Monday, 17 March 2014

MÁY BAY MALAYSIA : BI KỊCH KHÔNG HỒI KẾT (RFI, VOA)




Thanh Hà  -  RFI
Thứ hai 17 Tháng Ba 2014

Sau gần 10 ngày mất tích, giới điều tra vẫn chưa xác định được vị trí của chiếc máy bay Malaysia. Cảnh sát Malaysia cho biết một kỹ sư không lưu có mặt trong số hơn 200 hành khách của chuyến bay nối liền Kuala Lumpur với Bắc Kinh. Tuy nhiên mọi chú ý đang tập trung về cơ trưởng và phi công phụ. Pháp điều chuyên gia đến Kuala Lumpur. 26 nước tham gia việc tìm kiếm tại hai khu vực được khoanh vùng ở phía bắc và phía nam Ấn Độ Dương.

Từ thủ đô Malaysia, đặc phái viên RFI Carrie Nooten gửi về bài tường trình :

« 26 quốc gia tham dự vào công cuộc tìm kiếm. Mọi công tác được tập trung ở hai địa điểm đã được Malaysia khoanh vùng. Kuala Lumpur yêu cầu tất  cả 26 quốc gia cung cấp thông tin thu thập được từ vệ tinh và radar. Chuyên gia Pháp, Jean Paul Troadec nguyên là giám đốc Cơ quan Điều tra và phân tích về an toàn của ngành hàng không dân sự (BEA) vừa được điều tới Malaysia để phân tích những dữ liệu thu thập được tới nay. Theo ông, khác biệt rất lớn giữa vụ máy bay Malaysia mất tích lần này với tai nạn máy bay của hãng hàng không Pháp AF447 lâm nạn năm 2009 đó là chiếc máy bay nối liên Rio với Paris của hãng Air France đã được định vị. Lần này, máy bay Malaysia hoàn toàn bặt vô âm tín.
Chuyên gia Pháp lưu ý : hình ảnh chụp từ vệ tinh tương đối mờ và không chính xác, nhưng nếu như radar quân sự của Malaysia đã phát hiện được chiếc Boeing 777 thì đó phải là những hình ảnh khá chính xác. Dù vậy ông Troadec cho rằng, ngày nào mà các nhà điều tra còn chưa biết rõ là máy bay rơi ở đâu hay hiện đang ở khu vực nào thì tìm kiếm trên biển hay ở dưới lòng đại dương đều hoài công.
Vào hôm nay chính quyền Malaysia vừa quyết định tiếp tục tìm kiếm máy bay ở ngoài khơi Biển Đông và Ấn Độ Dương. Dường như kể từ đầu, Kuala Lumpur đã đưa ra nhiều quyết định không hợp lý » !

-------------------------------

Ron Corben  -  VOA
17.03.2014

BANGKOK — Malaysia cho biết 25 nước đang tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất dạng trên màn ảnh radar cách nay hơn một tuần. Quyền Bộ trưởng Giao thông Hishammuddin Hussein cho biết như thế hôm chủ nhật trong lúc các nhà phân tích nói rằng các nước trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ hơn trong lãnh vực an toàn và an ninh hàng không. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Ron Corben gởi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Australia hôm nay nói với quốc hội nước ông rằng Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã yêu cầu Australia dẫn đầu cuộc tìm kiếm ở phần phía nam.

"Ông ấy yêu cầu Australia nhận trách nhiệm tìm kiếm ở vùng phía nam, nơi mà giới hữu trách Malaysia giờ đây nghĩ là một trong các đường bay mà chiếc máy bay xấu số này có thể đã bay. Tôi đồng ý là chúng ta sẽ làm như vậy. Tôi đã đề nghị cung cấp thêm cho vị thủ tướng của Malaysia những nguồn lực theo dõi trên biển. Ông ấy đã chấp nhận với lòng biết ơn."

Trước đó, Thủ tướng Abbott nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc máy bay đó tiền gần không phận Australia.

Hôm qua, Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết số nước tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 đã tăng lên tới 25 và tập trung vào hai hành lang bay: một ở Ấn Độ dương và một ở vùng Nam Á.

Tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm chủ nhật, ông Hishammuddin nói rằng cuộc tìm kiếm được nới rộng mang lại những thách thức mới trong lúc hy vọng tìm được chiếc phi cơ phải dựa nhiều hơn vào các dữ liệu vệ tinh."Khu vực tìm kiếm đã được nới rộng rất nhiều và tính chất của cuộc tìm kiếm đã thay đổi. Từ chỗ tập trung vào những vùng biển cạn, giờ đây chúng tôi đang tìm kiếm ở những khu vực rộng lớn trên đất liền bao gồm 11 quốc gia và ở những vùng biển sâu và hẻo lánh. Số nước tham gia cuộc tìm kiếm đã từ con số 14 tăng lên 25, và việc này mang lại những thách thức mới trong việc phối hợp và ngoại giao."

Ông Hishamuddin cũng kêu gọi Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Pháp cùng với các nước khác cung cấp thêm các dữ liệu vệ tinh để tìm chiếc máy bay.

Các giới chức cảnh sát Malaysia cho hay một cuộc điều tra chính thức nhắm vào viên phi công chính và viên phi công phụ của chuyến bay MH370 đang được thực hiện và nhà của hai người đó ở ngoại ô Kuala Lumpur đã bị lục soát.

Cảnh sát đang kiểm tra một buồng lái giả mà họ lấy đi từ nhà của viên phi công và thẩm vấn những viên kỹ sư có thể đã có tiếp xúc với chiếc máy bay trước khi máy bay rời Kuala Lumpur.
x
Chiếc máy bay cất cánh từ Kuala Lumpur vào sáng thứ 7, ngày 8 tháng 3, để đi Bắc Kinh với 239 người, gồm hành khách và phi hành đoàn, nhưng đã bị mất liên lạc với nhân viên kiểm soát không lưu trong khi sắp sửa tiến vào không phận Việt Nam.

Hôm thứ bảy vừa qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói rằng “hành động cố ý” của người nào đó trên máy bay đã làm cho máy bay đổi hướng bay về hướng tây. Các nhà điều tra nói rằng máy bay có thể đã bay thêm nhiều tiếng đồng hồ. Các máy thu phát tín hiệu gắn vào động cơ máy bay đã phát tín hiệu cho các cơ sở dưới đất. Các dữ liệu thu thập được cho thấy máy bay có thể đã ở trên mặt đất một khoảng thời gian.

Tin tức hôm chủ nhật cho biết trước khi viên phi công nói lời chào “ngủ ngon” với nhân viên không lưu ở Kuala Lumpur, hệ thống ACARS, hệ thống liên lạc chính của máy bay, đã bị tắt. Nhưng viên phi công khi đó đã không tỏ dấu hiệu nào cho thấy trên máy bay có vấn đề. Hệ thống thu phát tín hiệu tự động về lý lịch của máy bay cũng bị tắt một cách cố ý.

Các nhà phân tích nói rằng chỉ có những người rất thành thạo về máy bay mới thực hiện những việc như vậy để tắt các hệ thống liên lạc và theo dõi. Họ cho rằng người lái máy bay có thể tìm cách đánh lạc hướng nhân viên kiểm soát phi hành trên mặt đất hoặc đã hành động dưới sự cưỡng ép của một người nào đó biết rành về máy bay.

Các giới chức Mỹ nói rằng chiếc máy bay có lẽ đã bị cướp và cuộc tìm kiếm giờ đây tập trung vào hai hành lang phi hành: một hành lang ở tây bắc chạy từ Thái Lan cho tới biên giới Kazakhstan và Turkmenistan, và hành lang kia chạy về hướng nam tới Ấn Độ dương.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng của Đại học New South Wales ở Australia, cho rằng những vấn đề trong cuộc tìm kiếm cho thấy cần phải gia tăng sự hợp tác khu vực về an toàn hàng không, đặc biệt là giữa các cường quốc chính như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Giới hữu trách Trung Quốc đã chỉ trích Malaysia vì điều mà họ cho là không cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời.

"Bài học ở đây là các cường quốc phải học cách hợp tác với nhau. Khi chiếc máy bay được cho là rơi ở khu vực Biển Đông và Vịnh Thái Lan, Malaysia là nước gánh vác nhiệm vụ chính. Theo nhận xét của tôi, Malaysia đã xử sự rất tốt. Nhưng một khi chiếc máy bay bay về hướng tây thì Trung Quốc đành bó tay. Sau đó máy bay đã bay tới những khu vực mà Hoa Kỳ và Ấn Độ có khả năng nhiều hơn để đáp ứng."

Giáo sư Thayer nói rằng các tổ chức khu vực như ASEAN và các đối tác khu vực cần thực thi những hiệp định về an ninh và an toàn mà họ ký kết với nhau sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng sự lơ là trong sự vận hành là một yếu tố có thể gây phương hại cho an ninh hàng không và sự an toàn của hành khách.


No comments:

Post a Comment

View My Stats