Lê Mạnh
Hùng
Wednesday, March 26, 2014 5:37:50 PM
Từ nhiều tuần nay, chính phủ Anh đều đã hung hăng nói một cách cứng rắn về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ mình. Ngoại Trưởng William Hague còn đe dọa sẽ có “những hậu quả và tổn phí khác” nếu Nga từ chối không chịu nhượng bộ. Nhưng khi Nga cứ tiếp tục lấn tới, những biện pháp trừng phạt mà Liên Hiệp Châu Âu cũng như Hoa Kỳ đưa ra thật sự là khá khiêm tốn.
Ðó là vì một điều không nói ra, nhưng tại Luân Ðôn,
nhất là khu tài chánh City (tương đương với Wall Street) của New York, người ta
biết rõ rằng chính phủ Anh cố gắng làm đủ cách để cho những tính toán chính trị
không cản trở những lợi ích kinh tế mà những tỷ phú Nga mang lại.
Ðược nhiều người Nga sống tại đây gọi một cách thân
mật dưới tên là “Londongrad,” một phần của thủ đô nước Anh đã trở thành quê nhà
cho nhiều người Nga. Trong số này có rất nhiều những doanh nhân có tên tuổi và
Luân Ðôn đã trở thành một trung tâm qua đó các công ty Nga làm ăn với thế giới.
Trong những năm qua, cả một thế hệ những doanh nhân Nga đã lần lượt sang Luân
Ðôn để tìm một tư cách đáng kính trọng sau một chuỗi dài những năm hoạt động
trong vùng xám của pháp luật tại trong nước.
Sự hiện diện của người Nga tại Luân Ðôn được thể
hiện dưới nhiều khía cạnh. Bằng chứng hiển hiện nhất là trong nhà ở. Người Nga,
kể từ những tài phiệt tỷ phú đến các doanh nhân thường và quan chức cao cấp là
nhóm lớn nhất mua những bất động sản trị giá từ 10 triệu bảng Anh (khoảng 16
triệu đô la Mỹ) trở lên.
Những cá nhân này cũng là một trong những nhóm khác
hàng then chốt của các công ty quản lý tài chánh tư nhân của Anh. Nhưng thị
trường tài chánh Luân Ðôn mới là nơi mà ảnh hưởng của tiền Nga được cảm thấy
mạnh nhất. Hiện đã có 113 công ty Nga và khu vực Cộng Ðồng Các Quốc Gia Ðộc Lập
(CIS - tổ chức bao gồm những quốc gia thuộc Liên Xô cũ) đang ý bán cổ phiếu
trên thị trường chứng khoán Luân Ðôn. Các ngân hàng đặt trụ sở tại khu City
cũng tham gia vào việc làm ăn với Nga qua những đường dây tín dụng.
Theo Sergei Ostrovsky thuộc công ty luật sư quốc tế
Ashurst thì “có rất ít trung tâm tài chánh quốc tế giống như khu City of London
mà không những hiểu biết về nước Nga mà còn thân thiện đối với giới doanh nhân
Nga. Thành ra đó đã trở thành một khuynh hướng từ nhiều năm nay rồi.”
Với tính chất giới hạn của những trừng phạt hiện nay
đối với Nga, người ta cho rằng chúng sẽ không có ảnh hưởng bao nhiêu đối với
những tài sản người Nga để ở Luân Ðôn cũng như khả năng sử dụng chúng của họ.
Tuy nhiên tại thị trường tài chánh, các nhà ngân hàng đang chuẩn bị chịu đựng
qua một giai đoạn khó khăn ít nhất là trong ngắn hạn. Sự suy yếu của đồng rup
Nga cũng như trị giá các công ty Nga trên thị trường phản ánh những e ngại của
các nhà đầu tư với chế độ hiện nay của Nga và chúng cũng ảnh hưởng đến một
trong những công việc chính của thị trường tài chánh: phát hành cổ phiếu và
trái phiếu (vốn và nợ). Thị trường dự trù sẽ đóng đối với các doanh nghiệp Nga
trong những tháng tới, đó là ý kiến của một luật sư, “Ngay cả nếu không có thêm
những biện pháp trừng phạt mới, cũng sẽ không có những buôn bán mới, ít nhất là
cho đến sau mùa hè.”
Dù các trừng phạt nhẹ nhàng đến mấy, theo các nhà
ngân hàng tại khu City, “Chính phủ Nga đã tự biến mình thành một nhà nước phi
pháp. Dù phương Tây có không làm gì chăng nữa, họ cũng đã tự trừng phạt mình.”
Nhưng trong những lãnh vực khác, đặc biệt là lãnh
vực nhà ở, mọi sự vẫn như cũ. Theo các nhà địa ốc Luân Ðôn, những căng thẳng
chung quanh Ukraine không có bao nhiêu hy vọng ảnh hưởng đến thị trường địa ốc
đang hưng phấn tại Luân Ðôn. Theo Kate Allen, một phân tích gia về thị trường
địa ốc Luân Ðôn, triển vọng những trừng phạt đối với một số cá nhân người Nga,
thay vì hành động như là một răn đe, lại có tác động ngược lại thúc đẩy người
ta bỏ thêm tiền vào mua bất động sản.
“Phân bộ Nga của chúng tôi hiện đang bận rộn hơn bao
giờ hết,” đó là lời nói của Roarie Scarisbrick, giám đốc công ty địa ốc hạng
sang Property Vision. “Chắc hẳn là có một vài viên chức chính phủ Nga ở trong
tình trạng khó khăn phải giải quyết trong vài tháng tới, nhưng quan tâm của
người Nga với Luân Ðôn đi sâu hơn nhiều.”
Theo Yolande Barnes, giám đốc nghiên cứu của công ty
địa ốc Savills thì thay vì bán đi những nhà cửa tại Luân Ðôn, người Nga sẽ tìm
cách giữ chúng lại, “Chúng tôi không dự trù rằng người Nga sẽ thanh toán các
tài sản của họ ở đây mà trái lại chúng tôi nghĩ rằng tình trạng bất trắc địa
chính trị này chỉ làm tăng thêm những nhu cầu mua những tài sản có giá trị bảo
đảm như nhà đất tại Luân Ðôn.”
Hậu quả, theo bà Yolande Barnes là ảnh hưởng đối với
giá nhà tại Luân Ðôn của cuộc khủng hoảng này rất giới hạn, Theo các dữ liệu
của Savills, hiện nay khoảng 2% số người mua nhà đắt tiền tại Luân Ðôn là người
Nga, và họ chi ra một số tiền trung bình là 4.5 triệu bảng Anh (khoảng 7 triệu
đô la Mỹ) cho mỗi tài sản.
Theo David Adams, giám đốc điều hành công ty bất
động sản hạng sang quốc tế John Taylor thì hầu hết những người Nga muốn mua nhà
đều đã mua rồi: “Rất nhiều người Nga có tên tuổi đã mua nhà tại Luân Ðôn và
định cư tại đây.” Con số trẻ em bố mẹ là người Nga được ghi tên học tại các
trường tư của Anh, theo số liệu của Hội Ðồng Các Trường Ðộc lập (Independent
School Council) đã tăng trên một phần tư trong năm 2013.
Một trong những điều mỉa mai của việc trừng phạt
nhắm vào những cá nhân mà Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu áp đặt đối với Nga là Luân
Ðôn có thể trở thành nơi mà người ta đệ đơn kiện chống lại những biện pháp
trừng phạt đối với họ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Theo
Yuri Botnik, một luật sư tại công ty luật quốc tế Pinsent Masons, “Luân Ðôn có
thể trở thành chiến trường của luật pháp. Nếu việc di chuyển các tài sản vào và
ra khỏi các trương mục tại Luân Ðôn bị ngăn chặn, ta có thể chờ đợi thấy những
hành động đầu tiên của chiến trường này tại tòa Thượng Thẩm Luân Ðôn.”
No comments:
Post a Comment