Friday, 21 March 2014

MỐI ĐE DỌA THỰC SỰ VÀ HIỆN HỮU CỦA TRUNG QUỐC (Foreign Affairs)




Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by News on March 21st, 2014

(Foreign Affairs, số tháng 9-10/2013)

Bây giờ là lúc Washington phải lo lắng.

Phần lớn tranh luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây tập trung vào các mối nguy hiểm tiềm tàng mà Trung Quốc có thể gây ra với tư cách một đối thủ cạnh tranh ngang hàng cuối cùng với Mỹ kiên quyết thách thức trật tự thế giới hiện nay. Nhưng một vấn đề khác còn gây áp lực hơn nhiều. Ít nhất trong thập kỷ tới, trong khi Trung Quốc vẫn tương đối yếu so với Mỹ, có một nguy cơ thực sự rằng Bắc Kinh và Washington nhận thấy mình đang ở trong một cuộc khủng hoảng mà có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Không như một cuộc ganh đua nước lớn chiến lược trong dài hạn có thể hay không thể phát triển trong tương lai, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng liên quan đến hai nước vũ trang hạt nhân là một mối lo ngại rõ ràng và trong thời gian gần – và những sự kiện xảy ra trong vài năm qua cho thấy nguy cơ này có thể đang tăng lên.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh và Washington đã xoay xở để tránh những cuộc quyết đấu nghiêm trọng trong một vài thời điểm : trong thời gian 1995-1996, khi Mỹ trả đũa những cuộc thử tên lửa của Trung Quốc mà nhằm mục đích cảnh báo các cử tri Đài Loan về sự nguy hiểm của việc đòi độc lập; vào năm 1999, khi các máy bay chiến đấu của Mỹ tình cờ ném bom sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trong cuộc không kích của NATO nhằm vào Serbia; và vào năm 2001, khi một máy bay do thám của Mỹ va chạm một máy bay chiến đấu của Trung Quốc, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và Bắc Kinh ra lệnh bắt giữ máy bay và phi hành đoàn của Mỹ. Nhưng việc không có sự leo thang nghiêm trọng những giai đoạn này không nên làm nảy sinh sự tự mãn. Không một sự kiện nào trong số chúng đủ tiêu chuẩn là một cuộc khủng hoảng thực sự: một cuộc đối đầu đe dọa những lợi ích sống còn đối với cả hai phía và do đó tăng mạnh nguy cơ xảy ra chiến tranh. Nếu Bắc Kinh và Washington tự nhận thấy mình đang ở trong kiểu quyết đấu đó trong tương lai gần, họ sẽ có động lực mạnh mẽ phải sử dụng đến vũ lực. Hơn nữa, những sự cám dỗ và những áp lực buộc leo thang sẽ có thể là cao nhất ở những giai đoạn đầu của cuộc đối đầu, khiến khó có thể sử dụng ngoại giao hơn để ngăn chặn cuộc chiến tranh.

Những giới hạn đỏ mong manh

Dường như những triển vọng cho cuộc khủng hoảng theo kiểu này trong mối quan hệ Mỹ-Trung đã giảm đi trong những năm gần đây khi những căng thẳng về Đài Loan dịu bớt, tháo ngòi nổ thùng thuốc súng đã thúc đẩy phần lớn việc đặt kế hoạch quân sự của Trung Quốc và Mỹ ở Đông Á kể từ giữa những năm 1990. Nhưng những điềm xung đột tiềm tàng khác đã xuất hiện. Khi Trung Quốc và các nước láng giềng tranh cãi về những hòn đảo và quyền hàng hải ở biển Hoa Đông và biển Hoa Nam (Biển Đông), Mỹ đã lặp lại những cam kết thỏa thuận của mình bảo vệ 2 nước đang không thừa nhận những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc là Nhật Bản và Philippines và nuôi dưỡng mối quan hệ ngày càng thân thiết với Việt Nam. Hơn nữa, “sự xoay trục” hay “tái cân bằng” của Chính quyền Obama sang châu Á, một sự chuyển hướng ngoại giao phù hợp với việc tái triển khai quân sự có kế hoạch, đã cho thấy Washington sẵn sàng can thiệp trong trường hợp xung đột khu vực.

Hơn nữa, Mỹ khăng khăng rằng luật pháp quốc tế cho nước này có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển và không phận quốc tế, được xác định là nằm ngoài giới hạn lãnh hải 12 dặm của một nước. Ngược lại, Trung Quốc khẳng định rằng các tàu quân sự và máy bay chiến đấu của các nước khác không được tự do bước vào “vùng đặc quyền kinh tế” rộng khoảng 200 dặm của mình mà không xin phép – một sự ngăn cấm, theo những yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, có thể khiến các tàu và máy bay quân sự của Mỹ không được lai vãng đến phần lớn biển Đông và không phận phía trên khu vực này. Những tranh chấp về quyền tự do hàng hải đã gây ra những cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, và chúng vẫn là điều có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Sự thật là Trung Quốc và Mỹ hiện nay không phải là đối thủ của nhau – chắc chắn là không theo cách mà Liên Xô và Mỹ từng có trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng nguy cơ xảy ra cuộc xung đột Mỹ-Trung có thể thực sự lớn hơn nếu Bắc Kinh và Washington bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh được mất ngang nhau, giữa sống và chết. Như các đối thủ có vũ trang đã sẵn sàng cảnh báo, Liên Xô và Mỹ hiểu rằng những lợi ích mâu thuẫn nhau một cách cơ bản của họ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh. Sau khi xem xét một số cuộc đối đầu căng thẳng nghiêm trọng đối với vấn đề Berlin và Cuba, họ đã đạt được sự hiểu biết về những lợi ích sống còn của mỗi bên – không bị thách thức nếu không có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng – và đã phát triển các cơ chế để tránh sự leo thang. Trung Quốc và Mỹ chưa đạt tới một sự hiểu biết chung tương tự về các lợi ích sống còn hay phát triển các biện pháp đáng tin cậy cho việc xử lý khủng hoảng.

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không xác định rõ ràng những lợi ích sống còn của mình khắp các khu vực rộng lớn ở Tây Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bổ không chính thức khác nhau về “những lợi ích cốt lõi” của mình mà đôi khi tiến xa hơn việc đơn giản là đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của đại lục và yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan. Ví dụ, Bắc Kinh đã đề xuất rằng nước này có thể coi các khu vực tranh chấp của biển Hoa Đông và Biển Đông là những lợi ích cốt lõi của mình.

Washington cũng mập mờ về những gì nước này xem là những lợi ích sống còn của mình ở khu vực này. Mỹ tránh trả lời câu hỏi liệu Đài Loan có nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ hay không. Và lập trường của Mỹ về những tranh chấp biển liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng của họ có phần không rõ ràng: Washington duy trì lập trường trung lập về những tuyên bố chủ quyền của đối thủ và khăng khăng rằng các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình nhưng cũng tái khẳng định cam kết sát cánh với các đồng minh của mình trong trường hợp có xung đột nổ ra. Sự mập mờ như vậy của Trung Quốc và Mỹ về “những giới hạn đỏ” mà không thể vượt qua được nếu không có nguy cơ xung đột làm tăng những cơ hội mà cả hai bên có thể thực hiện các bước đi mà họ cho là an toàn nhưng hóa ra lại là bất ngờ mang tính khiêu khích.

Còn nguy hiểm hơn cả Chiến tranh Lạnh?

Sự không chắc chắn về điều có thể đưa cả Bắc Kinh lần Washington đến nguy cơ chiến tranh khiến một cuộc khủng hoảng có nhiều khả năng xảy ra hơn, do cả hai phía đều không biết khi nào, ở đâu, hay chỉ là khó khăn như thế nào mình có thể thúc đẩy mà phía bên kia không thúc đẩy lại. Tình huống này có phần giống với những gì đã diễn ra trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, khi cả hai phía phải chịu nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới có thể hiểu được nhau và học được luật đi đường. Nhưng môi trường ngày nay có thể thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều.

Chẳng hạn, cán cân sức mạnh quân sự hạt nhân và thông thường giữa Trung Quốc và Mỹ lệch lạc hơn nhiều so với cán cân đã tồn tại giữa Liên Xô và Mỹ. Nếu Bắc Kinh và Washington tự nhận thấy họ đang ở trong một cuộc xung đột, thì lợi thể khổng lồ của Mỹ về các lực lượng thông thường sẽ tăng thêm sự cám dỗ đối với Washington đe dọa hay thực sự sử dụng vũ lực. Nhận ra sự cám dỗ đang đối mặt với Washington, đến lượt mình, Bắc Kinh có thể cảm thấy áp lực buộc phải sử dụng các lực lượng thông thường của mình trước khi chúng bị phá hủy. Mặc dù Trung Quốc không thể đảo ngược lại sự mất cân bằng về quân sự, nước này có thể cho rằng việc nhanh chóng áp đặt những cái giá cao đối với Mỹ là cách tốt nhất để khiến Mỹ nhượng bộ.

Thực tế là cả hai phía đều có kho vũ khí hạt nhân giúp kiểm soát tình hình, bởi vì cả hai phía đều muốn tránh những hành động sẽ mang lại sự trả đũa hạt nhân. Quả thật, nếu chỉ những xem xét hạt nhân là quan trọng, các cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung sẽ rất ổn định và không đáng để lo lắng quá nhiều. Nhưng các lực lượng thông thường của cả hai phía làm phức tạp vấn đề và làm xói mòn sự ổn định mà sự răn đe hạt nhân mang lại. Trong một cuộc khủng hoảng, cả hai phía có thể cho rằng việc sử dụng các lực lượng thông thường sẽ mang lại đòn bẩy thương lượng, khiến phía bên kia lo sợ về sự leo thang thông qua cái mà nhà kinh tế học Thomas Schelling gọi là “một cuộc cạnh tranh chấp nhận mạo hiểm”. Trong một cuộc khủng hoảng, Trung Quốc hay Mỹ có thể cho rằng mình đánh giá được cái gì đang bị đe dọa hơn người khác và do đó sẵn sàng chịu mức độ rủi ro cao hơn. Nhưng bởi vì việc sử dụng các lực lượng thông thường sẽ chỉ là bước đầu trong một tiến trình không thể dự đoán được dựa trên sự nhận thức sai, những bước đi sai lầm, và sự tính toán sai, không có gì đảm bảo được rằng chính sách bên miệng hố chiến tranh sẽ chấm dứt trước khi nó dẫn đến một thảm họa hạt nhân bất ngờ.

Hơn nữa, Trung Quốc hiển nhiên tin rằng sự răn đe hạt nhân mở cửa cho việc sử dụng an toàn lực lượng thông thường. Do cả hai nước đều lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng, người Trung Quốc dường như cho rằng cả họ lẫn người Mỹ đều không cho phép một cuộc xung đột quân sự leo thang quá xa. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Xôviết đã cho thấy rằng họ sẽ sử dụng bất cứ biện pháp quân sự nào cần thiết nếu có một cuộc chiến tranh – đó là một lý do tại sao chiến tranh không bao giờ xảy ra. Thêm vào đó, chính sách “ không sử dụng trước” hạt nhân, điều hướng dẫn sự chuẩn bị và huấn luyện cho xung đột của Trung Quốc, có thể củng cố lòng tin của Bắc Kinh rằng một cuộc chiến tranh có giới hạn với Mỹ sẽ không có nghĩa là có nguy cơ leo thang hạt nhân. Vì những sự tin tưởng của mình, Bắc Kinh có thể ít thận trọng hơn về việc thực hiện những bước có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng. Và nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra, Trung Quốc cũng có thể ít thận trọng hơn về việc bắn phát súng đầu tiên.

Những sự tin tưởng như vậy là đặc biệt đáng ngại do những sự phát triển gần đây về công nghệ đã cải thiện đáng kể tính chính xác và tính hiệu quả của các khả năng quân sự thông thường. Tính sát thương của chúng có thể mang lại cho bên tấn công trước lợi thế lớn, thứ mà nhìn chung không thực sự là các hoạt động quân sự thông thường ở chiến trường chính châu Âu diễn ra cuộc đối đầu Mỹ-Xôviết. Hơn nữa, do các hệ thống máy tính và vệ tinh phức tạp hướng dẫn các vũ khí hiện đại dễ bị tổn hại trước các cuộc tấn công quân sự thông thường hay các cuộc tấn công trên mạng, các vũ khí có độ chính xác cao hơn hiện nay có thể hiệu quả chỉ khi chúng được sử dụng trước khi một đối thủ tấn công hay chấp nhận các biện pháp chống trả. Nếu sự kiềm chế thời bình nhường chỗ cho một cuộc tìm kiếm lợi thế trong một cuộc khủng hoảng, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không thể tự tin về tính lâu bền của các hệ thống quản lý các vũ khí thông thường tiên tiến của mình.

Trong những bối cảnh như vậy, cả Bắc Kinh lẫn Washington sẽ có động lực để bắt đầu một cuộc tấn công. Trung Quốc sẽ cảm thấy phải chịu áp lực đặc biệt mạnh mẽ, do những vũ khí thông thường tiên tiến của nước này hoàn toàn phụ thuộc hơn vào mạng máy tính, các điểm radar cố định, và các vệ tinh dễ bị tổn hại. Tính hiệu quả của các lực lượng tiên tiến của Mỹ ít phụ thuộc vào các hệ thống dễ bị tổn hại nhất này. Tuy nhiên, lợi thế Mỹ nắm giữ có thể khuyến khích nước này tấn công trước, đặc biệt là chống lại các vệ tinh Trung Quốc, do nước này sẽ có thể đối phó với sự trả đũa ăn miếng trả miếng của Trung Quốc.

Sự sụp đổ thông tin liên lạc

Cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung cũng có thể nguy hiểm hơn cả những cuộc quyết đấu thời Chiến tranh Lạnh vì tính không đáng tin cậy của các kênh liên lạc hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington. Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô trước đây và Mỹ đã thừa nhận tầm quan trọng của việc liên lạc trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất và thiết lập đường dây nóng Moskva-Washington. Vào năm 1998, Trung Quốc và Mỹ cũng đã thiết lập một đường dây nóng cho việc liên lạc trực tiếp giữa những người đứng đầu nhà nước của họ. Nhưng bất chấp tính khả dụng của đường dây nóng này, Nhà Trắng không thể liên lạc với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đúng lúc sau vụ đánh bom sứ quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999 hay vụ một máy bay do thám của Mỹ đụng độ máy bay chiến đấu của Trung Quốc vào năm 2001. Thất bại của Trung Quốc trong việc sử dụng đường dây nóng như dự tính có thể phản ánh sự miễn cưỡng phản ứng của giới lãnh đạo nước này cho tới khi họ đạt được một sự đồng thuận nội bộ hay cho tới khi họ đã bàn bạc mở rộng với quân đội của mình. Sự trì hoãn này cũng có thể phản ánh những khó khăn của Trung Quốc trong việc phối hợp chính sách, do Trung Quốc thiếu một đối tác đáng tin cậy với Hội đồng an ninh quốc gia của Mỹ. Dù lý do là gì đi nữa, kinh nghiệm cho thấy rằng những trì hoãn gây thất vọng trong liên lạc trực tiếp có thể diễn ra trong suốt thời gian cái sẽ là những thời khắc ban đầu quan trọng của một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung đang diễn ra.

Thay vào đó, sự liên lạc giữa hai nước ban đầu có thể giới hạn ở các tuyên bố công khai hay những dấu hiệu ngầm được gửi đi thông qua những hành động. Nhưng những tuyên bố công khai nhằm vào nhiều đối tượng thính giả và những tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở cả Trung Quốc lẫn Mỹ, cũng như áp lực từ các đồng minh, có thể buộc cả hai phía phải có lập trường công khai hung hăng hơn là họ thực sự cảm thấy cần thiết. Thiếu sự liên lạc trực tiếp và đáng tin cậy, cả hai nước không thể chia sẻ thông tin mà có thể giúp ngăn chặn một sự leo thang thảm họa, như những chi tiết bí mật về những khả năng quân sự hay những cuộc thao diễn quân sự đang được thực hiện.

Liên lạc thông qua các hành động cũng khó khăn, với nhiều khả năng thông tin bị bóp méo qua quá trình gửi thông điệp và hiểu sai khi nhận được chúng. Các nhà phân tích Trung Quốc dường như đánh giá quá cao việc phát đi những tín hiệu thông qua các hành động quân sự dễ dàng như thế nào và đánh giá thấp những nguy cơ leo thang bắt nguồn từ việc mất liên lạc. Chẳng hạn, các nhà phân tích Andrew Erickson và David Yang đã thu hút sự chú ý đối với những văn bản quân sự của Trung Quốc đề nghị sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc được tạo ra để nhằm mục tiêu các tàu sân bay của Mỹ, để truyền đạt giải pháp của Băc Kinh trong một cuộc khủng hoảng. Một số nhà tư tưởng quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có thể ra tín hiệu bằng việc bắn cảnh cáo nhằm vào vùng đất gần một tàu sân bay đang di chuyển của Mỹ hay thậm chí bằng việc thận trọng tấn công vào tháp chỉ huy của tàu sân bay Mỹ trong khi không đụng đến phần còn lại của tàu. Nhưng như nhà khoa học chính trị Owen Cote đã lưu ý, ngay cả một hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu rất chính xác cũng sẽ không thể tránh khỏi mắc lỗi. Do đó, ngay cả một loạt đạn nhỏ nhất kiểu này cũng sẽ kéo theo nguy cơ vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng và do vậy xảy ra một cuộc leo thang không dự tính trước.
Một nhân tố quan trọng cuối cùng có thể khiến một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung nguy hiểm hơn cả các cuộc khủng hoảng trong Chiến tranh Lạnh là địa lý. Tiêu điểm của các cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh chủ yếu là trên đất liền, đặc biệt là ở Trung Âu, trong khi cuộc đối đầu trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ gần như chắc chắn bắt đầu trên biển. Sự khác biệt này sẽ định hình cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung theo nhiều cách, đặc biệt là bằng cách đòi hỏi cả hai phía ngay từ đầu phải có một số lựa chọn có tính quyết định. Hạm đội nhỏ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo được vũ trang hạt nhân (SSBN) và hạm đội lớn hơn rất nhiều gồm các tàu ngầm tấn công vũ trang thông thường của Trung Quốc an toàn nhất khi chúng vẫn ở các vùng nước nông gần đại lục, nơi độ vang âm kém gây hại cho tính hiệu quả của các hoạt động chống tàu ngầm dưới biển của Mỹ. Việc chúng ở gần các máy bay và các hệ thống phòng không được đặt trên đất liền của Trung Quốc cũng làm hạn chế khả năng của Washington dựa vào không lực và tàu nổi để chống lại chúng. Tuy nhiên, để lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đóng một vai trò trong cuộc quyết đấu với Mỹ, thì chúng phải di chuyển ra khỏi những lãnh hải an toàn hơn đó.
Triển vọng các tàu ngầm Trung Quốc bước ra khỏi lãnh hải an toàn sẽ làm tăng đáng kể tính bất ổn của cuộc khủng hoảng. Mặc dù công nghệ chiến tranh chống tàu ngầm của Mỹ chống lại các tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động ở các vùng biển khơi ít tiếng ồn hơn (nơi Mỹ cũng có ưu thế trên không) là hiệu quả hơn, nhưng nó không hoàn hảo: một số tàu Hải quân Mỹ đã xuất hiện trong tầm ngắm của các tàu ngầm Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm. Do đó, ngay từ đầu một cuộc khủng hoảng, Mỹ sẽ tìm cách giảm tối thiểu nguy cơ này bằng cách đánh đắm các tàu ngầm tấn công Trung Quốc khi chúng tìm cách rời khỏi các lãnh hải an toàn của mình. Đặc biệt là vì chỉ có một vài tuyến đường chật hẹp qua đó các tàu ngầm Trung Quốc có thể đi tới những vùng nước sâu hơn, Mỹ sẽ tìm cách tấn công sớm thay vì chấp nhận mối nguy hiểm tăng lên đối với các lực lượng Hải quân Mỹ. Bất chấp quyết định của Mỹ, bất cứ tàu ngầm tấn công nào của Trung Quốc xoay sở để đi tới những vùng nước sâu hơn ở xa sẽ đối mặt với thế bế tắc “sử dụng chúng hay là đánh mất chúng” do tính dễ bị tổn hại hơn trước các lực lượng chống tàu ngầm của Mỹ – thêm một nguyên nhân tiềm tàng gây ra sự leo thang.

Các SSBN vũ trang hạt nhân của Trung Quốc cho thấy một mối đe dọa khác. Dưới chính sách không sử dụng trước, Trung Quốc đã tuyên bố rõ rằng bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này cũng sẽ biện minh cho sự trả đũa hạt nhân, khiến cho cuộc tấn công của Mỹ chống lại các SSBN của Trung Quốc dường như không thể xảy ra. Do đó, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh có thể tin rằng nước này có thể triển khai một cách an toàn các SSBN của mình đến các vùng biển sâu hơn ở xa, nơi chúng ở vào vị trí tốt nhất đế thực hiện các mệnh lệnh phóng. Tuy nhiên, sự triển khai đến các vùng biển sâu hơn như vậy sẽ gây ra những mối nguy hiểm mới. Một là khả năng các lực lượng hải quân Mỹ có thể nhầm một SSBN của Trung Quốc là một tàu ngầm tấn công thông thường và bắn nó, dẫn đến một cuộc trả đũa bằng hạt nhân của Trung Quốc, Một mối nguy hiểm nữa là một SSBN của Trung Quốc có thể leo thang cuộc xung đột mà không có những mệnh lệnh rõ ràng từ Bắc Kinh, do sự liên lạc hạn chế mà các tàu ngầm như vậy vẫn duy trì với đại lục đế tránh bị phát hiện.

Xử lý mối đe dọa

Những cơ hội cho một cuộc khủng hoảng Mỹ-Trung trong những năm tới là rất thấp, nhưng chúng không phải là không đáng kế, và chúng đang gây nhiều rắc rối hơn do nguy cơ xảy ra một cuộc leo thang đối đâu như vậy. Những bước đi quan trọng nhất mà Bắc Kinh và Washington có thể thực hiện là những bước đi có thể giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng không phát triển ngay từ đầu. Do tình trạng không chắc chắn về phạm vi những lợi ích sống còn của các bên sẽ là nguyên nhân gây ra những cuộc khủng hoảng như vậy, hai nước này cần phải làm sâu sắc những sự trao đổi chính trị và quân sự mà tập trung chặt chẽ vào vấn đề này. Cho dù không thể đạt được tính hoàn toàn minh bạch, các cuộc thảo luận có thể giúp thu hút sự chú ý vào những gì cả hai bên cho rằng gây ra những nguy cơ lớn nhất.

Mặc dù sẽ khó có thể loại trừ khả năng xảy ra các cuộc đối đầu Mỹ- Trung, cả hai nước có thể làm nhiều hơn để giải quyết những nguyên nhân gây ra sự bất ổn tiềm tàng và cải thiện khả năng của họ xử lý các nguy cơ mà họ đối mặt trong một cuộc khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo ở Washington có thể chia sẻ kinh nghiệm dồi dào của mình trong việc xử lý khủng hoảng với các đồng nghiệp Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp chính sách. Thêm nữa, Mỹ cần nhấn mạnh việc Trung Quốc cần phải sử dụng đường dây nóng đang tồn tại để có được sự liên lạc tức thời và trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước trong một cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc và Mỹ cũng nên làm sâu sắc những sự trao đổi giữa quân đội hai nước ở mức độ vừa phải hiện nay. Không gây tổn hại cho những bí mật cơ bản, việc tăng sự hiểu biết về hệ thống quân sự và những thực tiễn của mỗi bên sẽ làm giảm những nguy cơ xảy ra sự leo thang không chủ đích trong một cuộc đối đầu. Sẽ là khôn ngoan nếu cả hai phía thúc đẩy sự hiểu biết cá nhân lớn hơn giữa các sĩ quan chỉ huy ở cả hai nước mà trong sự kiện có khủng hoảng, sẽ thiết lập được đôi chút lòng tin mà sẽ hữu ích nếu các nhà lãnh đạo chính trị tìm cách xuống thang cuộc xung đột.

Việc để Bắc Kinh và Washington giải quyết nhiệm vụ khó khăn là kiềm chế một cuộc khủng hoảng trong tương lai sẽ là không dễ dàng. Cuối cùng, có thể lấy kinh nghiệm của việc sống sót một cuộc quyết đấu khủng khiếp theo kiểu đã xác định cuộc Chiến tranh Lạnh lúc trước. Nhưng điều đó không hẳn phải xảy ra./.



No comments:

Post a Comment

View My Stats