Sunday, 23 March 2014

NGƯ DÂN VN BỊ TQ CƯỚP PHÁ : KHI CHÍNH TRỊ "HỮU NGHỊ" VÔ HIỆU HÓA NGUYÊN TẮC PHÁP LÝ SƠ ĐẲNG (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 23/03/2014

Lại phải nhắc lần nữa những lời hay ý đẹp của ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, rằng “Ngư dân là những chiến sĩ thầm lặng bảo vệ biển đảo”. Thế nhưng trên thực tế thì sao?

Phải khẳng định rằng họ đã và đang bị cư xử như những công dân không có quốc tịch. Còn nếu cố gán cho họ cái danh hiệu kia thì hẳn đó là những chiến sĩ … thất trận, đào ngũ. Bởi vì họ không được luật pháp và các cơ quan thi hành pháp luật bảo vệ khi có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam một cách trắng trợn bằng bắt bớ, cướp phá tài sản ngay trên vùng biển VN.

Rất dễ để chứng minh cho khẳng định trên, chỉ cần qua thông tin đã được công khai trên báo chí.

Thử hình dung, khi một người dân bị cướp tài sản, bị đánh đập, liền có công an vào cuộc, truy tìm thù phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cuối cùng là tòa xử bỏ tù kẻ gây án và bắt chúng bồi thường thiệt hại tài sản và sức khỏe người bị hại.

Thế còn “những chiến sĩ thầm lặng bảo vệ biển đảo” khi bị cướp phá, đánh đập thì sao? Họ cũng liền … “thầm lặng” chịu đựng. Suốt bao năm nay, không hề nghe một vụ cướp phá, đánh đập, thậm chí cả giết hại nhiều ngư dân trên biển được các lực lượng thi hành pháp luật khởi tố, điều tra một cách nghiêm túc. Tất cả chỉ thấy một ông “Người phát ngôn”, giờ là cái “Cục Lãnh sự” làm việc.

Hay là họ cũng … “thầm lặng” điều tra? Làm sao tin được khi hoàn toàn không có một dấu hiệu gì cho thấy rằng có.

Nào là Luật Hình sự, lại có thêm Luật Biển, ngoài Cảnh sát biển, còn có Bộ đội biên phòng, … rõ ràng công cụ pháp lý là mạnh hơn hẳn để bảo vệ “những chiến sĩ thầm lặng”, so với dân thường. Một khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, qua đó thu thập đầy đủ các bằng chứng trong công tác điều tra, củng cố hồ sơ từng vụ việc, sẽ giúp cho tiến trình đấu tranh lâu dài cho chủ quyền biển đảo, không chỉ qua tòa án quốc tế, mà còn cho đấu tranh chính trị, ngoại giao. 

Liệu có thể đặt một dấu hỏi to tướng rằng đằng sau cái sự bất bình thường này là một ý đồ trao thêm rất nhiều bằng chứng pháp lý cho phía Trung Quốc, để chứng tỏ rằng những kẻ đang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền VN, vi phạm luật pháp VN đó là đúng.

Những “bằng chứng” đó sẽ còn được bổ sung bằng vô số không tính hết những trường hợp ngư dân VN không được bảo vệ, rồi vì lẽ sống, họ phải xin, mua giấy phép của TQ để đánh bắt hải sản ngay trên vùng biển của mình.

Từ đây có lẽ giúp lý giải thêm lý do vì sao nhà nước CSVN vẫn khăng khăng lờ đi không chịu đưa vấn đề tranh chấp biển đảo với TQ ra tòa án quốc tế, bất chấp rất nhiều khuyến nghị trong, ngoài nước. Họ cần thêm nhiều thời gian để phía “bạn vàng 4 tốt” củng cố thêm bằng chứng pháp lý thuận lợi như những gì vừa nêu?

Tất cả càng rõ hơn qua thông tin trên báo Người lao động đêm qua, cho thấy từ đầu năm tới giờ, đã có “gần 10 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, ngăn cản khi đang đánh bắt bình thường tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam”, thế nhưng ít ngày trước mới thấy phản ứng của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao VN với phía TQ về 2 trường hợp. Ngay cả 2 trường hợp khác được nhắc đến trong bài Ngư dân bị Trung Quốc tấn công, cướp phá: hỗ trợ 500.000 là xong, trước động thái của Cục Lãnh sự 3 ngày, cũng không nằm trong số vừa kể.

Cho nên, chỉ có thể kết luận như tựa đề bài viết, rằng bằng thứ chính trị “hữu nghị” với “bạn vàng”, chính quyền CSVN đã buộc ngư dân của mình sống trong điều kiện không được pháp luật bảo vệ. Càng tệ hại hơn khi họ đem những mỹ từ, vài động thái xoa dịu để khỏa lấp đi trách nhiệm của mình.



No comments:

Post a Comment

View My Stats