lần này nó về thật. Rồi về mấy ngày, con cái nói thông tin này kia thì mình biết. À, coi như thế lực thập phương cũng như là khắp thế giới người này, người kia giúp đỡ tác động, đúng là bốn phương tám hướng. Chứ lúc đó mình đa nghi quá vì bị nhiều lần rồi, giống như con chim mà nó gặp cảnh kính cung chi điểu!

Mặc Lâm: Khi còn trong trại có bao giờ anh nghe được những quan tâm của xã hội bên ngoài nhất là ở hải ngoại về trường hợp của anh hay không? Có ai nói cho anh biết là truyền thông của thế giới, rồi người này người khác chẳng hạn như Hạ Viện hay Thượng Viện Mỹ đã tranh đấu cho trường hợp của anh?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Thông tin nó rất hạn chế. Mỗi lần có một người bạn tù thăm gặp thì luôn luôn trại nó bố trí hai ba cán bộ nó ngồi, nó kèm. Nhưng mà vẫn có rò rỉ nên tôi cũng biết được một số thông tin. Vừa rồi thằng cháu Võ Minh Trí nó tên Việt Khang có làm nhạc bên Asia, rồi một số mới vô sau này, mình biết thêm những gì nữa. Mình đói tin lắm, gom chút chút rồi xâu thành chuỗi và thấy được. Cũng từ cái đó là động lực khiến cho mình vươn lên chứ không thôi nhiều lúc nó mệt quá rồi, tới năm thứ 32 nó quá là mệt rồi, nhờ mấy cái đó giống như liều thuốc bổ nó làm dịu tâm hồn mình lại.

Mặc Lâm: Chúng tôi được biết có một thời gian rất dài anh không liên lạc với gia đình được, con cái thì không biết. Trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy làm sao anh vượt qua khi nguồn lực tài chánh cũng như thức ăn, thuốc men không có thì làm sao anh sống?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Dạ, suốt thời gian đó, nói ví dụ như thuốc hút hết mình thì lại ghiền, sáng sáng mò mấy cái đống rác gom lại được vài trăm cái đuôi rồi sả ra, tối lấy tờ báo cũng phì phà. Cơm thì trại lúc đó một tháng nó phát cũng đựợc hai chén muối mình phân ra. Tôi là chuyên gia ở biệt giam, ban đêm cóc nhái nó nỗi lên thì tự nói: thôi để tao nghe lời Phật, mày giúp tao sống, tao cũng làm được chuyện gì đó! Rồi bắt một, hai con rồi cũng làm. Thỉnh thoảng lắm năm, bảy ngày có rau tàu bay, rau sam gì cứ làm, lúc đó sao bao tử nó mạnh khỏe kỳ cục, ngày làm hai chén.  Kẹt lắm, có mấy em nó nuôi heo, nó quăng cho mấy miếng cơm cháy, mình đem mình hấp ăn thêm.

Mặc Lâm: Đó là những thiếu thốn về vật chất còn tinh thần thì sao anh? Anh thấy tình người giữa bạn tù với nhau hay sự đối xử của cán bộ quản lý trại giam họ có tình người hay không khi sống chung với anh một thời gian lâu như vậy?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Các anh em bạn bè xung quanh kể cả hình sự, chính trị mình không phân biệt. Mấy em thỉnh thoảng nó lên chú chú, anh anh thảy cho mình mấy cục đường, năm ba trái ớt. Rồi cán bộ mà thứ cao thì không có, thứ đại úy, thượng úy họ sợ liên hệ với mình. Nhưng ban đêm đi gác, họ nhá nhá, họ để cho hai gói thuốc, có khi để nửa ký đường cho mình.
Thậm chí có thời gian ở nhà gởi kinh Phật, thánh Kinh vô bị biên bản đốt, thì số cán bộ họ ra họ đọc họ nói: Trời ơi! Cái lời ông Jesus gì đó, ông Thích Ca gì đó hay quá mà sao đốt? thôi tôi cất lại cho anh, rồi tôi lấy báo ngụy trang đốt phừng phừng lập biên bản có đốt rồi, mai mốt anh mà được đặc xá hay mà được thả về anh ghé nhà tôi.
Hiện nay tôi có gần mấy chục cuốn Thánh Kinh và mấy Kinh Phật đó là do ba bốn ông cán bộ giữ dùm mình đó. Nói tóm lại trong cái âm có cái dương và trong cái dương có cái âm. Mình nghĩ vậy đó, nhưng mà điểm lại kẻ xấu, người tốt thì cứ nói là trời ơi, ngó xuống mà coi Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều! Hoàn cảnh nó vậy đó, chứ không phải tất cả đều xấu.

Mặc Lâm: Quay lại với lệnh Đặc xá của Chủ tịch nước, trong hoàn cảnh kéo dài ba mươi mấy năm trong tù của anh như vậy thì cái lệnh này nó có muộn màng lắm hay không? Anh cảm thấy xúc động hay biết ơn vể cái lệnh này ra sao?

Ô. Nguyễn Hữu Cầu: Dạ, xin thông qua cái đài này, cám ơn Chủ Tịch nước đã ký cho tôi cái lệnh về, nhưng mà tôi là rất bất đồng. Bởi vì trong bao nhiêu năm tôi gởi năm trăm lá đơn về cái vụ án, khởi điểm là tôi vì tố giác ông Viện trưởng Viện kiểm sát. Bây giờ nói thẳng phải gọi nó là cái thằng! Nó làm những chuyện hiếp dâm, cướp của. Nó đập đầu người vượt biên tới chết. Tôi gởi đơn ra tận báo Nhân Dân rồi sau cái đơn đó nó lộn về tỉnh, nó dùng quyền lực, nó bức chế tôi.
Tôi đầy đủ chứng cớ chứng minh là tôi không có tội. Rồi tiếp theo đó là vô tù, những cảnh mà cán bộ bán xì ke, ma túy, làm bia giả rượu giả, thực phẩm giả bán ra ngoài cho dân chúng ăn. Rồi lấy công xa chở gỗ từ Xuân Lộc về miền Tây bán, chở gạo về bán tại đất Xuân Lộc này chia hàng trăm triệu như vậy. Trong khi một người ở ngoài người ta lam lũ kẹt quá ăn cắp chiếc xe đạp hay là cái gì đó chỉ có năm ba chục ngàn là ở tù bảy tám năm, còn tụi nó đi một tuần về là vài trăm triệu!
Những cái đó tôi đã viết đơn tố cáo nó. Tố cáo trại K1, nó tôi đưa vô K2, tố cáo trại K2 nó đưa tôi vô K3, rốt cuộc rồi vì lý do đó mà nó không dám đưa cái đơn khiếu nại của tôi lên trung ương đảng và nhà nước. Bởi vì nó biết khi lên trung ương đảng và nhà nước này xét vụ án của tôi thì cái bọn tội phạm, cái bọn giám thị và cán bộ tội phạm nó sợ tôi xì hàng chục vụ án mà hồ sơ chứng từ, chứng nhân, chứng cứ, chứng lý và nhân chứng tôi đã nắm đầy đủ.
Hôm bữa tôi về nó không cho tôi ôm cái xấp hồ sơ đó về. Tôi nói nếu mấy ông không cho mang nó về thì tôi sẵn sàng xé cái giấy Chủ tịch nước cho tôi về! cuối cùng nó cũng phải cho tôi về. Thành ra để chữa bệnh xong tôi cũng tiếp tục làm cái công việc này, công việc đấu tranh cho hòa bình công lý rõ ràng chứ không thể xập xí xập ngầu!

Mặc Lâm: Trong hoàn cảnh bệnh hoạn của anh cộng với sự già yếu và mọi sự đã quá muộn màng rồi mà anh còn tiếp tục tranh đấu nữa thì có quá khổ cho thân anh quá hay không?

Ô Nguyễn Hữu Cầu: Dạ, nói thật với anh là người lính xông xáo như bốn năm chục năm về trước, một tháng ba mươi ngày thì tôi có thể lội rừng, nhưng lần lần thì tôi ngồi tham mưu cầm cái máy, cây viết, rồi bây giờ mà nói già quá thì cái sức cái lực của mình nó già nhưng mà nó phải tòng cái tâm của mình chứ không thể là bất tòng tâm được. Mình dùng chất xám của mình, dùng lời nói của mình để mà tiếp tục những công việc đó.
Bởi vì cả miền Bắc, miền Nam từ hồi xưa tôi quan niệm là cùng con cháu Hùng Vương cùng một trăm trứng sanh ra. Đất nước mình vô tình lọt vô hai cái thế lực như vậy. Nhưng những người miền Nam hiểu rõ, còn những người bị bịt mắt như con ngựa già của Chúa Trịnh nó khăng khăng nó đi. Bởi vậy phải từ từ cải tạo, phải làm lại chứ không phải một sớm một chiều mà được.  Quan niệm của tôi là như vậy, thành ra bây giờ có yếu thì tôi cũng dùng hết tất cả tâm huyết của mình bằng lời nói việc làm, bằng những ca khúc, bằng những vần thơ.  Nó không đến nỗi chạy lên núi xung phong như cách đây ba, bốn mươi năm, rồi B40, M72, mìn Claymore thiết giáp…vậy đó anh!

Mặc Lâm: Xin cảm ơn anh chúc anh sớm bình phục và hạnh phúc với con cháu.



No comments:

Post a Comment

View My Stats