Monday 24 March 2014

MỸ VẬN ĐỘNG THẾ GIỚI CÔ LẬP NGA (tin tổng hợp)




Người Việt
Monday, March 24, 2014 2:07:56 PM

AMSTERDAM, Hòa Lan (AP) - Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Hai đã dùng cả một ngày cho các nỗ lực ngoại giao nhằm vận động cộng đồng thế giới ủng hộ nỗ lực cô lập Nga sau khi quốc gia này tấn công vào Ukraine.

Chỉ ít giờ sau khi đến Hòa Lan để tham dự một cuộc họp thượng đỉnh về nguyên tử, ông Obama có cuộc họp riêng với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn thường đứng về phía Nga trong các cuộc tranh chấp với Tây Phương, nhưng các giới chức Mỹ đã tìm cách thuyết phục Bắc Kinh dựa trên lập trường lâu nay của họ là chống lại các can thiệp từ bên ngoài, nhất là chính Trung Quốc cũng có nhiều vùng đang đòi tự trị.

Ông Obama tỏ ra thận trọng trong các phát biểu với ông Tập Cận Bình trước khi họp, nói rằng họ chỉ dự trù thảo luận tình hình Ukraine. Ông nói thêm rằng ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tìm cách giải quyết những bất đồng còn tồn tại trong mối quan hệ giữa hai quốc gia về những vấn đề như nhân quyền và tranh chấp trên biển.

Ông Tập Cận Bình trong khi đó nêu ra những lĩnh vực có thể hợp tác với Mỹ trước khi bước vào cuộc thảo luận liên hệ đến nhiều vấn đề. “Ðây cũng giống như là một thực đơn - và có rất nhiều món,” ông Tập cho hay qua lời thông dịch viên.

Cuộc họp với ông Tập Cận Bình khởi sự chuyến công du quốc tế kéo dài một tuần của ông Obama, trong đó vấn đề Nga chiếm Crimea là ưu tiên hàng đầu.

Vào hôm Thứ Ba, ông Obama sẽ có cuộc họp tay ba với thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye. Trước đó, ông sẽ họp với Thái Tử Mohamed bin Zayed của Abu Dhabi, vương quốc giàu có nhất trong liên bang Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập (UAE).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Hòa Lan de Volkskrant trước khi ông đến nơi này hôm Thứ Hai, Tổng Thống Obama nói rằng điều ông muốn gởi tới các nhà lãnh đạo Âu Châu là Tổng Thống Nga Vladimir Putin “phải hiểu những hậu quả về kinh tế và chính trị của hành động tại Ukraine.” (V.Giang)

----------------------

VOA
24.03.2014

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Mỹ và châu Âu đồng lòng trong việc tìm cách áp đặt trừng phạt lên Nga vì hành động của nước này ở Ukraine.

Ông Obama phát biểu trước báo giới ở Hà Lan trong một cuộc họp khẩn của nhóm G-7, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản, tập trung vào việc Nga sáp nhập Crimea.

Các nhà phân tích nói phiên họp này nhằm mục đích phối hợp những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow kể từ khi quân đội Nga tràn vào Crimea hồi đầu tháng này.

Nhóm các cường quốc công nghiệp thế giới dự kiến cũng sẽ đánh giá thiệt hại của bất kỳ biện pháp trả đũa nào của Moscow.

Tổng thống Obama hôm thứ Hai cho biết châu Âu và Mỹ đoàn kết ủng hộ chính phủ Ukraine và người dân Ukraine. Ông đưa ra phát biểu này sau khi ông gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Amsterdam.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, Ben Rhodes, nói với phóng viên rằng Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo G-7 khác sẽ sử dụng cuộc họp để báo hiệu trước những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Nga sẽ phải đối mặt "nếu Nga tiếp tục đường lối này."

Các nước cũng sẽ thảo luận về việc hỗ trợ cho Ukraine và làm thế nào để giao tiếp với Nga trong những tháng và năm tới. Ông Rhodes cho biết việc giao tiếp có thể xảy ra nếu Nga có những bước nhằm hạ giảm tình trạng căng thẳng.

Một hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân kéo dài 2 ngày tại The Hague, bắt đầu hôm thứ Hai, theo lịch trình là điểm nhấn trong chuyến đi kéo dài một tuần của Tổng thống Mỹ đến châu Âu và Ả-rập Saudi, trước khi bị lu mờ bởi những diễn biến ở Ukraine.

Vào thứ Ba, ông Obama sẽ tham gia vào một hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- Hye.

--------------------------

Steve Herman  -  VOA
24.03.2014

KYIV, UKRAINE — Thủ tướng lâm thời Ukraine thừa nhận rằng quân đội nước ông, bị vượt về quân số lẫn võ khí, đã được lệnh rút khỏi bán đảo Crimea. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật rằng Việc rút quân diễn ra trong khi Ukraine lên tiếng báo động rằng Nga, đã sáp nhập Crimea hôm thứ Sáu tuần trước, đang trong tư thế tiến vào lãnh thổ Ukraine. Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật từ Kyiv.

Mặc dầu còn có hy vọng rằng cuộc họp khẩn cấp của nhóm G-7 tại La Haye có thể sử dụng đường lối ngoại giao để làm lắng dịu cuộc khủng hoảng, các giới chức Ukraine nói rằng các khu vực biên giới miền bắc, miền nam và miền đông của Ukraine bị đặt trong tình trạng đe dọa ngày càng gia tăng, nhưng quân đội của họ sẵn sàng bảo vệ quê hương.

Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh Quốc Gia Ukraine, ông Andriy Parubi, nói rằng có khoảng 100.000 binh sĩ Nga được bố trí dọc theo các biên giới Ukraine.

Ông Parubi nói rằng mặc dầu có bảo đảm từ phía các giới chức Nga rằng họ tiến hành các cuộc thao dượt thường lệ, thật ra các lực lượng đó đang trong tình trạng báo động toàn diện.

Ông Parubiy cũng nói rằng chính phủ lâm thời của Ukraine cũng cho Nga kỳ hạn chót để trả tự do cho các sĩ quan Ukraine bị giữ tại Crimea sau khi quân đội Nga chiếm gần 200 căn cứ quân sự của Ukraine.

Nhiều giờ trước đó, Quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov xác nhận tất cả các đơn vị quân sự của nước ông và gia đình họ đã được chỉ thị rời khỏi Crimea bởi vì họ “bị đặt trong tình trạng đe dọa thật sự.”

Một số, có lẽ phần lớn là nhân viên trong một số đơn vị chủ yếu - theo các nguồn tin tại Kyiv - ở lại để tham gia quân đội Nga.

Nổi tiếng nhất trong số họ là Denis Berezovsky, cựu Tư lệnh Hải quân Ukraine, người đã được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó Hạm đội Hắc Hải của Nga. Giờ đây ông phải đối diện với tội phản quốc tại Ukraine, nơi quân đội gọi ông là kẻ phản bội.

Đại tá hồi hưu Volodmyr Voloshyn, chủ tịch liên đoàn thủy quân lục chiến Ukraine và cựu tham mưu trưởng Hải quân Ukraine, nói rằng ông thật sự không hiểu điều gì đã ép buộc các đồng nghiệp của ông quyết định như vậy. Ông nhắc lại rằng sau khi ly khai khỏi Liên Xô nhiều sĩ quan Ukraine đã bị cáo buộc là phản bội vì tuyên thệ bảo vệ Ukraine.

Việc mất Crimea, kể cả các căn cứ quân sự Ukraine, chiếc soái hạm và tiềm thủy đỉnh duy nhất là điều hổ thẹn đối với Ukraine, lực lượng của họ ít phản kháng, nếu có, trước quân số chênh lệch quá lớn chống lại họ.

Nhưng cựu bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Borys Tarasyuk nói rằng Washington và London phải chia sẻ trách nhiệm về việc mất Crimea. Ông nói:

“Tôi dám nêu đích danh Hoa Kỳ và Anh, là hai nước không thi hành cam kết của họ theo Văn bản ghi nhớ Budapest về bảo đảm an ninh quốc gia đối với Ukraine, liên quan tới việc Ukraine tham gia hiệp định không phổ biến võ khí hạt nhân như một quốc gia không có võ khí hạt nhân.”

Hiệp định chính trị năm 1994 được ký kết giữa Liên bang Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.




No comments:

Post a Comment

View My Stats