Thursday 6 March 2014

KHÔNG SA BẪY MÀ CŨNG CHẲNG CÀI BẪY (Nguyễn Tường Thụy)






CHUYỆN BÙI THỊ MINH HẰNG :


Thứ Năm, ngày 06 tháng 3 năm 2014

Cài bẫy là tạo ra một hoàn cảnh, tình huống nào đó để đẩy người bị cài bẫy có hành động mà người cài bẫy mong muốn.

Sa bẫy là người bị cài bẫy hành động đúng như người cài bẫy mong muốn.

Ví dụ: Một anh chồng biết vợ ngoại tình nhưng chưa có bằng chứng. Anh ta giả vờ đi đâu đó thật xa, nhiều ngày nhưng thực ra anh ta ẩn náu ở quanh đấy. Đến tối anh ta bất chợt về nhà, thấy vợ đang ân ái với người tình. Đó là anh ta cài bẫy và cô vợ kia dính bẫy.

Trường hợp Bùi Thị Minh Hằng không phải thế.

Nói công an cài bẫy Bùi Hằng và Bùi Hằng dính bẫy là không đúng. Nói thế, vô hình trung công nhận BH đã vi phạm pháp luật. Chúng chỉ rình cho Bùi Hằng vi phạm pháp luật. Bùi Hằng đã quá rõ những âm mưu thủ đoạn nhằm hãm hại chị nên rất tỉnh táo trước ngón nghề này của chúng nó.

Vụ bắt Bùi Hằng cũng không phải là công an cài bẫy mà đơn giản là nó nghe tin nên kéo quân đến đàn áp. Qua truyền hình Đồng Tháp cho thấy, không có bằng chứng nào chứng tỏ Bùi Hằng vi phạm pháp luật:

Dù hàng trăm người với cả rừng máy quay được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn không cho thấy cảnh nào Bùi Hằng và đoàn người đánh nhau với công an. Mà một nhúm đàn bà con gái đánh làm sao được chứ.

Không thấy cảnh "tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng".

Còn cảnh chúng dùng gậy bổ vào đầu đoàn người, còng tay Bùi Hằng lên xe lại đánh tiếp, cướp tài sản như các nhân chứng kể thì cũng không có trên truyền hình Đồng Tháp - tất nhiên rồi.

Vấn đề là chúng thấy cần bắt Bùi Hằng thì bắt thì bắt thôi.

Với Bùi Hằng thì cho dù có biết công an đón lõng trên đường đến thăm và chia sẻ với gia đình Nguyễn Bắc Truyển, Bùi Thị Kim Phượng thì chị vẫn đi như thường.

Vậy nên không thể nói về cái bẫy nào đó trong vụ bắt Bùi Hằng vô pháp.

6/3/2014
NTT

Được đăng bởi Nguyễn Tường Thụy vào lúc 3/06/2014 09:16:00 CH

---------------------------------------

BBC
Cập nhật: 08:08 GMT - thứ năm, 6 tháng 3, 2014

Bà Bùi Thị Minh Hằng, một người tham gia nhiều cuộc biểu tình, đang tuyệt thực tại trại tạm giam của công an tỉnh Đồng Tháp để phản đối việc mình bị bắt giữ, gia đình bà cho biết.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 6/3, cô Đặng Thị Quỳnh Anh, con gái bà Hằng, nói: "Hôm vừa rồi, đến ngày thăm gặp, tôi có xuống để gửi đồ và nước uống cho mẹ tôi.
"Tôi có gặp một giám thị trại giam ở đấy và hỏi về vấn đề sức khỏe của mẹ tôi thì được xác nhận là mẹ tôi đã tuyệt thực kể từ ngày bị giam giữ tại Lấp Vò."
"Bà chỉ uống trà thảo mộc và hoàn toàn không ăn gì".
Quỳnh Anh cũng cho biết tính đến ngày 6/3, bà Hằng đã bị giam giữ tổng cộng là 24 ngày.

Khởi tố vụ án

Bà Hằng bị bắt từ ngày 11/2 khi đang cùng 20 người khác đến thăm nhà cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
"Lúc đi cùng với mẹ tôi còn có 20 người khác ... trên đường đi thì bị một lực lượng lớn công an huyện Lấp Vò chặn lại và dùng dùi cui đánh đập cả đoàn, cướp giật tài sản, máy móc rồi dẫn cả đoàn về giam tại công an huyện Lấp Vò," anh Trần Bùi Trung, con trai bà Hằng, nói với BBC hôm 22/2.

'Mẹ tôi tuyệt thực từ ngày bị bắt'
Chị Đặng Thị Quỳnh Anh, con gái bà Bùi Thị Minh Hằng, nói mẹ mình đã tuyệt thực kể từ ngày bị công an huyện Lấp Vò bắt giữ cách đây 24 ngày.

Sang ngày 12/2, 18 người trong số này được trả tự do, ngoại trừ bà Hằng và hai người khác là bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh.

Trong khi đó, ngày 1/3 báo điện tử Công an Nhân dân cho biết: "Sáng 11/2, tổ tuần tra giao thông công an huyện Lấp Vò đang tuần tra trên tuyến tỉnh lộ 846, phát hiện một nhóm hàng chục xe môtô chạy dàn hàng ngang trên đường nên ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra."
"Tuy nhiên, nhóm người này không chấp hành, còn tuyên bố kéo đến nhà Bùi Thị Kim Phượng gây áp lực với chính quyền cơ sở, đồng thời, có hành vi, lời lẽ thoá mạ, thách thức và tấn công người dân cùng lực lượng đang làm nhiệm vụ."
"Ngày 28/2, công an huyện Lấp Vò đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh về hành vi 'Gây rối trật tự công cộng' và Nguyễn Văn Minh về hành vi 'Chống người thi hành công vụ'.
"Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lấp Vò đã phê chuẩn quyết định khởi tố" đối với các bị can, CAND nói thêm, đồng thời cho biết "hiện vụ án đang được điều tra mở rộng và xử lý các đối tượng có liên quan".

Theo Quỳnh Anh, cho đến nay, phía công an vẫn chưa có văn bản chính thức gửi đến gia đình về quyết định khởi tố đối với bà Hằng và lần duy nhất gia đình nghe tin bà Hằng bị khởi tố là từ lời nói miệng của một điều tra viên ở cơ quan điều tra huyện Lấp Vò.

Kêu gọi giúp đỡ

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển bị câu lưu hôm 9/2 nhưng sau đó đã được thả.

Tối ngày 5/3, trên các trang mạng đã xuất hiện một 'tâm thư' của Quỳnh Anh, kêu gọi "sự giúp đỡ vật chất" cũng như sự "tư vấn, góp ý" giúp gia đình "trong cuộc đấu tranh đòi hỏi sự công bằng cho mẹ tôi".
Quỳnh Anh đã xác nhận về bức thư này trong cuộc phỏng vấn với BBC:
"Sau khi thống nhất ý kiến gia đình gồm tôi và hai em trai thì tôi đã đứng ra và đăng tải bức thư đó lên," cô nói.
"Chúng tôi đã thống nhất với nhau là thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mẹ tôi, nhưng hoàn cảnh gia đình lại khó khăn."
Quỳnh Anh cho biết sáng ngày 6/3, đã có một số người gọi điện đến ngỏ ý giúp đỡ gia đình.

Bà Bùi Thị Minh Hằng là người tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, từng bị chính quyền đưa vào trại cải tạo Thanh Hà với lý do ‘gây rối trật tự công cộng’ hồi năm 2012.
Sau khi được thả về, bà đã đâm đơn kiện ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, vì quyết định hành chính của UBND Hà Nội về áp dụng biện pháp đưa bà vào 'cơ sở giáo dục'.



No comments:

Post a Comment

View My Stats